Nhân kỷ niệm 27 năm ngày mất của danh họa Dương Bích Liên (12/1988-12/2015)

Cuộc phiêu lưu của "Hào"

08:00 15/12/2015
Nghe tin Dương Bích Liên vẽ "Hào", Trần Dần cũng đến thăm họa sĩ. Ông còn có dịp ngắm "Hào" vài lần nữa khi nhà văn đến trả những cuốn sách, những tư liệu mượn của họa sĩ. Có một lần đến chơi nhà Dương Bích Liên, ông rút trong túi một bài viết bằng một thứ mực tím trên những trang giấy học trò khoảng 8-9 trang, với đầu đề "Hào một tột", với giọng văn độc đáo như cái tên của bài viết vậy ("Một tột" với ý nghĩa "Một tác phẩm tột đỉnh", "một đỉnh cao"...).

"Hào" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Suốt từ ngày Mỹ đánh phá Hà Nội đến khi kết thúc chiến tranh, họa sĩ Dương Bích Liên không đi sơ tán một ngày nào. Trong những năm tháng Mỹ sử dụng không quân đánh phá ác liệt, ở trên gác số nhà 55 Bà Triệu, Dương Bích Liên đã vẽ "Hào" trên tấm toan Liên Xô khổ rộng (150cm x 200cm) do hai anh em tôi tậu được một cách tình cờ ở phố Nhà Chung trong một lần đi lang thang tìm mua ba lô bộ đội. Cần nói thêm hồi đó toan với họa sĩ là thứ vô cùng quý hiếm, các họa sĩ thường chỉ vẽ những bức tranh khổ nhỏ vì không có toan, không kiếm đâu ra toan để thỏa mãn nhu cầu vẽ của mình. Vì thế có một bức tranh khổ lớn hồi đó là vào loại cực hiếm.

Những năm ấy, quán bia vườn hoa Cổ Tân cạnh Nhà Hát Lớn là điểm duy nhất trong thành phố lúc nào cũng thấy náo nhiệt, sôi động cả sáng lẫn chiều. Nhớ nhau, từ nơi sơ tán được dăm bữa, người Hà Nội lại đổ dồn về đây để tìm nhau, để gặp gỡ, chuyện trò với nhau, nói cho nhau đủ mọi tin tức trong chiến tranh, đặc biệt là những người trong giới trí thức văn nghệ sĩ. Nguyễn Tuân và Văn Cao được tin họa sĩ Dương Bích Liên đang vẽ "Hào", khi gặp Dương Bích Liên ở quán bia Cổ Tân, Nguyễn Tuân nói: "Khi vẽ xong "Hào" báo cho bọn mình biết nhé". Còn Văn Cao, mặc dù chưa xem tranh "Hào" nhưng ông nói: "Liên vẽ thì hay rồi".

Ngày ấy, những máy bay đánh phá ở ngoại vi hay trong thành phố Hà Nội ác liệt thật, nhưng mọi sinh hoạt đều trở lại bình thường khi "máy bay địch đã đi xa". Thời chiến khó khăn như thế, nhưng người ta vẫn cố gắng duy trì các hoạt động về văn hóa, văn nghệ. Hội Mỹ thuật vẫn chuẩn bị mở một triển lãm trong chiến tranh.

Trước thời gian triển lãm ít tuần, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Phạm Văn Khoa và một vài người khác, một hôm từ quán bia Cổ Tân đã về nhà Dương Bích Liên xem "Hào" trước. Mọi người đều ngạc nhiên khi nhìn thấy vóc dáng "Hào" lớn quá (147cm x 200 cm). Thời ấy, các họa sĩ Việt Nam chưa có thói quen vẽ tranh khổ lớn vì nhiều lẽ: vật liệu vẽ rất khan hiếm, nhà ở chật chội, nếu vẽ những tranh khổ lớn, họa sĩ sẽ phải ngụp hơi trong tranh không đường nào mà ra.

Họa sĩ Dương Bích Liên (17-7-1924 - 12-12-1988).

Sau nhiều lời khen, Nguyễn Tuân vốn thấu hiểu sâu sắc trong chốn văn trường khuyên Dương Bích Liên nên thêm một cái gì để trông "Hào" đỡ mênh mông rồi gợi ý: "Có thể là những chiếc MIG". Dương Bích Liên hiểu ngay ý Nguyễn Tuân muốn nói về điều gì, họa sĩ lấy palétte pha màu, cầm bút vẽ lên ở góc cao phía trái của tranh hai quả tên lửa đang bay vút lên trời cao. Vẽ xong, họa sĩ nói: "Đây là hai quả tên lửa của Nguyễn Tuân chứ không phải của moi!" (moi tiếng Pháp là: tôi). Mọi người cười ầm lên khen về "cái sự thêm ấy" vào trong tranh của họa sĩ.

