Người kiến tạo Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

02:00 16/05/2011

Là thanh niên Hà Nội, con của một công chức ngành giao thông công chính, được gia đình cho học tại Trường trung học Văn Lang, ông Thành Xuân Thi đã sớm theo mặt trận Việt Minh, tham gia cướp chính quyền, gia nhập tự vệ chiến đấu trong những ngày thủ đô khói lửa rồi lên đường kháng chiến.

Sau khi tốt nghiệp khóa IV Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, ông được chuyển sang học khóa I của Trường Công binh Bộ Tổng tham mưu. Kể từ đây cuộc đời ông gắn với những công trình quân sự và điều đặc biệt ông là người đã tham gia xây dựng sở chỉ huy  của các chiến dịch Biên giới, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung - những chiến dịch lớn của quân đội ta trong thời kỳ phản công đánh Pháp.

Vinh dự cuộc đời quân ngũ lại đến với ông khi đơn vị do ông chỉ huy được tham gia xây dựng sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch quyết định thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chúng tôi gặp ông vào một ngày đầu tháng 5 lịch sử tại số 18, ngách 21, ngõ 158 phố Ngọc Hà, Hà Nội. Đã ngoài tuổi bát tuần, nhưng ông vẫn còn giữ được vẻ nhanh nhẹn, những sự kiện xảy ra trong cuộc đời vẫn như nguyên vẹn trong ông. Ông dần dẫn chúng tôi quay lại với ký ức về những ngày đầu của Chiến dịch Điên Biên Phủ: 

"Đầu năm 1953, Đại đội 250 thuộc Tiểu đoàn 333 công binh Bộ Tổng tham mưu do tôi làm đại đội trưởng được sáp nhập với đơn vị xây dựng khác, gọi là Đội 53 xây dựng ATK, thuộc Bộ Tổng tham mưu. Anh Nguyễn Kiêm Toàn, một công nhân xe lửa, cán bộ cấp tiểu đoàn thuộc Ban xây dựng căn cứ địa về làm đội trưởng. Đồng chí Nguyễn Trịnh Kiểm, quê Nước Hai, Cao Bằng,  làm chính trị viên, tôi làm đội phó.  Một hôm sau bữa cơm chiều của một ngày đầu đông 1953, đồng chí Toàn bảo tôi: "Tổng quân ủy đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Kỳ này cậu đi. Chiều mai cậu lên Cục Tác chiến nhận kế hoạch hành quân cùng đội tiền trạm. Báo cho Trung đội đồng chí Uẩn, Trung đội đồng chí Thốn chuẩn bị".

Vẫn như những lần trước, đội tiền trạm gồm các tổ trinh sát, tổ mộc, tổ rèn và có thêm tổ phá dỡ bom, đạn địch.  Sau một cuộc hành quân đêm đi ngày nghỉ từ Việt Bắc sang Tây Bắc, đơn vị đã đến nơi tập kết ở cây số 62 đường Tuần Giáo, Điện Biên Phủ.

Tại đây, đội tiền trạm chia thành hai bộ phận, một đi làm sở chỉ huy chiến dịch ở Thẩm Púa và Nà Tấu. Còn tôi dẫn bộ phận còn lại đi Mường Phăng. Dựng sở chỉ huy ở phía đông chân núi Pú Đồn, nơi mà Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cùng các chiến sĩ đi thị sát đã chọn địa điểm đặt đài quan sát.

Mường Phăng trong tiếng Thái có nghĩa là "bản lạnh", quanh năm có sương mây, khí hậu mát mẻ trong lành, cách Điện Biên Phủ 10km đường chim bay. Nơi đây rừng nguyên sinh  rậm rạp, từ trên đỉnh núi cao 1.700m có thể  quan sát trận địa của địch ở cánh đồng Mường Thanh. Trên đường hành quân vào vị trí cũng như khi từ Việt Bắc sang Tây Bắc, chúng tôi luôn phải tránh máy bay địch. Nhìn lên bầu trời Điện Biên, địch tiếp tục đổ quân và máy bay trinh sát thăm dò động tĩnh của quân ta càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm phải xây dựng sở chỉ huy sao cho thật bí mật, an toàn, vững chắc.

Sau khi nhận vị trí, tôi cho đơn vị triển khai làm lán chỉ huy. Vẫn là những lán nhỏ như đã từng làm ở các chiến dịch trước. Vật liệu gồm cây, tre, luồng, lá móc, lá gồi sẵn có ở khu rừng. Ở giữa đặt một chiếc bàn đủ rộng để trải bản đồ. Hai bên là hai chiếc ghế dài, mặt ghế là những cây vầu bổ đôi. Hai đầu lán bố trí hai giát giường dành cho chỉ huy và chiến sĩ cảnh vệ. Lán nằm kín dưới tán rừng, vào mùa xuân hoa lan nở, đưa mùi hương thoang thoảng. Tiếp đó chúng tôi làm lán cho các đơn vị dọc theo con suối dưới chân đồi. Ngày 31/1/1954, sở chỉ huy chiến dịch đã chuyển từ Nà Tấu vào Mường Phăng.

Điều quan trọng nhất là tìm vị trí để đào hầm cho anh Văn, anh Thái và cố vấn. Các chiến dịch trước hầm được làm đơn giản, chỉ chống được đạn pháo cối của địch, nhưng đây là chiến dịch lớn, phải có hầm hào chắc chắn. Khi bộ phận làm lán đã bắt đầu san nền dựng cột, chất đất lộ ra, tôi nhận thấy đất ở đây cũng tương tự như đất ở núi Hồng, căn cứ địa Tân Trào, nơi chúng tôi đã đào nhiều hầm hào. Tôi chợt nghĩ, có thể ứng dụng cách làm đường hầm của Chính phủ ở núi Hồng, Tân Trào được không? Rồi chỉ thị tổ đo đạc chọn và dọn mặt cắt khẩu độ để đào đường hầm cho Tổng tư lệnh và Tham mưu trưởng chiến dịch.

