Lạ lùng Phan Vũ

16:30 22/03/2010
Có một Phan Vũ - nhà thơ. Ông nổi tiếng với trường ca "Em ơi! Hà Nội phố", nổi tiếng là nghệ sĩ trình diễn thơ đầu tiên ở nước ta. Phan Vũ đọc thơ xong rồi, đốt bản thảo, coi như tác phẩm ấy đã trở về cõi hư vô. Chính nhà thơ cũng tự nhận mình thích đọc thơ hơn in thành văn bản.

1. Nhìn ông đứng trên sân khấu đọc thơ, khó ai tin vóc dáng ấy, phong thái ấy và nụ cười ấy là của một người đã ở tuổi 84. Một "ông Hổ" đã về già nhưng vẫn còn lang thang tìm mồi trong cánh rừng sâu? Phải nói Phan Vũ rất có khả năng truyền cảm và có duyên khi diễn xuất thơ. Đặc biệt, từ khi thơ ông được nhạc sĩ Phú Quang phổ, với ca khúc cùng tên, người yêu thơ ông ngày càng nhiều.

Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, khi Hội mới thành lập, nhưng Phan Vũ lại mải mê với nghệ thuật sân khấu, điện ảnh và chỉ thích đọc thơ trên nền nhạc. Mãi tới năm 2008, khi đã ở tuổi 82, ông mới chịu cho in tập thơ đầu tiên "Thơ Phan Vũ" cùng với trường ca về Hà Nội.

Tranh “Những ngón cụt” của Phan Vũ.

Có lẽ ở Việt Nam, hiếm có tác phẩm nào như "Em ơi! Hà Nội phố" - được "xuất bản miệng" và sống tự do ngoài văn bản lâu đến 36 năm (1972 - 2008). Và cũng không có nhà thơ - Hội viên Hội Nhà văn nào mãi tới 82 tuổi mới cho xuất bản tập thơ đầu tiên. Khi hỏi thơ ông có gì mới sau bao năm ấp ủ, thì ắt hẳn bạn sẽ được nghe bản "Tự họa" do chính ông đọc một cách trầm lắng rằng:

Gã trần trụi đi qua thời gian
Một nhịp
Mông mênh hun hút gió
Và một đam mê ảo điên rồ
Khi kim đồng hồ chỉ vào số trắng
Trong độ chênh ngày tháng
Không có gì trối trăng. 

Rồi nữa, ông kể về "Em" ở Hà Nội phố, sau những cuộc ném bom điên cuồng của giặc Mỹ, với nhiều tâm trạng sâu sắc đến lạ lùng. Bởi "Ta còn em…" trong tâm hồn thi sĩ như một lời thách thức: "Cứ ném bom đi, ta vẫn sống. Vẫn còn những kỷ niệm, những hoài niệm yêu thương của đất kinh kỳ ngàn năm". 

Đó là màu xanh của thời gian trong thơ Phan Vũ.

2. Ngược thời gian, nhiều khán giả yêu sân khấu hẳn chưa quên một Phan Vũ - tác giả của vở kịch "Lửa cháy lên rồi" hồi 1956, được giải Nhì (không có giải Nhất) của Hội Văn nghệ Việt Nam, với hàng trăm đêm diễn và hàng chục ngàn người đến xem. Ở  tuổi 30, ông được đánh giá là một tài năng sân khấu. Sau đó, Phan Vũ còn có vở kịch thứ hai: "Thanh gươm bà mẹ".

Nhưng rồi, đúng như bản tính ham mê khám phá của mình, ông lại nhảy sang lĩnh vực điện ảnh. Ông "ham hố" một cách đáng yêu như vậy, nhưng lại gặt hái không ít thành công. Chưa hết, sau khi viết kịch bản phim "Dòng sông âm vang", ông thêm một lần dấn thân làm công việc đạo diễn. Và ông đã thành công qua các phim "Người không mang họ", "Bí mật thành phố cấm", "Như một huyền thoại"...

