Miền chầu văn

08:02 23/01/2017
Tôi sinh ra ở Nam Định - cái nôi của những làn điệu chầu văn nức nở, của những đêm hầu bóng xập xòe. Thuở nhỏ, tôi theo bà lên đền Cửa xem hầu bóng. Bà tôi mặc bộ lụa trắng, trong vai  người hầu dâng chuyên thay khăn áo, cài trâm hoa cho thanh đồng khi chuyển từ giá này sang giá khác. Bà Bích chị dâu của bà tôi là một bà đồng chính hiệu chuyên hầu thánh mẫu mỗi dịp ngày rằm, mùng một, tiệc quan, tiệc cô, tiệc cậu. 


Dạo trước, bà Bích tự nhiên lúc khóc, lúc cười, rồi lang thang đường thôn, ngõ xóm, tóc xõa ra vừa đi vừa múa hát như Xúy Vân giả dại. Đi xem thì thầy phán, bà Bích căn cao, số nặng lắm, nên phải đi hầu thánh mẫu mới hết bị "thánh quở, mẫu trách".

Một buổi hầu bóng thường được chuẩn bị rất công phu từ nhiều ngày trước. Nào là các đồ cúng lễ như xôi oản, hoa quả, vàng mã. Hoa phải là loài hoa thật ngát như hoa huệ, hoa ly, hoa hồng, quả phải là loại quả thật thơm như quả thị, quả bưởi, quả chuối, xôi phải là thứ xôi nếp cái hoa vàng trộn gấc khi đồ chín tỏa năm gian nhà, ba gian bếp.

Gà phải là con gà trống đang gáy, mào đỏ, chân vàng, chưa thiến lần nào. Không như đồ đi lễ chùa của mẹ tôi, thanh khiết và đạm bạc hơn nhiều. Nào là khăn chầu, áo ngự, thứ nào thứ ấy lấp lánh, mượt mà, óng ả. Và không thể thiếu phấn son và một lọ nước hoa đầm xòe nắp đỏ, bên trong đựng thứ nước màu rêu ngõ, thơm sực nức. Nước hoa được bà đồng xức trước khi khấn mời thánh nhập, và khi chuyển giá đồng.

Một chương trình biểu diễn hát chầu văn “Tứ Phủ”.

Tính tôi rất cả thèm chóng chán, cứ đi đâu một lúc là nằng nặc đòi về. Nhưng hễ đi với bà xem lên đồng là tôi ngồi yên, lạ thế. Tôi tựa lưng vào cột lim đen bóng, tay cầm oản lộc, vừa ăn vừa xem mê mải. Hết giá chầu đến giá quan, hết giá cô sang giá cậu.

"Buồn ngủ mấy, cứ nghe hát chầu văn là thằng này tỉnh như sáo" - bà tôi bảo thế. Những bà chầu múa lửa xòe hoa, những ông quan cưỡi ngựa vung kiếm, những cậu hoàng uống rượu hút tẩu, những cô đôi gùi măng gánh lụa đã khơi niềm thích thú, gợi nỗi ám ảnh trong tôi suốt một thời thơ ấu.

Bà Bích thắp năm nén hương trầm, tay xòe quạt lông gà, ngồi trên ghế mây nhai trầu bỏm bẻm, quết trầu đỏ thắm như hoa trên làn môi cắn chỉ đang lầm rầm cầu khấn, đại ý đã nhất tâm về bái yết cửa cha cửa mẹ, thần tam tứ phủ, cúi xin phật thánh thương xót giáng đền giáng phủ, xe loan giá ngự, chấp lễ chấp bái, chứng minh công đức, giáng phúc lưu ân cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình, muôn nhà được hưởng ấm no hạnh phúc.

Khói hương trầm ngan ngát uốn cong cổng tam quan, ngấm sừng cột lim bóng, nhuộm son ngói mũi hài, mài vẹt mảnh trăng non. Bà tôi trùm lên đầu bà Bích một cái khăn nhiễu đỏ thêu rồng phượng, bà Bích lắc lư một lúc rồi lấy tay hất chiếc khăn ra. Các bà hầu dâng vội vã vấn khăn, thay áo cho bà đồng bước vào giá đầu tiên. Bà Bích múa dẻo lắm, tôi có cảm giác nghệ sĩ múa bây giờ không ai múa dẻo bằng bà Bích nhập đồng ngày ấy. Cung văn kẻ đàn, người hát.

