Phú Yên - nơi lưu dấu luật sư Nguyễn Hữu Thọ

14:00 21/11/2024

Trong tiết trời ngày đông, chúng tôi tìm về ba nơi lưu dấu luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thọ ở Phú Yên trong thời chiến với ba cuộc giải thoát ông ra vùng giải phóng. Ông đã về cõi vĩnh hằng 28 năm, nhưng những sự kiện lịch sử đậm nét hào hùng năm xưa gắn liền hình ảnh vị LS kiên cường, luôn là biểu tượng sáng ngời về tinh thần đấu tranh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước.

1. Ngược Quốc lộ 29 đến lý trình km 41+250 ở thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa rồi rẽ trái theo đường ĐH75 hơn 10km, tôi trở lại xã Hòa Thịnh - vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến, nơi ghi dấu mốc son đồng khởi đầu tiên ở Phú Yên cuối năm 1960 và cũng là nơi chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc LS Nguyễn Hữu Thọ tại nhà thờ tộc họ Võ.

Tác giả bên “Võ tộc từ đường” ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa - nơi đầu tiên Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị quản thúc.

Sinh thời, trong một lần tiếp chuyện PV Chuyên đề ANTG, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Duy Luân, một trong những nhân chứng sống kể rằng, thời xưa Hòa Thịnh là xứ Đồng Cọ thừa mưa thiếu nắng, nên tục ngữ có câu “Mưa Đồng Cọ, gió Tu Bông”. Bên dãy núi vòng cung là mênh mông đồng nước, giao thông cách trở bởi sông Bánh Lái chắn ngang cửa ngõ, người qua lại bằng sõng tre, đường đi lầy lội bùn đất, nhà tranh vách đất của dân thưa thớt, sốt rét rừng luôn là nỗi lo của nhiều người, nhưng cả xã không có bệnh xá…

Vì thế Ngô Đình Diệm chọn Hòa Thịnh hẻo lánh để quản thúc LS Nguyễn Hữu Thọ cùng 5 người trong “đoàn hòa bình” là Nguyễn Tạo, Trần Văn Lang, Từ Bá Đước, Nguyễn Văn Dưỡng và Lâm Thị Tư theo Nghị định 93/PTT-VP ngày 24/4/1955 với mưu đồ giết chết dần mòn “đoàn hòa bình” bởi cuộc sống khắc nghiệt và hiểm họa bệnh tật. Đến nơi, 5 người đàn ông bị quản thúc tại nhà thờ tộc họ Võ do tộc trưởng Võ Trọng Thuật trông quản, còn người phụ nữ quản thúc tại nhà ông Võ Du - em ruột của ông Thuật ở kế bên.

Hồi đó ông Nguyễn Duy Luân là Trưởng ban An ninh huyện Tuy Hòa 1 nên biết rõ vụ việc cảnh sát mật vụ dùng mỹ nhân kế để hạ uy tín của LS Nguyễn Hữu Thọ. Địch sử dụng Thị Ngọc, nhân viên thông tin quận Hiếu Xương sắm vai người bán báo, tiếp cận “đoàn hòa bình”. Một buổi tối, thanh niên Võ Đình Bỗng đi mua dầu hỏa thắp đèn thì thấy hai người lạ rình rập trước nhà thờ tộc họ Võ, nghi ngờ cảnh sát mật vụ nên báo tin cho ông Nguyễn Văn Dưỡng trong “đoàn hòa bình”.

Lúc đó LS đang đi dạo bên ngoài nghe ông Dưỡng gọi bằng tiếng Pháp, vội về tới sân nhà bà Võ Thị Biên thì hai cảnh sát ập đến đẩy ông vào buồng ngủ đã có Thị Ngọc “bẫy tình”, LS phản kháng thì cảnh sát nổ súng chỉ thiên khống chế, lập biên bản vu khống ông hãm hiếp theo kịch bản dàn dựng, nhưng LS kiên quyết không ký, người dân trong xóm phẫn nộ, cảnh sát phải rút lui.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (thứ 5 từ trái sang, hàng đứng) chụp ảnh lưu niệm cùng Trưởng Ban quân sự tỉnh Phú Yên cùng cán bộ, chiến sĩ tham gia giải thoát ông tháng 10/1961.Ảnh: Tư liệu.

Trở lại xã Hòa Thịnh lần này, tôi mới biết cụ Võ Thị Khửng về cõi vĩnh hằng năm 2021. Hơn 12 năm về trước, cụ Khửng từng kể rằng: “Tui chứng kiến cảnh sát mật vụ dàn dựng kịch bản mỹ nhân kế nhằm đưa LS Nguyễn Hữu Thọ vào tù, nhưng bất thành. Lúc đó tui 28 tuổi, mỗi ngày thường phụ giúp nấu ăn cho “đoàn hòa bình”, nên thấy cảnh sát mật vụ đẩy LS vô buồng ngủ nhà bà Biên nhưng bị phản kháng. Nghe tiếng súng chỉ thiên, nhiều người trong xóm kéo đến phẫn nộ kẻ xấu, bảo vệ LS”.

