William Fisher - Nhà tình báo “siêu đẳng”

22:15 10/03/2020
Xây dựng được một mạng lưới tình báo rộng khắp, thu được hàng trăm tài liệu bí mật của CIA và những nghiên cứu về bom nguyên tử , tàu ngầm, máy bay phản lực của Mỹ - đây chỉ là một phần công trạng của điệp viên William Fisher, mà trong một thời gian dài ông đã ẩn náu dưới cái tên Rudolph Abel.

Vào giữa tháng 10 năm 1957, phiên tòa xét xử Rudolph Abel bắt đầu trong tòa nhà của Tòa án Liên bang Quận Đông New York. Ông bị buộc tội làm gián điệp cho Liên Xô (cũ). Người điệp viên có thể bị tử hình trên ghế điện hoặc tù chung thân. Nhưng ngay trước khi xử, các cơ quan tình báo Mỹ đã bỏ lọt bằng chứng chính.

Khi cảnh sát đột nhập vào khách sạn “Latam”, nơi điệp viên đang có trong tay bức điện mật vừa nhận được từ Liên Xô, điệp viên đã nhanh chóng tuyên bố rằng, anh đang chuẩn bị viết đơn khiếu nại cảnh sát về việc đối xử tệ bạc. Cảnh sát không tìm thấy lý do từ chối và thậm chí còn đưa cho điệp viên một cây bút chì. Anh lấy một con dao, bình tĩnh gọt bút chì trên bức điện mật, và vò nát tờ giấy trước mặt cảnh sát rồi ném nó vào sọt rác.

Điệp viên William Fisher trước ngày được cử sang Mỹ (cuối năm 1940).

Người Mỹ đã sớm nhận ra rằng người bị giam giữ là một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp hàng đầu. Bất chấp áp lực, ông phủ nhận mình thuộc về cơ quan tình báo của Liên Xô. Ông từ chối cung cấp những chứng cứ và bác bỏ ý đồ của các cơ quan tình báo Mỹ về việc tuyển lại chính mình. Điều duy nhất bị cáo nói trong khi thẩm vấn về tên của mình là Rudolph Abel. Nhưng đó là tên giả.

Trên thực tế, người đang ngồi trước cảnh sát Mỹ là William Fisher. Người Mỹ thậm chí không nhận ra một phần mười những gì mà người sĩ quan tình báo Liên Xô thực sự đã làm ngay trước mặt họ.

William Fisher sinh ngày 11 tháng 7 năm 1903 tại thành phố Newcastle trên sông Tyne của vương quốc Anh. Cha mẹ ông - ông Heinrich Fisher, gốc Đức và bà Lyubov Korneeva, gốc Nga - là những nhà cách mạng lão thành. Vào đầu thế kỷ 20, cặp vợ chồng Heinrich Fisher buộc phải rời khỏi nước Anh vì lý do chính trị. Họ được nước Nga đón nhận, nơi có cuộc cách mạng mà họ tham gia chuẩn bị.

Con đường hoạt động tình báo

Tại Moscow, William - người con trai của ông bà Heinrich Fisher khi phục vụ trong Hồng quân đã chuyên cần học tập và trở thành một hiệu thính viên vô tuyến điện loại giỏi. Khi William quyết định tiếp tục phục vụ trong Tổng cục Chính trị Quốc gia hợp nhất (Tổ chức tiền thân của Ủy ban ANQG Liên Xô), thì nghề hiệu thính viên đã trở thành chuyên môn chính của William Fisher.

Vào những năm 1930, William Fisher đã gặp Rudolf Abel, cũng là hiệu thính viên trong cơ quan An ninh Quốc gia. Họ đã trở thành những người bạn rất thân thiết. Trong một thời gian, cả hai sống trong căn hộ của William Fisher ở Moscow. Hai người giống nhau đến mức những người xung quanh khi chào hỏi họ, thường hay gọi nhầm tên giữa hai người.

Con đường của tình báo của William Fisher bắt đầu từ năm 1931. Anh được gửi về nước Anh với câu chuyện bịa đặt như sau: theo lệnh của người cha nghiêm khắc và chống lại ý chí của mình, một công dân nước Anh đang sống ở Liên Xô đã tìm được cơ hội để trở về quê hương.

Đại tá Fisher (bên phải) lúc bị FBI bắt giữ.

William Fisher và vợ định cư gần như ở trung tâm London. Trong vai một người mới hồi hương, ông đã mở một xưởng vô tuyến điện, còn vợ bắt đầu dạy múa ballet. Dưới vỏ bọc là một người đàn ông của gia đình, William Fisher làm việc cho tình báo Liên Xô, không chỉ ở Anh, mà còn ở các nước châu Âu khác.

