Hoàng Công Danh: Trong lặng im để con chữ cất lời

09:31 03/05/2020
Tôi đọc “Cõng nhau trong một cõi người”, cảm giác như được Hoàng Công Danh cõng vào, nhập môn Phật học. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ tập truyện như một kiểu “Cổ học tinh hoa” trong văn chương. Rồi thắc mắc, sao một người trẻ, mới ngoài hai mươi, như Danh, lại hiểu đạo và đời đến thế?


1. Không rõ trước đến nay đã có ai làm cuộc thống kê dân viết lách bước ra từ các giảng đường đại học? Nếu có, tôi nghĩ Đại học Huế, mặc dù nằm ở khúc ruột miền Trung đặc trưng “dịu dàng pha lẫn trầm tư” cũng sẽ không thua kém gì hai đầu Hà Nội, Sài Gòn. Trải dài hơn 60 năm, Đại học Huế cùng khí trời Cố đô đã thành nơi gặp gỡ, phát tác năng lượng chữ của khá nhiều văn nhân.

Nhìn gần là thế hệ 7X với Văn Cầm Hải, Nguyễn Lãm Thắng, Bùi Thanh Truyền, Lê Mỹ Ý, Thái Phan Vàng Anh, Hoàng Thụy Anh, Hoàng Đăng Khoa, v.v… Mạch ấy nối qua 8X chúng tôi với Nhụy Nguyên, Nguyễn Mạnh Tiến, Hạo Nguyên, Phan Tuấn Anh, Lê Vũ Trường Giang, Lê Minh Phong, Meggie Phạm, v.v…Và một người văn nữa, nói ra không ít người có thể bất ngờ, là Hoàng Công Danh.

Hoàng Công Danh học sau tôi một khóa. Nhưng Danh học Vật lý, lớp Cử nhân Vật lý chất lượng cao khóa II của Đại học Huế. Tôi học Sinh học. Sinh – Lý nghe tưởng liên quan, nhưng ở đây chẳng dây mơ rễ má gì với nhau. Khi tôi biết Hoàng Công Danh thì anh đã “nghìn trùng xa cách” theo đường chim bay tận trời Âu.

Chả là sau hai năm ở Huế, với học bổng theo chương trình hợp tác giữa hai nước, Hoàng Công Danh trở thành sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus ở Minsk.Và tôi biết Danh qua trang blog của anh, sau một lần lang thang trên mạng. Tại đây, tôi bất ngờ trước một người mang khuôn mặt ruộng đồng như mình, lại học chuyên ngành hết sức hiện đại, là vật lý nguyên tử, nhưng đàn hát, viết tản văn, tùy bút về bè bạn và quê nhà, rồi khảo cứu văn chương, phật giáo. Duyên và đầy tình.

2. Trong khi tôi và bạn bè tập tành gửi bài cho báo này báo khác, rồi hồi hộp mở báo tìm tên mình thời sinh viên, thì Hoàng Công Danh vẫn viết đều trên blog nhưng không thấy tên trên mặt báo.

Rồi một ngày tôi đọc được truyện ngắn của Hoàng Công Danh trên báo Đại biểu Nhân dân. Một truyện, hai truyện, đến… nhiều truyện, không buồn đếm nữa. Rồi cuối năm, tôi đọc được truyện của Danh trong tuyển tập “Văn Mới”. Rồi Hoàng Công Danh chính thức ra mắt độc giả tập truyện đầu tay “Cõng nhau trong một cõi người”, dày dặn và ấn tượng với lời giới thiệu của nhà văn Hồ Anh Thái.

Lúc này Danh đã học xong và về quê nhà Quảng Trị công tác được ít lâu. Đó là năm 2013. Một cây viết trẻ xuất hiện, ở nơi xa lắc miền Trung chưa mấy người biết, và nhà văn Hồ Anh Thái giới thiệu. Ba điều này cộng lại, chắc hẳn làm bất ngờ với những người quan tâm đến văn chương.

Nhưng tôi không bất ngờ. Thời điểm đó nhà văn Hồ Anh Thái chọn truyện cho báo Đại biểu Nhân dân, đồng thời là người tuyển truyện ngắn, góp phần làm nên thương hiệu “Văn Mới”. Với con mắt nhà nghề, nhà văn Hồ Anh Thái đã “dẫn đường” cho Hoàng Công Danh đến đơn vị xuất bản, thêm lời tựa làm bảo chứng, trong đó có đoạn: “Tập truyện này sẽ cho ta ấn tượng như đọc một tiểu thuyết. Một ngôi chùa ở đâu đó giữa miền Trung. Một nhà sư, một chú tiểu và thấp thoáng một chị bán vải là Phật tử. Mỗi truyện đều được tác giả dụng công tạo ra một hình ảnh làm cái neo cho người đọc, gây ấn tượng vương vấn cả khi ta đã gấp sách lại”.

