Tiến vào dinh Độc lập

14:30 09/05/2008

9 giờ ngày 30/4/1975, sau khi đại đội xe tăng chúng tôi bắn cháy chiếc xe  M48 của địch trên cầu Sài Gòn, toàn đơn vị đã vượt cầu nhằm hướng Dinh Độc Lập lao tới...

Thú thật lúc ấy tôi cũng chưa biết Dinh Độc Lập nằm ở đâu. Tôi nhớ lại trước đó, tại khu tập kết chiến dịch trong rừng cao su miền Đông, Chính ủy Lữ đoàn Bùi Văn Tùng giao nhiệm vụ cho chúng tôi trên bản đồ du lịch Sài Gòn, căn dặn: “Qua cầu Thị Nghè, đến ngã tư thứ tư thì rẽ trái chạy thẳng, sẽ tới Dinh Độc Lập”.

Vượt qua cầu Sài Gòn, chúng tôi tập trung cao độ quan sát từng góc chết của các khu nhà, những con hẻm, ngách phố, lăm lăm súng đạn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao độ, đề phòng sự chống trả của địch...

Đến ngã tư Hàng Xanh, xe tôi rẽ trái. Đi trước là một xe của Đại đội 3 do đồng chí Hùng làm trưởng xe. Tôi phát hiện hai xe M41 của địch ở phía trước trên cầu, chưa kịp xử lý tình huống thì một quầng lửa trùm lên xe của Hùng. Xe Đại đội 3 bốc cháy, Hùng bị thương. Pháo thủ xe tôi đã kịp thời nổ súng bắn cháy cả hai xe M41 của địch ngay tại cầu.

Sau này tôi mới biết, đây là cầu Thị Nghè. Sau khi đưa Hùng và các thành viên trong xe bị thương vào nhà dân gửi tạm, tôi ra lệnh cho xe tiếp tục tiến. Chúng tôi không nhớ mình đã vượt qua bao nhiêu ngã ba, ngã tư để đến trước một công viên có nhiều cây xanh.

Tôi ra lệnh dừng xe, và nhảy ra đứng dưới lòng đường. Từ phía trước, một phụ nữ đi xe máy lao tới. Tôi ra hiệu cho xe dừng lại, nhưng chiếc xe vẫn lao đi như không biết đến cử chỉ của tôi. Trong óc tôi thoáng nghĩ nhanh đây là cơ hội hiếm hoi để hỏi đường. Ngón tay cái tôi hạ phanh chốt an toàn khẩu súng mang theo người, nổ ba phát chỉ thiên. Như đoán được tôi cần gì, chiếc xe máy phanh gấp chững lại. Trước mắt tôi, một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi tuổi, mặt mày tái mét. Tôi nói nhẹ nhàng:

- Chị chỉ hộ tôi đường vào Dinh Độc Lập.

- Tôi chỉ xong ông cho tôi đi chứ? - Người phụ nữ vừa nói vừa run.

- Vâng, nói xong, chị hoàn toàn tự do - Tôi khẳng định.

- Ông đang đứng trước Dinh Độc Lập đó - chị nói mà không dám chỉ tay - nó bên trong những cây kia.

Suốt chặng đường tiến vào Dinh Độc Lập, xe tăng 843 do tôi trực tiếp làm trưởng xe luôn dẫn đầu, tiếp sau là xe 390 của Chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn. Xe tăng 843 tiến đến trước hàng rào Dinh Độc Lập húc thẳng vào cổng phụ bên cạnh cổng chính và khựng lại. Ngay sau đó xe 390 xông lên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập. Cánh cổng sắt bung ra, xe tôi cũng lao vào theo. Trong Dinh Độc Lập vẫn không thấy có phản ứng gì. Tôi đoán bọn địch đã bỏ chạy.

Nhớ đến nhiệm vụ mà Chính ủy Lữ đoàn đã giao là đơn vị nào vào trước có trách nhiệm cắm cờ và bắt nội các Dương Văn Minh, tôi liền giao lại quyền chỉ huy xe cho đồng chí Thái Bá Minh (là pháo thủ). Tôi rút cần ăngten của xe, trên có lá cờ  Mặt trận giải phóng.

