Sống lại một hoàng cung

14:37 24/11/2024

Kiến trúc và văn hóa của cả một triều đại dần sống dậy sau thời gian trùng tu, ở đó đã giữ lại không ít những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc, trạm trổ kết hợp hài hòa giữa kiến trúc nhân tạo và thiên nhiên. Những công trình nguy nga, tráng lệ đang được trùng tu, nâng bước cho địa phương hướng tới sự phát triển mới.

Một lòng vì miền di sản

Chuốt nhẹ từng nét cọ phủ lên thếp vàng son một thuở của những hoa văn trong điện Thái Hòa, những nghệ nhân xứ cố đô Huế cần mẫn như cố hết trong tâm khảm mình đánh thức cả sự huy hoàng xưa cũ trên cung điện này. Hơn ba năm qua điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành của kinh thành Huế được trùng tu, đó là sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, của các cấp có thẩm quyền cho tới từng nghệ nhân nơi này. Có tới 111 nghệ nhân và thợ lành nghề ở rất nhiều lĩnh vực như sơn thếp, nề ngõa, chạm khắc gỗ… đã liên tục làm việc mỗi ngày 3 ca bằng tất cả tinh hoa và tâm huyết nghề nghiệp để cống hiến cho công việc, trong đó có rất nhiều nghệ nhân, thợ lành nghề là nữ cùng tham gia.

Bên trong điện Thái Hòa đang được trùng tu giai đoạn cuối

Với lịch sử hình thành hơn 200 năm, Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế. Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay và là nơi đặt ngai vàng, nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi triều chính của triều đình nhà Nguyễn trong suốt 143 năm tồn tại. Qua hàng trăm năm, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu nhưng Điện Thái Hòa vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 129 tỉ đồng gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. Ngoài quy mô rộng lớn, kiến trúc tráng lệ, trang trí tinh xảo, điểm nổi bật của Điện Thái Hòa là hình tượng rồng, biểu tượng của đấng quân vương và là chủ đề chính trong điện. Hình rồng xuất hiện ở nhiều nơi, với nhiều hình thức thể hiện như rồng chầu trên mái, bậc thềm, cột hay chạm khắc ở các cấu kiện gỗ và ngai vàng... Đây được coi là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.

Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích Huế cho hay, Điện Thái Hòa là di tích có giá trị quan trọng nên quá trình hạ giải, trùng tu được tiến hành hết sức cẩn trọng, công phu. Trước khi tháo dỡ, đơn vị thi công cũng đánh dấu vị trí trên từng cấu kiện trước khi hạ giải theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Đơn vị trùng tu đã chụp ảnh hiện trạng, đo vẽ, can dập lại hoa văn trang trí trên cột thếp vàng hình rồng, hoa văn trang trí bờ mái, đo vẽ, ghi nhận các thông số kỹ thuật của hệ khung gỗ, kết cấu mái… Quá trình trùng tu, mọi chi tiết đều được tiến hành scan 3D để lưu giữ toàn bộ dữ liệu thu thập được của công trình, sau đó số hóa toàn bộ hình ảnh 3D Điện Thái Hòa bằng hình ảnh chân thực để phục vụ công tác trùng tu, lưu trữ, đồng thời phục vụ du khách trải nghiệm tham quan không gian ảo của công trình này. Đặc biệt, luôn có hội đồng khoa học gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu của Huế trao đổi, thảo luận các giải pháp thi công để chọn ra phương án tối ưu, hướng đến mục đích cuối cùng là đảm bảo chuẩn xác, tôn vinh giá trị di tích.