Hòa Thịnh là địa phương giàu truyền thống cách mạng, có căn cứ bí mật của Huyện ủy Tuy Hòa 1; phong trào cách mạng phát triển sâu rộng, người dân rải truyền đơn, dán áp phích chống tố Cộng, bắt lính, tẩy chay trưng cầu dân ý và bầu cử mị dân của địch, nên Ngô Đình Diệm ký Nghị định 116-PTT/VP ngày 31/3/1956 đưa LS Nguyễn Hữu Thọ cùng “đoàn hòa bình” bị gán ép là “phần tử nguy hiểm” lên miền núi Sơn Hòa. Nơi LS bị quản thúc lần này là nhà bà Nai, kế bên Chi cảnh sát quận Sơn Hòa. Dù là thị trấn Củng Sơn, nhưng núi rừng hoang vắng, giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt, địch theo dõi gắt gao, cấm cản dân tiếp tế mọi thứ nên LS lâm bệnh nặng. Trước sự đấu tranh quyết liệt của “đoàn hòa bình”, địch phải cho LS xuống Nhà thương Tuy Hòa điều trị.        

2. LS Nguyễn Hữu Thọ là nhà trí thức lớn uy tín, tiêu biểu của miền Nam, sớm đi theo cách mạng, tiên phong trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, có bản lĩnh và nhân cách, được nhân dân miền Nam kính phục, nên Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Phú Yên giải thoát LS. Nhiệm vụ này được Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Suyền giao cho ông Công Minh, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 và Trần Thanh Tâm, trinh sát Ban Quân sự tỉnh. Để có sự tin cậy, Trung ương Đảng chuyển vào Phú Yên bức thư của GS Phạm Huy Thông, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là người bạn chiến đấu với LS trong phong trào hòa bình.

Đầu tháng 9/1960, bà Thừa Hoàng, một cơ sở cách mạng đến nhà thương Tuy Hòa trao bức thư đó cho LS. Theo “Kế hoạch chị Nghĩa”, tối 11/9/1960, ông Nguyễn Sự, một cơ sở cách mạng đi xe đạp dẫn đường LS rời Tuy Hòa ngược hướng Tây chừng 4km sẽ có tổ đặc công tiếp đón đưa lên căn cứ, nhưng chiều 10/9/1960, địch tung quân ra cửa ngõ phía Tây Tuy Hòa ngăn chặn người yêu nước thoát ly tham gia cách mạng. Đến sáng hôm sau ông Nguyễn Sự bị cảnh sát bắt giữ trên đường lên núi Sầm, xã Hòa Trị, huyện Tuy Hòa 2 để báo cáo tình hình cho Bí thư Huyện ủy, nên cuộc giải thoát thứ nhất bất thành. Dù bị tra tấn dã man trước mặt LS, ông Nguyễn Sự vẫn kiên trung bất khuất, còn LS bị đưa về lại Củng Sơn.

Theo Đại tá, TS Vũ Tang Bồng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã thành lập tại Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam ngày 20/12/1960 ở Tây Ninh, nhưng Chủ tịch Mặt trận mà Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là LS Nguyễn Hữu Thọ còn bị quản thúc tại Phú Yên, nên kế hoạch giải thoát lần thứ hai được Trưởng ban Quân sự tỉnh Phú Yên Nguyễn Lầu và Khu ủy viên Khu ủy Khu V Bùi Định nghiên cứu, chỉ đạo 3 tổ đặc công và 2 đại đội tăng cường từ Đắk Lắk, Gia Lai, Khu V cùng Đại đội 375 của tỉnh Phú Yên phối hợp Đội vũ trang A12 tập kích Chi khu Củng Sơn nửa đêm 18/6/1961, gây thương vong hàng chục binh lính, sĩ quan địch, thu giữ nhiều vũ khí, nhưng hai tổ đặc công không tìm thấy LS, vì chiều hôm đó ông được phép xuống Tuy Hòa gặp vợ con từ Sài Gòn ra thăm, cơ sở cách mạng biết muộn không kịp báo tin.

Thời điểm này Tòa án sơ thẩm tỉnh Phú Yên thành lập, nên LS Nguyễn Hữu Thọ xin ở lại Tuy Hòa chữa bệnh và hành nghề luật, nhưng Tỉnh trưởng Lê Ngọc Triển chỉ cho viết đơn kiện, không được bào chữa tại tòa. Nhờ có giấy phép cư trú nên LS thuê phòng tại khách sạn Vĩnh Đông Á, nhưng địch giám sát gắt gao.

