Mùa anh đào ở Côn Đảo

08:00 26/02/2015
Những ngôi nhà thành chấm nhỏ xíu, mây trắng bồng bềnh. Chẳng biết tại không quen với độ cao hay lần đầu tiên ghé thăm Côn Đảo mà tôi nôn nao. Đảo hiện ra, một màu xanh nhấp nhô. Côn Đảo mùa này không lạnh mà mát, khí mát dịu nhẹ. Dọc đường từ sân bay Cỏ Ống về thị trấn, nhà dân thưa thớt, chỉ có biển, vách đá hoang sơ, những loài cây xứ biển và một màu hoa lạ khoe sắc…

Anh Nguyễn Văn Trà, Phó hạt trưởng Vườn quốc gia Côn Đảo bảo rằng đó là hoa anh đào Côn Đảo. Chúng có ba màu: trắng, vàng, hồng phấn. Hoa anh đào ở đây thật đặc biệt, mặc dù nở thành từng chùm, rộ cả cây nhưng nhìn kỹ, đóa hoa tựa hồ như hoa đậu chứ không hề có cánh đơn như họ anh đào thông thường. Hoa anh đào thường, cánh mỏng nhẹ, chỉ cần một cơn gió thoảng qua, cánh đã lả tả rơi. Tự hỏi, có phải mang hình dáng của hoa đậu, cánh cứng cáp mà hoa anh đào Côn Đảo bao năm nay vẫn kiêu hãnh khoe sắc, tỏa hương giữa cơn gió biển lồng lộng mặn chát vị muối.

Người ta bảo ở Côn Đảo, người chết nhiều hơn người sống, bởi cư dân của đảo chỉ khoảng 7.000 người trong khi có hơn 2 vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã ngã xuống. Xe lăn bánh chầm chậm, anh Trà khe khẽ ngâm: "Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ".

Ai đó nói nhỏ vào tai tôi, ở Côn Đảo đừng bước mạnh, để linh hồn của các anh yên nghỉ dưới lòng đất mẹ. Vậy nên nơi đây, bước chân ai cũng khẽ khàng. Con đường vào thị trấn hiện ra những nhà tù, chuồng cọp, cầu tàu 914, khu chuồng bò - chứng tích tội ác của giặc đen xỉn màu rêu.

Tôi đến Côn Đảo nhân dịp Đoàn đại biểu Bộ Công an làm lễ kỷ niệm 63 năm ngày giỗ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Những ngày rằm, ngày giỗ chị Võ Thị Sáu, số lượng người đến Côn Đảo tăng cao. Họ về đây như một địa chỉ tâm linh, một địa chỉ tỏ lòng biết ơn với những người đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Rất nhiều giai thoại nói về sự linh thiêng của chị Sáu. Trong căn nhà của mỗi người dân nơi đây đều thờ chị. Họ coi chị như một vị Thánh bất tử, thành kính gọi là Cô Sáu. Người dân mỗi lần cần hứa, thề một điều gì, thay vì nói "Tui thề có trời đất chứng giám" thì họ nói "Tui thề có Cô Sáu chứng giám".

Đoàn đại biểu Bộ Công an dâng hương, hoa tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Anh Lê Hồng Doãn, cũng là Phó hạt trưởng Vườn quốc gia, tâm sự rằng khi đến Côn Đảo, anh coi như mình là người may mắn. Gắn bó với nơi đây, những câu chuyện, bài học yêu nước, biết ơn về những anh hùng liệt sĩ ngày nào trên sách vở giờ anh mới thấm thía. Đi qua những chứng tích, mặc niệm trước nấm mồ tập thể, nghe bà con nơi đây kể chuyện… anh hiểu thế nào là hy sinh, là niềm tự hào. "Ngày lễ hay ngày giỗ của chị Sáu, không ai bảo ai, đúng 6h30 người dân đến Nghĩa trang Hàng Dương thắp hương rồi làm vệ sinh, lau dọn các ngôi mộ. Đó là một thói quen của người dân nơi đây mà tôi rất ngạc nhiên, trân trọng".

