Valentina Tereshkova, nữ du hành đầu tiên bay vào vũ trụ
- Bí mật mới được tiết lộ của nữ du hành vũ trụ đầu tiên
- Cuộc sống riêng của nữ du hành vũ trụ đầu tiên
Cách đây 59 năm, ngày 12 tháng 4 năm 1961, phi công Liên Xô Yuri Gagarin đã thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ và trở thành người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ Nga, tại phiên họp đặc biệt diễn ra trong ngày 7/4/2011, Đại Hội đồng Liên hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết lấy ngày 12/4 hàng năm là Ngày Hàng không vũ trụ thế giới.
Nhân ngày Hàng không Vũ trụ thế giới 12/4, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc về nữ du hành đầu tiên bay vào vũ trụ Valentina Tereshkova qua những tư liệu mới được đăng tải gần đây trên tờ “Sự thật Thanh niên” của Nga.
Khi đã trở thành nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới, trong khoảng thời gian hơn 40 năm,Valentina Tereshkova luôn luôn lẩn tránh những cuộc phỏng vấn về việc, tại sao bà được chọn là người đầu tiên bay vào vũ trụ? Về việc bà đã suýt không trở về được Trái Đất? Về việc Tổng Bí thư Khruchshev đã làm chủ hôn trong lễ cưới bà với nhà du hành vũ trụ Andryan Nikolaev?
Con đường tới vinh quang
Sau chuyến bay của Gagarin - người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ ngày 12 tháng 4 năm 1961, trong phiên họp tháng 12 năm đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định cử một đại diện phụ nữ bay lên vũ trụ. Thời kỳ đó, ngành du hành vũ trụ trở thành đấu trường cạnh tranh của hai hệ thống chính trị thế giới, nên quyết định nêu trên của BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô có cả màu sắc chính trị.
Đầu năm 1962, bắt đầu công việc tìm ứng cử viên với những tiêu chí: Biết nhảy dù, độ tuổi dưới 30, chiều cao dưới 170cm và cân nặng tối đa 70kg. Gần 800 ứng cử viên được xem xét trong số các vận động viên câu lạc bộ hàng không và thành viên đội tuyển quốc gia thể thao trên không của Liên Xô. Ban đầu có 17 người đáp ứng các tiêu chuẩn.
Nữ du hành vũ trụ Valentina Tereshkova. |
Cuối cùng, 5 ứng cử viên được lựa chọn và phân thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất khả năng cao gồm: Tereshkova, Kuznéhova và Yerokina (164cm) và nhóm thứ hai gồm: Ponomareva và Sholovievna (161cm). Hai người ở nhóm thứ hai là những người khỏe nhất. Ponomareva đã học ở Trường Đại học Hàng không Moscow, đã tham gia các cuộc thi bay thể thao toàn Liên Xô, thành thạo môn thể thao nhảy dù, đã nhảy hơn 700 lượt.
So với hai người ở nhóm thứ hai thì Valentina Tereshkova chưa học tới đại học, chỉ là vận động viên nhảy dù cấp 1, kết quả học tập chưa cao, chưa thường xuyên hoàn thành các bài ở mức "giỏi". Tuy thế, Hội đồng giám khảo lại quyết định chọn Valentina Tereshkova để bay với lý do sau đây:
Thứ nhất, sau thành công rực rỡ của Gagarin, một vấn đề được đặt ra là, người nữ du hành vũ trụ đầu tiên sẽ phải đi nhiều nơi để báo cáo những thành quả của Liên Xô đã đạt được. Tereshkova là người có thâm niên trong công tác Đoàn Thanh niên, nên bà có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền.
Nguyên nhân thứ hai là Tổng công trình sư vũ trụ Korolev muốn trong chuyến bay tiếp theo, cũng do nữ du hành thực hiện, sẽ có một nữ phi công vũ trụ đi ra ngoài con tàu vào khoảng không vũ trụ. Đối với môn nhào lộn này, con mắt của Tổng công trình sư Korolev lại để ý đến hai người thuộc nhóm thứ hai là Ponomareva và Sholovievna, nên ông quyết định "để dành" hai nữ phi công này.
Suýt không trở về được Trái Đất
Ngày 14/6/1963, tên lửa đã đưa tàu "Phương Đông-5" có nhà du hành vũ trụ Valery Bukosky bay vào quỹ đạo. Theo kế hoạch, cách một ngày sẽ phóng tiếp tàu "Phương Đông-6" có Valetina Tereshkova vào vũ trụ. Các nữ du hành trong trang phục trung úy mới tinh đã đến sân bay. Song sau đó, Moscow đã quyết định hủy bỏ chuyến bay và Tereshkova cùng với những người dự bị phải nhanh chóng quay về thay trang phục.