Tôi chỉ kịp nói với các thành viên trên xe: “Nếu 10 phút nữa không thấy tôi ở cột cờ thì còn một viên đạn nữa bắn nốt vào Dinh”. Tay phải tôi cầm lá cờ quấn vào cần ăngten chạy thẳng vào Dinh Độc Lập. Lên đến cầu thang, tôi mới cảm thấy lạnh sườn, vì đi một mình, trong tay không có vũ khí. Lúc này, lựu đạn, súng ngắn, AK tôi đều để lại trên xe.

Nhưng để chớp thời cơ, tôi lao thẳng lên tầng 2. Tại căn phòng, từ phía bên phải cầu thang, tôi thấy có người. Tôi lao vào phòng, đầu đập vào cửa kính trong suốt bị choáng, ngã ngồi xuống ngay trước cửa. Trong chốc lát, tôi tỉnh lại, thấy một nhân viên của chính quyền Sài Gòn ra mở cửa, tôi mới biết căn phòng được ngăn bằng cửa kính. Tôi nói gấp:

- Cho gặp Dương Văn Minh ngay.

- Vâng, vâng... Để tôi vào báo tổng thống.

Một lát sau, Dương Văn Minh ra. Tôi quát: “Cho người dẫn tôi lên cột cờ” vừa để trấn áp viên tổng thống. Dương Văn Minh gọi tên nhân viên gặp tôi lúc trước bảo dẫn tôi lên cột cờ.

Tôi được đưa đến trước căn phòng có hai cánh cửa sắt. Người dẫn đường ấn nút điện, hai cánh cửa dẹp về hai phía, bên trong hiện ra một khoang giống như thùng sắt đựng lúa của nông dân.

- Mời ông vào trước.

Tôi nghiêm mặt nhìn người dẫn đường đầy ngờ vực. Như đoán được suy nghĩ của tôi, người dẫn đường giải thích: “Thưa ông, đây là cầu thang máy, lên cho nhanh”.  Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, tôi có biết thang máy thế nào đâu. Tôi nói: “Ông vào trước đi, nhớ quay mặt vào trong”. Người dẫn đường đi  vào, tôi vào theo.

Tôi có cảm giác được nâng lên. Cánh cửa thang máy mở ra,  nhìn thấy cột cờ, tôi lao thẳng đến, kéo dây hạ cờ ba sọc - biểu tượng của chính thể Việt Nam cộng hòa xuống. Do dây buộc quá chặt, cứ khoảng 20cm lại có một móc sắt, tôi lần gỡ được hai móc, sốt ruột quá liền dùng răng cắn mép trên xé rách lá cờ. Lúc này trên sân Dinh Độc Lập, xe tăng bộ binh ta đã tràn vào.

Tôi rút lá cờ Mặt trận giải phóng ở cần ăngten ra buộc vào, kéo lên. Lá cờ bay phần phật trên nóc Dinh Độc Lập trong bầu trời ngập nắng của thành phố Sài Gòn.  Rồi tôi hạ cờ xuống, lấy bút máy Trường Sơn mang theo ghi vào góc dưới lá cờ dòng chữ: “11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, bên dưới ghi thêm chữ Thận" rồi lại kéo lá cờ lên. Còn lá cờ của chính quyền Sài Gòn, tôi gấp lại, đem xuống nhét vào hòm kính xe tăng. Sau này giao lại cho cán bộ bảo tàng nhà nước.

Lát sau, tôi thấy trong sân Dinh Độc Lập, ngoài đường phố, bộ đội, nhân dân, cả rừng người, rừng cờ, rừng hoa đang hân hoan đón chào chiến thắng. Việc cắm cờ trên Dinh Độc Lập tôi không làm thì đồng đội, đồng bào của tôi sẽ làm. Riêng với bản thân mình, tôi cảm ơn lịch sử đã ban cho tôi một cơ hội được góp một phần sức lực của mình trong việc giành lại hòa bình độc lập, tự do của dân tộc

B.Q.T (Rút trong tập "Binh đoàn Hương Giang - dấu chân thần tốc" - NXB QĐND ấn hành - 2003)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文