Một đời đào hoa và nỗi cô đơn tột đỉnh

13:18 16/12/2017
Trong giới văn nghệ sỹ, không hiếm những người đào hoa. Nhưng có quá nhiều bóng hồng lượn lờ vây quanh thế nào mà đến phút chót của cuộc đời, ở khoảnh khắc lâm chung lại không có một ai ở bên như người nhạc sỹ trong bài viết này thì quả là quá ngậm ngùi...


Vâng. Ông là Vũ Ngọc Quang (1940 - 2013) – một nhạc sỹ không xa lạ với công chúng, đặc biệt là những ai yêu thích sân khấu chèo và cải lương, bởi không thể không biết đến nhiều bài hát từ những vở diễn ấy do hay mà đã bay ra cuộc đời trở thành những ca khúc độc lập: "Anh yêu em như yêu câu ví dặm", "Khát vọng tình yêu", "Hát câu quan họ", "Tình yêu đến"…

Có thể nói hầu hết những bài hát được công chúng biết đến của Vũ Ngọc Quang đều là những khúc hát trong các vở diễn trên sân khấu. Ông là một nhạc sỹ rất có duyên với sân khấu do được nhiều đạo diễn mời làm nhạc cho vở họ dàn dựng suốt từ Nam chí Bắc. Có lần tôi dự một hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc thấy có tới gần 10 vở có phần âm nhạc của ông. Đủ thấy ông có sức làm việc, bút lực sung mãn ra sao.

Tính sơ sơ, cho đến cuối đời, con số tác phẩm sân khấu ông viết phần âm nhạc tới cả trăm, trong đó có nhiều vở nổi tiềng như: "Nàng Si–ta", "Mùa hè ở biển", "Dòng sông ám ảnh", "Vụ án một vương phi"… Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho một số phim truyện ("Kỷ niệm đồi trăng", "Số đỏ", "Đôi dòng sữa mẹ", "Lá ngọc cành vàng"…).

Người yêu nhạc biết đến Vũ Ngọc Quang từ khi ông còn khá trẻ. Năm 1966, lúc 26 tuổi, ông đã có bài hát khá nổi tiếng nhan đề "Bài ca đảo Bạch Long Vĩ" (Tôi gửi lời ca về đảo xa khơi/Nghe sóng biển reo dạt dào đã mười năm rồi/Quê hương ta đó hải âu cánh trắng/Tung cánh bay lượn trên sóng dập dờn…).

Thời gian này Vũ Ngọc Quang làm diễn viên hát kiêm đánh ghi-ta ở Đoàn Ca múa Hải Phòng. Bẵng đi khá lâu, tôi không thấy tên ông xuất hiện gắn với những ca khúc mà sau đó là hàng loạt vở diễn trong lĩnh vực sân khấu có tên ông ở phần âm nhạc như đã nói. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hải Phòng vào năm 1980, tình cờ quen biết ông.

Ngay phút đầu, chúng tôi đã trở nên thân quen để sau đó thành bạn thân thiết của nhau, tuy ông hơn tôi trên 5 tuổi. Từ đây, tuy người ở Hải Phòng, kẻ Hà Nội nhưng chúng tôi hầu như không tháng nào là không gặp nhau vì ông luôn lên “làm ăn” ở Hà Nội và tôi do có “chuyện riêng tư” mà cũng phải thường xuyên có mặt ở Hải Phòng. Là người cực kỳ nghệ sỹ, phóng khoáng, ông nói tôi cứ về nhà ông ăn, ngủ. Nhưng phần vì ông đâu chỉ có một mình mà luôn có một người đẹp kè kè bên cạnh và tôi cũng còn có thêm “cái đuôi” nên việc này không thể xảy ra.

Ông tỏ sự ái ngại cho tôi không có nơi tá túc nên mỗi lần về chỉ có thể gặp người cần gặp vài tiếng đồng hồ rồi phải ra ga trở lên Hà Nội ngay. Ông bèn mời tôi đến nhà trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy. Tất nhiên là cả ông và người ông giới thiệu là “vợ” tạm thời “sơ tán” trong khoảng thời gian này.

