60 năm Ngày Ký kết Hiệp định Genève:

Thảm bại của Pháp cần phải cho vào quan tài quá khứ

16:35 29/07/2014

Trang Monde-diplomatique.fr (Pháp) dẫn lời nhà sử học Alain Ruscio và đạo diễn Daniel Roussel - người đã thực hiện nhiều bộ phim về đề tài lịch sử Việt Nam, nhận định: Hội nghị Genève, và kết quả sau cuối là Hiệp định Genève (20/7/1954) là một thành công lớn khi đã chấm dứt trên thực tế cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam, đồng thời buộc các bên tham gia công nhận quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam - Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Daniel Roussel đặc biệt dành tặng nhiều lời khen cho sự ứng xử quốc tế khéo léo của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Điều này được thể hiện rất rõ trong việc thiết lập quan hệ với tất cả các nước, trong đó có cả những nước trước đây từng là kẻ thù như Pháp và Mỹ.

"Việt Nam là một thành viên của cộng đồng quốc tế và là một đất nước được yêu mến trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam biết cách để cho cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ mình khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Có được điều đó là do Việt Nam biết rút ra những bài học từ Hội nghị Genève", ông Roussel cho biết.

Lợi ích của những cường quốc

Theo nhà sử học Alain Ruscio, Hội nghị Genève diễn ra từ ngày 8/5 đến ngày 21/7/1954 là một diễn đàn quốc tế đa phương bị các nước lớn chi phối. Hội nghị diễn ra hết sức phức tạp với các cuộc thương lượng vô cùng căng thẳng. Giai đoạn đầu, chiến tranh Đông Dương chỉ là cuộc chiến giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng sau đó, cuộc chiến này đã nhanh chóng trở thành một cuộc chiến tranh quốc tế vào thời điểm Mỹ ủng hộ Pháp bằng cách cấp 3/4 ngân sách cho cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, trong khi đó Việt Nam cũng nhận được sự trợ giúp của Liên Xô. Chính vì vậy, ở một thời điểm nào đó, cuộc chiến này không còn chỉ giới hạn trong phạm vi hai quốc gia Pháp - Việt, mà đã được đẩy lên tầm vóc quốc tế.

Trong bối cảnh bấy giờ, cuộc chiến tranh Triều Tiên ở Bắc Á và cục diện của Chiến tranh lạnh có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới. Nhà sử học Pháp coi đây là những lý do chính khiến các cường quốc lớn quyết định cùng tham dự Hội nghị Genève bên cạnh các đại diện của Pháp.

Ông nhấn mạnh hai mục tiêu mà Việt Nam kiên định trong suốt quá trình đàm phán đó là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước: "Các đại diện Việt Nam kiên quyết bảo vệ sự thống nhất của đất nước, bởi vì người Pháp luôn có ý đồ chia cắt Việt Nam thành nhiều mảnh”.

Trên thực tế, các phái đoàn khác đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề này. Họ cho rằng trước hết cần chấm dứt chiến tranh Việt Nam, sau đó mới nghĩ đến tương lai. Yếu tố này giải thích tại sao Hiệp định Genève muốn chia cắt Việt Nam làm hai miền. Theo ông Ruscio, đó là một thỏa hiệp có thể không tránh được trong những điều kiện lúc bấy giờ. Trên thực tế, nó đã gây tổn hại cho các lợi ích của Việt Nam, vì Quân đội nhân dân Việt Nam đã kiểm soát một phần lớn lãnh thổ vượt xa Vĩ tuyến 17, vươn tới Vĩ tuyến 13.

"Tương quan lực lượng trên thực địa rất thuận lợi cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, các phái đoàn Pháp, Mỹ và Anh đã thao túng cuộc chơi,  khiến phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã không nhận được sự hậu thuẫn cần thiết", nhà sử học nhận định.

Nói về Hội nghị Genève, đạo diễn Daniel Roussel cũng lên án sự dàn xếp của các nước lớn. Ông cho rằng nước Mỹ lúc bấy giờ đang triển khai học thuyết nhằm ngăn cản sự lan rộng của chủ nghĩa Cộng sản. Chính vì vậy, Mỹ muốn chiến tranh chấm dứt nhưng với những điều kiện do họ áp đặt. Họ muốn chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ít quyền lực nhất, trên vùng lãnh thổ có phạm vi hẹp nhất có thể. Vì lẽ đó, các cuộc thương thảo diễn ra hết sức căng thẳng, chủ yếu xoay quanh việc chọn vĩ tuyến chia cắt Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nước khác đến tham dự hội nghị đều có những tính toán riêng. Chẳng hạn, khi ấn định Vĩ tuyến 17, các nước muốn dựng lên một rào cản không cho chủ nghĩa Cộng sản phát triển vào phía Nam và lan rộng sang các nước Đông Nam Á khác. Lúc ấy, Liên Xô kiên định ủng hộ Việt Nam, nhưng vẫn chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề châu Âu và có phần thụ động nên đành "khoán" các vấn đề Viễn Đông cho Trung Quốc. Như vậy, Hội nghị Genève về Đông Dương thực tế xuất phát từ nhu cầu của các nước lớn. Vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia đã được sử dụng để phục vụ những lợi ích và sự dàn xếp của họ.