Và tình duyên của ông với nghệ sĩ điện ảnh Phi Nga đã trở thành câu chuyện đẹp và nổi tiếng trong giới điện ảnh thời ấy. Diễn viên Phi Nga là học viên khóa 1 (1959-1962) Trường Điện ảnh Việt Nam. Nhiều người đã biết, diễn viên Phi Nga nổi tiếng từ vai chính trong bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên: "Chung một dòng sông".

Sau khi làm lễ cưới, cặp trai tài gái sắc Phan Vũ - Phi Nga trở thành một kiểu mẫu gia đình nghệ sĩ sống hạnh phúc, có nhiều thành công trong sự nghiệp. Năm 1985, nghệ sĩ Phi Nga qua đời vì bạo bệnh, hưởng thọ 50 tuổi, để lại bao tiếc nuối cho nền điện ảnh Việt Nam. Bà mất đi cũng để lại nỗi buồn khôn nguôi trong tâm hồn nghệ sĩ Phan Vũ.

Khi ấy Phan Vũ đã bước sang tuổi 60. Sau này vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, trong nhiều cuộc đọc thơ, khi đốt các trang bản thảo, Phan Vũ đều nói đó là việc "hóa thơ" để cho Phi Nga cùng nghe. Ông còn nói, cho đến bây giờ, người vợ vẫn thường xuyên trở về trong những giấc mơ của ông.  

Sau hơn hai mươi năm trở về TP Hồ Chí Minh, Phan Vũ sẽ vẫn mãi chỉ là "Người nghệ sĩ lang thang hè phố. Bơ vơ. Không nhớ nổi một con đường" như ngày nào ở Hà Nội, nếu không có cơ duyên cầm cây cọ và tự học vẽ. Thực ra duyên cớ để đến với hội họa của Phan Vũ xuất phát từ sự ảnh hưởng của những người bạn như Bùi Xuân Phái.

Ông nhớ lại: "Tôi thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái, nên hay đi theo ông. Bùi Xuân Phái vẽ về phố còn tôi nghĩ về phố. Nhiều khi đêm đến, lúc một, hai giờ sáng, ông Phái còn đem tranh đến nhà tôi treo".

Có lẽ "cuộc tình" với hội họa của thi sĩ Phan Vũ manh nha từ đó. Ông vẽ trong muôn vàn ký ức của những trận bom và vẽ từ tình yêu Hà Nội trong cuộc sống hạnh phúc một thời đem lại bao niềm vui cho ông. Trong triển lãm "Giai điệu màu" mới đây, có hai bức ông vẽ để minh họa cho trường ca "Em ơi! Hà Nội phố", cùng với các đề tài khác như: "Một thoáng Đà Lạt", "Hoa đào", "Cô dâu", "Ba cô gái trẻ", "Khi mặt trời đỏ","Vườn trăng", "Vòng lửa", "Những ngọn cụt"…

Tranh của Phan Vũ hồn nhiên, lãng mạn và pha chút hư vô "chợt nhòe chợt hiện", nhưng lại lung linh trong bố cục mỹ cảm đậm chất phiêu du. Đây đã là triển lãm riêng thứ ba của ông sau những năm mải miết vẽ như muốn cướp thời gian của tạo hóa. Ông làm việc với thái độ quyết liệt chống lại sự bảo thủ và trì trệ của tuổi tác.

Phan Vũ vẽ như lên đồng. Ông tâm sự, từ bốn giờ sáng ông đã ngồi bên giá vẽ, say sưa với sắc màu, đường nét. Cả ngày như vậy, trời tối lúc nào không hay.

Theo Phan Vũ cho biết, bây giờ ở tuổi ngoài 80, ông thấy cuộc sống của mình dường như mới bắt đầu. Mỗi khi muốn xóa tan nỗi "một mình", ông lại phóng xe từ nơi ở Thủ Đức lên quận Nhất để lang thang với các bạn trẻ và tìm cảm hứng với màu sắc. Ông sống với hai tâm hồn, một của cậu bé ngây thơ và một của cụ già, trong cả tranh và thơ ca.

