Họa sĩ Nguyễn Thanh Huyền: Rong chơi cùng cảm xúc
- Họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa cho ấn phẩm đặc biệt của nhà văn Kim Lân
- Họa sĩ Trần Thị Thu: Những cơn “điên” trong chuỗi ngày thường
- Họa sĩ điêu khắc động “Nguyên Trâu”: Mỗi người có một định mệnh nghệ thuật
Chọn đường đi khó
Sinh năm 1982 tại Duy Tiên (Hà Nam), Nguyễn Thanh Huyền có thâm niên ở Hà Nội 20 năm. Chị ít xuất hiện trên truyền thông, báo chí và cuộc trưng bày cá nhân đầu tiên của chị có tên "Rong chơi" cũng không hề được giới thiệu nhiều.
"Rong chơi" là cuộc sắp đặt âm thanh, ánh sáng tương tác với không gian trong vườn xưởng đã diễn ra từ những ngày cuối năm 2020, đầu năm 2021 tại Huyen Studio (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội). Trưng bày đón khách từ 17h đến 21h hằng ngày. Đêm khai mạc diễn ra lúc 18h ngày 26-12-2020 với sự tham gia biểu diễn của hai nghệ sĩ nổi tiếng Vũ Hiển và Trần Xuân Hòa.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Huyền |
Bước vào không gian trưng bày này giống như bước vào một giấc mơ. Người xem tương tác trực tiếp với tác phẩm sáng tạo của tác giả. Đó như một thế giới không có thực, kì bí đầy huyễn hoặc. Thậm chí khi Huyền bước vào đó, chị như lạc lối trong chính không gian mình tạo ra. Những thác nước phát sáng đủ màu sắc tuôn chảy, những âm thanh vang vọng vòm trời, những cung đàn cao tận trời xanh... Chị như tan ra cùng bao cung bậc cảm xúc.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ: "Tôi yêu khu vườn trong xưởng và mê đắm khu vườn lấp lánh hư ảo, diễm lệ, kì bí trong tâm trí tôi. Đó chính là thứ cảm xúc tạo cảm hứng cho tôi làm cuộc sắp đặt này. Một cuộc "Rong chơi" thật sự của cảm xúc và tâm hồn. Đây là cuộc mở đầu cho hành trình rong ruổi của tôi với nghệ thuật. Không chỉ dừng lại ở đây, tôi sẽ còn nhiều cuộc rong chơi khác nữa".
Để thực hiện cuộc trưng bày sắp đặt này, Huyền đã đầu tư rất nhiều tiền bạc và tâm sức. "Rong chơi" có sự "góp mặt" của hơn một tạ dây giầy phản quang và 3.000 trái bóng được phủ màu và vẽ bằng màu phản quang. Chúng phát sáng trong bóng đêm dưới ánh đèn UV. Trong những ngày mùa đông lạnh giá nhất, chị ngồi nối hơn một tạ dây giầy thành những sợi dài.
Tác phẩm “Nụ hôn”. |
Chị dùng những sợi dây nhiều màu sắc để phủ kín từ trần nhà xưởng xuống mặt đất, tạo hình như thác nước. Đó cũng như dòng thác cảm xúc đang tuôn chảy, ào ạt, điên cuồng trong chị. Dòng thác cảm xúc ấy không dừng lại ở đó, chúng tiếp tục tuôn chảy, luồn lách dưới những khóm cây trong khu vườn phía bên trái xưởng như những con suối bất tận.
Khu vườn bên phải lại được tạo hình với những lát cắt ánh sáng sắc lẹm đầy hấp dẫn và bồng bềnh cùng trái bóng bay được thổi và tô vẽ bằng nhiều màu sắc phản quang. Chúng chuyển động trong gió tạo nên sự tương phản mang màu sắc hiện đại và độc đáo. Những sợi dây màu xanh được kết nối từ trần nhà, từ ngọn cây cao xuống mặt đất, tạo những lát cắt mạnh mẽ và tạo cảm giác không gian sâu hun hút.
Trước sân nhà xưởng có hai cây cau lớn cao khoảng 18m. Huyền phải thuê năm tầng giàn giáo để chăng dây từ ngọn cây cau ra các cây xung quanh, chăng từ thân cau sang trần nhà, xuống mặt đất, tạo hình không gian ba chiều với những khối dạng hình hộp tam giác, trông như một tòa tháp cao vút. Để tạo hình tác phẩm này thật sự là một điều khó khăn và nguy hiểm. Rất may, chị có vài người bạn tốt luôn động viên và trợ giúp thực hiện.
"Rong chơi" có một điểm nhấn vô cùng ấn tượng và độc đáo đó là Huyền đã xây bịt sân và ngõ lại, sau đó xả ngập nước tạo hình dòng sông rồi thả 3.000 trái bóng đã được tô vẽ bằng màu phản quang, chúng trôi bồng bềnh trên mặt nước và phát ra thứ ánh sáng đầy mê hoặc trong đêm. Chị gọi đó là "Dòng sông khát vọng". Phải! đó chính là dòng sông mang đầy khát vọng đẹp đẽ, lấp lánh trong tâm trí của chị. Tôi cho rằng đây là một ý tưởng táo bạo, tạo nhiều cảm xúc cho người xem và đạt.
