Cô đào siêu hạng ẩn sau màn nhung

08:00 25/11/2015
Hơn 50 năm trong giới cải lương Sài Gòn, bà là nữ nghệ sỹ duy nhất... không một lần bước ra sân khấu! Giọng hát của bà chỉ ẩn sau bức màn nhung, trong phòng thu âm, ghi đĩa... Bà là nghệ sỹ cải lương mang nghệ danh Cô Ba Trà Vinh. 

Hiếm có một nghệ sỹ nào kỳ lạ như bà. Tài sắc vượt trên nhiều đào chánh nổi tiếng thời bấy giờ và thành tựu nghệ thuật để lại cho hậu thế là một kho đồ sộ những đĩa hát thời kỳ đầu tiên của nền âm nhạc tài tử, cải lương. Hàng triệu khán thính giả nghe bà hát say sưa, thần tượng, trong đó có người cha ruột khó tính luôn cấm đoán bà theo nghề hát.

Hơn 50 năm trong giới cải lương Sài Gòn, bà là nữ nghệ sỹ duy nhất... không một lần bước ra sân khấu! Giọng hát của bà chỉ ẩn sau bức màn nhung, trong phòng thu âm, ghi đĩa... Bà là nghệ sỹ cải lương mang nghệ danh Cô Ba Trà Vinh.

Giọng hát bí ẩn

Ở Trà Vinh những năm đầu thế kỷ XX, ai cũng biết tiếng ông thầu khoán giàu có nổi tiếng "hào hoa phong nhã" nhất vùng tên là Lê Văn Thạnh. Tính ông phóng khoáng, hào hoa nên rất nhiều cô gái xinh đẹp đeo bám theo ông ngay từ khi còn trẻ. Sau những năm dài theo đuổi "giai nhân" xứ khác, một ngày nọ ông Thạnh trở lại quê nhà sinh sống và chuộc lỗi với vợ con.

Hình ảnh hiếm hoi về Cô Ba Trà Vinh.

Ông hết lòng thương yêu, chăm sóc cô con gái rượu Trần Thị Tân - mang họ mẹ vì cô sinh ra trong khoảng đời đau khổ của bà. Khi đó, ông Thạnh đã bỏ mặc hai mẹ con cô để chạy theo hình bóng giai nhân khác. Cô Tân như một bông hoa đồng nội, càng lớn lên càng đẹp người, đẹp nết. Cô còn được trời phú cho một giọng ca mượt mà, ấm áp, trong trẻo.

Năm Tân lên 15 tuổi, cô được mời hát giúp Nhà Thông tin tỉnh với khoản tiền thù lao 15 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng. Khoản tiền ấy đã giúp cô và mẹ trang trải cuộc sống khi người cha vẫn còn biền biệt. Khi được sống với người cha chủ thầu khoán, nhiều lần cô Tân "nũng nịu" xin cha cho cô lên Sài Gòn theo học nghề ca hát, nhưng ông thầu Thạnh cương quyết ngăn cấm.  Ông nghĩ: con gái rượu của một nhà thầu khoán danh tiếng thì không thể đi vào con đường "xướng ca vô loài".

Bản thân ông thầu Thạnh cũng là người rất mê đờn ca, nên cũng rất mê giọng ca của "Cô Ba Trà Vinh" trong đĩa vọng ca cổ "Dẫu có xa nhau rồi" khi nó phát hành về đến Trà Vinh gây xôn xao dư luận. Những lúc trà dư tửu hậu, hoặc khi thư giãn, cao hứng, ông thầu Thạnh cũng thường ngâm nga lời ca mà ông đã thuộc lòng của người nữ nghệ sĩ đang làm rạng rỡ quê hương Trà Vinh của ông.

Hồi đó, ở Trà Vinh có thầy đờn Hai Dậu là chỗ rất quen thân với thầu Thạnh, hằâng ngày thường tới lui đờn giúp cho "con Tân" nhà ông ca hát. Vì thần tượng và sự "bí ẩn" của Cô Ba Trà Vinh, nên mỗi lần trò chuyện với thầy đờn Hai Dậu, thầu khoán Thạnh luôn tìm cách gạ hỏi Cô Ba Trà Vinh là ai? Thầy đờn Hai Dậu giả vờ không biết, nhất quyết không chịu trả lời, đánh trống lảng sang chuyện khác.

