Dịch giả Trần Đình Hiến: Cả thế giới nằm trong trang sách

10:20 23/03/2017
Tôi đã từ mê các tác phẩm văn học Trung Quốc do dịch giả Trần Đình Hiến dịch: "Đàn hương hình", "Báu vật của đời", "Cây tỏi nổi giận"...v.v, mà tìm đến ông trong cuộc trò chuyện thú vị ở giữa tiết xuân chín tháng 3.


Dịch giả Trần Đình Hiến đã ngoài tám mươi, trí tuệ mẫn tiệp lạ thường. Gặp tôi, ông vui lắm. Trong câu chuyện với tôi, ông chia sẻ: "Tôi vẫn dịch tất cả những gì liên quan đến tiếng Trung, lấy tay trái để nuôi tay phải. Hàng ngày tôi vẫn dịch những hợp đồng kinh tế để nuôi sống những tác phẩm văn chương mà tôi tôn thờ".

Theo ông thì dịch những khoản này mới có nhuận bút cao hơn để nuôi nỗi đam mê, đó là dịch sách văn học. Nhuận bút của dịch giả lâu nay vốn rất còm cõi; dù người dịch có chuyên cần như con ong cũng chẳng dễ gì sống được. Ông  Hiến tuổi con gà, con gà vẫn hàng ngày cặm cụi với khoảng ba mươi đến bốn mươi trang sách nguyên bản tiếng Trung dịch ra tiếng Việt. Cả đời đắm đuối với tiếng Trung, chỉ nhằm giới thiệu những tác phẩm, tác giả văn học nổi tiếng của đất nước Trung Hoa đến với bạn đọc Việt Nam.

Ở tuổi bát thập, mỗi ngày thường khi dịch sách xong khá mệt, ông đi dạo lang thang. Ông thích được xê dịch và quan sát cuộc sống cho dù tuổi đã khá cao. Hiếm người biết, ông đã từng có tới mười bảy năm sinh sống ở Trung Quốc; từng học nghiên cứu sinh Hán ngữ Cổ đại Trường Đại học Tổng hợp Bắc Kinh; ông cũng từng công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Thời trẻ, ông dịch hơn ba mươi đầu sách, tên tuổi cũng lặng lẽ... Chỉ đến khi ông dịch cuốn "Đàn hương hình" của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, được đông đảo độc giả Việt Nam tìm đọc thì tên tuổi ông lúc này mới được chú ý trên văn đàn. 

Rồi tên tuổi ông càng "hot", nổi tiếng như cồn khi hàng loạt tác phẩm của Mạc Ngôn được ông công phu dịch và phát hành tới độc giả Việt Nam như: "Báu vật của đời", "Cây tỏi nổi  giận", "Rừng xanh lá đỏ", "Tửu Quốc", "41 chuyện tầm phào"....

Tác phẩm  "Cây hợp hoan" của nhà văn Trương Hiền Lượng… ra đời chỉ sau ngày xuất bản ở Trung Quốc ba tháng, ông đã có sách để dịch ở Việt Nam. Ông có bạn bè ở Trung Quốc, cuốn sách nào hay, có ở Trung Quốc là ông nhờ bạn bè mua giúp sách trước, rồi mới sang lấy sách về. Ông đi Trung  Quốc như ta đi các tỉnh lân cận ven Hà Nội: Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn vậy.

Những chuyến dạo chơi, xê dịch của ông trong cõi đời tĩnh lặng nhưng cũng đầy náo động bởi văn chương của ông thật đẹp. Có một lần khi bắt đầu mùa xuân, dịch giả Trần Đình Hiến khát khao được đi bắt sếu  ở tỉnh Sơn Tây; thành phố này cách thành phố Bắc Kinh khoảng 80 km. Đận ấy, do bận công việc không đi được, ông vừa ngồi dịch sách, vừa nhớ tiếng ống bơ khua vang của mọi người khi làm tiếng động giả để bắt sếu...

Nhớ những bầy sếu bay rợp trời đi trú đông. Có khi ông lại ngồi nhớ mảnh đất Nội Mông ở Mông Cổ; nhớ những thảo nguyên và nhớ ngựa từng bầy, cả ngày phi ngựa cũng không đi hết những đồng cỏ bao la. Ông biết bắn cung, ném lao, ném đĩa, bắn súng và cưỡi ngựa. Nếu mà có dịp đi Nội Mông, ông hay đi cùng với người Mông Cổ dạo chơi trên những thảo nguyên mênh mông.