Trưng bày cá nhân đầu tiên của Huyền rất kén người xem. Tranh của chị cũng kén người xem và chị thích đi theo cách riêng của mình. Chị muốn thể hiện cái mới và vẽ tranh không chiều theo ý thị trường, tức là chị không vẽ dòng tranh dễ bán. Khi xem tranh của chị, sẽ thấy mỗi tác phẩm mang trong nó một trạng thái, một lối thể hiện riêng. Khi thì nhẹ nhàng, bay bổng, lãng mạn, trong sáng, lúc cuồng điên, dữ dội, lúc giản lược, hiện đại…
Khi vẽ chị không quan tâm đến kỹ thuật hay những quy chuẩn cơ bản. Bởi với chị nghệ thuật không có ranh giới, nó là thứ sáng tạo không giới hạn, không rào cản. Chị nói: "Tôi muốn làm những điều tôi muốn, thậm chí thật điên rồ. Tôi không quan tâm đến những định kiến xung quanh".
Dấn thân không sợ hãi
Họa sĩ Nguyễn Thanh Huyền sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Bố chị là họa sĩ Nguyễn Lưu, ông nội là giáo viên nhưng rất đam mê nghệ thuật, ông vẽ và nặn tượng thường xuyên. Vì thế ngay từ nhỏ Huyền đã say mê với hội họa một cách tự nhiên.
Vì Huyền là con gái nên bố chị không muốn con vất vả theo đuổi hội họa. Ông khuyên con lựa chọn và theo đuổi một ngành học nhẹ nhàng hợp nữ giới. Nhưng niềm đam mê khiến chị không thể từ bỏ nghệ thuật.
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Huyền vẫn quyết định thi vào những trường nghệ thuật. Khi ấy họa sĩ Nguyễn Lưu đành khuyên con theo ngành mỹ thuật ứng dụng. Rồi Huyền đã quyết định học thiết kế đồ họa ứng dụng, sau đó học thêm mỹ thuật đa phương tiện tại Hà Nội Arena.
Bố Huyền là người thầy đầu tiên và cũng là người đồng hành cùng chị suốt một chặng đường dài trên con đường thực hành nghệ thuật. Nguyễn Thanh Huyền tự hào: "Bố tôi là người nhiệt huyết, trong ông có niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật, ông là người bản lĩnh. Ngay từ thời bao cấp khó khăn ông đã quyết tâm từ bỏ mọi thứ để theo đuổi con đường nghệ thuật thật sự. Trải qua biết bao khó khăn, trắc trở ông chưa từng nản lòng, ngọn lửa đam mê chưa bao giờ nguội bớt. Có thể nói, bố chính là người truyền lửa đam mê, dạy cho tôi bản lĩnh dám nghĩ, dám làm để dấn thân".
Khi là sinh viên năm thứ 3, Huyền đã cộng tác với rất nhiều Gallery lớn nhỏ tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị không đi làm thiết kế mà vẽ toàn thời gian và sống tốt bằng nghề. Huyền cũng bảo rằng, bố chị thấu hiểu sự khắc nghiệt trên con đường mà con gái đang đi. Điều này cũng tạo cho Huyền một áp lực lớn, khiến chị day dứt.
Rồi vì cuộc sống, Huyền đã phải dừng vẽ suốt một thời gian dài. Chị đi thiết kế phần mềm cho mobile, mở quán cafe, kinh doanh online, thiết kế đồ họa, làm truyền thông để có tiền sống. Nhưng dường như mọi lĩnh vực không thể khỏa lấp khát khao quay trở lại với đam mê hội họa.
Tháng 7-2019 Huyền chính thức vẽ trở lại. Chị thuê xưởng và hoạt động rất tích cực. Tháng 9-2019, chị tham gia triển lãm "Phiêu" tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Sau đó, nhận thấy mọi hoạt động hội nhóm không phù hợp với bản thân, chị từ chối mọi lời mời cộng tác. Chị muốn hoạt động độc lập.
"Tôi cho rằng, hoạt động nghệ thuật là con đường độc lập. Chỉ hoạt động độc lập mới khẳng định được tiếng nói riêng bản thân và đạt được tự do như tôi mong muốn", Huyền nhấn mạnh.
Tôi biết, với mỗi họa sĩ, đi theo con đường riêng như Huyền trong thời buổi hiện tại là chơi trò 50-50. Tất nhiên, đó là con đường nhiều nghệ sĩ trẻ đã đi, bởi đó là cá tính sáng tạo và ao ước của họ. Trong thực tế có người đi thành công, có người đã thất bại và đổi hướng.
Tôi hỏi, Huyền có ý định trung thành với con đường riêng của mình?
Huyền trả lời: "Nghệ thuật đối với tôi rất đơn giản và gần gũi. Nó là những thứ có sẵn trong con người, tuôn chảy ra theo cảm xúc chứ không xa vời. Gần 40 tuổi, tôi bỗng từ bỏ mọi thứ để bắt đầu lại từ đầu, thật sự không hề dễ dàng, khi dám dấn thân là tôi đã dám chấp nhận mọi gian khó thậm chí là thất bại. Nhưng tôi tin chắc rằng, nếu làm nghệ thuật bằng cả trái tim với niềm đam mê cháy bỏng thì ít nhất tôi được thỏa mãn bản thân, tôi hạnh phúc thật sự, ấy là tôi đã thành công".
Làm bất cứ ngành nghệ thuật nào, để tạo ra cái chất riêng, gian nan vô cùng. Chính họa sĩ Nguyễn Thanh Huyền cũng thừa nhận, sẽ không có chỗ dành cho phụ nữ yếu đuối khi đi theo con đường hội họa. Trong chị luôn tràn ngập năng lượng ở bất kì hoàn cảnh nào. Chị cho rằng: "Người phụ nữ nên tôn trọng cảm xúc của bản thân, coi trọng khát vọng của mình. Người phụ nữ tự tin luôn là người phụ nữ đẹp nhất".
Nói ra được điều đó và thực hiện nó quả là không dễ. Tôi tin, Huyền sẽ có cách chế ngự cảm xúc, để cố gắng cân bằng cuộc sống, sáng tạo và đạt được mục tiêu của mình.