Toàn bộ các họa tiết trang trí, sơn son thếp vàng đều được làm thủ công, đòi hỏi các nghệ nhân phải có tay nghề cao, không cho phép có sai sót

Những cảm xúc của các nghệ nhân đang ngày đêm thi công trùng tu Điện Thái Hòa bất kể ngày đêm được dồn hết vào đôi bàn tay và khối óc. Họ muốn dành tất cả tâm huyết của mình để phục dựng lại một trong những di sản tiêu biểu bậc nhất của Huế. Ngày rồi đêm, từng nghệ nhân cần mẫn và cặm cụi, cẩn trọng và nỗ lực để cống hiến mãnh liệt cho công trình ấy. Khối lượng công việc vô cùng khó khăn bởi có nhiều phần là các họa tiết nhỏ, cần độ chính xác cao nên các nghệ nhân phải làm rất tỉ mỉ. Các nghệ nhân nhiều khi chấp nhận làm việc cả ban đêm để kịp hoàn thành công việc. Với mỗi nghệ nhân, đó không chỉ là công việc, đó còn là sứ mệnh thiêng liêng để bảo tồn và phục hồi lại vẻ đẹp cao quý của Điện Thái Hòa, giữ lại sự trường tồn cho di tích. Ông Trương Thế Lực, nghệ nhân trùng tu Điện Thái Hòa chia sẻ: “Thời gian qua Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai dự án với một quy trình thận trọng, khoa học và bài bản nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác trùng tu. Với mỗi nghệ nhân xứ Huế, được góp sức vào việc bảo tồn, trùng tu một di sản vô cùng quý giá như thế này là vinh dự to lớn không dễ gì có được. Chính vì thế chúng tôi nỗ lực hết sức, mang tất cả tinh hoa có được trong nghề để phục vụ công việc”.

Đáp lại sự nỗ lực ấy, những phần công việc được hoàn thiện qua từng ngày, để dáng dấp Điện Thái Hòa hiện lên ngày một nguy nga tráng lệ. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã trang trọng trao tặng giấy khen cho hàng chục nghệ nhân và thợ lành nghề vì những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và tu bổ Điện Thái Hòa suốt thời gian qua. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chia sẻ, các nghệ nhân và thợ lành nghề đã làm việc không ngừng nghỉ, dồn tâm huyết vào từng chi tiết, góp phần giữ gìn vẻ đẹp độc đáo và phát huy giá trị văn hóa của Điện Thái Hòa. Những đóng góp của các nghệ nhân không chỉ giúp bảo tồn vẻ đẹp độc đáo của di tích mà còn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý giá của Di sản Cố đô Huế. Dự kiến, việc trùng tu Điện Thái Hòa sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11/2024.

Nghệ nhân đang tỉ mỉ khắc họa hình tượng linh vật rồng lên một trụ cột bên trong điện Thái Hòa

Sống lại một hoàng cung

Cố đô Huế, biểu tượng của sự tráng lệ và cổ kính với diện tích hơn 500 ha chứa đựng hàng trăm năm văn hóa và lịch sử của dân tộc. Những công trình kiến trúc độc đáo tại đây là minh chứng cho sự phát triển văn hóa và nghệ thuật dưới triều Nguyễn. Là kinh đô của nhà Nguyễn suốt hàng trăm năm, cố đô Huế là nơi hội tụ văn hóa của cả nước, tạo ra một di sản văn hóa đồ sộ. Hoàng cung của xứ Huế là nơi tỏa sáng vẻ đẹp cổ kính và quyền uy của triều đại Nguyễn. Với kiến trúc hoành tráng và tinh tế, dẫu qua biết bao thăng trầm của lịch sử, của chiến tranh và thiên tai qua hàng thế kỷ, cố đô Huế vẫn giữ vững vị thế của mình hài hòa giữa kiến trúc cổ điển và phong cách hiện đại tạo nên một bức tranh văn hóa độc đáo, là niềm tự hào của dân tộc. Trong hơn 300 năm, Huế đã là thủ phủ của 9 triều đại chúa Nguyễn, là kinh đô của triều đại Tây Sơn, và sau đó là kinh đô của Việt Nam thống nhất dưới triều Nguyễn.

