Từ Hội nghị Yalta đến cuộc khủng hoảng đầu tiên của Chiến tranh Lạnh

Nhật đầu hàng vì 2 quả bom nguyên tử hay vì đạo quân Quan Đông đại bại?

21:40 31/08/2017
Đạo quân Quan Đông, lực lượng ưu tú nhất của Quân đội Nhật Bản có trách nhiệm bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Mãn Châu từ năm 1932. Ngay sau khi Hội nghị Yalta kết thúc, Nguyên soái Liên Xô A.M. Vasilievsky và Bộ Tổng Tham mưu đã bắt tay chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến tại Mãn Châu…

Đến khi gật đầu tham chiến ở mặt trận Thái Bình Dương (Đông Bắc Á), Stalin mới đưa ra các điều kiện về quyền lợi một khi chiến thắng trước đế quốc Nhật Bản; trong đó có quyền được thu hồi khu vực Nam đảo Sakhalin, chủ quyền quần đảo Kuril được chuyển sang cho Liên Xô, quyền được cùng với Trung Quốc khai thác các tuyến đường sắt tại Đông Bắc Trung Quốc và Nam Mãn Châu.

Mãn Châu là vùng đất nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc, là nơi phát tích của các triều đại phong kiến nhà Thanh (1644-1911). Vào thời cận đại, Mãn Châu đã có thời nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đế quốc Nga về kinh tế. Tháng 9-1931, đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu và dựng lên chính quyền Mãn Châu Quốc do Phổ Nghi - hoàng đế cuối cùng của triều nhà Thanh - trị vì, tuy nhiên, mọi thực quyền đều do Nhật Bản nắm giữ.

Mãn Châu là vùng công nghiệp phát triển sớm từ đầu thế kỷ XX, tại đây có các thành phố lớn đồng thời là các trung tâm công nghiệp và đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ quan trọng, có quân cảng Đại Liên (Arthur) từng là nơi trú đóng của Hạm đội Thái Bình Dương của đế quốc Nga. Đối với Nhật Bản, Mãn Châu được xem bàn đạp quân sự quan trọng để tấn công vùng Viễn Đông của Liên Xô.

Đạo quân Quan Đông, lực lượng ưu tú nhất của Quân đội Nhật Bản có trách nhiệm bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Mãn Châu từ năm 1932.  Ngay sau khi Hội nghị Yalta kết thúc, Nguyên soái Liên Xô A.M. Vasilievsky và Bộ Tổng Tham mưu đã bắt tay chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến tại Mãn Châu. Tiếp sau đến Hội nghị Postdam, nguyên thủ Liên Xô đã thông báo kế hoạch quân sự tại Viễn Đông như một lời xác nhận Liên Xô sẵn sàng thực hiện lời cam kết.

Người dân Nhật quỳ khóc bên ngoài hoàng cung khi nghe lời tuyên bố đầu hàng của Nhật Hoàng Hirohito phát đi ngày 15-8-1945. Ảnh: Japan Times.

Ngày 6-8-1945, biết tin Mỹ ném quả bom "có sức hủy diệt hàng loạt" xuống thành phố Hiroshima, Stalin và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Liên Xô quyết định phải lập tức tham chiến. Ngày 8-8, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô trao cho Đại sứ Nhật Bản tại Moskva bản tuyên bố đơn phương chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước Trung lập Xô-Nhật và nêu rõ rằng, từ 0 giờ ngày 9-8, Liên Xô tự đặt mình vào tình trạng có chiến tranh với Nhật Bản.

Đúng 0 giờ, Hồng quân Liên Xô từ bốn hướng ồ ạt tấn công đạo quân Quan Đông, đồng thời Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô cũng đổ quân vào Bắc Triều Tiên, tiến vào phía Nam đảo Sakhalin và quần đảo Kuril. Tin chiến sự bay đến đại bản doanh Quân đội Nhật Bản vào lúc 5 giờ 30 phút sáng (giờ Tokyo). Đối với các tướng lĩnh Nhật Bản, đây là một cơn địa chấn mạnh hơn cả quả bom thả xuống Hiroshima 3 ngày trước đó.

