Cái giếng – hồn xưa đất nước

07:59 10/09/2018
Theo nhiều tài liệu khảo cổ học thì cái giếng có thể đã xuất hiện ở nước ta khoảng năm sáu nghìn năm gắn liền với sự hình thành làng cổ. Ở đâu có làng thì thường ở đó có giếng. Điều này cho thấy cái giếng như một hồn xưa của làng của nước. 


Trong văn chương cũng cho thấy hình tượng này đã có từ rất lâu trong lịch sử, như giếng nước thành Cổ Loa trong truyền thuyết “An Dương Vương” và sau là cái giếng mà cô Tấm nuôi con cá Bống trong truyện cổ tích “Tấm Cám”.

Không chỉ có trong văn hoá nước ta mà hầu như ở bất kỳ một nền văn hoá nào cũng đều có hình tượng “giếng” và nó được coi là một ký hiệu văn hoá chứa nhiều mã cần giải đáp. Người ta coi “giếng” là một biểu trưng văn hoá bình đẳng với các biểu trưng cơ bản khác.

Thực ra trong văn hoá Việt Nam đã nói lên điều này, khi ai cũng thừa nhận sân đình, bến nước, cây đa là những biểu trưng cơ bản của văn hoá làng Việt, thì đã thừa nhận “giếng” cũng là một biểu trưng như vậy. Vì “bến nước” trong bối cảnh văn hoá xưa không chỉ là “bến” có địa điểm gần làng, trên bờ sông, nơi thuyền bè cập và xuất bến để chuyên chở người và hàng hoá, mà còn là “sân giếng”, nơi để múc và gánh nước. Đây cũng là nơi mỗi buổi chiều dân làng tập trung sinh hoạt như giặt giũ, tắm rửa… cũng là không gian gặp gỡ hẹn hò của con trẻ, của gái trai…

Quen thuộc một nét giếng quê!

Lịch sử, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tính cách sẽ sản sinh ra những ký hiệu tương ứng, đến lượt ký hiệu lại là một mã biểu trưng của văn hoá. Nhìn một cách khái quát nhất thì “cái giếng” của văn hoá nhân loại có chung những nét nghĩa: tượng trưng cho sự giàu có, dồi dào, sung mãn, đầy đủ (dựa vào đặc điểm múc nước mãi mà không cạn); tượng trưng cho sự giao hoà nam nữ (giếng ăn sâu xuống đất, lại có cả không gian trên mặt đất tức vừa âm vừa có dương.

Tiếng Do Thái cổ, chữ “giếng” còn có nghĩa là phụ nữ, người vợ); tượng trưng cho sự bí mật (giếng sâu thăm thẳm); tượng trưng cho sự hiểu biết (giếng thường sâu, chứa nhiều nước)… Gần đây triết học tâm linh phát triển người ta lại nhìn hình tượng “giếng” có những ký hiệu nghĩa còn ly kỳ và thú vị hơn như tượng trưng cho sự linh thiêng (nối liền ba vũ trụ trời, đất, địa phủ); là phép mầu nhiệm (nước mang đến sự sống, là sự dung hợp ba yếu tố cơ bản là nước, đất, không khí); là biểu trưng cho mạch đất tốt, yên ổn, phát triển…

Ở Việt Nam cũng có sự thật là nơi nào được coi là “địa linh” nơi có “huyệt đạo” thiêng thì giếng ở đó không bao giờ cạn nước, dù có ở trên núi cao, mà đỉnh núi Nưa nơi thờ Bà Triệu (Triệu Xuân - Thanh Hoá) là tiêu biểu.

Soi vào văn hoá Việt, chịu sự khúc xạ tâm thức cộng đồng của văn minh lúa nước rất cần nước để sinh hoạt và trồng cấy, biểu trưng “giếng” có nhiều nét khác biệt.

Để so sánh với thân phận người phụ nữ xưa "Thân em như giếng giữa đàng/ Kẻ khôn rửa mặt, người phàm rửa chân". Là nơi để neo gửi lời thề thiêng liêng, là vật chứng giám "Nguyền cùng trước giếng sau chùa/ Trăm năm giữ vẹn chát chua chẳng nề". Là biểu trưng của lòng chung thủy "Sông kia có cạn còn ao/ Cũng nguyền vét giếng mà trao ân tình".

Trong cộng đồng một làng thì cái giếng nước thường ở vị trí trung tâm của không gian nên trở thành tâm điểm gặp gỡ, người ta đi đâu cũng thường qua giếng, ở xa về, đi làm hoặc ở đồng về cũng qua giếng để rửa mặt, rửa tay cho mát, có khi là uống nước nếu là giếng mát, giếng sạch hoặc để “soi gương”... Chiều đến càng đông người. Tối đến cũng đông người… Dần dần “giếng” trở thành tiêu chí thẩm mỹ "Thứ nhất gần mẹ gần cha/ Thứ nhì gần giếng, thứ ba gần đình". Như một lẽ tự nhiên “giếng” trở thành biểu trưng hạnh phúc của người con gái: "Có chồng gần mẹ gần cha/ Như cây gần giếng sau mà dưỡng thân".

Trong truyền thuyết “An Dương Vương” thì “giếng” là nơi thể hiện tình yêu đích thực. Trọng Thuỷ đáng giận vì phản bội nước Âu Lạc, đáng trách vì phản bội Mỵ Châu nhưng cũng đáng thương khi ân hận mà nhảy xuống giếng tự tử. Chứng tỏ hắn yêu Mỵ Châu thật lòng. Mỵ Châu cũng yêu chồng nên ngọc trai ở biển Đông đem rửa nước giếng Cổ Loa thì càng sáng. Trong cổ tích “Tấm Cám” thì “giếng” là nơi nuôi dưỡng hy vọng. Cô Tấm nuôi cá Bống là nuôi hy vọng thay đổi cuộc đời!