Tôi đọc “Cõng nhau trong một cõi người”, cảm giác như được Hoàng Công Danh cõng vào, nhập môn Phật học. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ tập truyện như một kiểu “Cổ học tinh hoa” trong văn chương. Rồi thắc mắc, sao một người trẻ, mới ngoài hai mươi, như Danh, lại hiểu đạo và đời đến thế?

Những nhân vật, đường dây câu chuyện vào văn của Danh, rõ ràng là các cuộc sắp đặt có ý đồ của tác giả, nhưng vẫn thấy tự nhiên như không, như thể không cần bất cứ sự cố gắng nào. Có lẽ từ lâu rồi, sau một số truyện ngắn của sư thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh, tôi mới được đọc tập truyện đẫm đầy màu sắc Phật giáo, như “Cõng nhau trong một cõi người”. Phật mà vẫn đời. Sinh động. Lôi cuốn.

3. Nhiều người thắc mắc, sao Hoàng Công Danh không ở lại trời Âu? Kể cả về nước, thì sao bến đỗ không là Sài Gòn hay Hà Nội, như đa số người trẻ đi du học? Thường người trẻ chịu về tỉnh là do có “cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi” với ghế vững chắc đã sắp sẵn chờ mong. Hoàng Công Danh không có ô, cũng chẳng có dù. Nhưng anh vẫn về.

“Lại cùng nhau bước ra đồng, chân không mang dép cho cỏ nhận được tin yêu. Rồi gã nhà quê ấy sẽ ngắt một bông cúc dại màu vàng tặng người thương thay lời đính ước. Lối đi bữa ấy cỏ cú tràn lên ôm lấy chân. Gã cúi xuống hái một nhúm cỏ cú nói với người thương. Rằng cỏ này ở quê mình nhai đắp vào vết thương để cầm máu. Nếu một ngày nào đó em lấy người khác, thì anh sẽ về nhai cỏ cú và nuốt. Người thương ngớ mắt ra khó hiểu. Để làm gì vậy anh? Để cầm máu cho vết thương lòng”.

“Trên hoang thảo miền của tôi, người làng cứ đi qua, in trên đó bao nhiêu dấu chân hình trái bí đao. Nhưng cỏ thì ngàn năm vẫn xanh, như buổi chiều đã xưa lắm rồi mà kỉ niệm còn tươi mới. Tôi sẽ về nhặt lại, một củ khoai còn sót dưới chân cỏ dĩ vãng, một nhúm phân bò khô trong hanh nắng thời gian, một cọng khói ngủ quên trên khung trời cố xứ. Và chắc chắn là khói sẽ làm mắt tôi cay”.

Các trích đoạn trên trong tập tản văn “Khói sẽ làm mắt tôi cay”, cuốn sách thứ hai của Hoàng Công Danh. Chắc hẳn những ai đi ra từ một miền quê nào đó cũng dễ dàng đồng cảm với Danh. Với ngôi chùa làng, cây mai, với rạ rơm cây lúa, cào cào châu chấu, với đêm trăng, giếng nước triền đê, với tiếng dế, ếch nhái, bông khế và hoa dại v.v…

Những tác phẩm của nhà văn Hoàng Công Danh.

Tôi vẫn đinh ninh, người viết nào, bằng thể loại gì đi chăng nữa, rồi cũng mang hình bóng ấu thơ, quê nhà vào trang văn của mình. Nhiều hay ít, đều là chưng cất quá khứ. Và thực tế tôi đã gặp nhiều trang viết trực diện về ấu thơ, quê nhà của các nhà văn, bạn văn. Nhưng với “Khói sẽ làm mắt tôi cay”, tôi sẵn sàng xếp hạng Hoàng Công Danh là người yêu quê vô địch. Có lẽ vậy nên anh chọn lối về?!

4. Thành thật mà nói, quê nhà Quảng Trị của Hoàng Công Danh ít gợi cho tôi về một vùng đất dành cho văn nhân. Tôi từng hình dung Quảng Trị trong “Ký sự miền đất lửa” của Vũ Kỳ Lân – Nguyễn Sinh, đến lạnh người và nổi da gà về cuộc chiến nơi địa đạo Vịnh Mốc. Rồi Quảng Trị hiện lên trong đầu qua các bút kí “Đánh giặc trên hàng rào điện tử”, “Chế ngự cát”, “Dệt gấm với thủy quân lục chiến ở Cửa Việt” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Với Quảng Trị, chiến tranh như hóa thạch, vón lại và át đi tất cả. Văn nhân vắng bóng. Dường như đây chỉ là sinh quán của Chế Lan Viên. Tinh hoa hội tụ ở Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thêm nữa là Xuân Đức. Một chút với Trần Thanh Hà. Chỉ vậy thôi. Sau dằng dặc dài mới xuất hiện Hoàng Công Danh và Hoàng Hải Lâm.

Trong khi Hoàng Hải Lâm sôi nổi, hướng ngoại thì Hoàng Công Danh thu mình hơn, trầm lắng hơn. Như cách Danh nói, là chỉ cần thi thoảng mình trình hiện tác phẩm ở đâu đó, là đủ rồi.

