Cố nhà thơ Chu Hoạch: "Chắp tay xin bái biệt làng... Tôi đi"

08:02 09/06/2017
Cố nhà thơ, họa sĩ Chu Hoạch sinh năm 1941, quê ở thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Ông làm thơ từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và nổi tiếng là một thi sĩ - họa sĩ tài hoa. Ông đã in 2 tập thơ và được trao nhiều giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Hà Nội, Báo Người Hà Nội, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. 


Thời bao cấp khó khăn, Chu Hoạch được bạn văn liệt vào nhóm "những nhà thơ chân đất" như: Tường Vân, Lê Huy Quang... thường làm thơ và "xuất bản miệng" trong các quán rượu Hà thành.

Tôi có một kỷ niệm thật khó quên về nhà thơ - họa sĩ Chu Hoạch. Trong cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1989-1990, tôi với ông đều có thơ in và đều được trao giải của cuộc thi này. Những năm ấy, đời sống thi ca đất nước bước vào giai đoạn đổi mới có rất nhiều chuyển biến và sôi động.

Những bài thơ khó in trước đây nay được dịp xuất hiện và công bố. Những bài thơ tưởng chỉ dám đọc cho nhau nghe bên các quán rượu chui nay lại thơm mùi mực in trên các trang báo. Một buổi trưa đầu tháng 1/1991, chúng tôi ngồi đàm đạo với nhau bên mấy cốc bia ở đầu phố Phan Chu Trinh. Chu Hoạch nói: "Theo tin rò rỉ, thơ của anh và chú đều được trao giải cao của cuộc thi thơ này".

Chân dung nhà thơ - họa sĩ Chu Hoạch.

Bữa ấy, hết bia rồi rượu, bạn bè chúc mừng Chu Hoạch và tôi. Gương mặt trầm buồn như giãn ra, Chu Hoạch đọc cho chúng tôi nghe bài thơ "Một ngày" viết hồi ông còn phải đi nạo vét cống ngầm để mưu sinh:

Đưa Em ra bến xong anh vòng về quán nước
Ở đấy - với năm xu - anh được thở dài
Mà ngắm những đốm Hè nồng nực
Nhấp nháy hiện màu nhấp nháy đổi thay
Ngồi hết cái năm xu cũng là kịp vào ngày lao động
Với một chiếc xô tay anh tụt xuống cống ngầm
Thành phố đi trên đầu anh không tiếng vọng
Trừ tiếng thở của mình trầm, chậm, có hồi âm…
Ở đầu cống đằng kia cách hai trăm thước
Người thợ cống lâu năm rủ anh vào cuộc chuyện trò
Và trong cõi âm u nửa bùn nửa nước
Mỗi tiếng thì thầm cũng trở nên to
Cả hai đã nói gì trong âm u bùn nước ấy?
Khi thì nói về những cô gái đến với đời mình để lại ra đi…

Khi thì nói về khẩu súng, về con dao, về hòn đá đợi chồng, về lòng con sông chảy Về những mùi vị bất ngờ được nếm ở trong mơ khi thức dậy chẳng còn gì…

Nhưng nhiều nhất là nói về những người đi trên phố
Những người đi ô tô những người đi bộ ngược chiều nhau
Những người vội vàng những người hớn hở
Và những người đi im lặng cúi đầu...

Câu cuối của bài thơ sau này được Chu Hoạch sửa thành "Và những người đi im lặng lẫn màu…". Có lẽ Chu Hoạch là nhà thơ duy nhất ở nước ta viết được một bài thơ độc đáo về "đời sống cống ngầm" những năm tháng ấy. Con mắt thi sĩ của ông đã phát hiện, đã khắc họa "trong cái cõi âm u nửa bùn nửa nước ấy" câu chuyện của quá khứ và tương lai của con người thời đương đại được nhìn từ dưới cống ngầm. Bài thơ giản dị, khúc chiết và đầy ắp "ý tại ngôn ngoại". 

