“Cõi tịnh độ” Phạm Thiên Thư

08:00 27/01/2017
Cuối cùng thì người thơ ấy cũng tìm cho mình một “động hoa vàng” để làm chốn an trú của tâm hồn, một điểm tựa để chiêm nghiệm, tĩnh tâm chờ nghe tiếng chim ca vui giữa thành vách sương mù. Lắng lòng hướng tâm tới tận cùng từng cơn thao thức của kiếp phù sinh.


Vốn là một người từng trải qua một quãng thời gian tu tập đạo hạnh, Phạm Thiên Thư tư tải những suy niệm vi tế về thế tục thông qua ngôn ngữ thi ca. Ở đó, ông có riêng một “cõi tịnh độ” để tìm về, tự hóa thân, xóa vô minh để hòa mình vào chân thể đại ngã: một là tất cả, tất cả là một.

Hệt như Nikos Kazantzaki- một triết gia Hy Lạp nổi tiếng từng suy niệm: “Bổn phận của ngươi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng.”

Có một quan niệm gần như bất biến rằng, những bậc chân tu phải lựa chọn chốn xuất thế ở chốn thâm sơn cùng cốc để tịnh tâm, thoát vượt lên trên mọi biên kiến của thói đời đa tạp. Nhưng với thi sĩ Phạm Thiên Thư thì ngược lại. Ông chọn lựa cho mình một lối hành đạo ngay chính giữa dòng đời đầy những biến xung, đa tạp.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư (trái) và tác giả tại quán cà phê “Động hoa vàng”.

Giải nhất về văn chương năm 1971 qua tác phẩm "Đoạn trường vô thanh" đã đưa Phạm Thiên Thư lên một vị trí xứng đáng trong ngôi đền thiêng của thi ca Việt Nam.  Phạm Thiên Thư bắt đầu nhập thế, hòa mình vào cuộc đời đầy náo động và sớm suy niệm lẽ thường hằng của kiếp phù sinh, thân phù thế: "Thì thôi! Tóc ấy phù vân/ Thì thôi! Lệ ấy còn ngần giang sương…/ Mai anh chết giữa cội đào/ Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu…".

Người ta cũng phải giật mình trước một thiền sư lãng mạn, mang tâm trạng của một chàng thanh niên đang mơ mộng trong ái tình: "…Em làm trang tôn kinh/ Anh làm nhà sư buồn/ Đêm đêm buồn tụng đọc/ Lòng chợt nhớ vương vương/ Đợi nhau từ mấy thuở/ Tìm nhau cõi vô thường/ Anh hoá thân làm mực/ Cho vừa giấy yêu thương" (Pháp thân).

Một lối tư duy lưỡng khả, nửa đạo nửa đời của Phạm Thiên Thư đã làm cho người ta như lạc bước vào một mê lộ chất chứa những ảnh tượng nửa thực, nửa hư ngụy, nhưng rất thiết thân, gần gũi với đời. Đó là một mối tình đi vào thiên thu mà mỗi lần gợi nhắc, ông lại ngậm ngùi. Bài thơ "Ngày xưa Hoàng thị"… ra đời và nhanh chóng nổi tiếng hơn sau khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trở thành hành trang không thể thiếu của những ai đã từng trải qua một thời áo trắng học trò.

Tình yêu của Phạm Thiên Thư khiến chúng ta liên hệ đến một truyện ngắn rất nổi tiếng "Chuyện tình của thiền sư chùa Shiga" của nhà văn Nhật Bản Yukio Mishima. Câu chuyện mô tả những xung biến nội tâm về đạo lý và tình yêu của một nhà sư. Nhưng cuối cùng, thiền sư đã buông bỏ tất cả để ra đi với tiếng gọi của tình yêu. Lòng thiền sư thanh thản, tâm thiền sư không vọng động, bởi chính ông đã suy niệm được rằng, ở hố thẳm vô tận ấy tận cùng cũng chỉ là sắc, không mà thôi.