Năm 2007 khi  dịch "Tô Tem Sói", ông ngồi dịch liền 6 tháng. Nhưng trước khi ngồi dịch "Tô Tem Sói" ông đã đi Mông Cổ một tháng. Ông sống với người dân để hiểu người Mông Cổ yêu quý con ngựa ra sao, và con ngựa cũng là loài chí tình với người như thế nào. Hiếm có một dịch giả nào đi thực tế kỹ lưỡng, đam mê như ông, và từng trải đời, am tường, thấu hiểu mảnh đất nơi nhà văn lấy làm bối cảnh để viết ra câu chuyện như ông.

Hiểu sâu về mảnh đất, phong tục tập quán, nền văn hóa của mảnh đất đó, ông mới ngồi tĩnh tại trên bàn với cây đèn để dịch chữ. Đó là một sự tôn trọng chính mình, tôn trọng nghề văn và tôn trọng độc giả sâu sắc của dịch giả Trần Đình Hiến. Ông kể về một chú ngựa biết chủ của mình bị ngã ngựa, trên người vết thương rất nặng. Con ngựa  này đã quỳ gối phủ phục, chờ cho chủ tỉnh lại rồi phủ phục xuống đất, kéo cả người chủ lên yên ngựa bằng được để đưa chủ về nơi dưỡng thương.

Với người Mông Cổ, ngựa là bạn. Dưới những lều cỏ, sữa ngựa để từng vại, họ uống sữa ngựa như uống nước hàng ngày.Với họ, cánh đồng cỏ và mặt trời là hơi thở của dân du mục. Dịch giả Trần Đình Hiến từng phi ngựa để trò chuyện với người dân du mục, chỉ cốt được thấu hiểu tới từng nét văn hóa của họ; từ sự  sống đến quan niệm về cái chết của người Mông Cổ; ví dụ như người Mông Cổ khi chết đã để thân xác trên một cỗ xe tự kéo đi, khi chiếc xe lao xuống núi, nó đổ ở đâu; thì đó là bến đỗ của người quá cố!

Rồi sau đó mới là chuyện sói tìm đến ăn thịt; đó là một cách chọn cái chết của người Nội Mông. Văn hóa của họ khác chúng ta;  ông phải  nhìn, nghe và đi rộng, thấu hiểu rồi mới trở về ngồi dịch từng trang sách.

Hình như sự  lao động của ông cho thấy đó là niềm vui, ngồi cặm cụi cả ngày dịch chữ không có gì bị bó buộc. Ông có mục tiêu rất rõ cho cuộc đời của mình; một dịch giả thấu hiểu nền văn hóa nước bạn và giới thiệu chắt lọc tinh túy văn hóa, để dâng hiến món ăn tinh thần cho bạn đọc Việt Nam, rộng hơn nữa là để am tường văn hóa và  lịch sử của nước bạn.

Không chỉ là đời sống, ẩm thực, lễ hội và những biến cố của lịch sử Trung Hoa được dịch nghĩa chính xác, dễ hiểu và đồng cảm, mà tinh thần của ông sau mỗi cuốn sách rất rõ, cho thấy một sự tận tụy và tôn trọng độc giả tới cùng.

Mỗi nhà văn đều có cách lao động riêng, nhưng nhà văn, dịch giả mà am hiểu, dấn thân và nhiều trải nghiệm về văn hóa và mảnh đất nơi tác phẩm sinh ra để dịch lại cho độc giả nước mình một cách tận tụy chu đáo như nhà văn, dịch giả Trần Đình Hiến ở Việt Nam thật không nhiều. Ông là người sâu sắc và tinh tế trong việc đọc, nghiên cứu  thẩm định để rồi mới tìm cách chuyển tải sang ngôn ngữ Việt.

Một trong những tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn do dịch giả Trần Đình Hiến chuyển ngữ.

Trong cuộc đời ưa dịch chuyển của mình, ông còn thử  sức ở những chuyến đi khác; khi đi Thiểm Tây, khi xuống cung A Phòng, đi theo con đường Đồng Xuyên nơi có nàng Mạnh Khương năm xưa chạy đi, đem áo rét cho chồng "đắp Trường thành Vạn lý".

