Hai người phụ nữ ghi dấu ấn đặc biệt trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc

10:29 27/09/2017
Tờ New York Times số ra ngày 26-10-1985 viết về Mẹ Teresa: "Sau một tuần lễ dành cho các ông hoàng, các tổng thống và thủ tướng, lời tung hô nồng hậu nhất của lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Liên Hiệp Quốc sẽ được dành cho một phụ nữ nhỏ bé, mang dép và mặc áo sari…".


Mẹ Teresa: "Chỉ có thể làm những điều nhỏ bé bằng tình yêu vĩ đại"

Mẹ Teresa-còn được gọi là "Nữ thánh Teresa thành Calcutta"- là một nữ tu và nhà truyền giáo Công giáo Roma người Ấn Độ gốc Albania. Bà sinh năm 1910 tại Skopje, thủ đô Cộng hòa Macedonia ngày nay, khi đó thuộc Đế quốc Ottoman.

Năm lên 18 tuổi, bà rời quê hương tới Ireland rồi Ấn Độ, nơi bà sống và phụng sự trong phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời. Tại đây, trong gần 20 năm  đầu, bà dạy môn địa lý ở Trường Thánh Maria dành cho các nữ sinh xuất thân từ tầng lớp thượng lưu. Sống và làm việc trong ngôi trường kín cổng cao tường, chỉ gặp gỡ những người khá giả đã làm cho bà gần như hoàn toàn cách biệt với xã hội bên ngoài.

Tất cả đã hoàn toàn thay đổi vào ngày 10-9-1946, khi bà đáp một chuyến tàu bình dân đến thành phố Darjeeling, vị nữ tu bàng hoàng chứng kiến vô số cảnh đời nghèo khổ. Sau chuyến tàu ấy, bà quyết định sẽ toàn tâm toàn ý phục vụ "những người nghèo nhất trong số những người nghèo".

Trở về, nữ tu Bojaxhiu xin phép rời khỏi nhà dòng. Nữ tu Bojaxhiu bắt đầu hành trình mới, thẳng tiến đến những khu ổ chuột rách nát nhất Kolkata (tên gọi sau này của Calcutta). Bà đổi tên theo tên của Thánh Teresa miền Lisieux (Pháp) và sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái vào năm 1948. Để có thể phục vụ người nghèo một cách hiệu quả, bà học một khóa đào tạo y tá trong 3 tháng. Không lâu sau khóa học, người đầu tiên mà bà chăm sóc là một cụ già bị bỏ rơi ở bãi rác, kiến bu đầy thân.

Trong hơn 40 năm, bà vừa tận tụy chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi vừa làm tròn sứ mệnh lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ và đến các quốc gia khác. Các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng của Mẹ Teresa được toàn thế giới biết đến, một phần qua quyển sách và cuốn phim tư liệu mang tựa đề “Something Beautiful for God” của Malcome Muggeridge.

Mẹ Teresa - biểu tượng của hòa bình và lòng bác ái.

Đến thời điểm bà từ trần năm 1997, dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa vẫn không ngừng phát triển. Tổ chức từ thiện này đang điều hành 610 cơ sở truyền giáo tại 123 quốc gia, trong đó có các nhà trọ và nhà tình thương cưu mang người nghèo mắc bệnh HIV/AIDS, những bệnh nhân phong và lao, phát triển các bếp ăn từ thiện, các chương trình tư vấn cho gia đình và trẻ em, các trại mồ côi và trường học.

Mẹ Teresa nổi tiếng với câu nói "Trong cuộc sống này, chúng ta không thể làm những điều vĩ đại. Chúng ta chỉ có thể làm những điều nhỏ bé bằng tình yêu vĩ đại mà thôi". Chính vì đã "làm những điều nhỏ bé với tình yêu vĩ đại" mà Mẹ Teresa đã trở thành một con người vĩ đại. Ngày 10-12-1979, mẹ được trao giải Nobel Hòa Bình.

Nhà báo Élie Maréchal nhận định trên tờ Le Figaro: "Di sản của Mẹ Teresa gồm 2 bộ tu phục áo sari (trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ) trắng viền xanh, 1 xâu chuỗi, 1 túi xách bằng vải, 1 cây dù, 1 đôi dép xăng đan và 1 áo len xanh cho mùa lạnh. Nhưng hơn hết, mẹ đã để lại một công trình bác ái đồ sộ".