Nhưng giếng còn là ẩn dụ cho những tâm hồn nông nổi, thiếu sâu sắc, hời hợt "Em tưởng nước giếng sâu/ Em nối sợi dây gầu dài/ Ai ngờ giếng cạn/ Em tiếc hoài sợi dây". “Giếng” ở đây là “anh”, “em” tưởng “anh” sâu sắc, tin cậy nên “em” mới trao sợi dây hy vọng, ai ngờ “giếng cạn”, “em” thất vọng vô chừng. Tình yêu mất không tiếc vì có thể thay bằng tình yêu khác, “em” tiếc là tiếc hy vọng của “em”, niềm tin của “em” đã trao nhầm chỗ. Mà ngày xưa, thời phong kiến, chỉ cần trao nhầm chỗ một hai lần như vậy là có thể thiệt cả một đời con gái, vì “gái ba mươi tuổi đã toan về già”!

Trong thành ngữ thì “giếng” lại biểu trưng cho không gian chật hẹp, tối tăm sinh ra sự thiển cận "Ếch ngồi đáy giếng" vì “ếch” nhìn từ “đáy giếng” sẽ chỉ thấy trời  bằng cái “miệng giếng” mà thôi! Câu này còn mang ý nghĩa phổ quát muốn con người thông minh thì phải thay đổi môi trường mang tính thông minh!

Trong văn học viết thì ai cũng thuộc bài thơ “Giếng thơi” của thi hào Hồ Xuân Hương. “Giếng” trong bài thơ biểu trưng cho cái đẹp, cái trong sáng "Giếng ấy thanh tân ai chẳng biết". Đã là cái đẹp thì phải biết nâng niu, trân trọng, chẳng kẻ nào thô tục dám làm những điều thiếu trong sáng "Ðố ai dám thả nạ dòng dòng". Trong văn học hiện đại thì người viết nhiều nhất về cái giếng là Hoàng Cầm. Cũng rất đúng với phong cách nhà thơ của làng quê hội hè xứ Kinh Bắc, “giếng” trong thơ ông thật có hồn, với "Cổ Loa rúc chòi canh/ Giếng ngọc ễnh ương quát đêm tiền sử" (Gió lông ngỗng) rồi "Tung toé dội gầu trăng nước giếng/ Mát lùa kẽ tóc…". (Tắm đêm)…

Ở thể tiểu thuyết gần đây có quyển rất đáng đọc với tên “Đáy giếng” của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy. Cuốn này tái hiện xã hội Việt Nam thời bao cấp thông qua hình ảnh một doanh nghiệp Nhà nước với những nhân vật cũng rất “bao cấp” tức là chậm chạp, trì trệ, không năng động, thiếu sáng tạo… cùng những mánh khoé tiểu nông vặt. Chắc khi đặt tên tiểu thuyết, nhà văn đã liên tưởng tới thành ngữ "Ếch ngồi đáy giếng" như đã phân tích ở trên.

Theo sự phát triển công nghiệp mà hình tượng “giếng” cứ nhạt dần trong tâm thức xã hội, văn chương lại càng ít tái hiện. Nhưng đứng trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghiệp mới người ta lại thấy tiếc một dấu xưa mang hồn đất nước nên có nơi bỏ công bỏ của nạo vét khôi phục lại vẻ “giếng xưa”. Đó là cách làm đúng. Nhưng lại có nơi làm cả một đài phun nước ở giữa giếng cho “hoành tráng” thì lại làm mất đi vẻ xưa cổ truyền. Cũng thật tiếc, vì lại không thấy “hồn xưa”!

Nguyễn Thanh Tú

Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị "Công bố kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND năm 2024 và sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua cải cách hành chính trong lực lượng CAND 2024; sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 29/3/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ANTT đến năm 2026, định hướng đến năm 2030", chiều 19/12.

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 19/12, các đại biểu chất vấn lãnh đạo các sở, ngành và địa phương của TP Hà Nội liên quan đến những vi phạm kéo dài trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn Hà Nội.

Ngày 26/12, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Chiều 19/12, tại trụ sở Đội chữa cháy và CNCH khu vực số 2, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội, chúng tôi gặp Trung tá Nguyễn Minh Đức, Phó đội trưởng Đội chữa cháy và CNCH khu vực số 2, người trực tiếp cùng tổ công tác tiếp cận các nạn nhân, đưa người bị thương xuống đất an toàn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc sắp xếp, tinh gọn Tổng cục Thuế đang được trình theo mô hình 3 cấp: Thuế Nhà nước, Thuế khu vực và dưới nữa là cấp quận, huyện.

Phản ứng tiêu cực với thông tin giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá vàng thế giới lao dốc kéo giá vàng trong nước cũng “đổ đèo”.

Chiều 19/12, đoàn công tác Báo CAND do Đại tá Trần Duy Hiển, Phó Tổng Biên tập dẫn đầu, đã đến thăm và chúc mừng Báo QĐND nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)…

Ngày 19/12, đoàn công tác Bộ Công an do đồng chí Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã đến tặng hoa, chúc mừng lễ Giáng sinh an lành, hạnh phúc, năm mới an khang, thịnh vượng các chức sắc, tín đồ Công giáo và Tin lành, nhân dịp Lễ Giáng sinh và đón chào năm mới 2025.

Hồi 18h30 ngày 17/12, tại khu vực biên giới thuộc bản Puông, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, Công an huyện Sông Mã chủ trì, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh và Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương phối hợp đã phá thành công chuyên án, bắt giữ 1 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn.

Với 19/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, 16/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ; ước thực hiện cả năm 2024, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 245.588 tỷ đồng so với dự toán, bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文