Đó cũng là con đường đi Thiểm Tây sang Tây An. Có khi ông ngồi nhớ lại vùng Quảng Đông, chỉ nhớ vị món chân vịt và nhiều món ngon khác mà phải nhờ mùi khói thì may ra mới nhớ hết vị của các món đặc biệt Trung Hoa. Ông am tường về lịch sử Trung Quốc, như khi dịch cuốn "Lão Xá" (một bậc thầy về ngôn ngữ học Trung Hoa), ông rất nể trọng Lão Xá; nhưng ông thích Mạc Ngôn, Lý Nhuệ và Trì Lợi. Theo nhận định của ông thì nhà văn Trì Lợi viết về thanh niên rất hay; riêng cuốn "Ngân thành cố sự" của Lý Nhuệ là một trong số một trăm tác phẩm văn học ưu tú của Trung Quốc thế kỷ XX.

Ông  còn ôm ấp một khát khao làm sao  dịch được 9 tác giả Trung Quốc nữa, đó là Hàn Thiếu Công, Trì Lợi, Thiết Ngưng, Lý Nhuệ, Vương An Ức, Du Quang Trung, Vương Tiểu Nê, Giả Bình Ao.

Khi mà những cuốn sách văn học ở nước bạn vừa mới ra mắt bạn đọc, thì chỉ hai tuần sau sách đã có trong nhà, trên bàn làm việc của dịch giả Trần Đình Hiến. Với ông thì  "không gì bằng có cuốn sách hay trong tay". Dịch giả Trần Đình Hiến cặm cụi đọc, nghiên cứu kỹ mới tìm cách dịch sách. Ông chỉ mong có nhiều sách thật hay, đem đến món ăn giá trị tinh thần cho bạn đọc Việt Nam.

Ông vẫn đi Trung Hoa, ao ước đi lại Côn Luân một lần, lên núi Côn Luân; ngọn núi mà một nửa bên này thì nóng rực, còn một nửa bên kia thì trời lại rét ngăn ngắt. Một ngọn núi quá kỳ lạ nếu không đi thì làm sao biết được ngọn núi có hai mùa, mùa hạ và mùa đông trong cùng một ngày? Ông ước đi lại Tân Cương, người dân ở đó như sống trên ốc đảo, họ chuyên trồng dưa, mà dưa ở Nga Mi lát cắt của dưa bám đầy hạt cát như hạt đường qua tinh luyện, ngọt như mật mà ăn mãi không bao giờ ngán.

Dù có thể  chưa trở lại những vùng đất mình đã sống và đi qua một thời trai trẻ, ông vẫn ước sẽ có một lần trở lại để tìm những cuốn sách hay. Vì cả thế giới ở trong cuốn sách hay ấy. Ông vẫn luôn cho rằng nghề dịch thuật vô cùng khó nhọc;  nếu như không có cơ duyên, nếu như không đồng cảm với người cùng khổ, thật khó dịch sách lắm. Nhiều trang sách văn học đã khiến ông lao tâm khổ tứ, mỗi trang văn đã khiến ông dằn vặt và rơi lệ. Ông cúi thương dân tộc Trung Hoa vì họ có nhiều nét cũng rất giống dân tộc Việt ở quê nhà.

Ông cho hay, nhà văn Trung Quốc sống được bằng nhuận bút. Ví như tác phẩm "Đàn hương hình", nhuận bút của nhà văn Trung Quốc ước tính vào khoảng hơn sáu trăm triệu đồng tiền Việt Nam. Với nhuận bút này, ông Mạc Ngôn đã yên tâm ngồi viết "Đàn hương hình" trong suốt năm năm đấy! Ước gì nhà văn Việt Nam sống được bằng ngòi bút đích thực. Nhưng hỡi ôi, trên đời này còn bao nhiêu người yêu sách và vì sách như ông? Vì văn hóa mà dấn thân không một mưu cầu vật chất. Sống giản dị. Chỉ mong tìm kiếm sách hay để mang đến cho bạn đọc Việt Nam thưởng thức văn hóa. Nghĩ được như ông, cũng hiếm thay.

Hoàng Việt Hằng

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文