Nhiều tình tiết lần đầu tiên được công bố sau hơn nửa thế kỷ: Giấy tờ giả, chiến công thật

Khóa học lạ đời ở mật khu Hố Bò (kỳ 1)

08:01 11/01/2024

“Để hoạt động được trong vùng địch kiểm soát gắt gao, ngoài tinh thần dũng cảm, mưu trí,... mỗi cán bộ chiến sĩ quân báo, biệt động khi đó phải tạo vỏ bọc hợp pháp, phù hợp với nhiệm vụ cấp trên giao. Điều kiện tiên quyết hàng đầu để thực hiện công việc này là phải có giấy tờ tùy thân do chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ cấp. Để có được những loại giấy tờ này, ta chỉ có cách duy nhất là làm giả thôi”.

Ông Lâm Quốc Dũng, biệt hiệu Dũng “râu” mở đầu câu chuyện và khái quát cho tôi hình dung thêm bối cảnh những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước - thời điểm khi đơn vị nơi ông từng gắn bó - Ban quân báo Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ra đời.

3 thầy, 3 trò trong khóa học… “3 không”

Tết 1965, Dũng “râu” 16 tuổi. Khi đó, đang làm công việc ấn loát bản tin tại Phòng chính trị Quân khu thì ông được cử sang Khu ủy, đóng tại mật khu Hố Bò, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh) dự một khóa học… rất lạ đời.

Ông Lâm Quốc Dũng, tức Dũng “râu” - cựu cán bộ Quân báo, người 9 năm làm giấy tờ giả, lặng lẽ góp vào những chiến công lẫy lừng

Trò chỉ có Dũng “râu” và 2 người nữa, cùng trang lứa. Nguyên tắc của khóa học là trò nào học tốt sẽ được giao việc sớm. Gọi đây là lớp học “3 không” bởi chẳng hề có sách vở, tài liệu, chẳng bảng đen, phấn trắng và phương tiện, dụng cụ học đều phải tự chế. Bàn, ghế được chế thô sơ từ những thân cây cao su bị bom xăng, chất độc hóa học của Mỹ “đốn ngã”. Phương pháp là trò xem cách thức của thầy làm rồi bắt chước theo, thầy sẽ nhìn vào kết quả sẽ góp ý.

Bộc lộ năng khiếu bẩm sinh, trò Dũng “râu” lần lượt được ba người thầy hết lòng chỉ dạy. Với mỗi thầy, ông đều có những kỷ niệm sâu đậm.

Người thầy đầu tiên, dạy điêu khắc (mộc dấu) tên là Út Dự, quê ở Quảng Nam. Trong ba trò, có lẽ thấy Dũng “râu” có triển vọng nhất nên thầy Út Dự đã truyền dạy tất cả những kinh nghiệm, kỹ năng. “Đến sau này tôi mới được biết, thầy Út Dự muốn tôi đủ sức thay thế phần việc của anh, để anh thực hiện nguyện vọng lớn nhất - trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù. Cuối cùng cấp trên cũng đã đồng ý cho anh tham gia Đội biệt động 345 - F100. Và trong trận đánh vào Bộ tư lệnh Hải quân địch Tết Mậu Thân 1968, anh đã hy sinh”, Lâm Quốc Dũng bồi hồi khi kể lại người thầy đầu tiên của mình.

Người thầy thứ hai là Tư Lũy, dạy cách thực hiện từng công đoạn, quy trình để hoàn thành một thẻ căn cước giả. “Khó nhất là giả chữ ký. Gặp một chữ ký như rồng bay phượng múa mà chữ ký giả bị run, giống nét đồ thì thật tai hại… cho người dùng tấm giấy giả đó. Vì vậy, trước khi làm giả, phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng chữ ký thật trong các giấy tờ của địch để chọn cho đúng từng loại viết, màu mực, cả cách cầm viết như thế nào... Đây là khâu quan trọng bậc nhất”, Dũng “râu” chia sẻ.

Theo lời Dũng “râu”, khắc tranh và khắc mộc (dấu tròn) rất khác nhau. Khắc tranh đòi hỏi từng đường nét phải mềm mại để tranh có hồn; còn khắc dấu (dấu giả) thì hoàn toàn khác, không phải khắc cho đẹp, mà phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “làm cho thật giống”. Khó nhất là khắc chữ in, nếu hai chữ cùng mẫu tự liền kề nhau mà khắc chữ to, chữ bé, nét không giống nhau thì địch dễ dàng nhận ra sự khác biệt.

