Một già làng Tây nguyên trong âm nhạc
Người Hà Tây (cũ) hầu như không ai không biết một bài hát rất nổi tiếng: “Bóng chiếc thoi đưa, ánh mắt lung linh. Trời đất Hà Tây tay ai dệt lụa. Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng khu Cháy. Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vân...”. Đó là bài “Hà Tây quê lụa” của cố nhạc sỹ Nhật Lai.
Có thể nói đây là một trong những bài hát hay nhất viết về các địa phương. Từ khi ra đời và trở nên nổi tiếng, bài hát mặc nhiên được coi là tỉnh ca (bài hát truyền thống của tỉnh). Khi chưa sáp nhập về Hà Nội, bài này là nhạc hiệu của Đài PT&TH Hà Tây.
Liên quan đến Hà Tây, Nhật Lại còn một bài hát nữa cũng rất quen thuộc với người dân nơi đây – “Bài ca anh Hồ Giáo” viết về người anh hùng trong lĩnh vực nông nghiệp: “Bạn hỡi thuở xưa tiếng khèn pi. Mây suối lắng nghe phải ngừng trôi. Con thú ngẩn ngơ quên rừng núi...”.
Nếu người Hà Tây coi Nhật Lai như là người con của quê hương mình thì người Quảng Bình cũng rất yêu quý nhạc sỹ bởi ông có một bài thật đáng yêu: “Bài ca bên sông Nhật Lệ” ra đời trong những tháng năm hào hùng nhất của mảnh đất nhiều cát trắng này: “Kể ta nghe Nhật Lệ sông ơi. Những chiến công tô thắm tên người...”.
Cố nhạc sỹ Nhật Lai. |
Mấy bài hát vừa nhắc ở trên rất quen biết đối với công chúng yêu âm nhạc cả nước. Nhưng tên tác giả - Nhật Lai – thì không hoàn toàn thân thuộc giống như nhiều nhạc sỹ khác. Thậm chí có người tác phẩm thì chỉ tầm tầm, thường thường bậc trung, không thể so được với Nhật Lai mà tên tuổi lại nổi hơn. Âu đó cũng là chuyện giống như số phận của con người vậy. Và cuộc đời, nhân thân của ông lại càng không nhiều người biết.
Nhật Lai sinh ngày 12/5/1931, quê ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên với tên khai sinh là Nguyễn Tuân. Trông anh rất giống người Nhật nên đám bạn bè vẫn gọi là Nhật lai (lai người Nhật). Thế là đến khi sáng tác, ông lấy luôn cái tên này và khi trở thành nhạc sỹ gắn với nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong giới nhạc, chẳng còn ai biết cái tên cha mẹ đặt lúc ra đời mà chỉ biết Nhật Lai (“Lai” từ đó phải viết hoa). Ông có người em ruột là nhà thơ Nguyễn Mỹ với bài thơ nổi tiếng “Cuộc chia ly màu đỏ” thế hệ thanh niên thời chống Mỹ không ai không biết, nhiều người thuộc làu.
Nghe một số bài hát cũng rất nổi tiếng viết về Tây Nguyên của Nhật Lai như “Chim Poong-kle”, “Cánh chim lạc đàn”, “Mặt trời Ê-đê”, “Tiếng hát Mơ-nông Ti-bri”..., đặc biệt là vở nhạc kịch (opéra) “Bên bờ Krông-pa”, nhiều người nghĩ ông sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên. Vở nhạc kịch này là một tác phẩm thanh nhạc đồ sộ, ngang tầm với hai vở cùng thể loại của Đỗ Nhuận là “Cô Sao” và “Người tạc tượng”.
Lần đầu tiên tiếp xúc với Nhật Lai ở Hà Nội, nghe ông nói tiếng Nam Trung Bộ, lại không có vẻ gì là người vùng đất đỏ ba-zan, tôi có ý thắc mắc vì sao ông lại có những bài hát về Tây Nguyên và vở nhạc kịch hay như thế thì được biết: Lớn lên, ông nghe người ta nói nhiều về Tây Nguyên, trong đầu tưởng tượng ra một vùng đất đầy bí ẩn và kỳ thú, ông đã lên đây tham gia kháng chiến.