Hội đồng Chiến tranh Tối cao Nhật Bản nhóm họp khẩn cấp lúc 10 giờ 30 phút sáng. Bằng giọng điệu nghiêm trọng, Thủ tướng Kantaro Suzuki đánh giá rằng, "việc Liên Xô tham chiến vào rạng sáng hôm nay đã đưa chúng ta vào một tình thế hoàn toàn không có lối thoát". Tình thế đã trở nên rõ ràng ngay cả với phe chủ chiến do Đại tướng Korechika Anami - Bộ trưởng Bộ Chiến tranh - đứng đầu, nên chủ đề của cuộc họp xoay quanh việc phải chấp nhận Tuyên bố Potsdam với những điều kiện như thế nào để "bảo toàn quốc thể".

Trong khi phe chủ hòa định nghĩa "quốc thể" là sự bảo toàn Hoàng gia thì phe chủ chiến diễn dịch đấy là sự bảo toàn quyền lực tối thượng của Hoàng gia với vai trò quan trọng của quân đội. Tranh luận quanh cách diễn dịch "quốc thể" khiến cuộc họp đi đến bế tắc, vì thế Thủ tướng Suzuki đề nghị vào cung thỉnh thị ý kiến của Thiên hoàng. Ngày 10-8, Thiên hoàng Hirohito (Chiêu Hòa) đưa ra lời phán: "Nhật Bản đang lâm vào tình thế 'lưỡng đầu thọ địch', bị cả hai đối thủ mạnh nhất tấn công, vì vậy chỉ còn giải pháp do Thủ tướng Suzuki đề xuất mới có thể tìm được lối thoát".

Thiên hoàng Hirohito sau đó đã truyền Bộ trưởng Ngoại giao Togo thảo công hàm gửi đến "Tam cường" ngỏ ý chấp nhận chấm dứt chiến tranh với điều kiện Nhật Bản sẽ không bị chiếm đóng và thể chế Thiên hoàng được bảo vệ. Thảo xong công hàm, Togo đã mời đại biện lâm thời Thụy Sĩ tới trụ sở Bộ Ngoại giao nhờ chuyển giúp.

Ngày 12-8, đài phát thanh San Francisco của Mỹ đã truyền đi thông điệp trả lời của quân Đồng minh - từ chối các điều kiện của Chính phủ Nhật Bản nhưng hứa hẹn hình thức cai trị của nước Nhật sẽ do nhân dân Nhật tự do quyết định. Một lần nữa, Thiên hoàng đứng về phe chủ hòa, đồng ý bước qua bức màn thần bí truyền thống để ghi âm lời phát biểu chấp nhận đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện.

Phe chủ chiến nhất quyết không chấp nhận hành động làm ô nhục "quốc thể". Đêm 14 rạng ngày 15-8, một số sĩ quan của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhật Bản tổ chức đánh lừa Sư đoàn Ngự lâm quân, thâm nhập hoàng cung với ý định cô lập Thiên hoàng Hirohito, thu giữ cuốn băng ghi âm phát biểu của Thiên hoàng và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, âm mưu bị tướng Tanaka, chỉ huy lực lượng phòng thủ Miền Đông Nhật Bản, đập tan.