Sinh thời, ông Võ Minh, nguyên Đội trưởng Đội vũ trang A12 kể lại, ông là người trực tiếp giao nhiệm vụ cho đảng viên Nguyễn Đùng cùng cơ sở Phạm Văn Đông nắm tình hình, vẽ sơ đồ Chi khu Củng Sơn, cung cấp ông Nguyễn Lầu. Ông Minh trực tiếp dẫn đường hai tổ đặc công và trinh sát của Ban quân sự tỉnh Phú Yên khảo sát trận địa, rồi cùng tổ trưởng đặc công Phan Công Thanh luồn sâu vào chi khu để ném bộc phá, bắn loạt đạn đầu tiên mở màn trận tập kích.

Bia tưởng niệm cuộc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa.

Sau hai lần giải thoát bất thành, Khu ủy Khu V quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, giao cho Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền và Trưởng ban Quân sự tỉnh Phú Yên Nguyễn Lầu tiếp tục lập kế hoạch giải thoát LS Nguyễn Hữu Thọ lần thứ ba.

Trong vai người đi tranh kiện đất đai, hai cơ sở cách mạng ở Sơn Hòa là Lưu Trọng Điểu, Nguyễn Đùng tìm gặp LS tại Khách sạn Vĩnh Đông Á ngày 27/10/1961. Hôm sau, ông Đùng trở lại khách sạn đưa cho LS điếu thuốc lá, bên trong có bức thư ông Nguyễn Lầu trao đổi phương án giải thoát. Hồi ấy, chiều nào LS cũng đi xe đạp trên các tuyến đường ở Tuy Hòa, mật vụ đeo bám nhiều lần không thấy khả nghi nên lơ là giám sát.

Theo hẹn, chiều 29/10/1961, LS đi xe đạp ra Quốc lộ 1 đến mộ bà Dũ Ký trong nghĩa trang phía Đông núi Chóp Chài, xã Bình Kiến. Tổ trưởng tổ đặc công Phan Công Thanh chỉ huy 3 trinh sát trao bộ quần áo màu đen, đôi dép cao su cho LS thay trước khi vượt cánh đồng Màng Màng để bộ đội đưa lên căn cứ Tỉnh ủy Phú Yên rồi mới về Trung ương Cục miền Nam.

Tiếp chuyện phóng viên sáng 7/11/2024, ông Phan Văn Diệt, 85 tuổi, trú ở thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa bồi hồi nhớ lại: “Đêm ấy, tôi cùng ông Hồ Tú là cơ sở cách mạng được phân công đào hố, chôn giấu chiếc xe đạp của LS Nguyễn Hữu Thọ sau khi ông được giải thoát. Để địch không phát hiện, chúng tôi đổ cỏ rác, chất củi khô bên trên rồi bí mật theo dõi nhiều ngày…”.

Sau ngày đất nước thống nhất, dù bộn bề công việc nhưng LS Nguyễn Hữu Thọ vẫn về thăm Phú Yên vào đầu tháng 11/1976 và giữa tháng 3/1993. Lần nào ông cũng bày tỏ tình cảm chân thành và nói rằng “Phú Yên là quê hương thứ hai của tôi… Tôi luôn hướng về Phú Yên với tình sâu nghĩa nặng”.

Gần 70 năm trôi qua kể từ khi LS Nguyễn Hữu Thọ bị quản thúc ở Phú Yên 6 năm rồi được giải thoát, nhiều nhân chứng đã hy sinh giữa thời chiến, về miền mây trắng trong thời bình hoặc quá già yếu. Nghề báo giúp cho tôi đã có cơ hội tiếp xúc các ông Nguyễn Duy Luân, Phan Văn Diệt… nắm thêm thông tin và may mắn có nhiều tư liệu quý từ cuộc hội thảo khoa học “Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với Phú Yên” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (10/7/1910-10/7/2010). Tiếc rằng, với một bài báo không chuyển tải hết từng chi tiết vụ việc, không gian, thời gian và tên tuổi các nhân vật liên quan, nên hy vọng sẽ có một tập truyện ký về dấu chân của luật sư ở Phú Yên.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996), quê ở Long An. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau đó giữ chức Phó Chủ tịch nước (1976-1980), Quyền Chủ tịch nước (3/1980-7/1981), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1980-1992), Chủ tịch Quốc hội (1981-1987), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (1988-1994).

Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, trong đó có Huân chương Sao vàng năm 1993. Tại Phú Yên, ngoài đường phố mang tên ông, dự án Nhà lưu niệm Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng đang được thi công thay thế nhà lưu niệm đã có hàng chục năm qua.

Phan Thế Hữu Toàn

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文