Kia
Mobifone
Ca khúc " Một mùa xuân nho nhỏ" của nhạc sĩ Trần Hoàn:

Khúc hoan ca thăng hoa từ nước mắt

Thứ Hai, 31/01/2011, 08:45
Theo ông Nguyễn Trường Đàn kể lại trong một bài viết thì một hôm, nhạc sĩ Trần Hoàn đến Đài Phát thanh tỉnh rất sớm. Ông nói cho ông vào phòng thu nhạc. Anh em dẫn ông vào phòng ghi âm lớn. Ông đến bên chiếc đàn piano cũ kỹ, ngồi xuống, mở nắp đàn ra, dạo mấy nốt rồi lắc đầu: "Tiếc quá, đàn hỏng rồi". Sau này mọi người mới biết ông vừa sáng tác xong bài "Một mùa xuân nho nhỏ"...

Trong số các tác phẩm thơ từng được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc, bài "Một mùa xuân nho nhỏ" (phổ thơ Thanh Hải) là một trường hợp đặc biệt. Đặc biệt không phải vì nó hay hơn các ca khúc khác, như "Mưa rơi" (phổ thơ Tố Hữu), "Lời ru trên nương" (phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm), "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" (phổ thơ Đỗ Quý Doãn) - vì điều này thật không dễ "đong đếm". Nó đặc biệt vì khi ca khúc hoàn thành, tác giả phần thơ đã qua đời, không được chứng kiến sự thăng hoa của tác phẩm mình để lại. Và đặc biệt vì đây là bài thơ hiếm hoi khi đi vào ca khúc của Trần Hoàn đã được giữ gần như nguyên văn.

Trước đây, trên Báo Bình Định số ra ngày 26/11/2003, tôi có đọc được bài viết "Trần Hoàn - cánh chim phiêu bạt thời gian đã về cõi thiên thai". Tác giả bài viết, mặc dù là một nhà phê bình âm nhạc rất năng nổ, song tiếc là lại đưa ra những thông tin không chính xác về xuất xứ ra đời của ca khúc "Một mùa xuân nho nhỏ": "Vào năm 1975, giữa lúc chúng tôi đang ngỡ ngàng, tràn ngập niềm vui chiến thắng, niềm vui giải phóng thì lại nghe tha thiết: "Mùa xuân! Một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời…". Bài thơ của Thanh Hải đã được Trần Hoàn đồng cảm đến từng hơi thở. Một cảm giác lâng lâng rất thực, không "đại ngôn" dẫn vào hồn người đang thanh bình phơi phới". Có lẽ, với một cảnh trí rất đỗi thanh bình của hoa tím, sông xanh, của tiếng chim thánh thót…; với ca từ rộn ràng náo nức  mang cái phấn chấn của lòng người trước một "Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao/ Vững vàng phía trước"; rồi với mấy câu kết đậm cảm xúc ngất ngây trước cảnh núi sông liền một dải: "Nước non ngàn dặm mình/ Nước non ngàn dặm tình…" đã tạo cho tác giả bài báo nói trên một sự "bé cái lầm" như vậy? Kỳ thực, đây là bài thơ được nhà thơ Thanh Hải sáng tác vào cuối năm 1980, là thời điểm rất khó khăn của đất nước và của bản thân ông, khi mà ông đang phải ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư gan. 

Ca sĩ Khánh Linh trình bày ca khúc "Một mùa xuân nho nhỏ" trong đêm nhạc "Trần Hoàn - hát về mùa xuân " (Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, 7/2/2010).

Nhà thơ Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn. Ông sinh năm 1930 tại Hương  Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông và nhạc sĩ Trần Hoàn (tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928 tại Hải Lăng, Quảng Trị) là đôi bạn thân thiết cùng sống và chiến đấu tại Mặt trận Trị Thiên Huế những năm kháng chiến đầy gian khó. Trước khi mất (ngày 15-12-1980), Thanh Hải là Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên (tên gộp của ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) và Trần Hoàn đang là Trưởng Ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh.

Nhạc sĩ Trần Hoàn kể: Một hôm, ông vào thăm Thanh Hải tại bệnh viện, thấy Thanh Hải đang đánh vật với chữ nghĩa để gắng hoàn thành bản thảo tập trường ca "Hành khúc người ở lại". Ông nói nhỏ với bạn: "Thôi, Hải ơi, hãy nghỉ đi. Đừng suy nghĩ nhiều và thức đêm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe đó". Thanh Hải đáp: "Cảm ơn anh, nhưng cuộc sống có ngừng phút nào đâu và cảm xúc cũng không ngưng đọng lại".

Thanh Hải là một nhà thơ giàu nghị lực. Càng ý thức được mối hiểm nghèo của bệnh trạng ông càng như chạy đua với thời gian. Trong bức thư gửi một đồng nghiệp đang làm công tác xuất bản ở ngoài Bắc, ông tâm sự: "Tôi luôn luôn có cái ám ảnh của một người đau bệnh hiểm nghèo rằng, không biết mình sẽ nằm xuống lúc nào, nằm xuống để rồi không dậy nữa. Lúc đó để lại bao nhiêu chuyện dở dang, trong đó có những tác phẩm… Khi có điều kiện, người cảm thấy thoải mái đôi chút là tôi liền ngồi vào bàn. Tôi tự nói: Phải sống những ngày tháng cuối có ích để khi mất đi, mình vẫn làm việc đến giờ chót".