Đàn nguyệt, trống, thanh la, kèn bầu, sênh, phách… nổi lên rộn ràng, náo nức như mưa rào đầu hạ. Lời chầu văn da diết kể về sự tích và ca ngợi công đức của các bậc thánh mẫu đã đi vào huyền tích, mở ra cảnh đẹp của núi sông gấm vóc nơi thánh mẫu cai trị, vân du cùng những lời khẩn cầu của con nhang đệ tử trong lời văn mong thánh mẫu "chứng" cho lòng thành của bách gia trăm họ.

Và bao giờ cuối mỗi bài chầu văn cũng là câu "Xe loan thánh giá hồi cung" ngân lên như một lời tiễn giá hầu cũ đã hồi cung và đón một giá hầu mới về ngự đồng.

Tôi thích nhất là màn phát lộc, lộc chỉ là cái kẹo, chiếc bánh, phẩm oản, tiền lẻ nhưng ai cũng mong được chút lộc "thánh ban". Bà đồng đội mâm lộc, ném cho người gần, tung cho người xa. Tiền lẻ bay lả tả như vòm cây mùa thu đồng loạt trút lá.

Con nhang đệ tử nhận được đều chắp tay vái lạy thánh mẫu đã ban lộc. Tôi cũng vỗ tay theo lời hát, và nói đế theo mấy người cung văn: "Tấu lạy cô, cô đẹp quá, cô duyên dáng quá". Bà Bích được cô đôi Cam Đường nhập đồng giáng lâm trước án đang gánh lụa chỉ vào tôi: "Ban khen cho họ Hoàng nhé!". Tôi nghe thấy thế, cười tít mắt.

Mỗi lần xong buổi chầu, thể nào trong túi quần, túi áo tôi cũng đầy kẹo bánh, chia cho mấy đứa bạn hàng xóm khiến đứa nào cũng ước giá như bà nó cũng biết…lên đồng thì thích nhỉ, tha hồ mà ăn kẹo bánh.

Bà Bích bảo với bà tôi là tôi có căn, có số đấy, cứ nhìn nó thì biết, con trai mà mắt ướt như sương, môi hồng như cánh sen thế kia. Sau này phải đi "làm việc" thánh đấy. Biết chuyện, mẹ tôi lo quá giữ tịt tôi ở nhà không cho đi xem hầu đồng cùng bà nữa. Nhưng mỗi lần bà đi là tôi ngó trước canh sau rồi trốn lên đền với bà.

Thấy tôi cứ mê mẩn thế, bà Bích với bà tôi sắm cái lễ "khất đồng" cho tôi. Khất đến bao giờ thì tôi không biết, nhưng bây giờ mỗi lần đi lễ đền mà thấy người ta lên đồng là tôi lại sà vào xem với một niềm háo hức lạ kì. Sau này biết làm thơ tôi đã từng viết trong bài "Dâng văn quan Hoàng Bảy" những câu thế này:

"...Tam quan chiếc lá vừa rơi
Đỏ như ai nhuộm mấy lời chầu văn
Thôi thì có số có căn
Con xin khất nợ váy khăn hầu đồng..."

Như một mối lương duyên, tôi đi xa quê hương Nam Định và lên công tác tại Bảo Yên, một huyện cửa ngõ của vùng biên giới Lào Cai. Nơi đây có đền Bảo Hà thờ quan Hoàng Bảy bên bờ sông Hồng trăng vàng gió lộng.

Mỗi ngày rằm, tôi chở mẹ vợ đi lễ đền lại được thưởng thức "bữa tiệc" chầu văn dù rằng ngắn chẳng tày gang nhưng nhắc tôi nhớ về một tuổi thơ theo bà lên đền hầu thánh xin lộc. Những làn điệu chầu văn cứ trở đi trở lại trong thơ tôi như một mảng màu kí ức rực rỡ không thể phai nhòa.

Tôi nương theo, vịn vào những làn điệu chầu văn bùa mê ấy để vững bước trên đường đời, để tin tưởng vào cõi người còn nhiều điều tốt đẹp như bà tôi, bà Bích tin vào thánh mẫu đã chở che để đi qua tháng ba ngày tám nhọc nhằn.

Tiếc rằng bây giờ nhiều người lợi dụng việc hầu bóng để hành nghề mê tín dị đoan, hoặc sùng bái quá mức dẫn tới hao tiền tốn của, tan cửa nát nhà. "Tu nhà mới ra tu chùa", người xưa dạy có sai chút nào.

Bà tôi, bà Bích đã đi xa và mang theo món nợ của tôi về miền tam tòa thánh mẫu. Món nợ hầu bóng mà suốt đời này tôi không bao giờ trả được. Thì chầu văn ơi, con xin tấu khúc dâng người...

Hoàng Anh Tuấn

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文