Ba áng thơ của tác giả "Tiếng Việt"

08:14 10/01/2017
Đối với một đời thơ, một người làm thơ có một, hai câu thơ hoặc một bài thơ được nhớ, đã là quý. Nếu có nhiều câu thơ, một bài thơ hoặc một chùm thơ được nhớ, còn quý hơn nhiều. Ấy là một, hai câu thơ, một bài thơ, một chùm thơ hay. Ấy cũng là mong ước của nhiều người làm thơ.


Thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ là một trường hợp đặc biệt. Cách nay đã hơn 70 năm, khi còn sống và chiến đấu ở chiến khu Đ, ông đã có "Nhớ Bắc". Cả bài thơ chỉ có 16 câu, trong đó có hai câu: "Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" từ lâu đã có sức sống bền lâu trong lòng người đọc, làm nên "thi hiệu" Huỳnh Văn Nghệ. Sau này, dẫu nhiều người có nhớ nhầm thành "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long" thì giá trị thực và ảnh hưởng của chúng cũng không thay đổi là mấy.

Thời chống Pháp, chúng ta có những nhà thơ một bài. Nhưng trước đó, ở thời Thơ Mới và sau đó, ở thời chống Mỹ, số lượng nhà thơ có hơn một bài, ngày một đông đảo hơn. Một trong số ấy là nhà thơ Lưu Quang Vũ. Và với tôi, ngoài "Tiếng Việt" đã làm nên tên tuổi Lưu Quang Vũ, chí ít anh còn có: "Trung Hoa", "Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn" và "Không".

Tôi nhớ lúc sinh thời, quãng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, thi sĩ của Trường Sơn Phạm Tiến Duật khi mới đọc bản thảo "Trung Hoa" ở một quán cà phê đầu phố Trần Quốc Toản, cách trụ sở Báo Văn nghệ không xa, đã gật gù, nhận xét chân tình: "Bây giờ, nếu có một cuộc thi thơ, viết về đề tài Trung Hoa, chắc hẳn không có ai hơn Lưu Quang Vũ. 

Dường như cái chất văn hóa Trung Hoa và con người Trung Hoa nói riêng và cái chất Trung Hoa nói chúng đã ngấm vào Lưu Quang Vũ từ thủa thiếu thời, từ lúc nào không hay. Phải nhiều năm sau, sự ghìm nén ấy mới được giải thoát thành thơ". Rồi Phạm Tiến Duật đọc: "Trung Hoa của tuổi thơ/ Tiếng ngựa hí đêm khuya/ Đoàn xe Chiến Quốc đi trong tuyết/ Rũ rượi tóc râu, đao thương sáng quắc/ Não bạt thanh la xủng xoẻng/ Dữ tợn mà sầu thương/ Bờ sông trắng hoa dương/ Chia ly buồn đứt ruột/ Dậm chân hát mà từ biệt…". 

Rồi Phạm Tiến Duật đọc tiếp, giọng nhấn nhá hơn: "Những mắt xếch Võ Tòng/ Những đầm sâu Thủy Hử/ Người đi như nước đông như cỏ/ Sáng suốt mà tối tăm/ Uyên thâm mà nhẹ dạ/ Tin ngay mọi điều, dám làm tất cả/ Cái người Tàu kỳ lạ/ Ngồi dầm củ cải giữa canh khuya/ Lòng kiên nhẫn của người/ Trải dài trên mặt đất/ Ở bất cứ nơi nào có khói…".

"Trung Hoa" được viết từ năm 1974, khi ấy người Trung Hoa chưa đến một tỷ người, bằng chứng là trong bài thơ có câu: "Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng". Ở khổ kết của "Trung Hoa", tứ thơ bất chợt có hậu trong tình cảm của tác giả hơn bao giờ hết: "Trung Hoa khổng lồ, Trung Hoa đau thương/ Mai tan hết mây mù mưa xám/ Trung Hoa Võ Tòng, Trung Hoa Lý Bạch/ Lại là Trung Hoa từ tuổi nhỏ ta yêu…"

Trong "Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh", nói về những cuộc chia tay thời loạn" - một bài thơ có tên gọi dài vào loại kỷ lục trong làng thơ Việt Nam (19 từ), Lưu Quang Vũ đã tạo ra một khung cảnh ma mị, ám ảnh khác thường ngay giữa những người bạn rất gần gũi, thân thuộc của ông khi áp mặt với chiến tranh: "Nhang tàn lả tả rơi lưng cốc/ Nhà lạnh trần cao ngọn nến gầy/ Chăn rách chiếu manh quần áo lạ/ Chuyện dài đêm vắng rượu buồn say…". 