Từ năm 1941, William Fischer đã đào tạo các hiệu thính viên vô tuyến điện cho các đội du kích và các nhóm tình báo. Tiến xa hơn là thẩm vấn các sĩ quan Đức bị bắt và thậm chí còn đích thân làm việc ở hậu phương của kẻ thù.

Tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại

 Trong Chiến tranh Vệ quốc, William Fisher được giao phụ trách một đơn vị tình báo vô tuyến điện và đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch tình báo Berezino, một trong những chiến dịch tình báo hay nhất trong lịch sử chiến tranh.

Dưới sự chỉ huy của William Fisher, điệp viên hai mang Serhorn đánh điện báo cáo với cơ quan tình báo Đức Quốc xã rằng, một đơn vị Đức do Trung tá Heinrich Serhorn chỉ huy bị "mắc kẹt" trong khu vực hậu phương của Hồng quân. Mặc dù bị bao vây tứ phía nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại các đơn vị quân đội Xôviết.

Trên thực tế, đội quân này không còn tồn tại. Trước đó, nó đã bị xóa sổ và hầu hết bị bắt làm tù binh, bản thân Serhorn bị chiêu mộ và cùng tham gia trò chơi điện đài dưới sự chỉ đạo của William Fisher.

Bị mắc mưu, phía Đức liên tục gửi các chuyên gia phá hoại, trang thiết bị và kể cả các điệp viên đến cho “đội quân ma”.

Tổng cộng có 67 chuyến bay tiếp tế, 13 điện đài xách tay và khoảng 10 triệu rouble tiền mặt được gửi cho Serhorn và tất cả đều lọt vào tay đội quân phản gián Liên Xô. Một số máy bay do Đức gửi tới tiếp tế còn được phép hạ cánh để chuyển hàng, sau đó cất cánh quay về để tiếp tục kéo dài trò chơi.

Thậm chí, Hitler còn định gửi viên tùy tùng thân tín, Tướng Otto Scorzeny - chỉ huy nhóm hành động phá hoại đã từng cứu trùm phát xít Mussolini, đến tiếp viện cho “đội quân” của Serhorn. Cho đến tận ngày cuối cùng của chiến tranh, Bộ Tham mưu Đức vẫn tin có "đội quân" trong hậu phương của Hồng quân. Có thể coi đây là một trong những chiến dịch tình báo thành công bậc nhất bằng sóng vô tuyến điện mà tình báo Liên Xô đã thực hiện để lừa được phản gián Đức Quốc xã.

Nhiệm vụ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II

Khi chiến tranh kết thúc, các đồng minh cũ của Liên Xô trong Liên minh chống Hitler như Mỹ và Anh đã trở thành đối thủ của Liên Xô và họ không che giấu kế hoạch của mình có thể tấn công Liên Xô.

Dã tâm đó làm cho Liên Xô phải lo lắng. Một đất nước kiệt sức vì chiến tranh, với nền kinh tế và công nghiệp bị phá hủy, không thể đưa ra phản ứng tương đương trong trường hợp bị tấn công hạt nhân. Và thế là Liên Xô đã chọn con đường răn đe chứ không phải xâm lược. Vì thế cần phải có thông tin toàn diện về những gì đang xảy ra ở phương Tây.

Người dân Nga thường xuyên tới dâng hoa trên mộ William Fisher.

Thời điểm này, hoạt động chính của William Fisher tập trung vào chương trình hạt nhân của Mỹ. Lúc bấy giờ, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có bom nguyên tử và đã từng sử dụng bom nguyên tử. Sự độc quyền đó trở thành mối đe dọa đối với hoà bình thế giới, vì thế Liên Xô rất quan tâm đến điều này.

William Fisher đã tiếp cận với một số nhà khoa học hàng đầu của Mỹ, thuyết phục họ hợp tác với Liên Xô nhằm loại trừ sự độc quyền của Mỹ đối với thứ vũ khí nguy hiểm này. Nhờ những thông tin mà nhóm của William Fisher thu thập được mà Liên Xô đã rút ngắn đáng kể thời gian để chế tạo thành công bom nguyên tử.

 Năm 1948, William Fisher đến Hoa Kỳ. Ở một quốc gia mới, ông trong vai một kiều dân gốc Đức, mang tên Emil Goldfus. William Fisher đã mở một hiệu ảnh và nhanh chóng bước vào môi trường sáng tạo của New York. William Fisher rất thành thạo trong nghệ thuật và có một bút pháp tốt. Sau này, William Fisher thừa nhận, không nơi nào khác và không bao giờ ông có thể sống tự do và thực hiện các hoạt động tình báo như ở giữa nước Mỹ.