Nghe tin Dương Bích Liên vẽ "Hào", Trần Dần cũng đến thăm họa sĩ. Ông còn có dịp ngắm "Hào" vài lần nữa khi nhà văn đến trả những cuốn sách, những tư liệu mượn của họa sĩ. Có một lần đến chơi nhà Dương Bích Liên, ông rút trong túi một bài viết bằng một thứ mực tím trên những trang giấy học trò khoảng 8-9 trang, với đầu đề "Hào một tột", với giọng văn độc đáo như cái tên của bài viết vậy ("Một tột" với ý nghĩa "Một tác phẩm tột đỉnh", "một đỉnh cao"...).

Cuộc phiêu lưu của "Hào"

Trước mọi cuộc triển lãm, theo thông lệ bao giờ cũng có sự duyệt tranh. Có nhiều ý kiến trong Ban Giám khảo cho rằng: Tranh "Hào" nói về đề tài chiến tranh, nhưng yếu tố con người, yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh đã không được khắc họa rõ ràng (nhẽ ra phải miêu tả các chiến sĩ, du kích nhảy phắt khỏi các chiến hào, hiên ngang giương cao cờ súng xông lên nhằm thẳng quân thù bắn như phần lớn các tranh vẽ về chiến tranh ngày ấy, nhưng họa sĩ Dương Bích Liên lại miêu tả họ lờ mờ lom khom đi dưới những con "Hào", còn chủ yếu miêu tả quang cảnh một chiều về mênh mông im ắng của một trận địa ở thôn quê trong thời chiến tranh). Và cuối cùng, mặc dù được nhà văn Nguyễn Tuân đã "đeo" thêm hai quả tên lửa chống máy bay Mỹ vào tranh để tăng thêm sức nặng, "Hào" vẫn bị Ban Giám khảo loại khỏi cuộc triển lãm, thậm chí còn có ý kiến cho rằng "Tác phẩm "Hào" có vấn đề", và "Hào" đã được đưa về treo ở một phòng trong Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội để cho những người trong giới đến xem, phê bình, góp ý kiến tiếp.

Cuộc triển lãm kết thúc đã lâu, mặc dù người ta cho người đến giục họa sĩ mang tranh về để lấy phòng làm việc khác, nhưng ông vẫn chưa nhờ được ai đưa "Hào" to lớn, cồng kềnh ấy về nhà. Vì khi đi triển lãm, Ban tổ chức cho xe commăngca để đưa "Hào" đi. Thời chiến mỗi người bận mỗi việc nên vừa triển lãm xong, Ban Tổ chức đã "giải tán" luôn, họ quên không phân công người đến giúp mang tranh "Hào" về nhà cho họa sĩ.

Ông Phạm Văn Bống (tức Bống "nháy" ở Hàng Buồm) biết được tin người ta giục họa sĩ Dương Bích Liên đến mang "Hào" về để giải phóng phòng cho họ mà Dương Bích Liên thì chưa tìm được phương tiện gì để mang "Hào" về nên đã gặp họa sĩ xin được làm nhiệm vụ đó, nhưng với một lời thỉnh cầu: "Xin được đem "Hào" về nhà mình chơi một thời gian ngắn, rồi sẽ đem "Hào" đến tận nhà trả cho họa sĩ". Họa sĩ bất đắc dĩ cũng phải đồng ý phương án đó, vì biết người muốn mượn bức tranh của mình là ai. Ông Bống phấn khởi lắm, về nhà gọi vợ con đi theo ông đến 42 Yết Kiêu, mỗi người một tay cho "Hào" lên xe bò hồ hởi kéo về nhà mình. Một hình ảnh về lòng nhiệt tình yêu nghệ thuật. Việc mượn ngắn rồi chuyển sang mượn dài để thực thi phương án mua "Hào" từng công đoạn của ông Bống đã thành công.