Đây là một trong những bài thơ hay nhất của Giải thơ Báo Văn nghệ những năm đổi mới. Chu Hoạch còn nhiều bài thơ đặc sắc khác như: "Quê", "Tĩnh vật", "Gió đầu ô"… đã làm nên gương mặt thơ đặc sắc của ông.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc là người bạn thân chí cốt, từng giữ nhiều sổ tay thơ của Chu Hoạch, may là còn giữ được một số cuốn, vì có thời gian, gặp bi kịch tình yêu, Chu Hoạch từng đốt hết thơ của mình. Đến khi Đặng Hữu Phúc mang trả lại ông mấy cuốn sổ tay thơ còn giữ lại, Chu Hoạch mới nhớ ra mình đã từng viết những bài thơ ấy.

Một đệ tử khác của Chu Hoạch là họa sĩ Phan Vũ Khánh, người từng "cắp tráp" theo ông lang thang đi vẽ suốt mấy chục năm ở Hà - Nội - Phố cho biết, thầy trò họa sĩ những năm đói kém ấy, suốt ngày chỉ xơi mỳ ăn liền và rượu suông nhưng vẫn cháy bỏng tình yêu hội họa và thi ca.

Tâm sự với tôi, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc ân hận: "Do yêu mến bạn quá nên thỉnh thoảng tôi lại đem thuốc lá và rượu trắng đến cho Chu Hoạch, nhưng không ngờ rằng mình đang làm bạn mòn mỏi, héo rũ vì nicotin và cồn. 

Những năm cuối đời, Chu Hoạch sống một mình, suốt ngày chỉ có rượu, thơ và vẽ. Anh đốt cháy mình cho nghệ thuật tới phút tận cùng. Có đêm thức dậy, khát quá, Chu Hoạch phải uống rượu thay nước vì bình thủy đã cạn sạch. Thế thì gan, ruột thi sĩ làm sao mà không bị hủy hoại, hở ông!".

Ông Phúc kể lại cho tôi nghe bữa rượu định mệnh cuối cùng trong đời Chu Hoạch. Hôm ấy, họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm và mấy người bạn uống rượu mừng Chu Hoạch về một bài báo vừa mới đăng "Chu Hoạch một thân, một phận như tôi biết" của tác giả Nguyễn Viết Bình. 

Mấy ngày trước đó, Chu Hoạch nói gở: "Không khéo, tôi sắp "đi" các ông ạ, vì tôi được cái lộc lớn quá, trước nay chưa bao giờ thấy. Như được mách bảo, một người đã tìm đến nơi tôi ở trọ, mua sạch mấy bức chân dung sơn dầu và ký họa, trả tôi khoản tiền đủ trả nợ mấy tháng tiền thuê trọ của tôi".

Hôm ấy, mấy người bạn cùng với Chu Hoạch uống rượu và nhâm nhi bài báo rất hay nói trên. Có ngờ đâu đấy là bài "văn điếu" mà Chu Hoạch được đọc cuối đời mình. Đêm hôm ấy, độc thân một mình tại nhà trọ, Chu Hoạch bị ngã từ trên giường, dập đầu xuống đất, không ai biết. Hôm sau, linh tính mách bảo thế nào, con trai ông xuống nhà, thấy bố nằm bất tỉnh dưới nền, vội cùng họa sĩ Phan Vũ Khánh, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đưa ông tới bệnh viện cấp cứu, một tuần sau, Chu Hoạch qua đời…

Mới đây, trong đêm nhạc "Hà Nội, em và thu chớm đông sang" của nhạc sĩ Phú Quang tại Hà Nội, khi giao lưu với khán giả, Phú Quang đã bật khóc khi nhắc về cố họa sĩ - nhà thơ Chu Hoạch mà ông đã phổ thơ. Cuộc đời thi sĩ lãng tử và nghèo khó của Chu Hoạch gắn bó với nhiều văn nghệ sĩ và một số bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ đương đại nổi tiếng phổ nhạc như: Đặng Hữu Phúc, Phú Quang, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Ngọc Đại…

Trong đêm nhạc xúc động ấy, nhạc sĩ Phú Quang trải lòng với khán giả: "Tôi có một ông bạn họa sĩ yêu thơ. Ông này có cuộc sống rất khổ. Khi gia đình khó khăn cũng là lúc vợ ông sang nước ngoài kiếm sống.

Trong tình cảnh thơ và tranh không bán được, ở nhà, ông họa sĩ có khi phải đi kéo xe để nuôi con. Nhưng vì dáng quá gầy gò nên rồi không ai thuê ông ta nữa. Ông họa sĩ đành phải xin làm công nhân móc cống để mưu sinh. Cuối cùng chờ đợi bao nhiêu năm vợ ông cũng về nước. Ông rất mừng nhưng khi gặp lại được người vợ thì cũng là lúc người đàn bà đó đòi chia tay.

