Tàu ngầm hạt nhân - Niềm tự hào của nước Pháp

14:07 15/01/2019
Cách đây gần 52 năm, tàu ngầm hạt nhân (SNLE) đầu tiên của Pháp lớp Redoutable đã được hạ thủy vào ngày 29-3-1967 tại xưởng đóng tàu Cherbourg trước sự chứng kiến của Tổng thống Cộng hòa Pháp De Gaulle cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Kể từ đó đến nay, xứ lục lăng đã đóng thêm nhiều tàu ngầm hạt nhân hiện đại, đưa Pháp trở thành một trong những cường quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân trên thế giới.

Redoutable - Nỗi khiếp sợ của đối phương

Ngày 29-3-1967, là một ngày trọng đại của nước Pháp. Tận dụng mùa xuân là thời điểm thủy triều lên cao, Hải quân Pháp đã hạ thủy tàu ngầm hạt nhân lớp Redoutable. Đây là con tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước Pháp, kết quả của những nỗ lực không ngừng của ngành công nghiệp quốc phòng từ nhiều năm.

Lễ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân đầu tiên Redoutable của Pháp ngày 29-3-1967. (Ảnh: AFP)

Chính vì vậy, đích thân Tổng thống Charles de Gaulle cùng Bộ trưởng Quốc phòng Pierre Messmer, Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu khoa học và các vấn đề nguyên tử và không gian Alain Peyrefitte đã tới dự lễ hạ thủy. "Đây là một ngày trọng đại, minh chứng cho tinh thần bảo vệ quốc gia và nền độc lập của nước Pháp", Tổng thống Charles de Gaulle nói.

 Theo miêu tả trên tờ Le Figaro số  ra ngày 30-3-1967, buổi lễ diễn ra ngắn gọn với sự có mặt của 500 quan khách, trong đó có các tùy viên quân sự nước ngoài ở Pháp; cựu chiến binh Le Guilcher, 80 tuổi, người từng làm việc trên chiếc tàu ngầm đầu tiên của Pháp năm 1901 hay Bernard Louzeau, vị thuyền trưởng trẻ tuổi của tàu Redoutable. Tuy nhiên, trong một bài báo trước đó, phóng viên Pierre Kerlouegan của tờ Le Figaro tiết lộ rằng, buổi lễ có sự tham dự của 10.000 người, trong đó có 4.000 người là công nhân xưởng đóng tàu và gia đình họ.

Lễ hạ thủy bắt đầu lúc 10 giờ 45 phút. Tổng thống De Gaulle trong bộ vest màu tối là người nhấn nút màu xanh lá cây ra lệnh cho các bệ phóng giải phóng tàu ngầm. Một phút sau, con tàu nặng 5.000 tấn chìm dần dưới nước. Tiếng vỗ tay rầm rầm, rồi bài Quốc ca Pháp La Marseillaise cất lên. Tổng thống De Gaulle bắt tay hai bộ trưởng đứng bên cạnh, khuôn mặt đầy hân hoan.

Tổng thống Pháp Charle De Gaulle trong lễ hạ thủy tàu Redoutable. (Ảnh: AFP).

Không phải bỗng dưng Tướng De Gaulle lại vui mừng đến như vậy. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Pháp tỏ ra tụt hậu so với Mỹ, Liên Xô, Anh và thậm chí là Canada trong lĩnh vực hạt nhân. Nguyên nhân bởi các nghiên cứu đã bị gián đoạn khi nước Pháp "nằm dưới gót giày" của quân phát xít Đức và quan trọng hơn là sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Paris và Washington vào những năm 1950. Thời điểm đó, chính quyền của Tướng De Gaulle không được lòng người Mỹ. Hệ quả là, trong khi Mỹ đã giúp đỡ Anh trong việc chế tạo bom hạt nhân thì Pháp phải làm lại mọi thứ từ đầu.

Chính vì không có được sự trợ giúp trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân từ Mỹ nên dù có ý tưởng về phát triển tàu ngầm hạt nhân mang phóng tên lửa đạn đạo từ năm 1957 nhưng Pháp phải mất 6 năm mới hiện thực hóa với việc hạ thủy tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Redoutable năm 1967.

Trong một tuyên bố vào ngày hạ thủy tàu ngầm Redoutable, Bộ trưởng Quốc phòng Pierre Messmer nói rằng, bên cạnh lực lượng mặt đất và không quân hải quân dần được hiện đại hóa, Pháp sẽ ưu tiên phát triển đội tàu ngầm hạt nhân, mang lại cho Hải quân giá trị chiến lược mới, đồng thời giúp nước Pháp đối phó với các nguy cơ tiềm ẩn từ bên ngoài, mang lại an toàn, độc lập và hòa bình cho quốc gia.