Văn hóa Huế đặc sắc và đa dạng, phong phú trong nhiều lĩnh vực như văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phong tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực, phong cách giao tiếp và lối sống. Thừa Thiên Huế đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại. Cố đô Huế là biểu tượng của sự hoành tráng với thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm và danh lam cổ tự. Vào tháng 12/1993, quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, là trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam với cảnh đẹp tự nhiên và con người sáng tạo. Và một điều ít người biết, hiện nay Thừa Thiên Huế có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trao tặng giấy khen cho nghệ nhân và thợ lành nghề vì những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và tu bổ Điện Thái Hòa suốt thời gian qua

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, những công trình trong hoàng cung cố đô Huế đã chịu tổn thất nặng nề, nhiều công trình bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, sau khi UNESCO ra lời kêu gọi cứu vãn Huế vào năm 1981, công tác bảo tồn và phục hồi di tích đã được thực hiện một cách cẩn thận, giúp cho cố đô Huế phục hồi và trở lại với nguyên trạng ban đầu. Hơn ba thập kỷ sau khi được UNESCO vinh danh, di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt, giúp Thừa Thiên Huế bước ra khỏi sự lãng quên. Sự chuyển mình của khu di sản này với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn. Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác.

Trong thời gian trùng tu, du khách vẫn có thể đứng bên ngoài để tham quan, chụp ảnh điện Thái Hòa

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Di sản Huế đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vai trò nền tảng để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm tới. Những cuộc đại trùng tu điện Thái Hòa, hay điện Kiến Trung và nhiều công trình khác càng làm nổi bật lên giá trị của di sản, và khẳng định sức mạnh của văn hóa dân tộc ngày càng được bảo tồn, phát huy một cách đúng đắn.

Cùng với Điện Thái Hòa đang dần hoàn thiện, đầu năm 2024, Điện Kiến Trung cũng đã hoàn thành trùng tu. Đây là nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị vua cuối triều Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại. Năm 1947, do chiến tranh tàn phá khiến Điện Kiến Trung đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn nền móng. Năm 2013, tỉnh Thừa Thiên Huế khởi động dự án nghiên cứu phục hồi Điện Kiến Trung. Tháng 2/2019, dự án trùng tu phục hồi và tôn tạo Điện Kiến Trung được khởi công, với tổng mức đầu tư gần 124 tỉ đồng và khánh thành vào tháng 2/2024.

Nhóm CTV

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, hành nghề luật sư, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo quy định tại Điều 331, khoản 2 - Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại tỉnh An Giang, ngoài các bị can đã bị khởi tố và đề nghị truy tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và tăng cường thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực khai thác và quản lý khoáng sản.

Từ 15h ngày 12/12, giá xăng tăng giảm không đáng kể, song ở giá dầu đồng loạt giảm từ 127- 551 đồng/lít/kg.

Sáng 12/12, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai lực lượng từ sớm tại nút giao thông Đại Cồ Việt – Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để thực hiện nhiệm vụ điều tiết, phân luồng giao thông đồng thời ngăn chặn, xử lý người cố tình vi phạm qua đó thiết lập “Ngã tư an toàn giao thông” tại Thủ đô giúp nhân dân lưu thông một cách an toàn.

Đến trưa 12/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An (Phú Yên) đã kết thúc cuộc khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn xảy ra vào hồi 9h sáng cùng ngày, tại km 1319+390 trên đường quốc lộ 1A qua địa phận thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, đất nước và CAND, vấn đề chính trị tư tưởng cần phải được đặc biệt quan tâm hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh đang tích cực đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bị can Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) bị đề nghị truy tố về ba tội: “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản” và “Rửa tiền”. Cơ quan điều tra kết luận, Lê Quang Bình đã thu lợi gần 294 tỷ đồng từ khai thác cát trái phép, sau đó dùng tiền biếu xén một số quan chức tỉnh An Giang và mua sắm hàng loạt bất động sản, xe sang.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文