Thời đó, báo chí và dư luận đặt dấu hỏi về người con gái trong bài thơ. Chúng tôi cũng tò mò không kém. Ông cười bí ẩn: “Người ấy hiện đang sống rất hạnh phúc với gia đình ở nước ngoài”. Một mối tình đẹp như thi sĩ Pháp Felix Arvers từng viết trong bài thơ “Un Secret” của ông: “Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thu” (bản dịch của Khải Hưng).

Vào năm 1969, Phạm Thiên Thư còn gây bất ngờ trong văn giới khi ông dám dự phóng, khai mở một vấn đề mà ít ai dám vọng tưởng: Viết tiếp “hậu Truyện Kiều” của Nguyễn Du bằng thi phẩm "Đoạn trường vô thanh" gồm 27 chương, 3.296 câu thơ lục bát. Tác phẩm này đã đoạt giải nhất văn học miền Nam năm 1971. Theo Phạm Thiên Thư, trườ ng thi này đã mô tả quãng đời sau 15 năm lưu lạc của nàng Kiều; quảng diễn “phù du mộng”, vô tướng, vô ngã của kiếp nhân sinh.

Cấu trúc "Đoạn trường vô thanh" không theo chiều tuyến tính như của “Truyện Kiều” mà chỉ diễn tả bằng mạch xúc cảm phát khởi từ tâm tưởng làm chủ đạo. Vẫn là những câu thơ lục bát mượt mà, thấm đượm tâm hồn, phong vị dân tộc.

Thi pháp tài hoa của Phạm Thiên Thư đã làm một việc mà ít ai dám làm là nối lại một đường tơ đành đoạn và thắp lên một ngọn lửa lòng để cùng người tri âm gẩy tiếp từng cung phím lỡ. Ở "Đoạn trường vô thanh", thân phận Thúy Kiều được thụ hưởng một cuộc đời tươi sáng hơn, hạnh phúc lại mỉm cười với nàng sau bao cơn vùi dập phù trầm, mất mát trong vòng xoáy của "tuồng ảo hóa".

Qua cơn bĩ cực, con người lại biết làm mới mình như một chứng ngộ cho tình người, tình đời độ lượng: "Đoạn trường sổ gói tên hoa/ Xưa là giọt lệ, nay là hạt châu" (Đoạn trường vô thanh). Trong tác phẩm này, Phạm Thiên Thư không sử dụng những điển tích, từ chương của Trung Hoa mà thay thế vào đó là một loạt các hình ảnh, nhân vật hoàn toàn thuần túy Việt Nam. Người ta bắt gặp ở đó những tên tuổi quen thuộc, từ lâu đã đi vào tâm thức bao thế hệ: Tiên Dung, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Tản Viên, Bạch Vân…

Đọc "Đoạn trường vô thanh", người ta khó có thể phân biệt được bút pháp tả cảnh, tả tình tài hoa của Phạm Thiên Thư với thi hào Nguyễn Du. Đơn cử: "Sông dài cởi yếm hoàng hôn/ Bầy chim ngủ đậu bên cồn lại bay/ Gió về đưa ngọn sóng say/ Tiếng ca mục tử cuối ngày gọi trâu/ Bãi xa cỏ tím rầu rầu/ Mái đình rêu vọng trống chầu nhịp mưa".

Bìa tập thơ “Đoạn trường vô thanh” của nhà thơ Phạm Thiên Thư.

Khi được hỏi rằng, viết tiếp “Truyện Kiều” là một điều cực kỳ khó khăn, bởi khó có thể tác phẩm nào có thể vượt qua được “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - bởi “tiên bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả”. Phạm Thiên Thư nói: “Cụ Tố Như (tức Nguyễn Du) từng xem đứa con tinh thần của mình chỉ là lời quê góp nhặt dông dài. Tôi viết tiếp về Kiều cũng chỉ muốn làm một nghĩa cử tri ân của hậu thế với tiền nhân mà thôi”.