Cái nghèo, cái khó cứ thế đẩy hai người yêu nhau ra xa dần, thành thử sợi dây níu kéo cuối cùng chỉ còn là tình nghĩa. Rốt cuộc, người đàn ông tự trọng ấy đã chọn cách "ra đi gọn nhẹ" để không làm người phụ nữ của mình phải khó xử thêm nữa, và cũng là cách giải thoát cho mình. Sau lúc buồn bã nhất, năm 1979 Chu Hoạch đã viết bài thơ Thu và khi đọc thấy xúc động nên tôi đã phổ nhạc".

Nguyên văn bài thơ Thu của Chu Hoạch như sau: Thu rất thật thu là cái lúc chớm Đông sang/ Em rất thật Em là lúc Em hoang mang lựa chọn/ Anh rất thật anh là sớm biết ra đi nhẹ gọn/ Để tránh cho Em bớt một lời chào/ Và/ Bớt cho đời một chút gió xôn xao…". 

Bài hát chính của đêm nhạc "Hà Nội, em và thu chớm đông sang" được chính nhạc sĩ Phú Quang thể hiện. Câu chuyện xúc động về hoàn cảnh ra đời ca khúc này không chỉ khiến tác giả rơi nước mắt mà còn khiến nhiều khán giả chạnh lòng về cuộc sống bất hạnh của một họa sĩ nghèo.

Ôn lại những kỷ niệm về họa sĩ Chu Hoạch, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết: "Chu Hoạch trước khi thành họa sĩ, anh đi bộ đội, trở về làm công nhân công trình đô thị chuyên đi vét cống ngầm dọc phố phường Hà Nội ban đêm. Ngày vẽ và làm thơ.

Mười năm cuối đời, anh ở trọ quanh khu Kim Liên, Phương Mai. Tôi mấy lần đến xem anh vẽ, vừa uống rượu, vừa vẽ. Nhiều tranh vẽ thiếu nữ rất đẹp. Có lẽ vì thế mà nhiều "người mẫu" cũng đem lòng yêu anh. Và cũng vì thế mà anh viết nhiều thơ tình. Gần đây, tôi gặp lại một "người mẫu" của anh, một người đẹp Hà thành mà bạn bè vẫn gọi là "Phương tóc vàng".

Phương đọc thuộc những bài thơ khoảng 30 năm trước Chu Hoạch tặng cô. Có những bài thật dễ nhớ: "Có một nấm mồ không đáy: - thời gian/ Có một nỗi buồn không tan trong thời gian không đáy/ Đó là nỗi buồn của chiếc giày chân trái/ Không tìm thấy chiếc giày chân phải để thành đôi".

Nhiều người đã chép tay các bài thơ của anh như "Cống", "Quê" và "Gió đầu ô", những bài thơ khiến người ta gọi Chu Hoạch là "thi sĩ cống" hoặc "thi sĩ quê". Gần cuối đời, anh nổi hứng dự thi thơ trên Báo Người Hà Nội và được tặng giải, rồi thơ anh cũng được in thành tập. Anh lặng lẽ ra đi vào ngày 4/10/2007 theo cách riêng như thơ anh báo trước: "Ngày hôm nay, tôi nhắc đến chữ chết nhiều/ Chết đâu phải là điều cần tránh/ Chết đó là phần chia tư chiếc bánh/ Mỗi đời người nên biết cách ăn...".

Nhà thơ - họa sĩ Chu Hoạch ra đi đã chục năm, thơ in hai tập với mấy giải thưởng lớn mà không đủ tiền uống rượu, tranh thất lạc nhiều phương với nhiều người tình say đắm, nhưng còn lại vô số thơ hay như đoạn thơ sau:

Quê là có đấy mà không
Đi không ai tiễn về không kẻ chờ…
Lên chùa gặp sãi ngẩn ngơ
Hỏi thăm giếng cũ vườn xưa… sãi cười
Xa quê từ thuở đầu đời
Mất quê chót chặng cuối đời lang thang
Lòng thành thơm một nén nhang
Chắp tay xin bái biệt làng…Tôi đi. 

Nguyễn Việt Chiến

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文