Tuy nhiên, do phải qua tương đối nhiều lần chỉnh sửa (thiết kế), hoàn thiện cùng hai lần hạ thủy (để thử nghiệm) nên mãi đến cuối năm 1971 chiếc tàu ngầm "Redoutable" mới  được đưa vào trực chiến từ tháng 1-1972. Tàu Redoutable có kích thước lớn hơn so với tàu ngầm cùng loại đầu tiên của Mỹ George Washington. Nguyên nhân chủ yếu cho việc này là người Pháp muốn có một tàu ngầm "thân thiện" tối đa với thủy thủ đoàn lên tới 130 người. Các khoảng không gian bên trong tàu khá lớn và thoải mái cho các hoạt động. Điều hòa nhiệt độ được gắn ở mọi chỗ và các sĩ quan có khoang riêng biệt của mình. Việc sử dụng nước ngọt không bị giới hạn, thậm chí không bị cấm hút thuốc. Một lợi thế quý giá của tàu ngầm Pháp là nó có độ ồn thấp.

Với việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân Redoutable, Pháp trở thành cường quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân thứ tư trên thế giới. Nhưng ngay cả khi nỗ lực tăng đáng kể, thì Pháp vẫn còn giữ khoảng cách khá xa so với ba nước đứng ở tốp đầu. "Thật vậy, Mỹ đang sở hữu 41 tàu ngầm nguyên tử, Liên Xô sở hữu 25 tàu và Anh đang chế tạo 4 chiếc nhờ vào sự hỗ trợ của Mỹ theo Hiệp định Nassau", phóng viên Pierre Kerlouégan trong bài viết đăng trên báo Le Figaro số ra ngày 22-3-1967 khẳng định.

Nhưng sức mạnh răn đe của tàu ngầm Redoutable là có thật. Một khi được trang bị 16 tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000 km, tàu ngầm Redoutable có hỏa lực cao gấp 50 lần so với bom Hiroshima. Con tàu  có "kích thước vượt trội" này có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trong 70 ngày. Tàu có hai phi hành đoàn - một "màu xanh" và "màu đỏ" - mỗi phi hành đoàn gồm 135 người, cho phép điều khiển tàu luân phiên. Trong thời gian hoạt động từ năm 1972 đến 1991, tàu Redoutable đã thực thi 51 nhiệm vụ với quãng đường đi được lên tới 1.270.000 km.

Tuy không còn được sử dụng nhưng tàu ngầm lớp Le Redoutable vẫn được đánh giá là một trong những tàu ngầm hạt nhân khiến cho đối phương khiếp sợ.

Những thế hệ tiếp nối

Sau tàu ngầm hạt nhân đầu tiên, Pháp tiếp tục đóng thêm 5 tàu ngầm hạt nhân khác, gồm Le Terrible, Le Foudroyant, L'Indomptable, Le Tonnantet và L'Inflexible. L'Inflexible đi vào phục vụ năm 1985, là chiếc cuối cùng trong số tàu hạt nhân thế hệ đầu tiên của Pháp. L'Inflexible mang nhiều đặc điểm vượt trội, vì vậy sau đó Hải quân Pháp đã nâng cấp những chiếc tàu trước đó theo chuẩn "L'Inflexible". 

Theo Le Figaro, trước đây, việc đặt tên cho các tàu ngầm hạt nhân có vẻ mang đặc điểm tính cách của Vua Louis XIV. Còn ngày nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người  đặt tên cho tàu ngầm theo đề xuất từ Văn phòng Tham mưu trưởng Hải quân.

Một chiếc tàu ngầm lớp Ohio. (Ảnh: USA Today)

Hiện nay, 5 trong tổng số 6 tàu ngầm hạt nhân thế hệ đầu tiên đã bị dỡ bỏ. Tổng cục Vũ khí (DGA) đã chi 100 triệu euro để thực hiện công việc này. Tàu ngầm Redoutable còn lại đã được chuyển thành bảo tàng Cité de la mer ở Cherbourg.

Để thay thế số tàu đã dỡ bỏ trên, Pháp đã cho đóng thêm 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Triomphant. Số tàu này được đóng trong giai đoạn 1986-2009. Đây cũng là tàu ngầm hạt nhân hàng đầu Tây Âu vào thời điểm này. Trong mọi thời điểm luôn có ít nhất một chiếc Triomphant tuần tra ngoài Đại Tây Dương. Ngoài ra, Pháp còn duy trì một lực lượng 6 tàu ngầm Rubis - lớp tàu ngầm hạt nhân nhỏ nhất thế giới với lượng giãn nước 2.600 tấn, trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm.

Tàu ngầm lớp Le Triomphant gồm một lò phản ứng hạt nhân loại K-15, 2 động cơ hơi nước, 1 tua bin điện, công suất 41.000 mã lực. Vũ khí gồm 4 ống phóng ngư lôi loại 533mm dùng để phóng ngư lôi và tên lửa chống ngầm, 16 tên lửa đạn đạo M45 với mỗi quả mang được 6 đầu đạn, tầm phóng 11.000km, radar dẫn đường RACAL 1229, hệ thống số liệu tác chiến SAD, hệ thống khống chế vũ khí SAT và DLA4A, hệ thống đối kháng điện tử ARUR-13/DR-3000U và các thiết bị chống ồn khác.

