Tan tành “giấc mơ Mỹ”
2 giờ sáng ngày 6-6-1993, một xe cảnh sát đang tuần tra trên con đường cạnh công viên Jacob Riis, nằm ở bãi biển Rockaway, quận Queens, thành phố New York, Mỹ, bỗng nhìn thấy hai người đàn ông đứng trên boong một con tàu lúc ấy đã lao vào gần sát bờ, liên tục phất lá cờ trắng.
Khi cảnh sát ra khỏi xe, họ nghe tiếng la hét kinh hoàng ở dưới nước với hàng chục người đang cố gắng thoát khỏi những con sóng lớn. Lập tức họ dùng bộ đàm báo động cho cảnh sát quận Queen…
Địa ngục trên biển
Khoảng 20 phút sau khi xe tuần tra chứng kiến hiện tượng bất thường trên bờ biển Rockaway, gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát quận Queen đều có mặt. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn pha, họ đọc được cái tên viết bằng sơn trắng ở hai bên mũi tàu: Golden Venture. Việc cứu nạn đã vớt lên 10 thi thể chết do đuối nước. 276 người và 13 thành viên thủy thủ đoàn còn lại được đưa xuống đất, phần lớn trong tình trạng suy kiệt do mất nước và thiếu ăn. Tất cả đều là người Trung Quốc.
Lời khai của những người sống sót sau đó cho thấy tấn thảm kịch xảy ra trên tàu Golden Venture: Họ là những di dân bất hợp pháp, tìm cách đến Mỹ với mơ ước đổi đời. Trước khi khởi hành, họ phải nộp cho những kẻ tổ chức chuyến vượt biển 5.000 USD và khi đã thành công trong việc đặt chân lên đất Mỹ, gia đình họ ở Trung Quốc phải nộp thêm 30.000 USD nữa. Zhen Xin Bin, một trong những di dân bất hợp pháp khai với cảnh sát: “Hầu hết những người trên tàu đều ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. 6 tháng trước đó, chúng tôi được chia thành từng nhóm nhỏ, theo đường bộ sang Myanmar rồi tiếp theo là Thái Lan. Tại đây, chúng tôi bị giam trong những căn nhà tạm bợ suốt 2 tháng. Khi những người tham gia vượt biển đã đến đủ, chúng tôi được đưa xuống hầm tàu Golden Venture…”. Thuyền trưởng Chen Lee khai: “Tàu khởi hành từ Bangkok, Thái Lan vào đầu tháng 2-1993 và dừng lại ở Kenya, châu Phi để lấy thêm nhiên liệu, lương thực, nước ngọt. Sau đó, tàu vượt qua mũi Hảo Vọng để vào Đại Tây Dương rồi nhắm hướng New York thẳng tiến. Chuyến đi kéo dài suốt 4 tháng”.
Trong suốt 4 tháng ấy, thức ăn dành cho những di dân bất hợp pháp chỉ là cơm với đậu phộng luộc. Xianjuan, cô gái 16 tuổi khai: “Mỗi sáng, nhà bếp chia cho chúng tôi mỗi người 2 nắm cơm và một nhúm đậu phộng cùng chai nước 1 lít. Tất cả đều đói và khát. Những ngày đầu của cuộc hải hành, nhiều người say sóng nôn hết thức ăn ra. Những người còn khỏe hốt lại bãi nôn ấy rồi… ăn tiếp! Có những ngày thiếu nước, thủy thủ pha lẫn nước biển vào nước ngọt để phát cho chúng tôi”. Tuy nhiên, tất cả những điều đó xem ra chưa thấm vào đâu so với những bi kịch mà di dân bất hợp pháp phải chịu đựng suốt 4 tháng sống dưới hầm tàu. Trong số di dân, có cả thành viên của các băng nhóm xã hội đen ở Phúc Kiến. Chúng liên kết với nhau, công khai cướp đoạt thức ăn của người khác, lục soát hành lý của họ để tìm kiếm vàng bạc mà họ cất giấu, thậm chí hãm hiếp một số cô gái trẻ ngay trước mặt mọi người. Ông Li Quanqi, 40 tuổi cho biết nạn nhân không thể cầu cứu với ai vì mỗi sáng, thủy thủ mở nắp hầm tàu ra và dùng dây thòng xuống những chiếc giỏ bằng tre đựng thức ăn, nước uống. Sau đó họ đóng nắp hầm lại, không hề nói một câu nào. Không khí trong hầm được cung cấp bởi 4 ô cửa hình tròn, đường kính khoảng 0,5m nhưng nằm ở trên cao nên hầm tàu lúc nào cũng nồng nặc hơi người, cộng với mùi phân, nước tiểu, bốc ra từ các phòng vệ sinh được thiết kế tạm bợ: “Khoảng 1 tuần 1 lần, thủy thủ lại phun nước biển xuống, gọi là cho chúng tôi tắm. Ghẻ lở là bệnh phổ biến, hầu như ai cũng bị ghẻ…”.