Tại đây, Nhật Lai đã sinh hoạt, ăn, ở như một người bản địa thực thụ. Ông chịu khó đắm mình vào cuộc sống của bà con các buôn, rẫy, tham gia các sinh hoạt văn hóa, lễ hội... và đã dần nói thành thạo được tiếng của nhiều dân tộc như Ba-na, Ê-đê, Gia-rai, Mơ-nông. Đặc biệt, ông có tài săn bắn khiến các tay súng thiện xạ phải bái phục.
Nhật Lai có người ông ngoại là thày dạy nhạc trong cung đình Huế, lại có nhiều người cậu chơi thành thạo nhiều nhạc cụ cổ truyền nên đã thấm những chất liệu này từ nhỏ. Với tình yêu dân ca sẵn có, lên Tây Nguyên, ông lao vào công cuộc sưu tầm, nghiên cứu dân ca các dân tộc nơi đây và là người đầu tiên khai thác một cách công phu nhất.
Tất cả những người sau này tìm hiểu dân ca Tây Nguyên không thể không nghiên cứu, tham khảo những bước đi ban đầu nhưng rất kỳ công của ông. Trong giới nhạc sỹ Việt Nam, hỏi ai là người am hiểu về Tây Nguyên nhất, sáng tác về vùng đất này được nhiều và hay nhất, câu trả lời sẽ là: Nhật Lai.
Nhật Lai với “chiến lợi phẩm”trên tay trong một lần đi săn. |
Tôi không nhớ cụ thể ngày tháng năm nào nhưng nhớ rất rõ cái lần đầu tiên gặp và tiếp xúc với Nhật Lai tại 51 phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) – nơi có trụ sở của nhiều Hội nghệ thuật trong đó có Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Đó là khi nước ta chưa được thống nhất, Nhật Lai vẫn còn ở Hà Nội. Hôm đó, đến Hội Nhạc sỹ, tôi thấy một người đàn ông trông cù mỳ, cũ kỹ, ăn mặc rất giản dị đến xuềnh xoàng, chẳng có chút vẻ gì là văn nghệ sỹ, càng không nhạc sỹ.
Lúc đầu tôi cứ nghĩ một ai đó ở các địa phương hay cơ quan, đoàn thể nào đó đến đặt vấn đề mời các nhạc sỹ đi thâm nhập thực tế để sáng tác bài hát cho đơn vị họ (việc này thường xuyên diễn ra ở Hội Nhạc sỹ khi ấy). Sau đó mới biết đó là Nhật Lai.
Tôi đã nghe danh ông từ lâu, lại thuộc hầu như gần hết những ca khúc đã nhắc tới ở trên, đặc biệt là bài “Hà Tây quê lụa” tôi vẫn hay hát mỗi lần liên hoan văn nghệ thời còn là sinh viên. Rất muốn làm quen, nhưng tôi ít nhiều ngần ngại thì được cố nhạc sỹ Đàm Linh – nguyên Phó Tổng thư ký Hội NSVN cho biết: “-Trông hắn thế nhưng tốt, có tài và dễ gần. Khi đã thân quen thì hắn chân tình và cởi mở”. Thế là tôi tiếp xúc được với Nhật Lai.
Thấy tôi thuộc nhiều bài của mình, ông trở nên quý mến và đúng như Đàm Linh nói, ông cởi mở và thân mật. Bên trong con người trông có vẻ như một cán bộ tổ chức là cả một thế giới nội tâm phong phú và thú vị. Đến khi thân thiết hơn, tôi tò mò hỏi: “-Bà xã của anh chắc là người Tây Nguyên và xinh đẹp lắm?”. Ông chỉ cười và lắc đầu.