Vừa đi công tác ở nước ngoài về đến Hà Nội, nhà văn Tô Hoài đã nghe thấy anh em trong giới văn nghệ sĩ nói về "Hào". Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Đình Thi là hai nhà văn hồi ấy được mời đi nước ngoài nhiều nhất, mỗi khi đi công tác ở nước ngoài về thường hay đến tặng cho họa sĩ Dương Bích Liên một món quà nhỏ: dăm ba tuýp sơn dầu trắng. Lần này Tô Hoài đến thăm Dương Bích Liên không chỉ đem biếu họa sĩ một chút về đời sống vật chất mà còn muốn bày tỏ quan điểm của mình về "Hào", bằng việc mua bức tranh đó. Dương Bích Liên đồng ý cho Tô Hoài sở hữu "Hào". "Hào" được mang về ngự ngay trên chiếc sập ở ngay giữa phòng khách nhà Tô Hoài vì không có mảng tường nào đủ rộng để treo "Hào" lên cả.

Tác phẩm “Hào” của danh họa Dương Bích Liên.

Một hôm nhà văn Nguyên Hồng ở Nhã Nam về Hà Nội đến chơi với nhà văn Tô Hoài nhìn thấy "Hào", ông mê ngay và đòi bằng được Tô Hoài phải cho "Hào" về Nhã Nam với ông. Tô Hoài quý bạn, thấy ở nông thôn, đời sống văn hóa tinh thần chẳng có gì nhiều nên đã không nỡ từ chối mong muốn của bạn, vả lại tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, Tô Hoài thấy cần phải cho "Hào" đi sơ tán để bảo toàn. Tô Hoài băn khoăn: Nguyên Hồng chỉ có mỗi cái xe đạp con vịt, làm thế nào để đèo "Hào" lên Nhã Nam được? Nguyên Hồng nói ông lo nổi, vì ở đầu làng có một đơn vị bộ đội pháo binh, các anh bộ đội ở đây rất biết ông, họ thỉnh thoảng có xe đi công tác chạy qua Hà Nội, nhà văn sẽ nhờ các anh đến lấy.

Và thế rồi vào một buổi sáng tinh mơ "Hào" đã được các chiến sĩ pháo binh cho lên một chiếc xe cam nhông. Từ biệt "Hào", Tô Hoài nhờ các anh pháo thủ trông nom "Hào" cẩn thận giúp. Mới đầu các pháo thủ cho "Hào" đứng, nhưng khi xe ra khỏi thành phố, gió mạnh quá, các anh lại đặt "Hào" nằm trên các hòm đạn. Xe đỗ ở đầu làng, hai pháo thủ khênh "Hào" vào xóm, trẻ con trong làng chạy theo sau "Hào" hò reo tưởng rằng tối đến thế nào cũng có văn công.

Nguyên Hồng xúc động khi nhận "Hào" từ tay các pháo thủ. Và từ khi "Hào" về nhà ông, đã có bao bà con nông dân đến xem. Do "Hào" không chịu đựng được môi trường ẩm ướt "nhà tranh vách đất", nên bị "dị ứng". Những lớp sơn trên mặt cứ ải ra rơi lả tả xuống nền nhà. Nguyên Hồng thấy vậy hoảng quá, ông đã nhiều lần cho "Hào" ra "tắm nắng" ở sân kho vẫn phơi thóc, nhưng "bệnh tình" vẫn không thuyên giảm. Khi về Hà Nội công tác, gặp Tô Hoài, Nguyên Hồng đã kể về bệnh trạng của "Hào". Nghe xong, Tô Hoài nói: "Nếu bệnh tình như vậy chỉ còn cách đem về cho Dương Bích Liên chữa". Trong một dịp có xe về Hà Nội, Nguyên Hồng đã gửi "Hào" về 55 Bà Triệu.

Họa sĩ Dương Bích Liên nhận "Hào" mà lòng thấy xót xa. Không muốn ai nhìn thấy "Hào" trong tình trạng ấy, họa sĩ đã giấu "Hào" trong một hẻm sát đầu cầu thang, đó chính là cái kho không của, của họa sĩ để những khung xát xi và những vật liệu vẽ đã hỏng cũ. Ngày ấy, nếu ai đến thăm họa sĩ, khi đến đầu cầu thang đã nhìn thấy ngay một mảng lưng "Hào" nằm thòi ra trong cái kho hẹp không của ấy. "Hào" đã nằm ở đây có lẽ đến gần hai năm. Sau đó "Hào" lại về tay ông Nguyễn.

