Đi tìm tầm vóc đích thực của Từ Hải

07:31 16/02/2005

Trong 15 năm chìm nổi “hoa trôi bèo giạt” từ Bắc Kinh, qua bến Lâm Tri, Vô Tích, Thai Châu, dừng ở Hàng Châu rồi cuối cùng tái hợp “vườn xuân một cửa” với Kim Trọng và gia đình tại Nam Bình, Thúy Kiều đã phải 6 lần “xuất giá tòng phu”. Nhưng duy nhất chỉ có chàng Từ Hải được thi hào ưu ái tả kỹ lưỡng và hiện ra như một đấng trượng phu kiệt hiệt.

Lần thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi
Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

Tuy đặc tả kỹ đến như vậy, nhưng lâu nay khi phân tích hai câu: Râu hùm, hàm én, mày ngài / Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao, các nhà chú giải đều mới chỉ nhìn ra được trong câu thơ thứ nhất những nét oai phong kiệt hiệt của Từ Hải sánh ngang với Tôn Quyền, Trương Phi vì có “râu hùm = hổ tu” hoặc giống Ban Siêu với “hàm én = yến hạm” hoặc tương tự như Quan Công với “mày ngài = ngọa tàm mi”, song hầu như ít người chú giải kỹ lưỡng câu thơ thứ hai tiếp liền sau.

Cụ Phó bảng Kiều Oánh Mậu, năm 1902 mới chỉ chú giải: “Thân mười thước cao” là: “Mạnh Tử”: “Văn Vương thân thập xích” (Sách Mạnh tử viết: Vua Văn Vương thân cao mười thước)”. Đến thời hiện đại do muốn “khoa học hóa Truyện Kiều”, lại biết rằng một thước ta dài 44cm, nên nhiều tác giả tỏ vẻ băn khoăn về “thân mười thước cao” dài những 4,4 mét  của Từ Hải là cao quá cỡ. Nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh viết: “Nhưng chiều cao 4,4 mét thì quá đáng... nhưng chúng ta phải bỏ qua đi sự ước tính lạ lùng của các nhà nho xưa đã không có ý niệm chính xác về độ dài toán học”.

Gần đây để chứng minh là “thân mười thước cao” vẫn đúng, tác giả Nguyễn Quảng Tuân (trong sách Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều – NXB Khoa học xã hội, 2000) lại cho rằng: “Dưới thời nhà Chu, một thước (xích) chỉ dài có 20cm, nên trong Đế vương thế kỷ đã tả vua Văn Vương nhà Chu thân cao mười thước, tính ra như vậy nhà vua chỉ cao có 2 mét chứ không phải 3,5 mét hay 4,4 mét như phép đo lường sau này ở Trung Quốc và Việt Nam... Từ Hải mà Nguyễn Du tả “thân mười thước cao” thì cũng chỉ cao như vua Văn Vương mà thôi”.

Nghĩa là theo Nguyễn Quảng Tuân thì Từ Hải cũng chỉ cao 2 mét. Chưa rõ thông tin “dưới thời nhà Chu một thước chỉ dài có 20cm” Nguyễn Quảng Tuân dẫn theo tài liệu nào, nhưng nó hoàn toàn mâu thuẫn và vô lý vì ngay sau đó chính Nguyễn Quảng Tuân lại dẫn thơ chữ Hán của Nguyễn Du có câu thơ cho biết tầm vóc của thi hào là:

Bách niên cùng tử văn chương lý,
Lục xích phù sinh thiên địa tung
(Cuộc đời trăm năm chết xác trong chốn văn chương
Cái thân sáu thước sống nổi trôi giữa vòng trời đất).

Và ông Tuân cho rằng: “Như vậy thì Nguyễn Du cũng chỉ có tầm vóc trung bình cao khoảng 1,60m hoặc trên 1,60m một chút”.

Không rõ ông Nguyễn Quảng Tuân tính toán thế nào mà chiều cao của Nguyễn Du là “thân sáu thước” lại ra “khoảng 1,60m hoặc trên 1,60m một chút”. Vì theo đúng tư liệu mà Nguyễn Quảng Tuân dẫn ra “một thước chỉ dài có 20cm” thì Nguyễn Du chỉ cao có: 20cm x 6 = 1,20m thôi ư! (?). Vậy thì cách giải thích của ông Nguyễn Quảng Tuân đã tự mâu thuẫn và không có tính thuyết phục.

Thực ra từ “mười” trong cụm từ “thân mười thước cao” không nên hiểu một cách máy móc theo nghĩa đó là số từ: “Số tiếp theo số 9 trong dãy tự nhiên” mà phải hiểu và dùng theo nghĩa là: “Từ chỉ số lượng không xác định nhưng được coi là nhiều hoặc toàn vẹn. Ví dụ như: Vốn một lãi mười, mười phân vẹn mười, vàng mười” (Hoàng Phê - Từ điển Tiếng Việt - Tr 632).

