Bài thơ làm thi tiên Lý Bạch phải buông bút

15:00 26/10/2006

Đó là bài thơ “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu (? - 754), người Biện Châu, (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), đậu Tiến sĩ đời Đường Huyền Tông, làm đến chức Tư huân viên ngoại lang, đề ở Lầu Hạc Vàng.

Lầu này ở trên ghềnh đá Hoàng Hộc, huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Theo truyền thuyết, Phí Văn Thư sau khi lên tiên, cưỡi hạc vàng trở về nghỉ tại đây. Khi Lý Bạch (701 - 762) tự là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, người huyện Chương Minh (tỉnh Tứ Xuyên) đời Đường Huyền Tông, làm chức Cung phụng trong  Hàn lâm viện đi qua thấy bài thơ của Thôi Hiệu đã phải thốt lên: “Trước mắt có cảnh nói không được, Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu” mà không làm thơ vịnh lầu nữa.

Chúng tôi xin giới thiệu bài thơ đặc biệt đó của Thôi Hiệu với lời bình tuyệt diệu của nhà phê bình văn chương nổi tiếng Kim Thánh Thán, người Trường Châu (tỉnh Giang Tô), không rõ sinh năm nào, mất trong một vụ án oan khuất đời Thanh Thế Tổ (1661).

Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhất mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

                                           Thôi Hiệu

Dịch nghĩa

Lầu Hạc Vàng

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hạc Vàng
Hạc đã đi rồi thì không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn man
                                    mác trôi
Dòng sông quang tạnh rực rỡ hàng cây đất Hán Dương
Cỏ thơm mọc tươi tốt trên bãi Anh Vũ
Lúc chiều tối quê nhà ở nơi đâu?
Khói sóng trên sông khiến người 
                                    buồn bã.

Bản dịch thơ của thi sĩ Tản Đà:

Lầu Hạc Vàng

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ vẫn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn 
                                    lòng ai…

Lời bình của Kim Thánh Thán:

(1 - 4) Tiền giải: Đây chính là bài thơ huyên truyền ngàn năm nay. Có bản chép “Tích nhân dĩ thừa bạch vân khứ” thực là lầm lớn! Không biết rằng bài thơ này dùng bút lớn lao là tả liền ba chữ “Hoàng Hạc lâu”, chỗ kỳ lạ là ở đó. Giả sử người xưa mà cưỡi “bạch vân” thì lầu này tại sao lại có tên là “Hoàng Hạc”? Lý này thật rõ ràng! Còn như câu 4 chợt thêm vào “bạch vân”, diệu ở chỗ là “có ý không  ý, có nói không nói” (hữu ý vô ý, hữu vị vô vị). Nếu thoạt tiên chưa tả “Hoàng Hạc” mà trước đã tả “bạch vân”, thế là “hoàng hạc”, “bạch vân” đối chọi nhau; “hoàng hạc” vốn là tên lầu, còn “bạch vân” thì do điển nào mà ra? “Bạch vân” đã được người xưa cưỡi đi, mà đến nay hãy còn “du du”, trên đời này há có “thiên tải bạch vân” sao? Thực không đủ đáng một cái cười! Làm thơ không nhiều mà có thể khiến Thái Bạch công phải gác bút, thì đúng là bậc đại trượng phu trong rừng bút mực vậy. Hãy xem bọn nho mọn ô uế, suốt đời bịt mũi rền rĩ khổ ngâm, đến cái ngày đậy nắp áo quan, người ta góp nhặt lại cũng được đến hơn mấy trăm ngàn vạn lời, thế nhưng không từng được đến một đứa trẻ nít trong xóm làng tạm thời để mắt vào, thực đáng đau xót lắm!

Xét kỹ ra thì ông (Thôi Hiệu) đâu có từng làm thơ, mà chỉ hướng phía trên phía dưới, phóng mắt nhìn xa, thấy đạo lý là như vậy, liền tức thì đứng dậy, cầm bút thấm mực, tiến đến vách lầu vôi trắng, mặc ý viết lên một hàng chữ lớn, viết xong lại ngắm xem, tuyệt nhiên không biết là có hay không, mà chỉ thấy rằng sửa chẳng nên sửa, chữa chẳng nên chữa, thêm không thể thêm, bớt không thể bớt, thế rồi trong lòng thỏa mãn, liền lưu lại đây, thực không liệu rằng sau này có người trông thấy, lại không vượt ra khỏi cái khuôn khổ ấy; vả chăng người sau không vượt ra nổi, mà cũng chỉ sửa chữa, thêm bớt đều chẳng ích gì, thế rồi lại giấu vào tay áo mà đi, không bảo là cả tự pháp, cú pháp, chương pháp đều đã chiếm hết rồi, không còn tranh đoạt nổi nữa.

Thái Bạch Công phê bình bài thơ này cũng chỉ nói rằng:

“Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”

(Trước mắt có cảnh nói không được 
 Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu)

Ôi, trước lầu Hoàng Hạc, đá sông hiểm trở, Hạ Khẩu nhô cao, trông miền Miện Hán, ứng tiếp xung yếu, cảnh trạng ấy đâu chỉ tả hết trong mấy chữ “tình xuyên phương thảo, nhật mộ yên ba” của thơ họ Thôi mà thôi đâu! Thế mà Thái Bạch Công lại không chịu nói nữa, cúi đầu nhún nhường ra đi, thế không phải là vì cảnh đã nói hết, không nói được nữa mà vốn là cảnh thực không nói hết được, đúng ra không nói được nữa. Thái Bạch Công thực là vì bài thơ đề của Thôi Hiệu là một bài Luật thi, nên nay nếu muốn đề nữa thì tất yếu cũng phải làm luật thi. Nhưng ông lại tự nghĩ rằng: về luật thi, từ trước đến nay hẳn phải là chưa đề thơ, trước hết phải mệnh ý, mệnh ý rồi thì phải lo thẩm cách, sau khi thẩm cách lại phải bận tranh phát bút.