Buổi sáng hôm lấy tranh, ông Nguyễn mời họa sĩ và tôi đến một quán ăn. Khi về, ông Nguyễn hẹn buổi chiều sẽ tìm phương tiện để chở và lấy ra một phong bì đưa cho Dương Bích Liên. Họa sĩ hỏi thư gì? Rồi mở ra thấy một số tiền tương đương với một tháng lương cán bộ khi ấy. Họa sĩ không lấy, bảo ông Nguyễn cầm số tiền đó lên phố Hàng Buồm, đến hàng bà Béo ngồi trước cửa hiệu Đông Hưng Viên cũ mua cho ông một chai rượu Tây. Bà này hay có hàng thực phẩm ngoại và rượu Tây do những đầu bếp ở các sứ quán đem ra bán.

Tôi đèo xe họa sĩ về nhà. Đỗ ngay dốc Bà Triệu thì chúng tôi nhìn thấy Hoàng Trung Thông, ông đang đi ngơ ngơ, ngất ngất trên hè phố, điệu bộ say lắm. Tôi chào thi sĩ và hỏi:

- Chắc anh mới ở 91 về?

Thi sĩ xác nhận.

Họa sĩ Dương Bích Liên hỏi Hoàng Trung Thông: "Có Nguyễn Sáng ngồi ở đó không?". Thi sĩ nói không thấy và đứng nói chuyện với họa sĩ. Ông hỏi Dương Bích Liên hiện nay đang vẽ gì, họa sĩ nói dạo này không vẽ, chỉ đọc sách.

Hoàng Trung Thông nói: "Có một vài anh em nói về "Hào", Tô Hoài, và Nguyên Hồng cũng kể chuyện bức tranh "Hào" nhưng tôi chưa xem". Tôi nói với họa sĩ Dương Bích Liên mời thi sĩ lên xem "Hào", vì có thể chẳng còn dịp nào thi sĩ xem được nữa.

Hoàng Trung Thông lên gác, đứng xem một lúc rất lâu. Ra về thi sĩ nắm chặt tay chào cảm ơn họa sĩ. Tôi đi về cùng với ông, khi chia tay trước cửa nhà họa sĩ Dương Bích Liên, thi sĩ đã nói với tôi:

- "Hào đẹp" - Ông nói mỗi một câu như vậy rồi lại bước đi trong cơn say. Đó là ngày cuối cùng "Hào" ở 55 Bà Triệu.

Ông Ngô L, một quan chức văn hóa của Nhà nước, một buổi chiều mùa đông đến nhà ông Nguyễn chơi, thấy "Hào" không còn treo ở mảng tường lớn nữa. Ông Nguyễn sửa nhà nên hạ tranh xuống. Ông Ngô đứng ngắm "Hào" một lúc rồi lấy gang tay đo "Hào" cả chiều dài lẫn chiều rộng. Đo xong ông thở phào, vỗ đánh đẹt vào đùi mừng rỡ.

Danh họa Dương Bích Liên (trái) và người bạn thân của ông - danh họa Bùi Xuân Phái.

Ông Ngô nói với ông Nguyễn, ông muốn mua bức tranh "Hào" vì thấy nó vừa duýt cái khoảng trống ở trên bức tường thủng ở gần đầu cầu thang nhà ông. Ông bảo: "Mua "Hào" về để làm nhiệm vụ chắn gió, nhưng cũng hay là vì có thêm một tí mỹ thuật".

Ông Nguyễn để bức "Hào" ở nhà đã khá lâu nên đã đồng ý bán cho ông Ngô với giá 8.000 đồng. Như vậy giá tranh cũng đã khá hơn rất nhiều so với thời ông Lâm cà phê mới chơi tranh. Thời mà các "Mét" phải bán tranh bằng cách đổi lấy những tách cà phê.