Câu chuyện của anh Doãn khiến tôi nhớ tới một câu chuyện khác của thành viên trong đoàn:  đêm, thanh thiếu niên nơi đây đi dạo trong thị trấn, rồi rẽ Nghĩa trang, họ đi tựa như người ta đi chơi công viên, chỉ khác trên tay không phải quà bánh mà là một bó hương. Khi đã thấm mệt hoặc trời đã về khuya, người ta đến thắp hương trên mộ Cô Sáu rồi về.

Nghĩa cử đó không phải chỉ hiện hữu trong những ngày lễ mà ngày nào cũng thế. Nơi đây, họ coi chị Sáu như người thân của mình. Người nữ Công an ấy hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Nếu bây giờ còn sống hẳn chị đã là bà lão 80 tuổi. Nhưng trong lòng người dân Việt, chị mãi mãi ở lứa tuổi 19, trong trẻo, xinh đẹp và đầy anh dũng, kiên cường. Trong gian Nhà tưởng niệm chị Võ Thị Sáu, ngoài các vật lễ như hoa quả, còn có những tủ kính chứa hàng trăm bộ áo dài thiếu nữ. Rồi còn có những đôi bông tai, vòng cổ, vòng tay, nơ kẹp tóc, gương lược... Đó là tấm lòng của nhân dân cả nước.

Trước hôm tôi đi, anh đồng nghiệp dặn, nếu viếng mộ chị Sáu thì đi lúc 12 giờ đêm, giờ của đất trời, âm dương giao hòa. Viếng mộ thời khắc ấy cũng là thói quen của người dân Côn Đảo. Tôi cùng đoàn đến Nghĩa trang Hàng Dương lúc 11h đêm. Ánh đèn điện vàng sáng leo lắt khắp lối đi. Xen lẫn cột đèn là những máy phát nhạc, ngân nga giai điệu trầm hùng.

Đêm nay trời quang. Hương trầm tỏa ngát. Hàng chục người quây quần quanh mộ chị Võ Thị Sáu, dâng hương, hoa. Bên nấm mồ nghi ngút khói hương, không ai chen lấn ai, tất cả đều lặng lẽ, trật tự dâng lễ, khấn vái. Tôi và anh Hà trong đoàn cũng thành kính chắp tay.  Bỗng một nhóm phụ nữ đứng tuổi quỳ sụp xuống bên gốc lêkima trước mộ chị. Không cần ai bắt nhịp, họ hòa giọng: "Mùa hoa lêkima nở, ở quê ta miền Đất Đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng, đã chết cho mùa hoa lêkima nở, đời sau vẫn còn nhắc nhở… Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng trọn cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin, dù chết vẫn không lùi bước…".

Nhiều người khe khẽ hát theo. Tôi đứng xa, không nhìn rõ mặt họ, chỉ nghe giọng hát càng lúc càng méo đi, nấc lên. Chợt lặng người. Gió đâu thổi lá cờ đào phần phật. Cây lá xạc xào. Đồng hồ trên tay chỉ 12 giờ đêm. Mọi người tản ra đi thắp hương từng ngôi mộ. Tiếng hát giữa nghĩa trang vẫn ngân vọng: "Về đây các anh ơi hỡi về đây/ Nằm nghe biển ru, nằm nghe sông hát, mãi mãi tự hào với đất mẹ yêu thương/ Linh thiêng trời Việt Nam, linh thiêng đất Việt Nam, linh thiêng đất trời Việt Nam...".

Một góc Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Bình minh ở Nghĩa trang Hàng Dương sớm 23/1 là không khí thành kính, thiêng liêng khi Đoàn đại biểu Bộ Công an dâng hương, hoa bên đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Chợt ngạc nhiên đến giờ tôi mới thấy tán anh đào Côn Đảo nở rộ ru mình bên những nấm mồ. Phải chăng đó là những bó hoa mà đất trời dâng lên các anh? Không có một số liệu chính xác nào về những người yên nghỉ trên mảnh đất này. Những ngôi mộ tập thể vô danh nằm xen giữa ngôi mộ hữu danh. Họ chết vì sự tra tấn tàn bạo, chế độ nhà tù khắc nghiệt của địch.