Lúc 8 giờ sáng ngày 15-8, lời phát biểu của Thiên hoàng Hirohito đã được phát trên đài phát thanh Tokyo: "Nhật Bản chấp nhận các điều kiện của Tuyên bố Potsdam, chúng ta vô cùng thương tiếc những người đã hy sinh nhưng bây giờ là lúc cần phải kiềm chế cảm xúc của mình... Hãy để cho mọi người được sống với nhau như một gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tổ quốc thiêng liêng luôn đặt niềm tin vĩnh cửu của mình vào họ và hãy suy nghĩ về gánh nặng của trách nhiệm trên con đường đi tới tương lai. Cần phải tập hợp tất cả lực lượng để xây dựng tương lai. Hãy đem sự trung thành vô hạn, sự giải phóng về tinh thần, sự trau dồi trí tuệ và không ngừng vượt qua khó khăn để làm sao cho sự vinh hiển của đế quốc luôn song hành với sự tiến bộ của thế giới".

Bản tin vừa được phát xong, Thủ tướng Kantaro Suzuki tuyên bố từ chức và giải tán nội các. Khoảng 1 tiếng sau, Đại tướng Korechika Anami, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, mổ bụng tự sát.

Với mục tiêu bao vây tiêu diệt phần lớn quân lực của đạo quân Quan Đông và kiểm soát hoàn toàn Mãn Châu trước khi Đế quốc Nhật chính thức đầu hàng, thách thức lớn nhất của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Xôviết khi lập kế hoạch tác chiến là nhanh chóng triển khai quân vào sâu lãnh thổ đối phương tới hơn 800 km.

Quân đội Liên Xô giải phóng thành phố Hắc Long Giang trong Chiến dịch Mãn Châu.

Bằng những đòn tấn công như vũ bão, chỉ trong vòng một tuần lễ, Hồng quân Liên Xô đã bẻ gãy hoàn toàn sức kháng cự của đạo quân Quan Đông gồm 1 triệu binh sĩ Nhật thiện chiến, giải phóng toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc và miền Bắc Triều Tiên.

Sát cánh cùng với Hồng quân Liên Xô, các chiến sĩ Mông Cổ cũng đóng góp công lao của mình vào chiến thắng này. Trong chiến dịch Mãn Châu, Hồng quân Liên Xô đã kịp thời giải cứu 2.000 tù binh trong các trại tập trung của phát xít Nhật tại Mãn Châu và Galkoo (Bắc Triều Tiên) khỏi âm mưu "xóa sạch dấu vết" hai trại tập trung này.

Trong số tù binh được cứu thoát có 29 vị tướng-16 vị tướng Mỹ, 5 tướng Anh và 8 tướng Hà Lan. Thiếu tướng Writer, nguyên Chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Mỹ tại mặt trận Philippines là một trong số tù binh đã được giải phóng trong chiến dịch đó. Ngoài ra, 46 binh sĩ người Australia và Brazil cũng có may mắn thoát chết ở trại tập trung của phát xít Nhật.

Ngày 19-8, Nguyên soái A. Vasilevssky đồng ý dùng máy bay Liên Xô đưa Trung tướng Tham mưu trưởng đạo quân Quan Đông Hata Hikosaburo, Đại sứ Nhật Bản tại Mãn Châu Quốc Miyakawa cùng 7 tướng lĩnh và sĩ quan tùy tùng đến Tổng hành dinh tại Chita bàn việc đầu hàng cụ thể.

Theo thỏa thuận thì Quân đội Nhật Bản phải giao nộp toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh, chuyển giao các kho tàng quân dụng… Tất cả những việc này phải tiến hành xong trước 12 giờ trưa ngày 20-8, đồng thời được phép sử dụng các phương tiện thông tin, vận tải của Liên Xô kể cả máy bay, để truyền lệnh đầu hàng đến các đơn vị cấp thấp.

Cho đến nay, việc đánh giá vai trò của Chiến dịch Mãn Châu trong quá trình đế quốc Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vẫn còn gây tranh cãi trong giới sử học. Ở Hoa Kỳ, câu hỏi về tính chính đáng trong việc sử dụng vũ khí nguyên tử nhiều lần được khơi dậy, dẫn tới xu hướng đồng thuận với quan điểm của tác giả Robert J. C. Butow cho rằng, 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki là nguyên nhân quyết định đưa đến việc Nhật Bản sớm đầu hàng.

