Khẩu súng và bản đồ thu giữ tại phòng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sáng ngày 30-4-1975:

Những giá trị lịch sử

18:30 09/06/2016
Trong số các hiện vật mà Cuộc vận động sưu tầm kỷ vật của lực lượng CAND được hiến tặng trong 3 năm qua, có hai kỷ vật có giá trị lịch sử rất quan trọng...

Đó là khẩu súng rulo và tập bản đồ cổ do Anh hùng LLVTND, Trung tướng Võ Viết Thanh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, một trong những người đầu tiên đặt chân vào dinh Độc Lập sáng ngày 30-4-1975, thu được tại phòng làm việc của Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.

Trung tướng Võ Viết Thanh trao tặng Bảo tàng CAND các kỷ vật trong chiến tranh.

Trung tướng Võ Viết Thanh (thường gọi là Bảy Thanh) sinh năm 1943, ở Bến Tre. 16 tuổi, ông đã là một chiến sĩ biệt động, chiến đấu ở nhiều địa bàn. Năm 1960 ông bị thương ở chiến trường, bị địch bắt tù 8 tháng rồi phải thả vì không khai thác được gì từ người chiến sĩ kiên trung.

Người ký quyết định trả tự do cho ông là trung tá Phạm Ngọc Thảo, Tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre (cán bộ tình báo của ta hoạt động trong lòng địch đã hy sinh, được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND, cấp hàm đại tá). Ra tù, ông tiếp tục công tác trong lực lượng quân giải phóng miền Nam. Ở tuổi 20, ông đã phụ trách một xưởng quân giới, rồi giữ nhiều vị trí chỉ huy trong quân đội.

Sau khi đất nước thống nhất, Trung tướng Võ Viết Thanh từng là Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh. Năm 1986, ông được bầu vào BCH Trung ương Đảng khóa 6, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh. Đầu năm 1992, ông được điều động về công tác tại TP Hồ Chí Minh với chức vụ Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch rồi Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Năm 2002, ông là phái viên của Thủ tướng theo dõi công tác an ninh phía Nam. Năm 2007, ông xin được nghỉ hưu.

Trong suốt quá trình công tác, dù ở cương vị nào, Trung tướng Võ Viết Thanh đều được nhân dân yêu mến, kính trọng bởi sự tận tâm, hy sinh vì công việc. Ông đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Anh hùng LLVTND, 16 Huân chương các loại.

Ở tuổi 73, người chiến sĩ đặc công biệt động năm xưa vẫn còn rất minh mẫn. Với giọng nói nhẹ nhàng, trầm tĩnh, ông kể về kỷ niệm đặc biệt của đồng đội cùng ông chiến đấu may mắn sống sót là nhân chứng, với điều kiện là "không nói về chuyện công trạng trong buổi sáng 30-4-1975 để tranh công nha!".

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Võ Viết Thanh là Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn đặc công biệt động 316, có nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như dinh Độc lập, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân, Trường Huấn luyện Quang Trung, chốt giữ cầu Cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, cầu Rạch Chiếc, các ngã ba, ngã tư để chi phối các khu vực nội thành, mở cửa cho các quân đoàn chủ lực tiến vào Sài Gòn.

Khẩu Rulo do Trung tướng Võ Viết Thanh thu tại phòng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Trung tướng Võ Viết Thanh kể: Sáng 30-4-1975, tôi chỉ huy một tổ đặc công trinh sát bí mật đột kích vào phía sau dinh Độc lập, quan sát phòng thủ của địch để điều động đơn vị đến tấn công khi tiếp cận sát dinh Độc Lập. Chúng tôi không thấy phòng thủ gì cả, chỉ thấy một số người đứng sau dinh không có vũ khí. Nhưng vẫn phải cảnh giác, nên tôi chỉ cho một chiến sĩ xuất hiện, ra hiệu bằng tay gọi họ đến gần và hỏi:

- Các anh làm gì ở đây?

- Chúng tôi là lính gác dinh.

- Trong dinh có binh lính không?

- Thưa không!

- Ai ở trong đó?

- Là nội các của ông Dương Văn Minh.

Giữa xôn xao kỷ niệm về một ngày lịch sử, Trung tướng Võ Viết Thanh nhớ lại: Trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn, tôi lạc quan nói vui với anh em trong đơn vị: Nếu còn sống, tôi sẽ vào nơi làm việc và nhà riêng của Nguyễn Văn Thiệu xem thế nào! Khi đến dinh Độc Lập, tôi không biết sử dụng thang máy. Tôi lệnh cho người lính gác ở đó đưa tôi lên lầu, vào thẳng phòng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Mở tủ cạnh góc tường, ông thấy ngay 2 khẩu súng. Một khẩu Rulo mạ trắng và một khẩu súng trường khá lạ mắt. Thân súng bằng thép được chạm khắc hoa văn đẹp, rất cầu kỳ và độc đáo, cò súng mạ kim loại màu vàng, có thể nói là "độc nhất vô nhị" ở Sài Gòn. Ông thử lên đạn và biết đây là loại súng bắn tỉa có ống ngắm hồng ngoại sử dụng đạn đại liên khá phổ biến trong quân đội Mỹ, súng này có thể dùng đi săn.