Cả những câu: "Bạn bè tan hoang mình rã rời"; "Thơ hay thời loạn chẳng đâu dùng/ Vườn cũ cây tàn chim chết cả/ Người chơi đàn nguyệt có còn không"; "Tối đen thành phố đêm lưu lạc/ Máy bay giặc rít ở trên đầu/ Ba đứa da vàng ngồi uống rượu/ Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu"; "Lòng như vầng trăng nhọn/ Chém giữa trời không nguôi"… cũng gợi về sự hoang tàn, đổ nát, không yên trong lòng mỗi người. Đó là những câu thơ không dễ viết hoặc không dễ gì viết lại được. Dường như chúng được sinh thành từ một sự hốt nhiên nào đó. Những câu nặng chất so sánh - liên tưởng: "Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu", "Lòng như vầng trăng nhọn"… không đọc thì thôi, còn hễ đọc lên, là nhớ ngay lập tức.

Bằng "Không" - bài thơ có tên gọi ngắn nhất và không thể ngắn hơn trong làng thơ Việt Nam (một từ), Lưu Quang Vũ đã sở hữu một tứ thơ độc đáo: Một khi không còn gì để nương tựa, để bấu víu, để hướng tới, cũng như không có gì để tin, để không tin, để yêu để ghét, để sống để chết… thì cũng giống như một người sống không mục đích, không động cơ vậy. Có một cuộc đời như thế, dù ngắn hay dài, thiết tưởng chẳng có gì nhàm chán hơn. Khi ấy, thời gian như không còn biết dùng để làm gì. Một khi thời gian không biết dùng để làm gì, thì thật đáng sợ. Bài thơ có cả thảy mười tám câu, nối liền một mạch:

Không có làng quê nào để từ bỏ
Không có thành phố nào để đến
Không có vật quý nào để mất
Không có thư ai để chờ
Không có hòn đảo nào để phát hiện
Không có thành quách nào để chiếm lĩnh
Không vị thần nào để tin
Không quỷ ma nào để sợ
Không thuộc bài hát nào để tự hát lên
Không có góc tối nào để một mình giấu mặt
Không có người con gái nào để thương yêu
Không có người đàn ông nào để trọng
Không có kẻ thù nào để ác
Không có tội lỗi nào để phạm
Không có cả một nỗi buồn để khóc
Cũng chẳng có chiến lũy nào để chết
Chúng ta làm gì cho hết buổi chiều nay?

Cả bài thơ dồn lại ở câu kết dằn vặt và xót xa, dồn nén và sâu sắc: "Chúng ta làm gì cho hết buổi chiều nay", còn những câu trên như chỉ được sử dụng làm chất dẫn. Câu: "Chúng ta làm gì cho hết buổi chiều nay" là một trong những câu thơ hay của Lưu Quang Vũ. 

Qua bài thơ này, tôi nghĩ thêm: Thời gian có thể là vị thánh nếu ta được tận dụng được nó và được nó ủng hộ và có thể là con quỷ nếu ta không tận dụng được nó và không được nó ủng hộ. Cho nên, không phải vô cớ mà có một nhà thơ đã viết: "Tôi trôi giữa đôi bờ: Được - mất/ Vị thánh và con quỷ thời gian".

Đọc "Không", tôi càng tin: Đôi khi một bài thơ chỉ nương vào một đơn vị câu, mà "đứng" được, là thế. Rồi tôi cũng hiểu vì sao nhà lý luận, phê bình văn học Lưu Khánh Thơ lại chọn một chùm thơ 5 bài của anh ruột chị, gồm: "Trung Hoa", "Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn", "Không", "Mặt trời trong nước lạnh", "Cuốn sách xếp lầm trang" gửi cho Nhà văn và Tác phẩm khi Tạp chí có ý định mở thêm chuyên mục "Thơ hay đọc lại".

Đọc "Trung Hoa", "Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn", "Không", tôi càng tin một cách chí lý: Thơ là những khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng và nó là thứ có tác dụng "nghiền nát", không chỉ đơn giản là "nghiền ngẫm" như một nhà nghiên cứu, phê bình văn học người nước ngoài đã viết mà tôi tiếc không còn nhớ tên.

