Cuộc giải mã lịch sử từ lòng đất

08:08 21/11/2017
Một đợt khai quật khảo cổ học đang diễn ra tại phế tích chùa Mã Yên, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Trong điều kiện không mấy thuận lợi nhưng gần một tháng qua các chuyên gia đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị, là bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại một quần thể công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ gắn với Thiền phái Trúc Lâm mấy thế kỷ trước.


Đi tìm dấu cũ, nền xưa

Giữa cái nắng hanh hao ngày cuối tháng 10, theo dấu chân tiền nhân, chúng tôi cùng các nhà khảo cổ học (Viện Khảo Cổ học Việt Nam) và cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang luồn lách dưới tán thông già lên đỉnh danh sơn Huyền Đinh tiếp cận công trường khai quật khảo cổ Mã Yên. Không chỉ được khám phá thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của quê hương, chúng tôi còn biết thêm nhiều thông tin về di sản văn hóa cổ xưa của cha ông và công việc thầm lặng của các nhà khảo cổ. Người dân bản địa giải thích, Mã Yên là tên một quả núi có hình giống với yên ngựa.

Tại đây còn một số địa danh cổ như: Núi Hình Nhân (giống một người đang đứng), núi Con Voi, vực Rêu... xung quanh là những cánh rừng thông bạt ngàn, tất cả đều mang trên mình dấu vết thời gian và đầy chất huyền thoại. Mất gần một giờ leo bộ qua các lối mòn mới đến nơi khai quật, đường đi trắc trở, sóng điện thoại không có, buổi trưa đoàn khảo cổ dựng tạm lán nấu cơm nước tại chỗ, xế chiều xuống tá túc nhờ một gia đình dưới chân núi.

Câu chuyện của người dân về những cuộc đào bới tìm kiếm cổ vật trong quá khứ từng diễn ra tại đây càng khiến chúng tôi xót xa, nuối tiếc. Bà Vũ Thị Sang, thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng kể: Cách đây hàng chục năm, khi đi qua khu vực này người dân gặp nhiều di vật, vật cổ nằm ngổn ngang dưới xác lá rừng, một số nhóm săn lùng đồ cổ, rồi người dân nghĩ có vàng bạc châu báu nên mang cả máy dò kim loại đến đào bới, khiến khu di tích bị tàn phá. Những câu chuyện đầy tính linh thiêng, ly kỳ, huyền bí của ngôi chùa được bà con truyền lại rất rành mạch.

Từ đỉnh Mã Yên, phóng tầm mắt bao quát cả một vùng mênh mang phía hạ du, tiếng thông reo vi vu trong gió, đâu đây như còn âm vang thần kỳ của hồn thiêng sông núi và câu thơ của Điều Ngự Giác Hoàng (Vua Trần Nhân Tông) mấy trăm năm trước như vọng về: "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng".

Công trường khai quật khảo cổ học tại chùa Mã Yên xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Dù sử sách và một số tài liệu đã từng nhắc đến chùa Mã Yên nhưng chỉ khi được chứng kiến các hiện vật được khơi lên từ lòng đất, chúng tôi mới thực sự ngỡ ngàng, xúc động hơn khi chứng kiến nền móng một quần thể kiến trúc cổ bị đổ nát giữa đại ngàn hoang vu, những gì tìm thấy được là hệ thống chân tảng đá, vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, sành thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó sớm nhất là thời Trần.

Mấy chục năm gắn bó với nghề, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học Việt Nam) từng có hai lần thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn tương tự và đều tại Bắc Giang. Đó là đợt khai quật tại phế tích chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương (năm 2012) và nay là chùa Mã Yên (Lục Nam), vị trí khai quật đều ở trên núi cao, xa dân cư, nhiều muỗi và vắt rừng, việc di chuyển rất khó khăn. Lần này phải mất 3 ngày phát quang bụi rậm, quét dọn lá rừng để tạo mặt bằng khai quật, muỗi rừng bay vo vo trước mặt nhưng với họ đây quả thực là một chuyến công tác thú vị và khó quên.

Ngồi cạnh nén hương muỗi bốc khói nghi ngút để phân loại, chỉnh lý các hiện vật vừa khái quật được, vị Tiến sĩ 44 tuổi người Thủ đô mân mê ngắn nhìn các họa tiết hoa văn trang trí từ một viên ngói cổ rồi bảo: Điều đọng lại với chúng tôi không chỉ bởi sự khó khăn mà còn vì giá trị thông tin thu lượm được từ đợt khai quật. Từng hiện vật phát hiện được đều có giá trị thông tin đặc biệt, góp phần làm sáng tỏ mối liên hệ giữa di tích với các công trình khác thuộc Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử.