 Người thầy thứ ba là Năm Thi, dạy về nghề ảnh. Nhắc đến người thầy thứ ba này, Dũng “râu” nhớ đến câu chuyện tráng phim, phòng tối. “Ở chiến trường, để có một đêm tối trọn vẹn đâu phải muốn là được. Không phải mặt trời không tắt, mặt trăng không lặn mà do pháo sáng của địch từ những chiếc C47 thả xuống, đèn pha từ những chiếc trực thăng soi tìm quân ta trên đường hành quân, pháo sáng từ những cụm pháo đâu đó rót tới... Một tia sáng thôi cũng đủ làm hỏng phim khi tráng và hỏng hình khi rọi ảnh”, Dũng “râu” kể.

Để khắc phục những khó khăn phức tạp này, Dũng “râu” được thầy dạy “tuyệt chiêu” - tráng phim giữa ban ngày, phòng tối được chế từ một thùng đạn 20mm của Mỹ. “Tráng phim mà cứ như làm ảo thuật, chỗ nào cũng làm được. Chúng tôi thường ngồi dưới công sự tráng phim để phòng tránh pháo địch”, ông nhớ lại về sự sáng tạo khá ấn tượng.

Học trò “3 trong 1”

Để tập cho học trò mau... “tốt nghiệp”, mỗi lần thầy Tư Lũy đi làm giấy tờ cho ai hoặc có ai đến tận mật khu để làm căn cước, Dũng “râu” được giao làm những công việc như lăn tay, ghi chiều cao, cân nặng và cả cách ghi dấu vết riêng như thế nào cho đúng.

Tác giả trò chuyện cùng cựu cán bộ Quân báo Lâm Quốc Dũng tại nhà riêng

Cũng trong những ngày đầu làm quen với… nghề, Dũng “râu” kể lần theo thầy Tư Lũy làm giấy tờ cho một cán bộ tên là Năm Xuân để ông vào nội đô Sài Gòn thị sát. “Chú Năm nói chú Tư cứ trọn quyền đặt tên mình và cả tên cha mẹ... Lát sau, khi xem mảnh giấy có nội dung giả mà chú Tư đưa, chú Năm xem xong, liền quát: “Các cậu làm việc kiểu gì thế này, mình là dân Bắc kỳ mà để nơi sinh ở Nam bộ, muốn cho mình ở tù hả”. Thì ra lần đó, chú Tư đưa nhầm “tờ lý lịch của người khác”, Dũng “râu” kể và cho biết, đây là một kỷ niệm khó quên đồng thời là một bài học thấm thía cho ông sau này. Mỗi khi làm giấy tờ cho ai, ông đều hết sức lưu ý đến các chi tiết này; không thể “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Căn cước giả thì chỉ có hình, dấu lăn tay, dấu vết riêng, chiều cao, cân nặng của người sử dụng là thật; còn lại tất cả như tên, nơi sinh, địa chỉ, nghề nghiệp, họ tên cha mẹ (sống hay chết) đều là giả. Tuy nhiên, phải dựa vào đặc điểm của mỗi người cụ thể để ghi nghề nghiệp sao cho phù hợp; còn quê quán thì căn cứ vào… giọng nói để ghi vùng miền cho đúng. Sơ suất để xảy ra trường hợp kể trên, rất nguy hiểm cho cán bộ...

Sau thời gian học tập, cùng với sự cần mẫn, trò Dũng “râu” đã tiếp thu gần như trọn vẹn những kỹ năng mà các thầy truyền dạy; được các thầy tin tưởng, chính thức giao cho một số công việc như những người thợ lành nghề. Điều khiến cho rất nhiều người ngạc nhiên khi Dũng “râu” trở thành người “3 trong 1”, đủ khả năng tác nghiệp trong mọi tình huống. Dũng “râu” được bổ sung vào Tổ kỹ thuật làm giấy giả của Quân khu, cùng với các thầy. Khi thầy Tư Lũy, Năm Thi “trông coi” mảng làm giấy tờ bên Khu ủy (T4); bên Quân khu, khi Út Dự tham gia tác chiến như đã kể, mỗi mình trò Dũng “râu” đảm đương...

Ngót nửa thế kỷ trôi qua, Tổ kỹ thuật làm giấy tờ giả giờ chỉ còn mỗi mình Dũng “râu”.

Thực tế, nhiệm vụ làm giả giấy tờ là một công tác “tuyệt mật”; không ai có thể hình dung hết những ẩn khuất bên trong của công việc này. Ít người biết rằng Quân khu Sài Gòn - Gia Định năm xưa có một bộ phận rất đặc biệt, chuyên tạo vỏ bọc cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động chiến đấu nội thành, tấn công tận trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn.