Quan điểm này cũng được ủng hộ bởi các tác giả người Mỹ khác có uy tín là Richard Frank (trong quyển 'Downfall: The End of the Imperial Japanese Empire'- 'Sự sụp đổ: Cái kết của đế chế Nhật Bản' ấn hành năm 1999 và Robert A. Pape trong 'Why Japan Surrendered'- Tại sao Nhật Bản đầu hàng).

Tuy nhiên, quan điểm này bị nhiều chính trị gia và nhà sử học khác phản bác. Bản thân cựu Thủ tướng Anh Churchill trong tác phẩm "The Second World War" đã đưa ra luận điểm: "Sẽ sai lầm nếu cho rằng số phận của Nhật Bản là do những quả bom nguyên tử quyết định", tuy nhiên ông cũng không nói công này là do Liên Xô với Chiến dịch giải phóng Mãn Châu.

Tác giả người Mỹ gốc Nhật Tsuyoshi Hasegawa đưa ra 2 luận điểm được trích dẫn rộng rãi: việc Liên Xô tham chiến đã làm sụp đổ chiến lược kéo dài chiến tranh của phe chủ chiến Nhật Bản; diễn tiến chớp nhoáng của chiến dịch làm dấy lên mối lo ngại Nhật Bản sẽ bị Liên Xô chiếm đóng, và cho rằng đây là 2 nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc đế quốc Nhật Bản phải sớm đầu hàng.

Nhưng có một câu hỏi khác: liệu việc Liên Xô tham chiến chống Nhật Bản có cần thiết không? cũng là một khía cạnh gây tranh luận.

Ở Liên Xô trước đây, quan điểm lịch sử chính thống xem Chiến dịch Mãn Châu như là một phần của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đồng thời Liên Xô có vai trò quốc tế to lớn trong việc giải phóng các nước châu Á khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa phát xít Nhật. Quan điểm này vẫn được phần đông các sử gia Nga sau thời kỳ cải tổ ủng hộ.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm trái ngược nhận được sự tán thành rộng rãi ở ngoài nước Nga mà tiêu biểu là của sử gia Nga B. Slavinsky khi cho rằng, động cơ tham chiến của Liên Xô gồm 2 thành tố chính: trả đũa cho thất bại của đế quốc Nga năm 1904-1905 và lợi ích địa chính trị ở Viễn Đông. Cần nhắc lại rằng, hoạt động quân sự của Quân đội Liên Xô tại Mãn Châu đã được "tam cường" thỏa thuận tại Hội nghị Potsdam.

Là một bên cam kết mở mặt trận chống đế quốc Nhật Bản, Liên Xô không thể không thực hiện cam kết đó- một cam kết có tính chất quốc tế ở thời điểm đặc biệt quan trọng và nhạy cảm. Hậu quả chính trị, quân sự và quan hệ quốc tế sẽ rất tồi tệ nếu Liên Xô không thực hiện cam kết của mình cũng như khả năng chiến tranh sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Ward Wilson, học giả cấp cao tại Hội đồng Thông tin An ninh Mỹ-Anh (British American Security Information Council - BASIC) với những phân tích trong quyển "Five Myths About Nuclear Weapons" ấn hành năm 2013 cho rằng, việc Nhật Bản đầu hàng có nguyên nhân chính là từ Chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô và đạo quân Quan Đông đại bại, còn việc hứng chịu 2 quả bom nguyên tử là "một cái cớ hoàn hảo cho việc chấp nhận đầu hàng".

Quyết định đầu hàng của Hội đồng Tối cao Nhật Bản được đưa ra vào sáng sớm ngày 9-8, trong khi quả bom thứ hai mà Mỹ ném xuống Nagasaki diễn ra vào cuối buổi sáng ngày hôm ấy.