Vẫn theo ông Li Quanqi, mờ sáng này 6-6-1993, ông đang lơ mơ ngủ thì một chấn động rất mạnh xảy ra ở dưới đáy tàu khiến ông cùng nhiều người khác tỉnh giấc. Vài phút sau đó, động cơ của tàu gầm lên hết cỡ mà sau này ông mới biết là thuyền trưởng ra lệnh đảo chiều quay của chân vịt nhằm thoát khỏi cái doi cát đã khiến tàu mắc cạn nhưng không kết quả. Ông Li Quanqi nói: “Đột nhiên tất cả im bặt rồi nắp hầm tàu mở ra và tiếng ai đó hét lớn “tất cả ra ngoài, tàu mắc cạn rồi”. Tôi cùng hàng trăm người khác bám vào những chiếc thang sắt dọc theo hầm tàu, cố gắng trèo lên. Vài người lên được trước. Tôi nhảy từ độ cao hơn 15m xuống nước để vào bờ…”. Một cảnh sát quận Queen kể: “Tôi vớt được một người nhưng khi đặt anh ta xuống đất thì mới hay anh ta đã chết”.
Chân dung những kẻ buôn người
Sau khi tàu Golden Venture với gần 300 di dân bất hợp pháp mắc cạn trên bờ biển quận Queen, New York, Bộ An ninh nội địa Mỹ lập tức mở cuộc điều tra. Dựa vào lời khai của những di dân và thông tin từ những mật báo viên, hoạt động trong các bang hội người Hoa ở New York, Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI xác dịnh một trong những kẻ cầm đầu đường dây đưa di dân vào Mỹ bất hợp pháp là Guo Liang Chi, thường được biết đến dưới cái tên Ah Kay, thủ lĩnh của băng nhóm Fuk Ching, hùng mạnh nhất trong số những băng nhóm người Hoa ở New York. Thống kê nhân khẩu học cho thấy cuối năm 1990, có khoảng 300.000 người Hoa sống ở New York, phần lớn tập trung ở “Khu phố Tàu - China Town”, trong đó người Phúc Kiến quần tụ ở phía đông China Town, dọc theo East Broadway, dưới cầu Manhattan và trên các con đường Eldridge, Division, gọi là “phố Phúc Châu”. Hầu hết họ sinh sống bằng cách mở nhà hàng, quán bar cùng những dịch vụ nhỏ như giặt ủi quần áo, tiệm thuốc Bắc. Khi cuộc sống đã tương đối ổn định, họ gọi về quê nhà, rủ rê bà con thân thuộc sang với họ. Mà đi bằng cách nào nếu không nhờ đến Ah Kay và đường dây của hắn ta.
Một di dân sau khi đến Mỹ thường phải làm việc cật lực trong nhiều năm để trả nợ số tiền mà thân nhân họ đã phải bỏ ra cho Ah Kay. Do không có giấy tờ tùy thân, lại không biết tiếng Mỹ nên họ phải chấp nhận “làm chui” trong những xưởng may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm. Với các thiếu nữ trẻ, phần lớn đầu quân cho các tiệm mát xa, sòng bạc. Tất cả đều ăn ngủ tại chỗ, nhiều tháng trời không hề được phép bước chân ra đường. Sau này khi bắt Ah Kay, FBI xác định đã có hơn 30 di dân bất hợp pháp người Hoa bị băng nhóm Fuk Ching giết bằng cách bắt họ đứng trong một thùng phuy rỗng rồi đổ bê tông vào. Khi bê tông đông cứng, nạn nhân chết, Ah Kay sai người cho thùng phuy lên xe tải chở ra bờ biển, ném xuống nước để phi tang.
Tuy nhiên, Ah Kay vẫn chưa phải là nhân vật chủ chốt trong mạng lưới buôn người vì kết quả thu thập của FBI cho thấy hắn ta chỉ phụ trách mảng di dân Phúc Kiến, còn phủ sóng toàn bộ các mảng Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam..., lại là một phụ nữ, thường được biết đến với cái tên “Chị Bình”. Dưới tay nhân vật này là một đường dây được thiết kế rất chặt chẽ, gồm những người Trung Quốc ở đại lục, Hong Kong, Thái Lan, Belize, Kenya, Nam Phi, Guatemala, Mexico và Canada…, chuyên tổ chức đưa người nhập cư lậu vào Mỹ.
Chị Bình tên thật là Cheng Chui Ping, sinh ngày 9-1-1949 ở Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm 1971, sau khi lấy chồng, Bình đến Hong Kong rồi cùng chồng mở một doanh nghiệp tại Thâm Quyến. Tháng 6-1981, nhờ sự giúp đỡ của đôi vợ chồng già người Mỹ gốc Hoa, Bình được bảo lãnh sang Mỹ trong vai trò bảo mẫu ở thành phố New York.