Từ khi đem "Hào" về, ông Ngô rất ưng ý. "Hào" không chỉ chắn được gió mà còn làm đẹp cả nhà. Có lần một viên đại tá kiêm Tùy viên văn hóa Cuba đến nhà ông Ngô chơi, nhìn thấy "Hào", viên đại tá này rất thích, lại thấy ông Ngô kể rằng "Hào" được vẽ trong lúc những máy bay B52 của Mỹ giội bom xuống Hà Nội, viên đại tá lại càng thích hơn. Ông vốn là người yêu nghệ thuật, lại rất yêu Việt Nam và rất ghét Mỹ, nên đã đề nghị với ông Ngô hãy để bức tranh này cho Cuba để bày ở Bảo tàng ChêGhêvara với một cái giá ban đầu là 60.000 đôla Mỹ, và nói rằng: Việc này ông còn phải báo cáo lại với Bộ Văn hóa Cuba trong chuyến về nước sắp tới. Viên đại tá nói với ông Ngô: "Đừng để bức "Hào" này cho ai cả". Ông Ngô đồng ý và hứa với viên đại tá: "Sẽ không bán bức "Hào" này cho bất kỳ một ai, mà chỉ để dành cho nhân dân Cuba anh hùng". Khi viên đại tá vừa ra về, ông Ngô cho người tháo tranh khỏi mảng tường trống đó, đưa vào nhà, đặt ở một vị trí vững chắc và ngày lại ngày chờ viên đại tá đến.

Nhưng rồi một tháng trôi qua, một năm trôi qua, rất nhiều năm trôi qua, viên đại tá kiêm Tùy viên văn hóa ấy về nước mà không thấy trở lại nữa.

Bức "Hào" sau đó cũng được vài người khác đến hỏi mua, giá được nâng lên từ 2.000 đô la đến 6.000 đôla, nhưng ông Ngô vẫn chưa bán.

Tháng 10 năm 1995, tôi được vài người thông báo rằng bức "Hào" đã được ông Ngô bán với giá 60.000 đôla cho một người Việt Nam ở nước ngoài, nghe đâu là một nhà sưu tập tranh cỡ bự.

Sáng hôm sau, tôi gọi điện hỏi ông Ngô, và ông xác nhận điều đó là sự thật. Nhưng giá bán có 15.000 đôla, và chỉ thu được về 12.000 đôla, vì "Hào" bán cho một người ở nước ngoài là ông Hà TC, lại phải qua một trung gian. Ông Ngô nói với tôi hãy thông cảm cho ông ấy vì tuổi già. Chẳng là vì tôi đã khuyên ông Ngô nếu định bán "Hào" thì nên bán cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hay Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Nếu các Bảo tàng này không có khả năng mua thì ông nên tìm một nhà tài trợ mua "Hào" để tặng lại cho bảo tàng đó. Ông Ngô từng nói với tôi rằng nếu có ý định bán "Hào" ông sẽ giải quyết theo hướng ấy.

15.000 đôla thực ra không cao với một bức tranh đẹp của một họa sĩ lớn và thực sự quá rẻ cho một bức đẹp của cả một thời kỳ kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Lúc đó có nhiều người mong muốn được sở hữu bức tranh "Hào" nhưng không đủ điều kiện, trong đó có cả Gallery Apricot.

Trước khi bị trọng bệnh rồi mất khoảng 3 năm, ông Ngô TTN, chủ gallery Apricot vô tình gặp lại ông Hà. Hai người đã có những buổi nói chuyện về tranh rất tâm đắc. Ông N và ông Hà đã xây dựng ý tưởng sẽ tổ chức những cuộc triển lãm tranh lưu động ở nước ngoài để triển lãm những bức tranh quý trong bộ sưu tập tranh của ông Hà và những bức tranh mới của ông N sưu tầm được sau này. Cả hai ông âm thầm chuẩn bị cho dự án thì đáng tiếc, ông Hà không may bị trọng bệnh, và những khó khăn đột ngột về kinh tế đã xảy ra với ông Hà. Đến khi dự cảm không thể giữ lại những bức tranh được nữa, ông Hà đã có ý định chuyển giao những bức tranh quý trong bộ sưu tập cho người khác. Người đầu tiên ông Hà nghĩ tới chính là Apricot. Và đó chính là cơ duyên Apricot được sở hữu bức "Hào", bức "Bình dân học vụ" của danh họa Dương Bích Liên cùng với một số bức tranh của những họa sĩ khác nữa.  Sau bao nhiêu lưu lạc, cuối cùng thật may mắn, "Hào" đã lại được trở về Hà Nội trong sự trân trọng của những người yêu và tôn thờ nghệ thuật hội họa của Dương Bích Liên. Ngày 14-12-2015 này, "Hào" trở lại với giới yêu mỹ thuật trong cuộc triển lãm mang tên "Genesis" được tổ chức tại Khách sạn Apricot - 136 Hàng Trống. Đây là dịp hiếm hoi để giới thưởng ngoạn chiêm ngưỡng một trong số ít kiệt tác đã thành huyền thoại của Việt Nam!

Nguyễn Hào Hải

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文