Như vậy là, suốt nhiều ngày liền, nhà thơ cứ vật vã, run run tay bên những trang bản thảo. Bà Thanh Tâm, vợ ông cũng không biết chồng mình viết gì. Chỉ đến khi nhà thơ trút hơi thở cuối cùng, mọi người mới xúc động được biết, một trong số đó là bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ", và một bài ông viết tặng vợ: "Anh nằm mà ao ước/ Trở lại với cuộc đời/ Dù đi lại được thôi/ Cùng em vui ngày tháng/ Từ khi anh nằm xuống/ Đời có em dịu hiền…". Đây được ghi nhận như bài thơ tình cuối cùng của đời thơ Thanh Hải.

Ngày tiễn đưa nhà thơ Thanh Hải trở về Đất Mẹ là một ngày mưa buồn. Nhiều bạn bè, đồng chí và những người yêu thơ đã đi sau linh cữu ông, tác giả của thi phẩm "Mồ anh hoa nở" nổi tiếng một thời… Thi hài nhà thơ Thanh Hải được an táng tại một nghĩa trang ở dốc Nam Giao, là mảnh đất mà nhà chí sĩ Phan Bội Châu mua từ thời Cụ bị giam lỏng ở Huế, với ý nguyện dành để chôn cất các nhà yêu nước và cách mạng ở Huế. Bên cạnh mộ Thanh Hải là mộ của các bậc đàn anh như Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều… Nhạc sĩ Trần Hoàn thay mặt Ban tổ chức tang lễ đọc điếu văn. Khi ông đọc được nửa chừng thì bà Thanh Tâm chuyển cho ông bản thảo bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ". Trần Hoàn mắt kính nhòe lệ. Ông vừa đọc vừa nghẹn ngào thổn thức khiến những người dự lễ tang cũng không giấu được tiếng nức nở, nhất là đến đoạn kết bài thơ thì tất cả đều òa lên, hòa cũng tiếng gió mưa thao thiết…

Sau lễ hạ huyệt, Trần Hoàn ngồi im lặng hồi lâu bên mộ bạn. Ông đọc lại bài thơ, thấy hối thúc một nỗi niềm cần phải đáp đền bằng… âm nhạc.

Đây là nguyên văn bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải: "Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng/ Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy quanh lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương mạ/ Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao/ Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước/ Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc/ Mùa xuân ta xin hát/ Câu Nam ai, Nam bình/ Nước non ngàn dặm mình/ Nước non ngàn dặm tình/ Nhịp phách tiền đất Huế".

Nếu so sánh với phần ca từ của bài hát "Một mùa xuân nho nhỏ" của nhạc sĩ Trần Hoàn, ta sẽ thấy có một số thay đổi nhỏ, và sự thay đổi đó rất hợp lý. Như ngoài việc thay đổi để thuận cho việc hát như đảo "Nhịp phách tiền đất Huế" bằng "Đất Huế nhịp phách tiền"; đảo "Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến" bằng "Một nốt trầm xao xuyến/ Ta biến trong hòa ca" thì người nhạc sĩ tài hoa đã thay một đôi chữ như: "Tôi đưa tay hứng về" (thay vì "Tôi đưa tay tôi hứng"); "Vững vàng phía trước" (thay vì "Cứ đi lên phía trước"); "Lộc trải dài nương lúa" (thay vì "Lộc trải dài nương mạ") nghe cho… thơ hơn. Ngoài ra, Trần Hoàn cũng bỏ hẳn mấy cặp câu như: "Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao" và "Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc". Sự thực, đây là những câu nói hơi… kỹ, làm ảnh hưởng tới chất khơi gợi của bài thơ, bởi thế, nó hóa… thừa, và việc tước bỏ những câu này càng làm cho bài hát thêm trong trẻo, thanh thoát mà thôi.

Theo ông Nguyễn Trường Đàn kể lại trong một bài viết thì một hôm, nhạc sĩ Trần Hoàn đến Đài Phát thanh tỉnh rất sớm. Ông nói cho ông vào phòng thu nhạc. Anh em dẫn ông vào phòng ghi âm lớn. Ông đến bên chiếc đàn piano cũ kỹ, ngồi xuống, mở nắp đàn ra, dạo mấy nốt rồi lắc đầu: "Tiếc quá, đàn hỏng rồi". Sau này mọi người mới biết ông vừa sáng tác xong bài "Một mùa xuân nho nhỏ". Ông muốn bài hát được dàn dựng trước nhất ở Huế, nhưng vì không có phòng thu đạt chuẩn nên ông phải chuyển ra Hà Nội. Bài hát sau đó đã vang xa, chinh phục khán giả cả nước từ làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam (hiện bài hát đang được sử dụng làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Thừa Thiên - Huế).

Để kết thúc bài viết này, xin được trích ra đây đôi dòng cảm nhận của bạn Lê Bích - một thính giả - viết trong một đêm Tết Hà thành: "Trước khi chết nhà thơ Thanh Hải đã dành hết tâm huyết cho bài thơ này… và tôi thế hệ đi sau ông đón nhận những cảm xúc đó, trân trọng nó… và tôi cũng đã yêu da diết cuộc sống này như ông. Giờ đây tôi cảm thấy thêm ý nghĩa trong câu nói của nhà thơ Kahil Gibran: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy có thêm ngày mới để yêu thương".

Với tôi, bài thơ "Một mùa xuân nho nhỏ" thực sự là một "tiếng hát con thiên nga trước khi chết" của nhà thơ Thanh Hải

Nguyễn An Định - VNCA Xuân 2011

.