Thoạt đầu, Bình mở một cửa hàng tạp hóa tại khu Manhattan, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc Phúc Kiến. Sự nghiệp buôn người của Bình bắt đầu vào cuối năm ấy, lúc một khách hàng nhờ Bình tìm vài cô gái Trung Quốc để giúp việc nhà. Sau khi điện thoại về cho cha ruột là Cheng Chai Leung, trước đây là thủy thủ tàu viễn dương rồi được Leung cho biết chi phí để đưa một người sang Mỹ bằng cách làm giấy tờ giả mạo, cộng với vé máy bay là 6.000USD. Nhận thấy đây là một món hời, Bình dặn cha nói với những người muốn sang Mỹ sẽ phải trả 12.000USD, còn khách hàng nhờ Bình tìm người giúp việc cũng phải trả cho Bình 2.000USD nữa.
Từ đó cho đến 1989, Bình đã đưa trót lọt vào Mỹ gần 3.000 người Hoa bằng giấy tờ giả. Để che mắt các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ, Bình mở một cửa tiệm bán quần áo, tơ lụa nhập khẩu từ Trung Quốc, còn dưới tầng hầm là nhà hàng. Rất nhanh chóng, Bình nổi lên như một nữ doanh nhân giàu có ở China Town. Nhà hàng của Bình là nơi mà thủ lĩnh của các băng nhóm người Hoa ở New York thường xuyên lui tới để nhờ Bình đưa lậu di dân vào Mỹ. Họ gọi Bình bằng tiếng Trung Quốc là “shetou”, có nghĩa là “đầu rắn”.
Cuộc chiến pháp lý
Ngày 12-9-1993, ba tháng kể từ khi tàu Golden Venture mắc cạn ở Queens, New York, FBI bắt Guo Liang Chi (Ah Kay), kẻ cầm đầu băng nhóm Fuk Ching. Trong quá trình điều tra, Ah Kyay khai ra kẻ chủ mưu đưa di dân vào Mỹ bất hợp pháp trên tàu Golden Venture là “chị Bình”. Chưa hết, Ah Kay còn khai rằng năm 1998, cũng chính “chị Bình” tổ chức cho 153 di dân vào Mỹ nhưng con tàu chở số người này bị đắm ở ngoài khơi bờ biển Guatelama khiến 14 người chết đuối. Bên cạnh đó, lời khai của chủ tàu Golden Venture và thuyền trưởng cũng cho thấy “chị Bình” là kẻ chủ mưu.
Tháng 12-1994, Viện Công tố liên bang Mỹ ra cáo trạng, truy tố “chị Bình” với các tội danh buôn người, rửa tiền và giết người. Cáo trạng cho biết trong những năm điều hành đường dây đưa người vào Mỹ, “chị Bình” đã thu lợi khoảng 1.450.000USD nhưng khi vừa nghe tin Ah Kay bị bắt, “chị Bình” vội vã chạy về Trung Quốc! Suốt 5 năm sau đó, FBI và Cục Di trú Mỹ tìm mọi cách để bắt Bình vì Trung Quốc và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ. Nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhưng không đem lại kết quả.
Ngày 17-4-2000, trong quá trình truy nã, Interpolvà FBI tìm thấy tên Bình trong danh sách những hành khách từ Hong Kong đến New York. Sau khi trao đổi với Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong, Bình bị bắt khi đang chuẩn bị lên máy bay. Quá trình khám xét cho thấy Bình mang theo 3 hộ chiếu, trong đó có 1 hộ chiếu Belize giả với cái tên Lilly Zheng.
3 năm tiếp theo, một cuộc chiến pháp lý lại nổ ra giữa Trung Quốc, Chính quyền đặc khu Hong Kong, các luật sư của “chị Bình” và Mỹ. Cuối cùng, tháng 7-2003, Chính quyền đặc khu Hong Kong chấp thuận cho phép dẫn độ “chị Bình” sang Mỹ. Tháng 6-2005, Bình ra tòa rồi nhận án 35 năm tù giam không ân xá.
Năm 2013, khi đang thụ hình tại nhà tù Danbury, Bình được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy và được chuyển đến Trung tâm Y tế liên bang Carswell, bang Texas để điều trị.
Trưa ngày 24-4-2014, “chị Bình” qua đời. Tang lễ chị ta diễn ra tại Manhattan vào ngày 23-5-2014 với hàng nghìn người đưa tiễn, hầu hết đều là thành viên của các băng nhóm xã hội đen người Hoa ở New York cùng một số ít là dân nhập cư, đến Mỹ bằng đường dây của “chị Bình”…