Ngoài Giải Nobel Hòa bình, Mẹ Teresa đã nhận được 124 giải thưởng từ nhiều tổ chức, chính phủ, bao gồm: Huy chương Tự do do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trao tặng (1985); Huy chương vàng của Ủy ban Hòa bình Liên Xô (1987)... Năm 2010, chính phủ Ấn Độ đã cho phát hành đồng xu 5 rupee có in hình ảnh Mẹ Teresa. Lễ trao giải Nobel Hòa bình cho vị nữ tu này tại Tòa thị chính thủ đô Oslo của Na Uy vào tháng 12-1979 rất đặc biệt. Mẹ Teresa đã đề nghị bỏ tiệc chiêu đãi truyền thống với sự tham dự của gia đình hoàng gia và Thủ tướng Na Uy. Chi phí dành cho bữa tiệc tương đương 7.000 USD, đã được chuyển cho quỹ hỗ trợ người nghèo.

Năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc, Mẹ Teresa được mời đọc diễn văn tại trụ sở của tổ chức này ở thành phố New York. Tờ New York Times số ra ngày 26-10-1985 viết: "Sau một tuần lễ dành cho các ông hoàng, các tổng thống và thủ tướng, lời tung hô nồng hậu nhất của lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Liên Hiệp Quốc sẽ được dành cho một phụ nữ nhỏ bé, mang dép và mặc áo sari…".

Giới thiệu về mẹ Teresa trước cử tọa khoảng 1.000 người, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc đó là ông Javier Perez de Cuellar, phát biểu: "Trong tuần lễ này chúng ta vinh dự được tiếp đón những người đàn ông quyền lực nhất trên thế giới. Giờ chúng ta có đặc ân tiếp đón một người đàn bà quyền lực nhất trên thế giới. Tôi nghĩ không cần phải giới thiệu nhiều về bà vì đây là người không cần lời nói mà chỉ cần hành động. Tôi nghĩ điều tốt nhất tôi có thể làm là ca ngợi bà và nói với bà rằng, bà quan trọng hơn tôi, hơn mọi người chúng ta. Người là Liên Hiệp Quốc. Người là biểu tượng hòa bình trên thế giới này".

Trước đại diện cho hàng trăm quốc gia trên thế giới, bài diễn văn của Mẹ Teresa lay động cả nghìn đại biểu bằng đoạn mở đầu: "Trong lần cuối cùng ở Trung Hoa, người ta hỏi tôi: 'Theo bà, người Cộng sản là ai?' Tôi đã trả lời: 'Là anh chị em của tôi'. Đó chính là điều quý vị và tôi sinh ra để trở thành anh chị em của nhau. Bàn tay tạo hóa đã nhào nặn nên quý vị và tôi, dựng nên người ngoài phố, dựng nên người phong cùi, người đói ăn, người giàu có vì cùng một mục đích như nhau: để yêu thương và được yêu thương. Và đó là điều mà quý vị và tôi cùng đến với nhau hôm nay để tìm các phương thức kiến tạo hòa bình". 

Cả phòng họp mênh mông của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lặng im phăng phắc khi Mẹ Teresa kết thúc diễn văn bằng lời nói ân cần: "Nếu quý vị ở lại với nhau, quý vị sẽ yêu thương nhau… Vâng, đó là điều khiến quý vị và tôi đã đến đây để khởi sự 'Năm Hòa Bình'. Tất cả chúng ta đều sợ vũ khí hạt nhân và mong muốn hòa bình …" .

Malala Yousufzai: "Một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cây bút có thể thay đổi thế giới".

Đầu năm 2008, người cha dẫn cô bé Malala Yousufzai mới 11 tuổi đến Peshawar nói chuyện với một câu lạc bộ báo chí địa phương. Cô bé phát biểu trước đám đông: "Tại sao Taliban dám tước đoạt quyền tiếp cận giáo dục của tôi?", đồng thời tiết lộ cô đã giấu mấy quyển sách giáo khoa trong quần áo khi đến trường. Sang năm 12 tuổi, Malala nhận viết blog cho hãng thông tấn BBC.

Malala Yousafzai phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Trong các bài viết, Malala mô tả cuộc sống tại quê nhà ở thung lũng Swat, nơi Taliban chiếm đóng, vận động chống lại việc Taliban định áp đặt chính sách "ngu dân" cho phụ nữ và luôn đề cao việc phải phổ cập giáo dục cho họ. Những bài viết sắc bén của blogger Gul Makai - "Hoa bắp" (bút danh BBC đặt để bảo vệ danh tính Malala) khiến thế giới phải chú ý. Từ những bài viết trên BBC, thế giới biết rõ hơn thực trạng của người dân dưới ách Taliban. Một năm sau, The New York Times đã sang tận Pakistan để làm phim tài liệu về cuộc đời cô bé.