Hai ngày sau, ngày 16-6, tàu "Phương Đông-6" đã được phóng thành công lên vũ trụ. Song điều gì đã xảy ra với con tàu sau khi nó đã đi vào quỹ đạo?
Trước sinh nhật lần thứ 70, lần đầu tiên Tereshkova mới kể lại: "Trong chương trình tự động của con tàu đã có một chi tiết không chính xác: Chương trình được lập phải định hướng để tàu bay theo hướng hạ xuống đất, ngược lại nó lại bay theo hướng lên quỹ đạo. Tôi không tiếp giáp được với mặt đất mà mỗi vòng bay, con tàu lại cách xa dần mặt đất".
Tổng thống Nga Medvedev trao tặng bà Tereshkova Huân chương Hữu nghị (tháng 4/2011). |
Tereshkova đã báo cáo tình hình này với Tổng công trình sư Korolev. Chỉ sang ngày thứ hai, sau khi mặt đất đã đưa số liệu mới vào chương trình, quỹ đạo bay mới được chỉnh sửa lại.
Bà kể tiếp: "Sergey Korolev yêu cầu tôi không được kể chuyện này. Và tôi đã giữ điều bí mật này hơn 10 năm. Còn bây giờ đã có những thông tin về vấn đề này và tôi có thể tự do nói ra điều bí mật đó".
Có nhiều bàn tán xung quanh chuyện Valentina Tereshkova thích nghi kém với tình trạng mất trọng lượng, bà bị nôn, chóng mặt và chương trình nghiên cứu khoa học của chuyến bay bị tiêu tan. Có người còn cho rằng, Korolev đã tính đến việc cho ngừng chuyến bay một cách khẩn cấp. Còn sau khi đã tiếp cận mặt đất, nữ du hành vũ trụ Tereshkova hai tay run run và đã có ý định thu dọn những "sản phẩm" nôn ọe trong con tàu của mình...
Thực tế trong chuyến bay 3 ngày của Tereshkova lại xảy ra những vấn đề khác. Trong suốt thời gian bay, phi công không được phép cởi áo bay. Sang đến ngày bay thứ hai, ống chân phải của bà bị đau buốt. Đến ngày thứ ba thì bà không chịu nổi cơn đau. Bà cảm thấy trên vai như có một mũ kín trùm lên, trong đầu ngứa ngáy như đang ở dưới bộ cảm biến.
Tereshkova thừa nhận, trong khoang tàu, thức ăn chỉ là những lát bánh mì khô. Bà bị nôn một lần, nhưng không phải do rối loạn tiền đình, mà là do thức ăn.
Bà nói tiếp: "Khi tôi phóng mình ra khỏi con tàu, một nỗi khiếp sợ rợn người đã bao quanh tôi - phía dưới tôi là hồ nước. Tôi có ý nghĩ ban đầu: Trời ơi, đưa một phụ nữ lên vũ trụ, còn bây giờ lại ném chị ta xuống nước".
Các phi công vũ trụ đều được học bơi. Song, liệu họ có đủ sức để giữ mình dưới nước sau một chuyến bay đã bị kiệt sức? Rất may là Tereshkova đã bay qua hồ. Dưới mặt đất gió mạnh, tạo ra cơn lốc. Nữ du hành vũ trụ rơi vào trạng thái như tê liệt trong bộ quần áo bay nặng nề…
Bà giải thích tiếp: "Tôi bị đau khi mũ đè vào, cuối cùng dù đã rời ra, song trên mũi có một vết bầm. Sau đó các thầy thuốc đã phải bôi thuốc cho hết vết bầm đó".
Nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội
Tereshkova vẫn mơ ước về một chuyến bay mới. Bà có ý định xin vào đội ngũ phi công vũ trụ. Nhưng sau thảm họa của Gagarin, Nhà nước Liên Xô đã có quyết định phải bảo vệ "những nhà du hành vũ trụ đầu tiên".
Không được bay nữa, Tereshkova tiếp tục sự nghiệp của mình trên mặt đất một cách vẻ vang. Bà tốt nghiệp xuất sắc Học viện Kỹ thuật Không quân mang tên Giukosky, trở thành Giáo sư, Phó tiến sĩ khoa học. Bà là tác giả của hơn 50 công trình khoa học. Bà là người phụ nữ Liên Xô đầu tiên trở thành Thiếu tướng không quân và là thành viên của Đội du hành vũ trụ từ năm 1962 cho đến năm 1997.
Tereshkova rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Bà là thành viên của Tổ chức Hòa bình Thế giới và trúng cử vào Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao năm 1974. Bà cũng là đại biểu của Liên Xô tại hội nghị của Liên Hợp Quốc trong Năm Phụ nữ Quốc tế tổ chức tại Mexico City năm 1975. Bà được bầu làm Phó chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Dân chủ Quốc tế và Chủ tịch Tổ chức hữu nghị Liên Xô - Algieria.