Mới đầu khoét thành hàm ếch để thăm dò. Đào sâu 2m rồi 3m không thấy đất sụt và gặp đá tảng. Tôi cho mở rộng khẩu độ đoạn đã đào. Một cuộc trao đổi dân chủ đã đi đến quyết tâm đào đường hầm xuyên sơn. Gần trăm con người gồm lực lượng của Đội 53 và của Đại đội Cảnh vệ 425 do đồng chí Đỗ Hải phụ trách thay nhau đào liên tục. Những kinh nghiệm của việc đào hầm ở chân núi Hồng trước đây được đem ra áp dụng. Rất may có đồng chí Đinh Văn Điền, trước đây từng làm thợ mỏ cũng rất có kinh nghiệm trong việc đào hầm.

Thấy anh em làm việc vất vả, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã chỉ thị hậu cần tăng khẩu phần ăn cho các chiến sĩ để đường hầm mau chóng hoàn thành. Vào một buổi sáng Tổng Tư lệnh đến thăm, chia cho mỗi người một điếu thuốc mang theo từ hội nghị về. Anh nói: Phương châm của chúng ta là đánh chắc tiến chắc, nếu các cậu làm thật chắc chắn, vững vàng thì chỉ xong cái hầm này là ta thắng. Nếu không phải đào vài ba cái nữa".

Ông Thành Xuân Thi (thứ tư từ phải sang) cùng đồng đội trở lại thăm Sở chỉ huy Mường Phăng.

Đường hầm được đào cả hai phía từ  đông và tây và thông nhau giữa lòng đồi. Cứ 5m lại chống cây rừng và kê đòn tay đỡ trần hầm. Càng vào sâu càng thiếu ánh sáng, phải khoét những hốc sâu để đèn dầu. Hơi người, hơi dầu thật ngột ngạt, do thiếu dưỡng khí nên cứ  25 đến 40 phút lại thay ca một lần.

Ngoài cuốc xẻng, chúng tôi không có một công cụ nào khác. Thiếu thước lấy tay ướm từng gang để làm chừng, lấy dây buộc viên sỏi làm quả dọi, lấy ống bương, ống tiêm làm thủy bình… Tính toán thể nào để nối liền hai cửa hầm là một vấn đề lớn. Mặt đồi không bằng phẳng, cây cối lại che lấp tầm nhìn…

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã quan sát kỹ mặt đồi, tìm ra cách lấy đường thẳng ngắn nhất giữa hai cửa hầm, nơi chúng tôi đã cắm hai cột chuẩn. Dùng dây rừng buộc cố định hai cột chuẩn này rồi kéo về hướng đỉnh đồi. Từ giữa đỉnh đồi chúng tôi cắm cọc xác định vị trí rồi từ đó điều chỉnh cho ba cọc thẳng hàng với nhau.

Tuy vậy, khi đào sâu vào 20m, việc định hướng để thông nhau cũng không hề dễ dàng. Trong điều kiện không có la bàn. Các chiến sĩ áp tai vào vách để lắng nghe âm thanh dội về từ phía bên kia. Nhưng chỉ khi cách nhau 10m mới áp dụng được phương pháp này. Sau  khi phát hiện đào lệch về tay phải gần 1m, các chiến sĩ quyết định chuyển sang hướng mới.

Tiếp tục đào dũi, tiếng thình thịch của cuốc xẻng ngày càng gần. Tất cả các chiến sĩ dồn sức mạnh, phá vỡ khoảng đất còn lại. Khi khoảng trống lộ ra. Qua ánh sáng lờ mờ của không gian chật hẹp, hai nhóm chiến sĩ ào sang ôm chầm lấy nhau reo hò vang dậy cả đường hầm. Vậy là sau 28 ngày lao động liên tục, khi bàn tay các chiến sĩ đã phồng rộp chai sần, những chiếc xẻng mòn vẹt như hình trăng khuyết, chúng tôi đã hoàn thành đường hầm chiều dài 69m, cao 1,7m, rộng từ 1 đến 3m. Chỗ chệch hướng được  sửa thành một phòng họp có diện tích 18m2 có lỗ thông hơi.

Đường hầm không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là nơi nghỉ ngơi, làm việc trong những lúc cần thiết, vì vậy các chiến sĩ phải đào thêm một số ngách phụ nữa cho bộ phận thông tin. Đường hầm của sở chỉ huy đã hình thành, đây là thành quả của tập thể đơn vị Đội 53 xây dựng ATK và Đại đội Cảnh vệ 425. Trong quá trình thi công, anh em đã có sáng kiến đan phên nứa lót lá cây để chống thấm dột, đào rãnh và hố bên vách hầm để thoát nước, ghìm phên vào vách hầm để chống sụt, nền được lát các thân cây rừng có đường kính khoảng 10cm, liên kết với nhau  bằng những đinh cầu hết sức chắc chắn…

Đường hầm chính thức được sử dụng từ ngày 15/4/1954, giữa đợt tấn công thứ 2 đang diễn ra hết sức quyết liệt. Sau đó chúng tôi còn được lệnh đào thêm một đường hầm mới để chuyển cơ quan. Nhưng khi vừa phát quang, dọn chỗ thì nhận được tin bắt sống tướng Đờcát, chiến dịch Điện Biên phủ đã toàn thắng"

Nam Trung - Nguyên Thảo (ghi)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文