“Lâu nay tôi không nghĩ mình sẽ kể lại chuyện này, đơn giản là do vốn liếng chữ nghĩa không nhiều. Nhưng anh em cùng đơn vị trước đây động viên đây không còn là chuyện riêng nữa, mà đã trở thành một trong những ký ức hào hùng của Quân báo, đừng để câu chuyện bị lãng quên”, ông bộc bạch.

Nhớ Tết Mậu Thân…

Nửa cuối năm 1967, Trung ương Cục miền Nam quyết định phân tán Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thành 6 phân khu, trong đó Phân khu 6, tức Phân khu Sài Gòn - Gia Định được xác định là phân khu trọng điểm, chỉ đạo trực tiếp các phân khu còn lại, được giao phát triển thêm các đơn vị biệt động chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Khi đó, ông còn được đồng đội quen gọi là “Dũng quận trưởng” vì ông làm căn cước, giả chữ ký của các quận trưởng trong chính quyền Sài Gòn.

Dụng cụ phục vụ cho việc làm giấy tờ giả được ông Lâm Quốc Dũng, tức Dũng “râu” tặng cho một đơn vị bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh để trưng bày

Để đưa một lực lượng đủ sức đánh vào 9 mục tiêu trọng yếu của địch tại nội đô Sài Gòn bằng con đường công khai, hợp pháp, phải qua nhiều trạm, chốt kiểm tra của địch quả là một việc táo bạo. Theo chỉ đạo của cấp trên, bộ phận giấy tờ giả của Phân khu Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ khẩn trương làm hàng loạt thẻ căn cước, giấy hoãn dịch, chứng nhận tại ngũ, giấy nghỉ phép (dùng cho lính),… tạo hợp pháp cho lực lượng Biệt động cả trăm người lần lượt vào nội đô chuẩn bị cho các trận đánh. Thời gian chỉ khoảng 3 tuần, khối lượng công việc rất lớn trong khi mỗi mình Dũng “râu” đảm đương việc này nên ông rơi vào thế tất bật như con thoi... “Tuy nhiên, với tinh thần tiến công, tôi làm rất hăng say. Khi đó, tất cả anh em chúng tôi ai cũng đều tin rằng đây là trận cuối, ta sẽ toàn thắng”, Dũng “râu” nhớ lại.

Ông nhớ lại, quân số của các đội biệt động thời điểm trước Tết Mậu Thân chưa tới 100 người, trong số này có 1/3 thuộc lực lượng quân báo, được bố trí tập kích vào 5/9 mục tiêu trọng yếu, gồm: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài phát thanh. Tính từ lúc bắt đầu nổ súng tấn công (2 giờ sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968) đến 9 giờ sáng mùng 3 Tết, hơn 80 chiến sĩ đã hy sinh hoặc bị địch bắt sau khi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng; chỉ một số ít còn sống sót trở về.

“Chỉ cách đó vài tuần, tôi còn cầm từng bàn tay của các đồng chí để lăn dấu vân tay, sửa tư thế ngồi, vén lại mái tóc để chụp ảnh, nhìn kỹ từng khuôn mặt tìm dấu vết riêng... để làm thẻ căn cước. Chẳng ai ngờ đó là lần cuối...”, giọng Dũng “râu” bùi ngùi.

Sinh ra ở vùng quê nghèo có tên là Xóm Bưng, làng Nhuận Đức, huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định, Lâm Quốc Dũng cho biết, từ nhỏ, ông đã chứng kiến nhiều chuyện khốc liệt, hãi hùng của chiến tranh. Khát khao thoát ly gia đình, tham gia Cách mạng trong ông trở nên mãnh liệt khi người chú ruột hy sinh. Ngày 15/11/1964, đúng 1 tháng sau ngày anh Nguyễn Văn Trỗi bị chế độ Sài Gòn đem ra pháp trường xử bắn vì tội ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Manamara tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP Hồ Chí Minh), Dũng “râu” lên đường nhập ngũ.

Kết thúc khóa học đặc biệt, giữa năm 1965, Dũng “râu” trở về lại đơn vị, làm công việc khắc tranh cho báo Quyết Thắng - tờ báo của LLVT Giải phóng Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Trước khi chính thức đảm nhận công việc làm giấy tờ giả suốt 9 năm liền, ông đã có những ngày cùng đồng chí, đồng đội hứng pháo đội bom, chia nhau từng lát cơm vắt, trải qua những trận chống càn và những ngày đón Tết trong rừng sâu…

Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết lâu nay đã có không ít sách báo, phim ảnh... nói về Biệt động Sài Gòn - một đội quân “xuất quỷ nhập thần”, từng làm cho quân Mỹ bạt vía kinh hồn bởi những trận đánh long trời lở đất tận sào huyệt của chúng, nhưng ít người được biết về những đóng góp thầm lặng của các chiến sĩ Quân báo.