Tôi lại hỏi: “-Không phải là vợ thì hẳn là anh phải có một tình yêu rất đẹp với một cô gái Tây Nguyên trong đời?”. Nhật Lai lại lắc đầu nhưng lần này thì hỏi lại tôi: “-Vì sao cậu có ý nghĩ như vậy?”. “-Vì em thấy lúc còn rất trẻ anh đã viết được những bài hát quá hay về Tây Nguyên, lại sống nhiều năm ở đó. Thường thì từ tình yêu cụ thể nào đó, người ta dễ viết nên những giai điệu tuyệt vời”.
Ông cho biết đó chưa phải là những sáng tác sớm nhất trong đời mà bài hát đầu tay ông viết lúc mới 17 tuổi có tên “Chiều trên cầu Bồng Sơn”. Và ông tiết lộ: Có hai đời vợ. Vợ đầu tiên có cái tên rất hay: Châu Ngọc Lệ, người Khơ-me, là diễn viên múa. Trong bản giao hưởng “Đất lửa” viết sau khi chị qua đời, Nhật Lai đã dành hẳn một chương viết về người vợ yêu dấu của mình mang tên “Nước mắt viên ngọc”. Đúng nghĩa của ba tiếng “Châu Ngọc Lệ”. Sau một thời gian, ông gặp và kết hôn với người vợ thứ hai tên Hồ Thị Kha Y người Vân Kiều, là ca sỹ.
Tôi nghĩ bụng: Ông nhạc sỹ này quả là đào hoa. Lấy hai người vợ thật đặc biệt, độc đáo, đều là nghệ sỹ, đều là người dân tộc. Chắc mỗi nàng sẽ có một phong vị riêng, lạ và độc đáo đây. Từ người vợ đầu tiên là diễn viên múa, ông viết được phần âm nhạc rất hay cho điệu múa “Rông chiêng” nổi tiếng, trở thành tác phẩm múa cổ điển của Việt Nam, không diễn viên múa nào thời nay không biết. Từ người vợ thứ hai dân tộc Vân Kiều, ông viết tác phẩm khí nhạc “Vũ khúc Tây Nguyên” và nhạc kịch “Bên bờ Krông-pa” để đời. Hẳn là ở nơi suối vàng, hai người phụ nữ đều tài sắc song toàn này mãn nguyện lắm!
Nhật Lai qua đời năm 1987, khi mới 56 tuổi. Quá đáng tiếc cho một tài năng âm nhạc phải tắt sớm khi đang ở độ tuổi sung sức nhất đối với người sáng tác. Năm 2002, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
10 năm sau – 2012 – tại quê hương ông ở huyện Tuy An (Phú Yên), diễn ra một đêm thơ, nhạc vô cùng cảm động tôn vinh sự nghiệp hoạt động và sáng tác của hai anh em Nhật Lai – Nguyễn Mỹ. Tình cờ, tôi được hân hạnh có mặt trong buổi này, chứng kiến sự hâm mộ, yêu quý của công chúng dành cho hai nghệ sỹ cách mạng.
Thật thú vị, trong đêm này, một Việt kiều ở tuổi ngoài 70 là khách “không mời mà đến” đã đề nghị được lên sân khấu hát mấy bài về Tây Nguyên của Nhật Lai. Thì ra người Việt kiều này hồi trẻ đã từng sống nhiều năm ở Tây Nguyên, rất thích mấy bài hát này. Ông đồng hương với Nhật Lai, đang định cư ở Mỹ, đúng lúc về thăm quê ở Tuy Hòa thì biết có đêm thơ, nhạc này nên đã tìm đến dự.
Trong lời tự giới thiệu, vị khách là ca sỹ nghiệp dư này nói: “-Nhật Lai cùng quê với tôi. Tuy không sinh ra ở Tây Nguyên nhưng nhạc sỹ đã rất am hiểu mọi phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Và tuy lúc sống ở Tây Nguyên ông còn trẻ nhưng tôi nghĩ chẳng khác gì một già làng vậy”.