Từ đó, Malala Yousafzai được thế giới biết đến như một nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt là nữ quyền trong các quốc gia Hồi giáo. Khi Malala càng được thế giới ca ngợi vì tinh thần đấu tranh bền bỉ cho phụ nữ, em càng trở thành cái gai trong mắt Taliban. Taliban xem cô bé là "kẻ thù chế độ" và ra lệnh hạ sát em.

Bản án tử hình Malala Yousafzai được đăng tải rộng rãi trên báo chí địa phương, thậm chí, chúng còn được nhét dưới cửa nhà em. Nhưng Malala không hề sợ hãi, em vẫn tiếp tục đến trường và còn vận động các bạn gái đi học cùng mình. Vào buổi chiều ngày 9-10-2012, trên một chiếc xe buýt từ trường về nhà, cô bé 15 tuổi Malala đang vui vẻ trò chuyện cùng bạn bè. Chiếc xe vừa ra khỏi thành phố Mingora, Pakistan, thì bị hai kẻ cầm súng chặn giữa đường.

Chúng ngang tàng bước lên xe, hỏi: "Đứa nào là Malala Yousafzai?". Cả xe lặng ngắt, nhưng một số em, theo bản năng, ngoái nhìn Malala. Theo hướng mắt ấy, hai gã đàn ông nhận diện ra cô bé. Ttrong tích tắc, chúng giơ súng lên. Hai phát súng vang lên đanh gọn nhắm vào cô bé; một phát trúng đầu, một phát trúng cổ.

"Thi hành" xong bản án, chúng xuống xe tẩu thoát. Hai tên sát thủ ấy thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban, hoạt động rất mạnh tại Mingaro, Pakistan. Cuộc thanh trừng trắng trợn nhắm vào cô bé thường dân dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Hai phát súng không giết được cô bé 15 tuổi. Sau nhiều tháng liền hôn mê, Malala tỉnh giấc. Nhiều bệnh viện lớn ở phương Tây đề nghị được điều trị cho em. Gia đình Malala chọn bệnh viện Queen Elisabeth Hospital ở Birmingham, Anh, nơi nổi tiếng điều trị các quân nhân bị thương tật. Được đưa đến Anh bằng máy bay, Malala đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật tái tạo xương sọ bị vỡ và cấy ghép tai trong để phục hồi thính giác.

Sau mấy tháng nằm viện, sức khỏe của em hồi phục. Đầu năm 2013, Malala Yousafzai được nhận vào trường trung học ở Birmingham và em càng tích cực vận động cho quyền được đi học của phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đạo Hồi. Tháng 7-2013, 9 tháng sau khi bị bắn, Malala Yousafzai đã xuất hiện trên diễn đàn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Phát biểu trước cử tọa là 1.000 học sinh đến từ 85  quốc gia trên thế giới, tuổi từ 12 đến 25, Malala nói: "Các bạn thân mến, ngày 9-10-2012, Taliban bắn trúng trán tôi phía bên trái, và cũng bắn vào những người bạn tôi.  Họ tưởng rằng những viên đạn sẽ làm chúng tôi im tiếng, nhưng họ đã thất bại. Tôi vẫn là Malala như thế, hoài bão của tôi vẫn như thế, hy vọng vẫn thế và niềm ước mơ cũng thế... Một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cây bút có thể thay đổi thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục luôn phải được đặt ưu tiên hàng đầu".

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về giáo dục toàn cầu, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, tuyên bố trước cử tọa: "Tôi xin nói một câu mà Taliban không bao giờ muốn nghe thấy: 'Mừng sinh nhật thứ 16 của Malala". Nhưng Malala cho rằng "không phải ngày của tôi", mà là ngày cho mọi phụ nữ, nam nữ thiếu nhi tranh đấu cho quyền của mình. Em nói: "Hàng ngàn người bị khủng bố sát hại và hàng triệu người bị thương. Tôi chỉ là một trong số đó. Vậy thì đứng đây, tôi là một người con gái trong số nhiều người khác...".

Malala Yousfzai cho biết cô hãnh diện được trùm chiếc khăn choàng trước đây là của cố Thủ tướng Benazir Bhutto đã bị ám sát, nhưng "Tôi chẳng đứng đây để nói lên sự trả thù cho cá nhân tôi đối với Taliban hay bất kỳ nhóm khủng bố nào. Tôi chỉ muốn lên tiếng về quyền được học cho mọi đứa trẻ. Tôi muốn giáo dục cho những đứa con trai, con gái của Taliban và tất cả những nhóm khủng bố, những nhóm cực đoan".