Một bữa nọ, ông thầu Thạnh dẫn cô con gái rượu Trần Thị Tân ra chợ lựa mua cho cô đĩa vọng cổ "Dẫu có xa nhau rồi", để giúp cô… học hỏi giọng ca người nữ nghệ sĩ tài danh mà ông rất yêu thích. Ông âu yếm xoa đầu con rồi nói: "Con mà ca được như Cô Ba Trà Vinh là ba cho con lên Sài Gòn liền...". Cô Trần Thị Tân cười tươi như hoa, hỏi vặn lại cho chắc ăn: "Thiệt hả, ba ?". "Thiệt đó, ba hứa…". Lúc này, hai cha con nhìn thấy đằng xa, thầy đờn Hai Dậu cũng đang đến lựa mua đĩa. Nghe xong chuyện, thầy đờn Hai Dậu bật cười ha hả: "Ông thầu khoán ơi, Cô Ba Trà Vinh đang đứng bên cạnh ông đó!". Quá đỗi ngạc nhiên, không tin nổi, ông thầu khoán Lê Văn Thạnh lắp bắp: "Con, con là... Cô Ba Trà Vinh?".

Sau này, có lần Cô Ba Trà Vinh ngậm ngùi nhìn lên bàn thờ cha, kể lại chuyện cũ: "Mấy tháng trước đó, tôi được thầy Hai Dậu bí mật dẫn lên Sài Gòn, tìm đến hãng dĩa Rồng Bạc. Nhờ uy tín của thầy, họ đồng ý cho thu, nhưng cả hãng chỉ còn một đĩa duy nhất (phải đặt hàng tận bên Pháp) nên không thể thử giọng mà thầy trò tự chuẩn bị, rồi thu thiệt luôn một lần".

Có lẽ, đây là trường hợp duy nhất trong giới đĩa hát Việt Nam, một giọng ca mới toanh mà chỉ thu qua một lượt, rồi xử lý hậu kỳ là phát hành luôn.

… Kể từ đó, ông thầu Thạnh đã "tháo cũi xổ lồng" cho cô con gái rượu của mình tung cánh vào bầu trời nghệ thuật nhưng với một điều kiện rất khác thường: "Chỉ đi hát đĩa chứ không lên sân khấu". Lời hứa với con, ông không thể nuốt. Nhưng từng là dân chơi mút mùa, ông sợ báu vật của đời ông vướng lụy tai tài của nghiệp cầm ca.

Tài tử không sàn diễn

Những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, làng "đĩa đá" ở Sài Gòn mới ra đời. Còn đĩa nhựa du nhập từ phương Tây chỉ xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1970. Trong đĩa vọng cổ "Dẫu có xa nhau rồi", Cô Ba Trà Vinh hát với làn hơi đầy đặn, rõ chữ tròn vành, lúc nỉ non ai oán, khi thác dậy sóng trào... hòa quyện cùng tiếng đờn kìm độc chiếc của thầy Hai Dậu. Chính ông đã phát hiện tài năng và thổi một làn gió mới trong lành, nâng cao vị thế bài ca vọng cổ và các bài bản tài tử trong lòng người hâm mộ.

Ba danh cầm Năm Cơ - Văn Vỹ - Bảy Bá.

Kể từ dạo đó, giới đờn ca tài tử cải lương Nam Bộ có thêm một nữ nghệ sĩ tài năng mang nghệ danh Cô Ba Trà Vinh, luôn xuất hiện bên cạnh những nghệ sĩ tiền phong nổi danh như: Năm Phỉ, Phùng Há, Cô Năm Cần Thơ, Cô Năm Sa Đéc, Cô Ba Bến Tre, Cô Hai Thời... Rất nhiều thư từ của thính giả khắp mọi miền đất nước gửi về hãng đĩa Rồng Bạc cùng một câu hỏi thắc mắc: Cô Ba Trà Vinh là ai?