*

Trong những năm từ 1978 đến năm 1987, trước lúc Lưu Quang Vũ đi về thế giới bên kia, tôi có may mắn gặp anh cả chục lần. Lúc thì ở 96 phố Huế. Lúc thì ở Báo Văn nghệ. Lúc thì ở Tạp chí Sân khấu. Lúc thì ở một vài nhà hát, rạp hát…

Có lần khi thấy tôi quan tâm đến bài thơ "Vai phụ" của một nhà thơ trẻ đăng trên Tạp chí Sân khấu, anh bảo: "Cũng là nảy chữ thôi, đơn giản thôi mà, nhất là ở hai câu: Cả đời tôi chuyên đóng vai phụ/ Nhưng tôi không phụ nó bao giờ. Em cần phân biệt giữa thơ đăng tải và thơ in. Thơ đăng tải đôi khi chỉ ào ào, thoáng chốc, nhất thời… Còn thơ in mới là thứ lắng lại, mới đáng được xuất bản, may ra thì được nhiều thời". 

Khi tôi nói đến phong cách, anh bảo: "Phải có cốt cách và có tài nữa, mới có phong cách. Một người viết mà không đáp ứng hai đòi hỏi trên thì đừng bao giờ bàn đến phong cách, mơ đến phong cách làm gì". Một lần, trước cửa Báo Văn nghệ, anh chỉ tay về phía một người và nói giọng thừa tự tin: "Ông ấy đấy! Điệu đàng lắm! Khệnh khạng lắm. Nhưng mà giờ đã hết thời rồi!".

Có đến gần một thập kỷ, Lưu Quang Vũ là một hiện tượng trên sân khấu kịch nói Việt Nam. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, có đêm ở Hà Nội, có đến 4 - 5 nhà hát, rạp hát công diễn kịch của anh. Nhiều đoàn kịch nhà có kịch bản của anh mà tồn tại được. Anh đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với tư cách là soạn giả, người viết kịch. Nhưng với anh, như một lần, Lưu Khánh Thơ đã nói: "Cả đời, Lưu Quang Vũ luôn coi trọng thơ. Anh tôi luôn coi thơ là sự nghiệp sáng tác quan trọng của mình. Anh tôi rất vui khi viết được một bài thơ tâm đắc".

Nêu thế để thấy: Lưu Quang Vũ là người luôn "năm ăn năm thua" với thơ và là  một thi sĩ đích thực. 

Đặng Huy Giang

Nhân dịp Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 50 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ trao tặng chính thức phim tài liệu "Victory Vietnam" (Chiến thắng của Việt Nam) cho Viện Phim Việt Nam.

Chiều tối 25/4, khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là tuyến đường Lê Duẩn (Quận 1), trở nên rộn ràng, náo nhiệt khi hàng ngàn người dân từ khắp nơi nô nức đổ về đây để đón xem buổi sơ duyệt chương trình diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Chiều 25/4, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cùng đại diện chỉ huy một số phòng chức năng Công an TP đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thăm hỏi và động viên Trung tá Nguyễn Tiến Minh, cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, bị thương khi đang làm nhiệm vụ.

Ngày 25/4, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, qua công tác nắm tình hình trên mạng và dư luận xã hội, Cục Cảnh sát hình sự đã phát hiện tình trạng một số doanh nhân, cán bộ công chức nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ gửi đến hình ảnh “nhạy cảm” kèm nội dung tin nhắn đe dọa, nếu không chuyển tiền theo yêu cầu của  đối tượng thì sẽ bị phát tán các hình ảnh này lên mạng xã hội nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Chiều 25/4, từ khoảng 15h, hàng ngàn người dân từ khắp các quận, huyện, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã đổ về khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt là trục đường Lê Duẩn (Quận 1), để theo dõi buổi sơ duyệt chương trình diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Từ vai trò chiến sĩ giữ gìn an ninh Tổ quốc đến sứ mệnh trở thành sứ giả hòa bình trên trường quốc tế, lực lượng CAND tiếp tục khẳng định vị thế và trách nhiệm toàn cầu qua Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước cho 3 sĩ quan lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) ở Nam Sudan.

Dưới danh nghĩa tài trợ cột điện chiếu sáng đa năng, một doanh nghiệp có trụ sở tại TP Hải Phòng đã tự ý xây dựng nhiều cột điện cao hàng chục mét trong các khu dân cư, sau đó một đơn vị viễn thông đã lắp đặt các thiết bị phát sóng. Điều đáng nói, các vị trí này dù đã thông qua ngành chức năng nhưng không được chấp thuận vì nằm ngoài quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, thiên tai ngày càng phức tạp và khó lường, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất ở miền núi. “Cảnh báo sớm, hành động sớm”  là chìa khóa để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, cảnh báo hiện nay vẫn chưa đến được tận các bản làng, nơi người dân thiếu thông tin và hệ thống hỗ trợ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.