Đơn cử như câu chuyện mà Chuyên đề ANTG vào đầu tháng 11/2023 đã có bài viết, lần đầu công bố nhiều tiểu tiết do chính điệp viên Hồ Duy Hùng tiết lộ, đó là vụ “đánh cắp” chiếc trực thăng UH-1 của địch tại sân bay dã chiến ở Đà Lạt cách nay tròn 50 năm, bay về vùng giải phóng an toàn. Tương tự, chuyện “đánh cắp”, sao chụp biết bao tài liệu cơ mật, tin tức tình báo quan trọng khác của địch để chuyển về căn cứ; đặc biệt, chuyện làm giấy tờ giả,… theo Dũng “râu”, rất ít người biết đến, rất ít người nghe kể đầy đủ hoặc chưa một lần nghe qua.

Thái Bình

Việc đưa môn Hà Nội học vào dạy tại các trường ở Thủ đô là cần thiết. Điều này giúp cho học sinh hiểu hơn về vùng đất, con người Hà Nội, phát huy các giá trị vốn có của mảnh đất ngàn năm văn hiến, từ đó tăng thêm lòng tự hào, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ để xây dựng Thủ đô tương xứng với vị thế vốn có.

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục triệt phá các sự vụ liên quan đến "khí cười", "bóng cười" (khí N2O). Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh "bóng cười" trái phép tại quán bar, cà phê và nhà hàng vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng rất lớn tới người dùng đặc biệt là giới trẻ.

Nguồn tin PV Báo CAND cho biết, không chỉ khám xét tại tỉnh Thừa Thiên Huế; cùng ngày Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động Bộ Công an cũng đã tổ chức khám xét một số địa điểm có liên quan ở tỉnh Bình Định, TP Hồ Chí Minh…

Thủ đô Hà Nội cùng với các tỉnh thành ở miền Bắc hôm nay được dự báo có sương mù vào sáng sớm, ngày nắng hanh, vùng núi cao có nơi rét dưới 18 độ C. Tại miền Trung vẫn có mưa nhiều nơi.

Những con người bình thường không ai biết đến, chẳng có học hàm, học vị, chuyên môn thực tế, bỗng một ngày khoác tấm áo blouse trắng chễm chệ bắt bệnh, kê đơn bốc thuốc. Nạn bác sĩ “ma” đã hoành hành, gây ra hệ lụy tiềm tàng với sức khỏe người bệnh, trở thành nỗi nhức nhối cho xã hội…

Cuối tháng 3/2024, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội và Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp thực hiện công tác khai quật hiện trường cụm di chỉ Vườn Chuối thuộc thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) với diện tích 6.000 mét vuông.

Ngụy trang ma túy trong các hộp sữa rồi vận chuyển từ châu Âu về Việt Nam qua đường hàng không, Nguyễn Văn Ba bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội, Cục Hải quan TP Hà Nội và Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bắt quả tang, thu giữ 9,3 kg ketamin.

Ca ghép tim cho bệnh nhân T. là ca ghép tim thứ 13 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công. Với ca ghép tim này, Bệnh viện Trung ương Huế xác lập kỷ lục mới về ghép tim xuyên Việt khi thời gian đưa quả tim vào lồng ngực người nhận đến lúc tim đập trở lại chỉ mất hơn 50 phút.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm phương án giải quyết tốt nhất trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các sai phạm của trường theo quy định.

Ngày 30/10, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết vừa cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát hiện, bắt giữ thêm một vụ nhập lậu hơn 300 viên kim cương.

Trong lúc thuyền trưởng một tàu cá hành nghề khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa đang kiểm tra bếp nấu ăn trên tàu, thì xảy ra sự cố tai nạn. Ngọn lửa từ bình gas bùng phát mạnh khiến cho nạn nhân bị bỏng nặng.

Theo dự báo mới nhất về không khí lạnh ở miền Bắc của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 5/11, nền nhiệt ở miền Bắc giảm sâu, trời chuyển rét diện rộng; vùng núi có thể xuất hiện rét đậm cục bộ. Đây được xem là đợt rét diện rộng đầu tiên trong năm nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文