Về sau, cứ lâu lâu, có khi sau mấy tháng, cũng có khi cả năm, gặp lại Vũ Ngọc Quang, tôi hỏi thăm tình hình của ông thì được biết ông lại “cô đơn” vì “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” (lời một bài hát của Trịnh Công Sơn). Lúc ông ở Hải Phòng cũng như khi đã lên Thủ đô làm việc ở Đoàn Chèo Hà Nội, gần như lần nào đến chơi với ông, tôi đều gặp một người phụ nữ. Họ đều ít hơn ông nhiều tuổi và khá xinh đẹp (Tất nhiên! Không đẹp làm sao có thể là bạn thân của nhạc sỹ). Có nhiều cô còn kém tuổi con út của ông. Và ông đều giới thiệu là “bà xã”.

Ông mời tôi ở lại ăn cơm. Cứ nhìn vào cái cách các người đẹp tiếp tôi thì họ, nếu không phải là vợ - với nghĩa có đăng ký kết hôn – cũng là “người tình trăm năm” gắn bó mật thiết. Và Vũ Ngọc Quang cũng tỏ ra rất vừa ý về họ (có vẻ rất xoắn xuýt, mặn mà). Ấy vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau – có khi chưa đến một năm, ông thông báo với tôi là đã hát bài “Chia tay hoàng hôn”.

Hỏi lý do, ông chỉ nói ngắn gọn: “Không hợp”. Lại hỏi: “Sao? Lúc đầu vừa ý lắm kia mà?”. Trả lời: “Lúc đầu thì vậy. Nhưng về sau, khi chung sống mới lộ ra lắm vấn đề”. Chỉ một vài năm trước ngày Vũ Ngọc Quang vĩnh viễn ra đi, ông còn a-lô giục tôi đến chơi vì ông đã rời chỗ ở từ phố Quán Sứ - gần nhà nhạc sỹ Xuân Oanh – đến phố Mai Hắc Đế hay Triệu Việt Vương gì đó. Tôi hỏi ông đang sống với ai – vì trước đó ông đã “nghỉ giải lao” khá dài trong chuyện này.

Ông kể đang sống với một người rất vừa ý. Vậy mà không hiểu sao lúc nhắm mắt xuôi tay, qua bè bạn kể lại, đã chẳng có một ai ở bên cạnh. Vậy người mà ông nói đang chung sống rất ưng ý chỉ một thời gian ngắn trước đó đâu? Chắc lại đến lúc “không hợp” cũng nên. Bởi ngày ông qua đời – 21/5/2013 – tôi đang ở rất xa Hà Nội. Mấy tháng sau, về, mới biết ông đã qua đời.

Nhạc sỹ Vũ Ngọc Quang trước ngày qua đời không lâu.

Sửng sốt, thương tiếc một người bạn vong niên tài hoa, giàu năng lực sáng tạo và rất chân thành với bạn bè, tôi hỏi thăm nhà ông để đến thắp hương, nhìn di ảnh của ông một chút, thì người ta cho biết: “Có còn ai ở đó nữa đâu mà đến”. Vậy là lúc ông qua đời, chỉ có một mình mặc dù cả đời có lẽ phải có tới trên một chục người từng là “bà xã”.

Bạn bè kể lại: Ông bị đột quỵ, phải đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu gấp. Sau 2 ngày thì tắt thở. Đám tang của ông chỉ có các anh chị em Nhà hát Chèo Hà Nội - nơi ông làm việc trước lúc về hưu - và bạn bè trong giới âm nhạc, sân khấu, điện ảnh đưa tiễn. Chẳng thấy bóng dáng một người đẹp nào với tư cách là vợ hoặc người gắn bó Tấn - Tần.

Có thể nói Vũ Ngọc Quang vừa tài hoa lại tài ba. Một người như ông quả không dễ có. Ông sáng tác nhạc, lại tự phối khí tốt cho ca khúc của mình. Ông chơi đàn ghi-ta như một ghitarite (người độc tấu đàn ghi-ta). Ngoài ra, ông là một trong những người đầu tiên có phòng thu âm và chép nhạc trên máy tính thành thạo. Đóng góp cho âm nhạc, sân khấu và điện ảnh đáng kể nhưng Vũ Ngọc Quang không có bất cứ một danh hiệu nào.