Thăm hầm giam thứ 16, trại 3 tại khu chuồng cọp Pháp, Đại tá Lê Văn Thiện, nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM đứng lại hồi lâu. Đó là nơi từng cầm giữ ông. Tháng 6/1959, ông bị địch bắt khi đang là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Gia Định, bị 7 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo.

Đại tá Lê Văn Thiện chỉ ra dãy song sắt phía đối diện phòng 16: "Đó là nơi tù nhân đi vệ sinh. Mỗi buổi sáng, tụi cai ngục mở cửa một lần duy nhất cho tù nhân đi vệ sinh 3 phút. Anh em nào đi quá thời gian chúng đánh tới tấp. Có người không chịu nổi, tiêu tiểu trên nền nhà giam cũng bị chúng đánh vô tội vạ.

Hồi đó, chúng tôi mới bị bắt vào đây, mấy tên ác ôn bắt lột hết đồ ra, rồi cạo trọc đầu. Không có quần áo, cả đêm gió lùa vào lạnh khủng khiếp, ai có bệnh phổi thì rất nguy. Tù nhân mới vào, chúng không chỉ cùm chân, tay mà còn cùm cơ hàm khoảng 10 ngày hòng để cứng hàm, không nhai cơm được. Ngày chúng tôi chỉ được hai chén cơm lạt, uống nước lã nên rất dễ bị táo bón, kiết lị, dễ chết".

Dịp ghé ra Côn Đảo lần này, ông tặng mỗi người trong đoàn chúng tôi một cuốn sách do ông viết về chị Võ Thị Sáu. Năm 2012, ra thăm mộ chị ở Nghĩa trang Hàng Dương, ông chợt nhớ lại câu chuyện của ông Tám Vàng, một cựu tù từng được bọn địch giao nhiệm vụ chôn cất các tù nhân, trong đó có chị Võ Thị Sáu. Tám Vàng tin tưởng kể hết cho ông nghe về những gì mình chứng kiến cảnh chị Sáu hy sinh hiên ngang anh hùng như thế nào. Vậy là ông viết, cuốn sách mỏng với cách viết giản dị bằng ngôn ngữ của một cựu tù Côn Đảo được Nhà xuất bản Công an nhân dân in song ngữ Việt - Anh nên các em nhỏ lẫn du khách ngoại quốc đều dễ dàng tìm hiểu về người thiếu nữ Đất Đỏ anh hùng.

Là người dẫn đầu đoàn đến dâng hương, dâng hoa trước anh linh chị Võ Thị Sáu, các anh hùng liệt sĩ, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an bộc bạch: "Thăm những nơi bọn thực dân, đế quốc giam giữ các chiến sĩ cách mạng, tôi thấy khâm phục thế hệ cha anh vô cùng. Ra đây, chỉ có đường chết, nhưng họ vẫn trỗi dậy, lạc quan tin tưởng về một tương lai tươi sáng, kiên trung với lý tưởng cách mạng. Tôi cũng vui mừng khi Côn Đảo thay da đổi thịt từng ngày, bắt nhịp phát triển của đất nước".

Côn Đảo không có nhiều hoa đào, hoa mai báo hiệu mùa xuân. Nhưng Côn Đảo có loài hoa anh đào đặc biệt gọi Tết về. Loài hoa như một món quà riêng mà thiên nhiên dành tặng Côn Đảo. Hoa dịu dàng nhưng cũng đầy kiên cường khi vươn mình giữa gió biển giập vùi. Tựa như người con gái Đất Đỏ, tuổi xanh nằm lại vào một ngày đất trời vào xuân…

Mai Quỳnh Nga

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Do lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình quan tâm chăm sóc nhưng đồng chí Đặng Thị Cẩm Thúy đã từ trần hồi 15h 20 ngày 01/5/2024 (nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an.

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文