Sự đam mê tưởng như quá sức của Phan Vũ đã khiến có người phải đặt câu hỏi rằng, liệu ôm đồm như thế ông sẽ trở thành "sĩ" nào đây? Phan Vũ thản nhiên lý giải: "Tôi làm nhiều nghề, nhưng đều đạt đến mức chuyên nghiệp, kể cả hội họa là nghề mới nhất. Sở dĩ tôi "nhảy cóc” như vậy là bởi cứ hành nghề được một thời gian, tôi lại cảm thấy có một sự vướng mắc gì đó, cho nên lại… đổi nghề. Tuy nhiên, đến hội họa là tôi dừng lại rồi. Đến hội họa, tôi thấy đủ rồi. Có lẽ vì hội họa là phương tiện tôi được tự do thể hiện nhất. Người ta sống luôn có sự chọn lọc mà".

Có người nghĩ, với hội họa, Phan Vũ muốn tìm "vận may" cho danh vọng cuối đời mình. Ông nheo mắt im lặng. Lại cũng có người nói, ông vẽ tranh là để bày cuộc chơi, bày cuộc đi, không khởi thủy và chẳng chung cuộc. 

Có lẽ họa sĩ Nguyễn Quân có lý khi nhận xét:

- Họa trung… của cụ Phan Vũ có thơ và có nhạc, có triết lý và có ái tình… Trong cái "Vườn xuân" ấy ta phải phát ghen và chúc mừng một tâm hồn mãi thanh tân.

Hãy nghe Phan Vũ thổ lộ:

- Tôi thích gì vẽ đó. Tôi vẽ tranh không phải để bán mà vẽ trước hết để cho mình hưởng thụ. Tôi muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần những bài thơ. Một cái gì đó như chút bi tráng tự sự với những màu sắc sặc sỡ, đối lập nhưng lại có độ trầm lắng tạo thành nỗi buồn dịu êm. 

3. Giờ đây, ngồi vẽ tại ngôi nhà khuất sâu trong con hẻm nhỏ ở quận Thủ Đức, thi sĩ họ Phan như muốn ở ẩn để có nhiều thời gian dành cho hội họa. Với ông, bao dự định còn đang ấp ủ, còn ngàn tứ thơ ẩn chứa và vạn hình tượng cùng màu sắc về những nơi ông đã từng sống đang lấp lánh trong tâm hồn, sẵn sàng tuôn trào với cảm xúc thanh xuân.

Ông trẻ lâu trong sáng tạo cũng vì sự ham muốn công việc đến cuồng nhiệt cùng với những điều ước giản dị. Ông ước sẽ trở về quê mẹ Hải Phòng để vẽ biển cùng những con tàu luôn hướng về khơi xa, nơi ông được sinh ra với bao kỷ niệm vui buồn. Rồi, ông cũng mơ có ngày trở về quê cha Đà Nẵng để vẽ trên đỉnh Non Nước cùng với sự ám ảnh của con phố cổ Hội An.

Và, ông còn mơ đến ngày Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, ông sẽ trở về Hà Nội để đọc trường ca "Em ơi! Hà Nội phố" trước dòng người náo nức đi trẩy hội. Và ông hình dung, khi ấy người vợ thân yêu, nghệ sĩ Phi Nga sẽ hiện về như trong cơn mơ, để nghe ông đọc thơ về Hà Nội. Đoạn thơ mà ông thích nhất sẽ vang lên như muốn tặng riêng cho những ai có nỗi buồn chia xa trong tình yêu:

Ta còn em một màu xanh thời gian
Một màu xám hư vô
Chợt nhòe
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến
Chợt mong manh
Một dáng hình
Nhợt nhạt vàng son
Đậm đầy cay đắng…   

Dường như ông chuẩn bị đón năm tuổi của mình như vậy chăng?

Vương Tâm

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文