Việc tìm kiếm, khai quật cũng rất chặt chẽ, thận trọng và tỷ mỷ, các hiện vật được phân loại thật chi tiết để biết được trên cùng công trình kiến trúc xuất hiện bao nhiêu loại vật liệu xây dựng trong mỗi thời kỳ nào. Mỗi viên cuội, mảnh gốm được vệ sinh, lập hồ sơ, báo cáo và sẽ đưa về Bảo tàng tỉnh quản lý...

Xứng là "đại danh lam"

"Đầu năm nay, khi tổ chức khảo sát, thăm dò chúng tôi không hy vọng sẽ thu lượm được nhiều kết quả vì được biết các cuộc đào bới tìm cổ vật hay quá trình người dân canh tác đã nhiều lần tàn phá chùa nhưng kết quả đạt được khá bất ngờ", Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp chia sẻ. Với diện tích khai quật 200m2, sau gần 1 tháng bước đầu các nhà khảo cổ học đã phát lộ rõ nhiều lớp kiến trúc, trong đó có nền móng, bình đồ kiến trúc hình chuôi vồ của ngôi thượng điện 3 gian hướng Nam như: Hệ thống bậc, thềm, cửa, chân tảng đá còn nguyên, ngói trang trí, bát, đĩa, chum lọ, cối đá…

Ngoài ra còn thấy giếng cổ, dấu chân Phật trên đá, khu vực lân cận còn phát hiện nền móng những công trình kiến trúc quy mô lớn nằm rải rác trong không gian hàng nghìn m2, nhận định sơ bộ, đó có thể là nơi ở của các nhà sư, nhà bếp, tòa tiền tế...

Đào đến ngày thứ 8, đoàn phát hiện một hố sâu 1m có chôn nhiều mảnh chum, lọ, anh Nguyễn Đức Thống, chủ khu rừng có vẻ hốt hoảng, vội vàng về nhà lấy hương, hoa quả, bàn thờ đến làm lễ, cẩn thận hơn anh và người thân khuân những tảng đá lập tạm một bàn thờ.

Theo Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, hố này nhiều khả năng là vết tích của những kẻ săn lùng cổ vật đào bới rồi chôn các vật dụng xuống đó vì quá trình khai quật phát hiện có sự xáo trộn giữa các lớp sinh thổ. Tiến sĩ giải thích: Theo cổ sử thì chùa Mã Yên có từ thời Lý - Trần (thế kỷ XII-XIII) nhưng đến thời điểm hiện tại đoàn khảo cổ chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng để khẳng định công trình kiến trúc khởi dựng từ thời Lý.

Hiện vật ngói mũi sen trang trí hoa văn tìm thấy tại chùa Mã Yên.

Với các vật liệu xây dựng, hoa văn trang trí tìm thấy có thể nhận biết được di tích đã trải qua ít nhất 3 mốc thời gian gồm thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) với sự xuất hiện của chân tảng đá hình cánh sen, thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) với ngói mũi sen trang trí hoa văn như ý và cuối cùng là thời thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Điểm chung ở các ngôi chùa thời Trần là dựa vào núi, trước mặt hướng ra suối lớn, nằm trên đỉnh núi cao, xa khu dân cư (có ý nghĩa quan trọng về quân sự, hơn nữa tư tưởng Phật giáo thời bấy giờ chùa phải ở xa dân và lánh xa cuộc sống trần tục).

Với hiện vật thu được, tài liệu lịch sử và đặc điểm trên, Mã Yên được cho là một trong những đại danh lam và có mối liên kết, chịu ảnh hưởng từ Thiền phái Trúc Lâm trong sơn hệ Yên Tử thời Trần. Cơ sở để các nhà khoa học nhận định, chùa sử dụng hệ thống tường bao gỗ vì quá trình khai quật hầu như không xuất hiện gạch, rất có thể các cụ xưa bạt núi xây chùa và tận dụng gỗ tại chỗ làm tường bao. Với những tấm ngói bản to, nặng tìm thấy được cho thấy, bộ chịu lực của kiến trúc như cột, vì, kèo khá lớn, công trình sử dụng 2 loại đá, trong đó phần lớn đá tại chỗ để kè nền và có thêm đá sa thạch được chuyển từ nơi khác đến tạc chân tảng hoa sen.