Trong vòng gần 20 năm, bà đứng đầu Hội Phụ nữ Liên Xô. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, bà lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Xôviết. Từ năm 1994, bà là người đứng đầu Trung tâm Hợp tác văn hóa và khoa học với nước ngoài trực thuộc Chính phủ Nga…
Công lao của Tereshkova đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý không chỉ của Liên Xô và nước Nga mà cả của nhiều nước khác. Ngay sau chuyến bay, bà được Chính phủ Liên Xô phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin, Huân chương Cách mạng Tháng Mười.
Tháng 4 năm 2011, bà được Tổng thống Nga Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị và là Công dân danh dự của thành phố quê hương Yaroslav và nhiều thành phố khác trên thế giới. Bà được Liên Hợp Quốc tặng Huy chương vàng Hòa bình. Tên của Tereshkova được đặt cho một miệng núi lửa trên Mặt Trăng và một tiểu hành tinh.
Năm 1971, bà được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ngày 25-11-1979, bà Valentina Tereshkova với cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Liên Xô sang thăm Việt Nam. Bà đã vào Lăng viếng Bác và thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Đứng trước hai cây lan vũ trụ, bà rất xúc động khi được biết ý nghĩa của việc trồng hai cây hoàng lan và tên gọi của hai cây mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho cây nhân sự kiện Anh hùng vũ trụ German Titov được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời sang thăm Việt Nam hồi tháng 01 năm 1962.
Tuy tuổi đã ngoài 80, song bà Valentina Tereshkova vẫn miệt mài với công việc xã hội. Gần đây nhất, ngày 10 tháng 3 năm 2020, tại cuộc họp Hạ viện Nga, bà Valentina Tereshkova, là Nghị sĩ có tuổi đời cao nhất trong Hạ viện, đã phát biểu cho rằng, ông Putin nên được trao quyền lãnh đạo đất nước nếu ông vẫn nhận được sự tín nhiệm của người dân trong các cuộc bầu cử tương lai. Ý kiến của bà Tereshkova được phần lớn Hạ viện Nga ủng hộ.
Về đời tư của Valentina Tereshkova
Theo lời kể của các phi hành gia như Yuri Gagarin và Aleksei Leonov thì mối quan hệ giữa Valentina Tereshkova và Andriyan Nikolaev bắt đầu diễn ra trong dịp các phi hành gia đang nghỉ ngơi trong nhà điều dưỡng "Chemitokvadzhe" ở Sochi. Ở đó, Valentina Tereshkova và Andryan Nikolaev đã quấn quýt với nhau, họ cùng nhau đi biển, đi dạo trong công viên đẹp như tranh vẽ, họ cùng bên nhau đến phòng ăn.
Và tháng 11 năm 1963, đã diễn ra đám cưới của hai nhà du hành vũ trụ nổi tiếng. Việc tổ chức đám cưới này được đích thân ông Nikita Khruchshev đứng ra làm chủ lễ. Ông yêu cầu tổ chức Lễ cưới tại Tòa nhà Chính phủ. Ở đó, ông Nikita Khruchshev đã nâng cốc chức mừng, mong muốn đôi bạn trẻ nhanh chóng sinh con. Ngay sau khi ông Khruchshev rời khỏi bữa tiệc, cô dâu và chú rể lập tức đến thành phố Ngôi sao, nơi bạn bè của họ đang chờ đợi.
Tháng 6 năm 1964, con gái đầu lòng của họ cất tiếng khóc chào đời, được đặt tên là Elena. Trong thời gian mang thai, Valentina Tereshkova đã phải chịu đựng nhiều áp lực về tinh thần, bà luôn luôn mong đợi đến ngày sinh con và lo lắng những điều chưa thể biết. Không ai biết những chuyến bay của họ vào không gian có thể có ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ?
Tất cả các phi hành gia đều biết: những chú chó con được sinh ra từ những con chó sống trong không gian đều đã chết hoặc mắc bệnh nghiêm trọng. Chỉ khi Elena chào đời, bà Valenchina mới thở phào nhẹ nhõm.
Họ sống cùng nhau 19 năm và hạnh phúc vì người con gái mỗi ngày mỗi lớn khôn. Nhưng việc Tereshkova gánh nhiều trọng trách trong công tác xã hội, phải liên tục đi xa nhà, còn Nikolaev thì phải luyện tập để bay, có lẽ vì thế đã đẩy họ ra xa nhau. Từ giữa năm 1979, người ta ít thấy họ xuất hiện cùng nhau.
Sau đó, Tereshkova đi bước nữa với Giulidy Shaporlikov - bác sĩ quân y và họ sống với nhau được 20 năm cho đến khi ông từ trần vào năm 1999.