Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

07:40 10/10/2005

Suốt cuộc đời Nguyễn Công Trứ xoay vần quanh chữ danh. Hăm hở đi học, hăm hở thi. Bao lần trượt lên trượt xuống nhưng lúc nào trong ông cũng hằn lên một câu hỏi lớn: "Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông".

Tôi đã gặp sắc thông xanh tịch lặng trời Thiên An trên đỉnh Ngự Bình xứ Huế, đã đứng im giữa ngàn thông lặng gió mà dông bão ở Côn Sơn, đã lay thức trước màu thông cao nguyên Đà Lạt. Giờ đây, tôi lại trèo lên vách đá cheo leo giữa trời Uy Viễn để được nghe… thông reo. Cả đồi thông vi vu trong gió. Lẫn trong tiếng thông reo dường như có lời chào cổ kính, một giọng cười phảng phất hơi men, tiếng sênh phách lùa vào bầu rượu. Và cây thông nào cũng sống thẳng vươn cao, biết cây nào là xá lợi Nguyễn Công Trứ đây?

Có lẽ để tìm thông-tiên sinh, ta dùng phương pháp "thi luận" là khả dĩ nhất. Sực nhớ và đi theo câu thơ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông, đến lưng chừng đồi, nơi gần tiếng suối nhất, tôi dừng lại. Cứ cái khí khái ngạo nghễ của người mà phỏng đoán. Tiên sinh vốn mê hát ả đào ắt hẳn linh hồn người chỉ ở quanh đây.

Mấy lần thăng giáng mấy lần nhục vinh

Xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ, lòng đầy hoài bão về sự nghiệp, ông hát vang bài ca chí nam nhi của mình. Năm 1819, khi đã 41 tuổi, ông đậu giải nguyên và bước vào chốn quan trường đầy sóng gió. Tham chính, ông giữ rất nhiều chức vụ nhưng không ở lâu, thậm chí trong cùng một năm thay đổi đến mấy chức vụ. Con đường hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ thật trầy trật, lên voi xuống lợn.

Bút tích của Nguyễn Công Trứ.

Trong 28 năm xênh xang mũ áo, trải qua bao chức danh như Hành tẩu Quốc sử quán, Biên tu Viện Hàn lâm, Tư nghiệp Quốc tử giám, Tham tán quân vụ,… chức cao nhất là Binh bộ Thượng thư, còn giáng và cách chức cả thảy đến 5 lần. Nhiều lần giáng phạt liền ba bốn cấp, có lần còn bị "trảm giam hậu" vì không thi hành chỉ dụ của triều đình, có lần bị vu cáo buôn lậu nên bị bắt làm lính thú lên trấn ở biên thùy Quảng Ngãi…

Cuộc đời làm quan, ông đã làm nhiều việc, có việc lợi, có việc hại nhưng trong thâm tâm ông bao giờ cũng đinh ninh một điều "Túi kinh luân từ trước để nghìn sau". Ông đã có lúc ra tay với phong trào nông dân khởi nghĩa nhưng thực ra ông không có ý thức làm một việc phản bội quyền lợi của nhân dân để bảo vệ chính quyền chuyên chế độc tài, bởi trong quan niệm cứng nhắc của người Nho giáo thì xã hội bao giờ cũng phải có tôn ti.

Ông ghét bọn tham quan ô lại và đề nghị triều đình trị tội nặng trong Sớ nói về tệ cường hào năm 1828. Thấy tình cảnh đói nghèo của dân chúng, ông chiêu tập và hướng dẫn nông dân khai phá một vùng đất đai rộng lớn ven biển lập nên hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình), đề xuất lập Nhà học dựng Xã thương để nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa… Một cách khách quan, trấn áp khởi nghĩa thì dân oán, khai đê lấn biển thì dân ơn nhưng tựu trung lại ông được dân yêu, yêu mến đến mức vua nghi ngại mà bác bỏ phần lớn những tấu, sớ của ông. Trải qua mọi cung bậc của cuộc đời, khi áo mũ cân đai lúc võng dù cờ quạt, mùi thế tưởng như nếm trải ngần ấy đủ.