Các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm được lá đề, tháp mộ, đầu rồng, phượng như vẫn thấy ở các ngôi chùa thời Trần trước đây. Dù vậy rất có thể do công trình nằm trên sườn núi chênh vênh, độ dốc cao, qua nhiều thế kỷ các hiện vật bị trôi trượt.

Mặc cho lớp bụi thời gian đã khiến nhiều tầng văn hóa Phật giáo bị phai nhạt, nhưng điều đọng lại với mỗi ai đã từng đến Mã Yên là sự kính phục, trân trọng những di sản mà cha ông đã tạo dựng. Đợt khai quật khảo cổ tại Mã Yên chưa kết thúc, các thông tin thu được có trí trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc…

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề đang là câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học. Theo Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, trước mắt khi chưa thể khôi phục được chùa, địa phương phải khoanh vùng, cắm mốc giới bảo vệ, làm đường giao thông tới các phế tích, đồng thời có thể xây dựng biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu, gắn với đó là bảo vệ rừng cảnh quan. Chính quyền sở tại nên có phương án bảo vệ giữ nguyên hiện trạng, tránh để phế tích tiếp tục bị xâm hại và tỉnh cần sớm xếp hạng di tích.

Về lâu dài, trên cơ sở các tư liệu, kết quả từ đợt khai quật, địa phương có thể phục dựng chùa mới, gắn với phát triển du lịch hệ thống di tích Tây Yên Tử, đồng thời cũng có thể tổ chức khai quật quy mô lớn hơn để có thể đánh giá toàn bộ kiến trúc công trình. Mong rằng, vị trí xứng đáng của khu di tích này sẽ được tìm lại trong tương lai không xa.

Nguyễn Hưởng

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

VKSND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Đáng lưu ý, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã làm rõ sự “tiếp tay” của nhóm đối tượng nguyên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) cho các đối tượng khác trong quá trình gây án.

Hai thập kỉ từ sau đợt mở rộng lớn nhất lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã gặt hái những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiện đang đối mặt không ít thách thức từ bối cảnh địa chính trị thay đổi, cũng như sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Vẫn chiêu trò cũ rích, thế nhưng thời gian gần đây một số người dân ở Phú Yên tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại di động (ĐTDĐ) mạo danh cán bộ các cơ quan tư pháp, đưa ra nhiều thông tin liên quan đến số phận pháp lý của người nghe điện thoại, rồi yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đánh giá tác động môi trường cũng như hồ sơ phê duyệt, quy mô trang trại này chỉ được phép nuôi 150 con lợn nái, nhưng khi kiểm đếm để đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam, trang trại này nuôi đến 668 con. Ngoài ra, trước thời điểm cao tốc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 tháng, dự án này cũng được điều chỉnh tăng thêm về diện tích, quy mô chuồng trại dù số lượng vật nuôi không biến động.

Vào ngày 15/3, Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh) nhận tin báo từ người dân về việc, trên địa bàn xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân tử vong là bà Đ.T.N (SN 1960), còn chồng bà N. là ông L.V.P (SN 1964) bị thương tích nặng. Gây án xong, đối tượng nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường.

Sau hơn 10 năm để “đắp chiếu” giữa trung tâm thành phố, ngày 2/5, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo kết luận của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố đối với Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng). Đây là công trình thể dục thể thao quy mô lớn với 4 mặt tiền ở quận 3.

Cảnh sát phải dùng biện pháp mạnh để giải tán hàng loạt người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học ở Mỹ ngày 2/5, bao gồm cả việc dỡ bỏ một khu cắm trại tại Đại học California tại Los Angeles, trong bối cảnh hỗn loạn bùng phát và ngày càng gia tăng tại hàng loạt trường đại học trong tuần này.

Trong những ngày cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe, đưa vào khai thác cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu, Nghệ An đến QL 46B). Đây là hai dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vượt mốc 2.000km.

Mưa dông diện rộng được dự báo diễn ra khắp miền Bắc và tại cá tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa có nơi trên 80mm. Thủ đô Hà Nội trời mát mẻ, nhiệt độ trong ngày từ 23-29 độ C.

Từ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm học tập, làm việc ở Pháp, Malaysia và từ những chuyến chu du tiếp cận các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, anh Đặng Dương Minh Hoàng đã mang kiến thức đó trở về mảnh đất mình sinh ra ở tỉnh Bình Phước bắt tay vào làm nông nghiệp thông minh (hay còn gọi là nông nghiệp số) và đã gặt hái nhiều thành quả.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文