Ở rừng, vốn hay đi săn nên ông lập tức ấn tượng với khẩu súng này, vì có rất nhiều đạn trong chiến lợi phẩm. Ông thu 2 khẩu súng, cùng tập bản đồ thế giới và giao cho chiến sĩ mang theo rồi nhanh chóng rời dinh Thống Nhất, di chuyển sang các mục tiêu khác. Tối 30-4-1975, Ban Chỉ huy tiểu đoàn của ông đóng tại dinh Trần Văn Hương (nay là Nhà văn hóa thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh), còn ông cùng đơn vị đóng quân tại nhà riêng Nguyễn Văn Thiệu ở 261 Paster (TP. Sài Gòn). Thế là ông thực hiện được lời nói vui với anh em khi hành quân, như… trong mơ.

Tôi hỏi, khi thu giữ các khẩu súng và tập bản đồ trong phòng Tổng thống Thiệu, ông có nghĩ đó sẽ là kỷ vật của lịch sử không, Trung tướng Võ Viết Thanh cười: Khi đó chả nghĩ gì, chỉ thấy có vũ khí là thu giữ, để địch không sử dụng chống lại mình. Mãi sau này mới hiểu được đó là kỷ vật có giá trị lịch sử. Còn tấm bản đồ, vì là nhà binh nên ông rất quan tâm,  mang theo để sử dụng khi cần. Cũng sau này ông mới biết, đó là tấm bản đồ cổ, do Pháp xuất bản, có đầy đủ các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Việt Nam.

Sau chiến tranh, ông Võ Viết Thanh vẫn được phép giữ tất cả các khẩu súng mà ông được trang bị trong chiến tranh, cũng như các chiến lợi phẩm ông thu được từ phòng làm việc của Tổng thống Thiệu. Ông nâng niu, gìn giữ trân trọng những kỷ vật đã ghi đậm dấu tích lịch sử anh hùng và gắn bó với ông suốt mấy chục năm chiến đấu. Bộ vũ khí chiến đấu của ông có cả thảy gần 10 khẩu súng, từ AK, M79, tiểu liên đặc chủng của đặc công biệt động, đến khẩu rulo và súng săn của Tổng thống Thiệu.

Các khẩu súng của Trung tướng Võ Viết Thanh trao tặng Bảo tàng CAND.

Tuy nhiên, hơn 20 năm trước, ông đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự khẩu súng bắn tỉa có thân súng chạm trổ độc đáo. Năm 2015, ông lại quyết định trao tặng Cuộc vận động sưu tầm kỷ vật kháng chiến của CAND nhiều kỷ vật vô giá cho lực lượng mà ông từng nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo. Ngoài khẩu rulo màu trắng và tập bản đồ cổ thế giới mà ông đã thu được tại phòng Tổng thống Thiệu, ông còn tặng mấy khẩu súng ngắn đặc chủng của binh chủng đặc công biệt động do Lữ đoàn 316 trang bị cho ông trong chiến đấu.

Hy vọng những kỷ vật lịch sử này sẽ giúp các thế hệ sau này, đặc biệt là các chiến sĩ Công an trẻ, hiểu thêm về cuộc chiến đấu, những hy sinh của thế hệ đi trước, thêm tự hào về  chiến thắng vĩ đại của dân tộc, về cái giá của hòa bình, độc lập hôm nay…

Những kỷ vật chiến tranh mà Trung tướng Võ Viết Thanh đã gìn giữ gần nửa thế kỷ qua mang nhiều giá trị lịch sử. Các nhà nghiên cứu có thể "bắt" nó "lên tiếng" để tìm hiểu về vũ khí thời điểm đó, thậm chí, biết được "gu" sở hữu vũ khí của vị Tổng thống Việt Nam cộng hòa. Đặc biệt, tập bản đồ cổ chính là một minh chứng góp phần khẳng định chủ quyền từ trong quá khứ của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.

Thanh Hằng

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Do lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình quan tâm chăm sóc nhưng đồng chí Đặng Thị Cẩm Thúy đã từ trần hồi 15h 20 ngày 01/5/2024 (nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an.

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文