Cố Giáo sư Cao Xuân Hạo, một trong những cây đại thụ về ngôn ngữ của Việt Nam sau khi đọc "Đoạn trường vô thanh" đã viết: “Số người say mê Truyện Kiều rất đông. Có thể nói không ngoa ngôn rằng đó là cả một dân tộc. Nhưng ở một số rất ít người, niềm say mê ấy lớn đến mức đã thúc đẩy họ cố công viết tiếp Truyện Kiều - một việc đòi hỏi biết bao tài năng và tâm huyết.

Trong cái số ít đó, Phạm Thiên Thư - tác giả cuốn "Đoạn trường vô thanh" là người thành công hơn cả. Những dòng thơ lục bát rất gần gũi với những câu Kiều và thiên tự sự đầy hình tượng và màu sắc của anh về đoạn đời sau của nàng Kiều mà Nguyễn Du chưa viết (hay chưa kịp viết), tôi đã say sưa đọc một mạch, khi đọc xong, tôi dám tin rằng, nếu chính anh linh Tiên Điền tiên sinh có đọc qua, chắc cũng sẽ mát lòng khi nhận ra một môn sinh xứng đáng của mình, một người mà gần 300 năm sau đã tìm được một cách hay nhất để khóc thương Tố Như vĩ đại”.

Từng là một thiền sư, Phạm Thiên Thư quán thông được những thông điệp mang tính mật ngữ, ảo diệu của kinh Phật. Ông lại làm thêm một điều bất ngờ nữa là thi hóa kinh Phật với hàng nghìn câu thơ. Đó là kinh Kim Cương, khi chuyển thành thơ với nhan đề "Qua suối mây hồng", ấn hành vào năm 1970. Thi hóa kinh Hiền Ngu, kinh Lăng Nghiêm.

Ông cho hay, đằng sau mỗi bản kinh là một cõi mênh mông, khó ai có thông đạt hết lẽ huyền vi của nó. Phạm Thiên Thư đã hóa tính ngôn ngữ kinh Phật sang một thứ ngôn ngữ trần thế mà ai cũng có thể cảm nhận được.

“Trước khi viết, tôi ăn chay, nhập thiền, cầu nguyện và viết. Tôi không nghĩ đó là thứ ngôn ngữ của mình mà cảm giác có một phép mê dụ, ảnh tượng vô hình nào đó dụ dẫn. Khi tĩnh tâm đọc lại từng trang thơ, tôi không nghĩ là mình có thể viết được như vậy”, Phạm Thiên Thư chia sẻ. 

… Khi rảo bước tới quán cà phê “Động hoa vàng” ở đường Hồng Lĩnh, quận 10 –TP Hồ Chí Minh, người ta bắt gặp một ông già ăn mặc tuềnh toàng, miệng phì phèo thuốc lá, thi thoảng vào ra dắt xe, dẫn khách vào quán. Ông mở quán cà phê mới được một vài năm nay. Lúc vắng khách thì ngồi một góc yên tĩnh lấy giấy bút ra làm thơ.

Ít ai biết đó là thi sĩ Phạm Thiên Thư. Giao tình với nhau chỉ bằng những lời thoại không đầu không cuối, chúng tôi ngỡ ngàng một cảm giác ông như một kẻ trần hoàn, lạc lối vào cõi đời này. Ông cầm tập thơ ghi mấy chữ ký tặng sách cho một người bạn mà quên cả viết và ký tên của mình. Thôi thì, hãy cứ để cho những đóa hoa mai vàng mãn khai trong ánh nắng buổi mai ở góc vườn nhà ông như nụ cười bất tử, vô lượng của Ca Diếp trả lời cho những dấu hỏi lớn này...

Bảo Trung -Xuân 2017

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文