Khoảng năm 1945, mới chân ướt chân ráo từ Trà Vinh lên Sài Gòn, Cô Ba Trà Vinh được thầy Hai Dậu giới thiệu gia nhập quán Mỹ Linh ở đường Dumortier (nay là đường Cô Giang - quận 1), tiếp sau đó gia nhập nhóm Lệ Liễu (ở Thị Nghè) - là những nhóm đờn ca tài tử phục vụ thực khách, một trào lưu được dân giới nhà giàu thành thị ưa chuộng lúc đó, bên cạnh những tên tuổi như Lệ Liễu, Bảy Bửu, Ba Cất, Văn Lộc, Năm Cơ... Từ thành công của đĩa vọng cổ "Dẫu có xa nhau rồi", Cô Ba Trà Vinh được nhiều hãng "đĩa đá" khác như Hoành Sơn, Pathé, Asia, Tri Âm... cạnh tranh, mời mọc thu nhiều đĩa tài tử và vọng cổ với mức thù lao khá cao.

Đến năm 1950, đĩa hát "Nợ nước tình nhà" với một số bài ca vọng cổ của soạn giả Viễn Châu qua giọng ca Cô Ba Trà Vinh và tiếng đờn kìm độc chiếc của nhạc sĩ Năm Cơ lại một lần nữa gặt hái thành công vang dội, đưa "bộ ba Trà Vinh "lên một đỉnh cao mới của sự thành công, vinh quang tạo ra một "mô hình khép kín" trong giới kinh doanh "đĩa đá", bao gồm: soạn bài ca cho phù hợp chất giọng là Bảy Bá - tức soạn giả Viễn Châu, ca sĩ là Cô Ba Trà Vinh và đờn là Bảy Bá và Năm Cơ. Đây còn là cột mốc đánh dấu sự phát triển của bài ca vọng cổ 20 câu, nhịp 16.

Năm 1952, Cô Ba Trà Vinh ký hợp đồng làm việc cho Đài Phát thanh Pháp - Á, theo dạng "nghệ sĩ độc quyền", sau đó là Đài Phát thanh Sài Gòn cho đến năm 1973. Khoảng thời gian này, Cô Ba Trà Vinh vẫn là giọng ca chính được các hãng đĩa tranh nhau phát hành với hơn 50 đĩa vọng cổ - một di sản nghệ thuật khá đồ sộ dành cho hậu thế. Nhiều bài hát qua giọng ca của cô đã đi sâu vào lòng công chúng như: "Trưng Trắc - Trưng Nhị", "Nợ nước tình nhà, "Bên bờ hồ”...

Lúc này sân khấu cải lương đang thời hoàng kim nhất, một ngành kinh doanh nghệ thuật hái ra nhiều bạc tiền nhất. Nhiều đoàn hát, gánh hát thi nhau ra đời như trăm hoa đua nở, cạnh tranh nhau ráo riết, tìm mọi cách săn đón, giành giật các giọng ca tài năng. Giọng ca vàng của Cô Ba Trà Vinh cùng sự ái mộ của công chúng trở thành "mục tiêu" của những ông bà bầu giàu có.

Nhưng Cô Ba Trà Vinh khẳng định, mình là một nghệ nhân tài tử, mặc dù nhiều bạn diễn tên tuổi cùng thời với cô đã chuyển dần sang sân khấu cải lương. Sau này, đáp ứng yêu cầu của thính giả, đài phát thanh có tự thu để phát một số vở cải lương mang tính kinh điển có Cô Ba Trà Vinh tham gia diễn xuất trong hơn chục vở tuồng cùng các giọng ca: Bảy Thưa, Cô Ba Bến Tre, Cô Năm Cần Thơ... Suốt đời, Cô Ba Trà Vinh chưa một lần đặt chân lên sàn diễn sân khấu. Lời hứa ngày xưa với người cha đã được Cô Ba Trà Vinh giữ vẹn đến ngày nhắm mắt.

Bà đã sống giản dị trong căn nhà nhỏ với con dâu và ba đứa cháu nội trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh trong tình thương và quý mến của mọi người. Tháng 5-2002 bà lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, thọ 82 tuổi.

Hoàng Châu

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

Đợt không khí lạnh tăng cường khiến các tỉnh thành ở miền Bắc nền nhiệt tiếp tục giảm, trời rét. Thủ đô Hà Nội ngày nắng, về đêm và sáng sớm lạnh. Vùng núi cao một số nơi dưới 16 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文