Tôi cũng thấy vậy, khi Hoàng Công Danh lần lượt ra mắt thêm các tập truyện ngắn “Chuyến tàu vé ngắn” và “Trong cơn say níu sợi dây đứt”. Những trang văn của Danh sau này bước hẳn ra khỏi ngôi chùa và kí ức nơi cánh đồng làng, nhẹ nhàng mà dữ dội ngầm, thậm chí có cả chất “humour”. Điềm tĩnh và trung tính, đó là giọng văn không áp đặt, không muốn khoác bất cứ gì chủ quan của tác giả lên nhân vật/người đọc. Nói như nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa là: “Truyện ngắn nhẩn nha, hóm lẻm kể những câu chuyện tưởng chừng không đâu, mà khi đọc xong, người đọc cứ thổn thức, cứ giật mình nhìn lại ý nghĩa của cuộc người, cứ ngơ ngẩn bởi câu chuyện được kể, và bởi cái duyên của người kể”.

5. Hiện giờ Hoàng Công Danh là biên tập viên của tạp chí Cửa Việt. Con đường từ du học sinh ngành Vật lý trở về làm văn nghệ, chắc hẳn trước đây Hoàng Công Danh chưa từng mường tượng ra.

Danh có băn khoăn nuối tiếc gì không? Danh bảo: “Ở đời cái gì đến với mình hay từ bỏ mình đều có căn duyên cả. Cứ hết mình, tử tế với công việc, với nghề mà mình đang làm thì công việc, nghề sẽ không phụ mình đâu”. Tôi nghĩ là Danh đang hết mình, tử tế với công việc biên tập và trang văn của chính mình.

Viết đến đây thì hình ảnh “Có nhiều trưa tôi lên chợ ăn một dĩa cơm bụi hai nghìn rưỡi rồi về ngồi bên bờ sông Thạch Hãn sau lưng thị xã” trong tản văn “Thị xã ôm Thành cổ vào lòng” của Hoàng Công Danh lại hiện lên trong tôi. Dòng sông trong xanh trôi bình lặng mà chất chứa bao điều quặn thắt. Và Hoàng Công Danh tựa như dòng sông, không thích ồn ào. Danh bình lặng như đất mà dữ dội ngầm, dồn trăn trở vào những trang văn. Danh là thế, trong lặng im để con chữ cất lời.

Văn Thành

Thực hiện chương trình “Tết vì người nghèo 2025”, chiều 20/1 (tức ngày 21 tháng Chạp), Thiếu tướng Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND cùng đoàn công tác của Báo CAND đã về với bà con nhân dân tỉnh Lạng Sơn, trao tặng đồng bào nghèo nơi đây những món quà Tết mang đậm nghĩa tình của những người làm Báo CAND và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Chiều 21/1, Công an TP Cần Thơ tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác cán bộ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì buổi lễ. 

Chiều 21/1, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, Cơ quan CSĐT vừa ra Quyết định khởi tố và thi hành lệnh bắt tạm giam 3 bị can: Lê Văn Biền, cựu Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân; Hoàng Lộc Ninh, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân và Lê Năng Dũng, Phó Trưởng phòng TNMT huyện Thọ Xuân để điều tra tội “Giả mạo trong công tác”.

Sau năm ngày xét xử và nghị án kéo dài, chiều 21/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với bị cáo Lê Tiến Phương (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và 16 bị cáo khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.   

Ngày 21/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh Vinfast (viết tắt là Công ty Vinfast). 6 bị cáo trong vụ án đều là nhân viên của Công ty Vinfast đã câu kết chiếm đoạt của công ty 81 chuyến hàng, trị giá hơn 6,7 tỷ đồng.

Các đối tượng tham gia phần lớn là các đối tượng hình sự cộm cán tại địa phương, đã có nhiều tiền án, tiền sự, hoạt động chuyên nghiệp, phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Đáng chú ý, có hai anh em ruột cùng tham gia cầm đầu đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền "khủng" này. Bên cạnh đó, có một đối tượng trong đường dây đã từng bị Cục Cảnh sát hình sự bắt giữ về hành vi tổ chức dàn xếp, mua bán độ của các cầu thủ bóng đá ở Câu lạc bộ Đồng Nai. 

Các phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Gia Trung (xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) được Ban Giám thị tổ chức bữa cơm tất niên cùng thân nhân trong không khí ấm áp, phấn khởi.

Ngày 21/1, Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an hợp nhất Phòng Cảnh sát bảo vệ và Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) thành Phòng CSCĐ; Quyết định của Giám đốc Công an thành phố triển khai tổ chức bộ máy của Phòng CSCĐ và các quyết định về công tác cán bộ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi nhậm chức ngày 20/1 đã ký sắc lệnh hành pháp rút nước này khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ngày 21/1, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác phối hợp với Ban quản lý Bến xe khách Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kiểm tra đột xuất các phương tiện vận tải hành khách. Trong đó tập trung kiểm tra hệ thống camera hành trình của phương tiện, qua đó phát hiện vi phạm đối với tài xế trong quá trình điều khiển xe di chuyển trên đường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.