Lòng bao dung và thái độ bất bạo động ấy, Malala học được từ bố mẹ mình, những người cũng có mặt tại khán phòng hôm ấy nghe cô nói chuyện, học được "từ đấng tiên tri Muhammad, Chúa Jesus Christ và Đức Phật Thích Ca". Cô cũng được truyền cảm từ những người như Martin Luther King, Nelson Mandela, Mohandas Ghandi và Mẹ Teresa… Thông điệp Malala muốn gửi đến các giới lãnh đạo thế giới là họ hãy đem giáo dục bắt buộc và miễn phí đến cho tất cả trẻ em toàn cầu. Bài phát biểu của Malala bị ngắt quãng nhiều lần bởi những tràng pháo tay vang dội hội trường Liên Hiệp Quốc.

Tháng 12-2014, Kailash Satyarthi và Malala Yousafzai được Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình (Satyarthi, nhà hoạt động vì quyền trẻ em Ấn Độ đã lãnh đạo các cuộc biểu tình ôn hòa và các cuộc biểu tình tuần hành, tập trung vào khai thác lợi ích tài chính cho trẻ em). Ở tuổi 17, Malala Yousafzai là người nhận giải Nobel trẻ nhất trong lịch sử hơn trăm năm của giải thưởng có uy tín nhất thế giới này. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã gọi Malala là "niềm kiêu hãnh của đất nước Pakistan".

Tháng 8 vừa qua, Malala Yousafzai chính thức được nhận vào Oxford - trường đại học cổ kính và danh tiếng bậc nhất nước Anh cũng như trên toàn thế giới. Nhà hoạt động Malala Yousafzai nay đã 20 tuổi, chia sẻ rằng, cô có kế hoạch học triết học, chính trị và kinh tế tại trường Lady Margaret Hall, nơi có các cựu sinh viên nổi tiếng theo học, trong đó có cố Thủ tướng Benazir Bhutto của Pakistan và anh hùng của Yousafzai là nhà lãnh đạo Myanmar, người đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi.

Hiếu Thảo (tổng hợp)

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

VKSND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Đáng lưu ý, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã làm rõ sự “tiếp tay” của nhóm đối tượng nguyên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) cho các đối tượng khác trong quá trình gây án.

Hai thập kỉ từ sau đợt mở rộng lớn nhất lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã gặt hái những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiện đang đối mặt không ít thách thức từ bối cảnh địa chính trị thay đổi, cũng như sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Vẫn chiêu trò cũ rích, thế nhưng thời gian gần đây một số người dân ở Phú Yên tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại di động (ĐTDĐ) mạo danh cán bộ các cơ quan tư pháp, đưa ra nhiều thông tin liên quan đến số phận pháp lý của người nghe điện thoại, rồi yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đánh giá tác động môi trường cũng như hồ sơ phê duyệt, quy mô trang trại này chỉ được phép nuôi 150 con lợn nái, nhưng khi kiểm đếm để đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam, trang trại này nuôi đến 668 con. Ngoài ra, trước thời điểm cao tốc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 tháng, dự án này cũng được điều chỉnh tăng thêm về diện tích, quy mô chuồng trại dù số lượng vật nuôi không biến động.

Vào ngày 15/3, Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh) nhận tin báo từ người dân về việc, trên địa bàn xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân tử vong là bà Đ.T.N (SN 1960), còn chồng bà N. là ông L.V.P (SN 1964) bị thương tích nặng. Gây án xong, đối tượng nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường.

Sau hơn 10 năm để “đắp chiếu” giữa trung tâm thành phố, ngày 2/5, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo kết luận của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố đối với Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng). Đây là công trình thể dục thể thao quy mô lớn với 4 mặt tiền ở quận 3.

Cảnh sát phải dùng biện pháp mạnh để giải tán hàng loạt người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học ở Mỹ ngày 2/5, bao gồm cả việc dỡ bỏ một khu cắm trại tại Đại học California tại Los Angeles, trong bối cảnh hỗn loạn bùng phát và ngày càng gia tăng tại hàng loạt trường đại học trong tuần này.

Trong những ngày cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe, đưa vào khai thác cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu, Nghệ An đến QL 46B). Đây là hai dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vượt mốc 2.000km.

Mưa dông diện rộng được dự báo diễn ra khắp miền Bắc và tại cá tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa có nơi trên 80mm. Thủ đô Hà Nội trời mát mẻ, nhiệt độ trong ngày từ 23-29 độ C.

Từ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm học tập, làm việc ở Pháp, Malaysia và từ những chuyến chu du tiếp cận các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, anh Đặng Dương Minh Hoàng đã mang kiến thức đó trở về mảnh đất mình sinh ra ở tỉnh Bình Phước bắt tay vào làm nông nghiệp thông minh (hay còn gọi là nông nghiệp số) và đã gặt hái nhiều thành quả.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文