Vào thời điểm đó, các đặc vụ Liên Xô đã hoạt động trong hàng ngũ cộng sản Mỹ, không ai có thể biết rằng tại bàn ăn trong một nhà hàng Soho, một điệp viên bí mật của Liên Xô với một ly rượu sâm banh và một điếu xì gà trong tay đang nói chuyện rất hay với các chính trị gia, các doanh nhân và các nhạc sĩ.

Năm 1952, William Fisher đổi bí danh thành Mark. Ông đã đạt được một chiến công cực kỳ vang dội. Đó là, từ con số “không”, ông đã xây dựng một mạng lưới tình báo ở Bờ Tây Hoa Kỳ. Mạng lưới tình báo này đã cung cấp cho Liên Xô những thông tin tình báo có giá trị.

Từ một sơ suất trong khâu liên lạc và do sự phản bội của điệp viên Haihanen, đêm 20 tháng 5 năm 1957, William Fisher bị FBI bắt trong phòng nghỉ của khách sạn “Latam”. Khi báo chí đăng tải về việc “bắt giữ Rudolph Abel”, Moscow hiểu ngay người đó là sĩ quan tình báo Ủy ban ANQG Liên Xô, Đại tá William Fisher.

Ngày 25/10/1957, ông bị tuyên phạt 45 năm tù, song ông chỉ ở trong tù có 5 năm. Ngày 10/2/1962, trên cây cầu Glienicker tại biên giới Đông và Tây Berlin,  Rudolph Abel (chính là William Fisher) được trả tự do để phía Mỹ nhận lại viên phi công gián điệp Francis Powers lái máy bay trinh sát U-2 bị bắn rơi trên bầu trời thành phố Sverdlovsk Liên Xô ngày 01 tháng 5 năm 1960.

Những đánh giá về công trạng của William Fisher

William Fisher sau đó tiếp tục công tác tại Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô. Ông tham gia vào việc đào tạo các chuyên gia trẻ, những người sẽ thực hiện nhiệm vụ của tình báo Đối ngoại Liên Xô. 

Đại tá William Fisher được Chính phủ Liên Xô tặng 3 Huân chương Sao Đỏ, Huân chương Lenin, Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất cùng nhiều huân, huy chương khác.

Có tài liệu giải thích rằng, vì không muốn những thông tin tuyệt mật cấp quốc gia bị các phương tiện thông tin đại chúng lan truyền, nên Nhà nước Liên Xô không phong danh hiệu “Anh hùng Liên Xô” cho các điệp viên hoạt động ở nước ngoài dưới dạng bất hợp pháp.

Trong những bài hồi ký được viết trong cuốn sách “Những bài viết của Trưởng phòng Tình báo bất hợp pháp”, cựu Cục trưởng Cục  C (Cục Tình báo bất hợp pháp) thuộc Tổng cục Tình báo Ủy ban ANQG Liên Xô, Thiếu tướng Yuri Drozdov, đã kể lại một số chi tiết về việc trao đổi tù binh.

Ông viết: “Powers – phi công máy bay trinh sát U-2 được trao lại cho người Mỹ ở tư thế được mặc một chiếc áo khoác tốt, mũ màu vàng mùa đông, thể chất mạnh mẽ, khỏe mạnh. Còn Abel (William Fisher) của chúng ta trong chiếc áo khoác của tù nhân màu xám xanh và một chiếc mũ nhỏ khó có thể vừa trên đầu. Cùng ngày, chúng tôi đã dành một vài giờ với Abel để tìm mua cho anh ấy một số thứ cần thiết trong các cửa hàng ở Berlin”.

Tướng  Drozdov còn nhớ lại: “Một lần vào cuối năm của thập niên 60, khi tôi từ Trung Quốc về nước, tôi bất ngờ gặp Abel (William Fisher) trong phòng ăn của tòa nhà chúng tôi ở Lubyanka (trụ sở của ngành Tình báo Đối ngoại Liên Xô - NCK). Abel nhận ra tôi. Anh bắt tay, cám ơn tôi và nói rằng chúng tôi cần nói chuyện với nhau. Tôi không thể, vì tối ngày hôm đó tôi đã phải lên máy bay trở lại Trung Quốc. Số phận đã sắp đặt cho chúng tôi: tôi chỉ đến thăm nơi ở của Abel vào năm 1972, nhưng vào ngày giỗ của anh. Anh mất vào ngày 15/11/1971”.

Cựu Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo Ủy ban ANQG Liên Xô, Trung tướng Vadim Kirpichenko, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, đã nhấn mạnh rằng cho đến nay, các nguồn công khai mới được nêu lên những chiến công nổi tiếng nhất của Abel (William Fisher). Những chiến công của William Fisher đã trở thành cảm hứng để điện ảnh Xôviết xây dựng nên bộ phim tình báo nổi tiếng “Thanh kiếm và lá chắn”.

Ninh Công Khoát (Theo KP.RU)

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文