Quả bom ném xuống Hiroshima, dù có sức tàn phá "chưa từng thấy" cũng không phải là tác nhân khiến đế chế Nhật sụp đổ, vì báo cáo sơ bộ của nhóm điều tra Lục quân Nhật về vụ ném bom Hiroshima đã không được trình nộp cho đến ngày 10-8. Nói cách khác, Nhật Bản đã quyết định đầu hàng từ trước khi giới lãnh đạo quân phiệt Nhật nhận ra sức mạnh của vũ khí nguyên tử trong thời khắc quyết định tiến trình chiến tranh.

Trong một cuộc họp của Hội đồng Chiến tranh tối cao vào tháng 6-1945, Phó Tổng Tham mưu Lục quân Kawabe đã phát biểu: "Duy trì tuyệt đối hòa bình trong quan hệ của chúng ta với Liên Xô là hết sức quan trọng nếu muốn tiếp tục cuộc chiến" và hội đồng này đã đi đến kết luận: Việc Liên Xô tham chiến "sẽ quyết định số phận của cả đế quốc chúng ta".

Quang Hiếu (tổng hợp)

Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Tiến Lợi (SN 1969, nơi thường trú: khu phố 8, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”

Càng về dịp cuối năm tình trạng sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo nổ càng gia tăng. Trên địa bàn TP Hải Phòng, đi kèm với tình trạng trên là hàng loạt những vụ nổ gây hậu quả đáng tiếc, thậm chí là thảm khốc…

Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra từ ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro, Brazil, đã khép lại với một bản tuyên bố chung chứa đựng nhiều cam kết quan trọng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không.

UBND tỉnh Thanh Hoá xử phạt Công ty TNHH Thương mại Song Dương (thôn Thanh Tiến, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vì để xảy ra vi phạm tại trang trại chăn nuôi quy mô 2.400 con heo nái theo công nghệ CP Thái Lan ở xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Phát huy hiệu quả hoạt động đối ngoại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Công an tỉnh Điện Biên với vai trò nòng cốt đã chủ động tham mưu, xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác đối ngoại phù hợp với điều kiện thực tiễn, đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào ổn định tình hình an ninh trật tự (ANTT), xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng hợp tác phát triển.

Thực phẩm chức năng giả, hoặc hàng xách tay, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường, được quảng cáo trên mạng xã hội như “thần dược”, sai sự thật khiến người tiêu dùng bị đánh lừa. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều đối tượng còn sản xuất thực phẩm chức năng giả, đánh vào tâm lý muốn giảm cân nhanh chóng của khách hàng nên đã cho chất cấm vào thực phẩm chức năng.

Thời gian gần đây, không ít đối tượng mang nhiều tiền án ở ngoại tỉnh đã dạt về Cố đô Huế để… “kiếm ăn”. Tuy nhiên, do bám sát địa bàn nên ngay sau khi tiếp nhận tin báo tội phạm, Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) đã kịp thời triệt phá, bắt giữ “nóng” nhiều ổ nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản….

Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn An Giang, ngày 20/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt; trú thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để điểu tra về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đội tuyển Việt Nam luôn được đặt kỳ vọng cao ở mỗi lần tham dự AFF Cup. Chúng ta đã có 2 chức vô địch ở hai thời điểm, hoàn cảnh, vị thế khác nhau. Và bây giờ là một thử thách khác. Trong loạt bài viết giới thiệu các đội tuyển mới đây trên trang chủ giải bóng đá vô địch Đông Nam Á – AFF Cup (tên gọi mới ASEAN Cup) 2024, AFF bày tỏ kỳ vọng đội tuyển Việt Nam sẽ có phần thể hiện ấn tượng và giành được thành tích tốt.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và tỉnh Điện Biên về hội nhập quốc tế, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động, tích cực triển khai công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với Công an 6 tỉnh Bắc Lào và Công an tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trực tiếp là Cục Công an thành phố (TP) Phổ Nhĩ. Qua đó, ổn định tình hình ANTT, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ở 4 huyện biên giới: Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文