Nhà sử học Alain Ruscio cho rằng, Hiệp định Genève đã góp phần vào việc làm sụp đổ hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới. Qua theo dõi cuộc chiến tranh Việt Nam và Hội nghị Genève, các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới tự nhủ rằng: có thể đương đầu mới chủ nghĩa thực dân bằng các biện pháp chính trị - quân sự, hoặc bằng các hình thức chính trị chứ không phải chỉ sử dụng các hình thức đấu tranh quân sự.

Alain Ruscio đặc biệt lên án các nhà lãnh đạo Pháp lúc bấy giờ, đặc biệt là Thủ tướng Pierre Mendès France, đã có những tính toán rất tội lỗi đối với Việt Nam khi triển khai chính sách tiếp sức cho mưu toan nhảy vào Việt Nam của Mỹ.

Đạo diễn Daniel Roussel (trái) và nhà sử học Alain Ruscio.

Còn theo quan điểm của đạo diễn Daniel Roussel, Việt Nam sau Hội nghị Genène nhận thức rõ hơn tương quan lực lượng giữa cuộc chiến đấu trên chiến trường và các cuộc thương lượng bên bàn đàm phán. Sau này, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Việt Nam đã tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với phía Mỹ nhằm tránh việc bị các nước khác chi phối.

Pierre Mandès France – người giữ quốc thể cho nước Pháp

Tổ tiên của Mandès France là những người Do Thái sống ở Bồ Đào Nha, di cư đến Pháp lập nghiệp vào thế kỷ XVI. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Paris với tấm bằng tiến sĩ luật và trở thành thành viên trẻ nhất của Hiệp hội Luật gia Paris vào năm 1928, nhưng từ 4 năm trước, ông đã gia nhập đảng Xã hội cấp tiến, tổ chức chính trị của giai tầng trung lưu theo đường lối trung tả. Năm 1932, khi mới 25 tuổi, Mandès France đã bước chân vào Quốc hội Pháp.

Nghị viên trẻ tuổi nhất của "viện nguyên lão kinh thành Paris" đã được chỉ định làm phó chủ tịch ủy ban Châu Âu và 4 năm sau được giữ chức Bộ trưởng Tài chính. Thế chiến II bùng nổ, ông tự nguyện xung vào lực lượng không quân, nhưng chẳng bao lâu sau, khi nước Pháp rơi vào tay phát xít Đức, Mandès France bị chính quyền Vichy thân phát xít bắt giữ và bị tuyên 6 năm tù giam tại một phiên tòa diễn ra như một vở tuồng cho kẻ xâm lược thưởng lãm. Tháng 6/1941, ông đào thoát khỏi nhà tù rồi chạy sang nước Anh, gia nhập vào đội Quân giải phóng nước Pháp của Charles de Gaulle.

Trong vòng 9 năm (từ 1945-1954), nền Đệ tứ cộng hòa của nước Pháp được dẫn dắt bởi hàng chục chính phủ kế tiếp nhau loạng choạng lăn bánh trên những cung đường gập ghềnh và vần vũ mây mù ở miền Viễn Đông xa xôi bởi vì ngay từ đầu, chính giới nước Pháp đã nhận thức một cách hết sức mơ hồ về mục đích của cuộc chiến tranh.

Việc rút chân ra khỏi Việt Nam là điều kiện tiên quyết để Pháp giữ được danh dự của mình, như theo lời của De Gaulle: "Thua một trận Điện Biên Phủ chưa phải bại trận trong chiến tranh Đông Dương. Nhưng yếu tố cần thiết của nhà lãnh đạo là tiên kiến". Mendès France đã thấy xa và thấy trước, ông không muốn để cho đạo quân viễn chinh Pháp cũng như danh dự của một cường quốc hoàn toàn tan rã và sụp đổ tại Đông Dương, đúng hơn là tại Việt Nam.