Còn như về cảnh, thì chẳng qua là sau khi mệnh ý, thẩm cách, phát bút, đầy đủ ở bên rồi, chỉ còn lặng chờ được sử dụng mà thôi. Bây giờ nếu muốn mệnh ý thì họ Thôi đã mệnh ý hết rồi, nếu muốn thẩm cách thì họ Thôi thẩm cách đã xong rồi, nếu lại muốn tranh phát bút thì họ Thôi phát bút đã là không tiền khoáng hậu, không chiếu cố đến kẻ khác; dù cho mình có cảnh đẹp đầy mắt, có thể soạn được mấy trăm ngàn liên đi chăng nữa, thì cũng chỉ là tự nhả tâm huyết ra uổng phí thôi, chớ có đặt tay vào đâu được, vì thế bất giác cúi mình sát đất, thổ lộ thực rằng: “Có cảnh nói không được”.

Có cảnh nói không được cũng như nói rằng tiếc thay trước mắt có vô số cảnh đẹp, mà đến một chữ cũng không đặt được vào bài luật thi. Than ôi! Thái Bạch Công sở dĩ hư tâm phục thiện như thế, chỉ vì chính mình hiểu rõ luật thi cam khổ. Còn các ông đời sau thì bất chấp có người nào đề thơ rồi, chẳng ngại ngần gì mà không tức thì lại đề tám câu.

Giải I: Thấy ông (Thôi Hiệu) diệu ở chỗ chỉ có một câu tả “lầu”, còn ba câu kia đều là tả “người xưa”. Ba câu kia đều là tả “người xưa” như thế là một lòng tưởng nghĩ chỉ là tưởng nghĩ “người xưa”, đôi mắt ngóng trông chỉ là ngóng trông “người xưa”, thực là không còn lòng nào rảnh rỗi mà nghĩ đến lầu này, không còn mắt nào rảnh rỗi mà ngó đến lầu này. Thử nghĩ xem, ông đầy bụng có tâm kỳ như thế nào, khắp mình có khí khái như thế nào chớ đâu từng có các chuyện thị phi đắc thất, vinh nhục hưng táng làm nhơ bẩn nổi ngòi bút! Câu 1 là tả “người xưa”, câu 3 là nghĩ “người xưa”, tuyệt nhiên không từng để mắt đến “lầu”.

Phàm cổ nhân mà có một lời, một hàng, một câu, một chữ đủ để bước một mình trong một thời, chiếm cứ cả ngàn năm, thì ta cần phải tin rằng không có gì là không đều do ở đọc sách, dưỡng khí mà ra. Như giải thơ này, ta phải tin rằng rõ ràng là do đọc sách. Các câu 1, 2: chính là ông đọc trong thiên Thiên đạo, sách Trang Tử, lời của Luân Biện nói với Tể Hoàn Công: “Cổ nhân chi bất khả truyền giả tử hỹ, quận chi sở độc, nãi cổ nhân chi tao phách dĩ phù” (Cái điều không thể truyền lại được của cổ nhân thì đã chết rồi, điều mà ông đọc ngày nay chỉ là cặn bã của cổ nhân mà thôi); ông liền thuận tay sửa bớt, dùng rất thích đáng. Các câu 3,4: chính là ông đọc được câu ca Dịch thủy trong Kinh Kha liệt truyện, sách Sử  Ký:

“Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn”
(Gió hiu hiu hề sông Dịch lạnh lùng
Tráng sĩ một ra đi không hề trở lại)

ông liền thuận tay chuyển đổi lại, dùng được rất thích đáng.

Còn như với cuốn sách mà ai ai cũng đọc, thế mà chỉ ông riêng có sự sản đối cảnh liền dùng, ngay cả chính mình rốt cuộc cũng không biết nữa, thế thì rõ ràng cần phải tin đó là cái sức dưỡng khí, không phải là vu vậy.

Người đời sau lại có câu “Dục tùy toái Hoàng Hạc lâu” (Muốn đập tan lầu Hoàng Hạc); nếu biết rằng bài thơ  này không hề tả đến “lầu” thì đúng là chỉ uổng công đập phá. Từ xưa đến nay đều là lấy ngoa truyền ngoa, không đủ cung cấp một tiếng cười, đúng thay!

(5 - 8) Tiền giải tả “người xưa”, hậu giải tả “người nay” tuyệt nhiên không tả đến “lầu”. Giải này lại diệu ở chỗ không dính liền gì với đoạn trên, chỉ nhất ý tựa cao trông xa, riêng thổ lộ hoài bão của mình, mặc cho người đời sau muốn hiểu ra sao thì hiểu, thực đúng là quy mô của bậc đại gia vậy!

Các câu 5, 6: chỉ đặt 5 chữ “hương quan hà xứ thị”, nói rằng ở nơi này cây thì “lịch lịch” (in rõ), bãi thì “thê thê (tươi tốt)”, riêng có mắt ngóng “hương quan” là không biết “hà xứ” (nơi nào). Ông chỉ đặt ngang hai chữ “nhật mộ” lên câu đó, là liền khiến cho 28 chữ trong 4 câu tiền giải chữ nào cũng nhất tề dao động vào, đó là bút pháp tuyệt kỳ vậy

Nguyên Quỳnh Thư

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文