Ông có một triết lý sống không phải ai cũng có thể thực hiện: Mình luôn là mình. Mọi danh hiệu, hình thức không mấy ý nghĩa. Làm việc hết mình, có hiệu quả, được bạn bè ghi nhận và các người đẹp ưu ái là niềm hạnh phúc lớn, không gì có thể thay thế. Không ít người “dị ứng” với cuộc sống của Vũ Ngọc Quang, cho là trai gái lăng nhăng. Nhưng cần thấy ông không vi phạm pháp luật vì chỉ quan hệ với những người đẹp đang tự do (hoặc chưa có chồng, hoặc đã ly hôn) và bản thân ông cũng đang tự do. 

Khi đang sống với ai đó, gặp cô nào xinh đẹp, đương nhiên là trái tim ông cũng rung động một cách rất tự nhiên nhưng chỉ thầm kín cất giữ trong lòng mà không thể phô diễn vì đang có một người liên quan ở bên. Vậy nên không ít người tỏ ra thông cảm với Vũ Ngọc Quang khi họ nói: “Cái số anh ấy thế. Luôn vướng vào phụ nữ nhưng không vi phạm pháp luật, chẳng tranh vợ ai. Đang tự do mới yêu. Và cũng chẳng làm khổ ai. Vì toàn người ta bỏ anh ấy trước. Cũng do đào hoa như thế mà anh ấy làm việc không biết mệt mỏi và đạt nhiều hiệu quả. Con người ấy không bao giờ già. Đến lúc đã ngoài 70 tuổi mà nhiều người đoán mới chỉ hơn 60”. 

Thật vậy, trước ngày qua đời, Vũ Ngọc Quang vẫn còn làm việc rất hăng say, không mảy may có biểu hiện già yếu. Nhiều người kém ông hàng chục tuổi vẫn không thể sánh kịp. Ngay sát ngày qua đời chỉ vài hôm, ông còn có kế hoạch thu phần âm nhạc cho một vở diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội. Đến giờ thu theo hẹn, đợi mãi không thấy Vũ Ngọc Quang, mọi người gọi điện thoại mới biết ông đột quỵ, phải vào bệnh viện cấp cứu.

Tài hoa, sống chân thành, tốt với mọi người, có nhiều đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật, một đời dập dìu giai nhân mà đến phút lâm chung, tất cả các bóng hồng đều vắng, để một mình người nhạc sỹ dễ thương phải lặng lẽ ra đi một cách cô đơn. Âu cũng là cái “số” của Vũ Ngọc Quang vậy.

Nguyễn Đình San

Tại Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí định kỳ tháng 4/2025, Chi Cục Thuế khu vực 13 (trước đây là Cục thuế tỉnh Lâm Đồng) đã có thông tin chính thức về việc bị Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Đà Lạt tố cáo đoàn thanh tra của đơn vị có hành vi giả mạo trong công tác, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp này.

Công an TP Hà Nội ngày 14/4 cho biết, xuất phát từ nhu cầu làm visa để đi nước ngoài ngày càng tăng cao, nắm bắt được điều này, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự cả tin của người dân để thực hiện các chiêu trò lừa đảo bằng thủ đoạn cài đặt phần mềm "làm Visa online".

Một nhóm gần 80 thanh niên, có độ tuổi từ 15 đến 30 đến từ tỉnh Đắk Lắk và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông rủ nhau tụ tập đến khu vực đồi thông tại Đắk Nông "sống ảo" và có những có hành vi nẹt pô, gây mất an ninh, trật tự vừa bị lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, xử lý.

Nhân dịp Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4/2025, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng trước đây), Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc về chuyến thăm và quan hệ hai nước.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, tại các nghĩa trang lặng gió ở Hà Nam, hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính vẫn nằm lặng lẽ như đang chờ một tiếng gọi, một bàn tay chạm vào ký ức. Giờ đây, hành trình đi tìm lại tên cho các anh hùng liệt sĩ được thắp lên bằng ánh sáng của dữ liệu, bằng trí tuệ và trái tim của những người chiến sĩ Công an tỉnh Hà Nam trong thời bình. Đó là lời tri ân sâu sắc với quá khứ và cũng là ngọn đuốc soi đường dẫn lối để chúng ta bước tiếp đến tương lai với đầy đủ niềm tin, đạo lý và nghĩa tình…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文