Ngày 13/6/1954, Quốc hội Pháp biểu quyết bất tín nhiệm chính phủ của Laniel và theo hiến pháp, phe đối lập do Mandès France cầm đầu được đề cử thành lập tân nội các. Ngày 17/6, nội các Mandès France chính thức ra mắt cùng lời hứa của ông là sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương nội trong vòng một tháng.

Vào cuối tháng 6, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Ngoại trưởng Anthony Eden công du đến Mỹ với mục đích thuyết phục Mỹ đứng hẳn về phe Anh- Pháp. Lúc bấy giờ Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles trong chính quyền của Tổng thống Eisenhower có vẻ sẵn sàng chấp nhận giải pháp chia đôi Việt Nam thành hai vùng. Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles viếng thăm Paris ngày 12/7 theo lời mời của Pháp, và hội nghị tay ba Pháp-Anh-Mỹ diễn ra tại đây.

Thủ tướng Mandès France cam kết: Pháp sẽ từ bỏ mọi hành động khống chế và chi phối chính trị - kinh tế tại vùng phía Nam rãnh phân chia. Gần đến mốc thời gian mà Mandès France hứa hẹn trước Quốc hội Pháp là sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề Đông Dương, Quốc hội Pháp rục rịch biểu quyết bất tín nhiệm Mandès France.

Ba ngày sau khi Hội nghị Genève bế mạc, Thủ tướng Mendès France ra trước Quốc hội Pháp yêu cầu phê chuẩn hiệp định ngưng bắn ở Đông Dương vừa ký kết giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hôm 20/7/1954 giữa Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu, thay mặt Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Thiếu tướng Pháp Deiteil, thay mặt Tổng tư lệnh các lực lượng Liên hiệp Pháp tại Đông Dương.

Hiếm khi nào nội viện Quốc hội Pháp diễn ra một cuộc tranh luận trong bầu không khí khá bình lặng như thế này, việc phê chuẩn được thông qua thật nhanh chỉ với 14 phiếu phản đối trước 471 phiếu chấp thuận Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương.

Âm vang thảm bại của đội quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ là cú sốc tâm lý lớn đến mức Chính phủ Pháp muốn kết thúc mọi chuyện thật nhanh. Sau 9 năm hụp lặn trong đầm lầy mê mù, giờ họ mới tỉnh táo hẳn rồi tỉ mẩn thống kê lại để thấy rằng, cuộc chiến này đã hao tốn quá nhiều nhân lực và vật lực trong khi nước Pháp còn nhiều mối quan tâm khác, như vấn đề củng cố nước Pháp cho tâm thế đối đầu với "bóng ma Cộng sản từ phía Đông" (ám chỉ Liên Xô) và kết thúc các cuộc chiến ở Bắc Phi.

Tướng Henry Navarre biết rằng, khi trở về Pháp, ông ta sẽ trở thành "vật tế thần", có nghĩa là phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về thất bại tại Điện Biên Phủ, nhưng ông ta không muốn là người duy nhất chịu trách nhiệm, chính vì vậy ông đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra. Lúc đầu, Chính phủ Pháp không muốn khuấy lại chuyện cũ vì nó chẳng có ích lợi gì ngoài việc làm công luận thêm bối rối và chính giới thêm một phen chia rẽ. Nhưng tướng Navarra không chịu im lặng.

Đặc biệt là tạp chí Jours de France (số ra từ ngày 20 đến 27/1/1955) đã đăng bài trả lời phỏng vấn rất dài của tướng Navarre. Việc này khiến Chính phủ Pháp phải thành lập Ủy ban điều tra vì họ không muốn vị tướng thất trận tung hê mọi chuyện với báo chí và không chóng thì chầy, dư luận sẽ thấy rõ Chính phủ Pháp đã gần như "đem con bỏ chợ".

Ủy ban điều tra được thành lập vào ngày 31/3/1955 mà người đứng đầu là Thủ tướng Mandès France. Ủy ban điều tra không phán xét điều gì và cũng không kết án một cá nhân nào, chỉ là đưa ra các kết luận tương đối rõ ràng về trách nhiệm của giới chính trị và sai lầm của giới quân sự ở cả hai mức độ chiến lược và chiến thuật.

Tuy nhiên, các thành viên của Ủy ban này là những nhân vật rất có ảnh hưởng của quân đội Pháp lúc bấy giờ, họ đã không đáp ứng đề nghị của chính phủ và quyết định rằng, các kết luận của ủy ban phải được giữ bí mật trong 50 năm. Điều này thêm một lần nữa cho thấy rằng, nước Pháp muốn những gì liên quan đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam cần phải cho vào quan tài của quá khứ

Hồng Hạnh - Quân Trần - Đinh Linh (theo Monde diplomatique.fr)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文