Ngất ngưởng ca trù, phóng túng thơ

Theo tinh thần Nho giáo tích cực, Nguyễn Công Trứ ý thức sâu sắc về cuộc sống, chú ý nhiều đến các vấn đề xã hội và nhân sinh. Say sưa với những hình ảnh về sự nghiệp, tương lai, ông đem hết sức mình ra cải tạo cuộc sống nhưng cố gắng của ông không đem lại kết quả. Ông muốn phục vụ nhà Nguyễn thì nhà Nguyễn nghi ngờ, ông muốn làm người thanh liêm thì triều đình bắt tội, ông đề nghị cải cách thì không được chấp nhận.

Đã không tự khẳng định mình bằng con đường chính trị quân sự, bằng cách tân xã hội, Nguyễn Công Trứ muốn tự khẳng định mình là một kẻ ngông nghênh và tài tử. Người đời bon chen danh lợi thì ông lấy cái sành sỏi của mình trong việc ăn chơi để khinh bỉ họ. Âu cũng là một cách hơn đời!

Trước kia ngang tàng trong giấc mộng chí làm trai thì giờ đây ngất ngưởng trong cái thú của kẻ sĩ Bắc Hà. Không chỉ tiêu dao với thơ rượu địch đàn Thơ một túi gieo vần Đỗ Lý/ Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh/ Đàn Bá Nha gảy khúc tính tình tang/ Cờ Đế Thích đi về xe pháo mã mà có cả "hồng hồng tuyết tuyết" trong tiếng cắc tùng ở nhà cô đầu. Lăn lóc hát ả đào, ông viết nhiều bài ca trù đa tình ngất ngưởng, chẳng tiên mà chẳng tục, sinh động, giàu triết lý mà vui hóm, chảy vọt ra từ đời sống.--PageBreak--

Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã viết trên Tràng An báo số 107, năm 1943: "Trong thơ văn Nguyễn Công Trứ có một cái gì chưa từng có trong văn chương Việt Nam - một nguồn cảm hứng mau lẹ, quả quyết như một đội cảm tử. Cái thể ca trù nhờ phép thần của Nguyễn Công Trứ đã trở nên một thể cách hoàn toàn Việt Nam, rất thích hợp với những sự diễn xuất hùng mạnh… Tôi nhớ như có lần ông Huỳnh Thúc Kháng ví cái điệu thơ ấy với thủy triều, thật không phải là một lời nói vu vơ".

Ca trù vốn có tính cách Việt Nam ngay từ khi mới ra đời nhưng cái độc đáo trong nghệ thuật của Nguyễn Công Trứ chính là cái nguồn cảm hứng mau lẹ và lối diễn đạt phóng túng. Vì phóng túng Nguyễn Công Trứ mới không bó mình trong những thể thơ nghiêm ngặt mà tìm đến với ca trù và vì phóng túng mà ca trù của ông mới đa tình đến thế.

Trong lịch sử văn học dân tộc hiếm ai như Nguyễn Công Trứ, vừa viết được những câu ca trù hào hùng: Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc/ Nợ tang bồng vay trả trả vay/ Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển, vừa có được những câu hết sức khoan thai, réo rắt: Người ỷ ca réo rắt khúc cung thương/ Tiếng tiêu lẫn tiếng ca vang đáy nước/ Sực nhớ kẻ quày ngọn giáo vịnh câu thơ thuở trước/ Nghĩ sự đời mà cám nỗi phù du! Nhờ thế mà ca trù trong các hành viện được nâng lên thành một thể thơ dân tộc độc đáo.

Ngàn thông vi vút không chịu kém xanh trước khắc nghiệt của mùa, không uốn mình trước sức mạnh bão gió. Loài thông vốn khí phách mà. Dễ hiểu vì sao khi cảm thấy cô độc giữa xã hội ô trọc, Nguyễn Công Trứ đã tiên cảm về kiếp sau thành cây thông để mong được tự do, giữ được phẩm tiết của mình. Giờ đã 146 năm ở kiếp thông rồi...

Lê Bảo Âu Long

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文