Từ năm 2014, Paris bắt đầu thiết kế các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo mới (SNLE-3G) - những chiếc tàu đầu tiên của dự án này sẽ được đưa vào biên chế của Lực lượng đại dương chiến lược (FOST) vào cuối những năm 2020 và đầu các năm 2030 và cũng triển khai thiết kế tên lửa hàng không có điều khiển (ASN-4G) để đến năm 2035 chúng sẽ thay thế các tên lửa ASMP-A (các tên lửa có điều khiển ASMP-A đang có trong trang bị sẽ được hiện đại hóa trong các năm 2023-2024). Đến năm 2020, các phương tiện mang vũ khí hạt nhân trong Lực lượng không quân chiến lược (FAS) và trong lực lượng Không quân hạt nhân của Hải quân (FANu) sẽ chỉ toàn các máy bay "Rafale".

Với một quốc gia nhỏ như Pháp, kho vũ khí này là chưa đủ để chiến thắng một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng nó đảm bảo khả năng hủy diệt bất kỳ một quốc gia nào, bởi 4 tàu ngầm hạt nhân Pháp có thể đảm bảo rằng nhiệm vụ này phải thành công.

Cuộc đua của các ông lớn

Ngoài Pháp, hiện nay Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang phát triển thế hệ tiếp theo cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân của mình, qua đó thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang dưới biển giữa ba cường quốc hải quân bậc nhất thế giới. Giới chuyên gia đánh giá ít nhất cho đến hiện tại, lực lượng tàu ngầm của Mỹ vẫn chiếm ưu thế. Theo kế hoạch xây dựng của hải quân Mỹ, gần một nửa số ngân sách 106,4 tỉ USD chi cho đóng tàu giai đoạn 2019 - 2023 sẽ được dành cho tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) cùng tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN). Cụ thể sẽ có 32,9 tỉ USD được chi cho công tác đóng 10 chiếc SSN và 16,7 tỉ USD cho 1 chiếc SSBN. SSN thường được trang bị nhiều loại tên lửa hành trình khác nhau, dùng để tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền ở tầm gần. Trong khi đó, SSBN mang được vũ khí hạt nhân đủ sức tiến hành tấn công phủ đầu hay tấn công đáp trả với mục tiêu ở bất cứ nơi nào. Khi kết hợp với nhau, hai loại tàu ngầm tạo nên ưu thế trong tác chiến dưới biển.

Hiện tại, Washington đang cho đóng SSBN lớp Columbia đầu tiên để thay thế tàu ngầm lớp Ohio. Dự kiến tàu mới sẽ hoàn thành vào năm 2027.

Trong khi đó, Nga cũng dự kiến đến năm 2025 đóng được 4 tàu ngầm lớp Borei-II. Tàu ngầm lớp Borei-II được cho sẽ có khả năng di chuyển với tốc độ hơn 30 hải lý, nhanh hơn SSBN lớp Columbia 10 hải lý.

Trang Defense One cho biết, năm 1974, Hải quân Trung Quốc đưa vào biên chế tàu ngầm lớp 091 (NATO định danh lớp Hán) đầu tiên, đánh dấu việc Trung Quốc tự sản xuất được loại tàu này. Tới năm 1991 đã có 5 tàu được đóng, đến nay còn 3 tàu đang hoạt động tại Hạm đội Bắc Hải. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm, sau được nâng cấp thêm khả năng phóng tên lửa đối hạm C-801 do Trung Quốc sản xuất, tầm bắn 80km. Hiện Trung Quốc đã lên kế hoạch đóng các tàu Type 096 trong vài năm tới.

Mặc dù tàu ngầm Nga, Trung đã được nâng cấp nhiều, nhưng Lầu Năm Góc vẫn tự tin rằng, những khoản đầu tư sẽ giúp đội tàu ngầm Mỹ thế hệ tiếp theo tiếp tục giữ thế thống trị. Theo người phát ngôn Lauren Chatmas của hải quân Mỹ: "Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia có khả năng hoạt động gần bờ và cảm biến được cải tiến, cũng như có nhiều phương án tấn công hơn. Do đó, đây chính là vũ khí lý tưởng cho môi trường an ninh ngày nay, chống lại được các mối đe dọa hiện tại lẫn trong tương lai".

Yên Bình

Để xử lý dứt điểm hơn 300 dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài, tỉnh Hà Tĩnh sẽ kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan.

Liên quan đến vụ huy động hơn 3.700 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán xảy ra tại Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI, chiều nay (18/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Quang Hoàng (SN 1988, Tổng Giám đốc), và Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1992, Trưởng phòng ngân quỹ công ty) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Dù liên tục lao dốc trong 2 tuần qua, nhưng vàng vẫn chưa từng đánh mất sức hấp dẫn của mình. Mỗi khi giá kim loại quý tăng hoặc giảm mạnh, thị trường đều "dậy sóng", người người nhà nhà nhộn nhịp giao dịch. Cơ quan điều hành khẳng định sẽ đưa ra các giải pháp khiến vàng không trở thành mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文