Nghĩa thứ hai này cũng chính là nghĩa của từ “mười” trong các cụm từ sau, cũng do chính Nguyễn Du đã dùng trong Truyện Kiều: “Mười phần xuân, hơn mười rằm xưa, bằng mười phụ nhau, đã phỉ mười nguyền, rõ mười chẳng ngoa, mười phân hồ đồ, gấp mười quan san, một tỉnh mười mê, thêm vì mười phân...”.--PageBreak--

Do đó ta cũng không cần thiết phải tìm ra chính xác độ dài của “mười thước” là bao nhiêu cm; vì đó chỉ là một từ phiếm chỉ, có nghĩa là chiều cao lý tưởng nhất của đấng trượng phu mà thôi.

Điều không chính xác lại nằm ở cụm từ: “Vai năm tấc rộng” mà mọi nhà chú giải từ xưa đến nay đều bỏ qua không bận tâm giảng giải cho rõ ràng.

Ta đã biết rằng trong hệ đo đạc ở phương Đông thì một thước gồm 10 tấc, nếu Từ Hải mà “Vai năm tấc rộng” tức là vai chỉ có nửa thước mà “thân mười thước cao” thì chẳng lẽ chiều cao lại gấp 20 lần chiều rộng ư? Người anh hùng “Đội trời đạp đất ở đời” mà tầm vóc lại có dáng vẻ cao kều quá đáng như một cây sậy ư? Chính vì cảm thấy vô lý nên ông Nguyễn Quảng Tuân lại chú giải cho rằng “Vai năm tấc rộng” là “bề dày của vai chứ không phải là bề dài của hai vai”. Hiểu như thế là quá gượng ép, vì “rộng” mà lại được hiểu là “dày” thì quả là hi hữu. Nếu muốn tả bề dày của vai thì có lẽ cụ Nguyễn Du đã viết là: Vai dày năm tấc, thân mười thước cao (?!)

Và nếu như vậy thì do bề rộng của vai gấp đôi bề dày, vai sẽ rộng gấp đôi năm tấc là một thước, tầm vóc của Từ Hải vẫn là: chiều cao gấp... 10 lần bề rộng. Câu thơ vẫn chưa ổn!

Có lẽ vì thấy sự vô lý của cái “Vai năm tấc rộng” ấy, nên đến Liễu Văn đường quảng tập ở các bản in năm 1916, 1919, 1924 người biên soạn đã chữa lại là: Vai năm gang rộng, thân mười thước cao.

Tính trung bình năm gang là 110cm, chiều cao mười thước là 440cm, như vậy chiều cao gấp 4 lần bề rộng của vai đó là một tỉ lệ khá cân đối của người mẫu lực sĩ hiện nay, thỏa mãn mong muốn của các nhà điêu khắc, họa sĩ có thể yên tâm để nặn tượng vẽ tranh về Từ Hải.

Nhưng như vậy vẫn còn cái độ cao quá khổ 440cm là không đúng với thực tế, chưa một nhà khảo cổ nào tìm được hài cốt của con người thời trung cổ có chiều cao “vĩ đại” đến như vậy.

May sao vừa qua chúng tôi tìm đọc được bản Truyện Kiều quốc ngữ cổ nhất của Trương Vĩnh Ký in năm 1875 và thấy câu thơ đang bàn như sau: Vai năm vừng rộng, thân mười thước cao.

Ở câu thơ này xuất hiện từ cổ “vừng” chỉ kích thước mà ngày nay không còn thấy dùng, nhưng trong văn chương cổ bằng chữ Nôm lại rất hay dùng. Thiên Nam minh giám tả Lý Ông Trọng có câu thơ: Cao hơn mười trượng, lớn hơn mười vừng. Hồng Đức Quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông tả Bà Triệu cũng viết: Cao một trượng, cả mười vừng.

Do vậy Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của năm 1896 đã giải thích: Vừng: là một khối lớn, một bậc lớn. Ví dụ: Hình cao một trượng lưng lớn ba vừng = cao lớn lắm”.

Như vậy “Vai năm vừng rộng” là một số từ phiếm chỉ tả được sự to lớn đậm chắc của Từ Hải tương xứng với “thân mười thước cao” cũng là số từ phiếm chỉ. Cách diễn đạt dùng các số từ phiếm chỉ cũng là cách nói thường nhật của các “anh hai anh ba, chị tư chị năm” quan họ Bắc Ninh (quê ngoại của thi hào) và trong các lời ca quan họ cũng thường có các câu dùng số từ phiếm chỉ như:

Những là năm liệu bảy lo...
Hỏi thăm anh sáu anh năm có nhà...
... Bởi chưng bác mẹ nhiều điều,
Cho nên em phải trăm chiêu nghìn hờn...

Các lời ca quan họ đó chắc đã ngấm vào tuổi trẻ của thi hào khi đi dự hội Lim, hội Chọi, hội Ó... để từ đó thi hào vận dụng nhuần nhuyễn vào các câu thơ Kiều nói trên.

Như vậy cả câu thơ “Vai năm vừng rộng, thân mười thước cao” nêu một cách khái quát về chiều cao lớn sừng sững của Từ Hải có khả năng “đội trời đạp đất ở đời”. Câu thơ trở về thế tiểu đối rất chỉnh, “năm vừng” đối với “mười thước” đều là các số từ phiếm chỉ không cần chỉ một kích thước cụ thể nào cả nhưng vẫn giúp ta tưởng tượng được ra Từ Hải là một trượng phu lực lưỡng, con người đã “Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng

Nguyễn Khắc Bảo

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文