NSND Triệu Trung Kiên: Cải lương phải chấp nhận những đổi mới, phá cách

12:54 15/04/2021
NSND Triệu Trung Kiên là người quyết liệt và không ngừng tìm kiếm những ngôn ngữ mới cho cải lương để đưa cải lương đến gần hơn với công chúng. Mới đây, anh bắt tay cùng NSND Tống Toàn Thắng dựng vở cải lương và xiếc "Thượng Thiên Thánh Mẫu", với hy vọng sẽ tạo ra một món ăn hấp dẫn khán giả trẻ. Cải lương sẽ không chết, nếu những người nghệ sĩ luôn nỗ lực, sáng tạo, anh tin như vậy.


- Chúc mừng một cuộc kết hợp thú vị giữa cải lương và xiếc trong vở "Thượng Thiên Thánh Mẫu". Vì sao, lần này anh lại chọn câu chuyện về Mẫu Liễu Hạnh?

NSND Triệu Trung Kiên.

+ Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị Thánh Bất tử của Việt Nam, người khai sinh ra đạo Mẫu, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đạo Mẫu khá thịnh hành trong đời sống nhưng có những dấu hiệu của sự biến tướng. Vở diễn này sẽ có những yếu tố của Đạo Mẫu, hát văn vốn từ trước đến nay chỉ được thể hiện trên sân khấu vuông thông thường, nhưng giờ có sự trợ lực của xiếc, nó sẽ được thăng hoa vì có những xử lý vượt ra ngoài hạn chế của sân khấu vuông, những pha bay bổng, ảo diệu, làm cho tác phẩm phong phú, đa dạng hơn. 

Những huyền tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã ăn sâu vào tâm thức nhiều thế hệ người dân Việt Nam, vừa thấm đẫm chất thơ, vừa chuyển tải những triết lý nhân sinh cao đẹp. Vì thế, vở diễn sẽ có sự hòa quyện, đan xen, cộng hưởng giữa các giá trị phương Đông và phương Tây, tính dân tộc và đương đại.

- Khi khai thác về những nhân vật mang tính uy nghiêm, linh thiêng này, anh làm thế nào để giữ được sự thiêng liêng của câu chuyện mà vẫn hấp dẫn khán giả?

+ Khi dựng vở về các bậc tiền bối, một tiêu chí quan trọng là phải làm đúng và chuẩn, nếu có hư cấu cũng chỉ trong giới hạn có thể. Với vở diễn này, chúng tôi không đắm chìm vào việc thay đổi, sáng tạo về kịch bản mà chỉ cần kể đúng câu chuyện ấy thôi, tôi sẽ đi mạnh vào yếu tố thị giác, cảm nhận và lấy đó làm chất hấp dẫn thu hút khán giả. 

Tôi xác định khán giả đến với tác phẩm này là khán giả giải trí, người ta học hỏi, tiếp nhận lịch sử một cách nhẹ nhàng, mộc mạc. Câu chuyện sẽ đưa người xem trở về giai đoạn lịch sử trải dài từ triều Lê đến triều Nguyễn. Thánh Mẫu giáng trần với duyên nợ Ba Sinh, thương xót thế nhân với bao đau khổ loạn ly, chiến chinh và bệnh tật, Mẫu đã ba lần giáng hạ để cứu nhân độ thế, diệt kẻ tà gian bạo ngược.

- Xiếc và cải lương kết hợp với nhau liệu có làm mất đi bản sắc riêng của từng thể loại hay không, vì bây giờ, nhiều người lo nghệ thuật truyền thống đang bị phai màu?

+ Sự kết hợp này không làm mất đi màu sắc của từng loại hình mà thực tế, nó mang đến một không gian thưởng thức mới. Cải lương cứ kể ngôn ngữ cải lương và xiếc cứ diễn tả bằng ngôn ngữ của xiếc, một bên là lời ca, một bên là trò khéo và kỹ thuật, kỹ xảo. Nó chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau và khi đặt cùng nhau để kể một câu chuyện nó sẽ nói cùng một ngôn ngữ. Sự kết hợp này không làm biến tướng gì cả, quan trọng là ê kíp sáng tạo muốn nó như thế nào. 

Như phần nhạc cải lương, tôi có ý định sẽ cải cách, trước đây chúng tôi dùng dàn nhạc cổ thì bây giờ sẽ là sự phối hợp giữa các nhạc cụ cổ và nhạc jazz. Tôi muốn đưa chất đương đại vào để lôi kéo khán giả trẻ. Thực tế, sự kết hợp này đang gây tranh cãi nhưng cải lương là một bộ môn nghệ thuật mở, nó không từ chối bất cứ thứ gì. Trải qua hàng trăm năm, nó biến chuyển, thay đổi, cải biến để thích nghi với môi trường sống. Chúng tôi từng kết hợp rất thành công giữa rối và cải lương trong "Ngạ quỷ", chèo, xẩm, ca Huế và cải lương trong "Ngàn năm mây trắng"...

- Và lần này lại với jazz, nghe có vẻ rất xa lạ. Tại sao anh lại chọn nhạc Jazz để làm mới cải lương?

Vở “Cây gậy thần” - kết hợp giữa cải lương và xiếc gây ấn tượng tốt cho khán giả.

+ Jazz ngẫu hứng, không cần tổng phổ và cải lương cũng vậy, là sự ngẫu hứng của người đàn, sau nhiều năm mà thành bài bản. Thế nhưng, trong sự bài bản đó vẫn có yếu tố cá nhân của người nhạc sĩ, đó là chất ngẫu hứng. Các nghệ sĩ sẽ đem hết sáng tạo của mình để kể câu chuyện, tuy nhiên vẫn theo yêu cầu của vở diễn chứ không cố làm cho hào nhoáng, kịch tính. Với khát khao không ngừng đổi mới, tôi mong muốn làm sao vở diễn toát lên sự hấp dẫn, lôi cuốn, sự lung linh, kỳ ảo. Điều này điện ảnh làm rất dễ, còn sân khấu rất khó. 

Nhìn ra thế giới, mới thấy rằng, các sân khấu broadway họ làm rất tốt, họ có kinh phí đầu tư, tận dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại, họ làm kỳ ảo không khác gì phim, phối hợp giữa ánh sáng và màn hình led, tạo hiệu ứng gần như điện ảnh. Đó là những hạn chế của sân khấu mà chúng tôi phải tìm cách thoát ra để cạnh tranh trực tiếp với điện ảnh. 

Tuy nhiên, để làm được như họ phải nhiều tiền, còn chúng ta, với thực tế xã hội và sân khấu, ngân sách nhà nước cấp cho chỉ đủ làm cơ bản và xã hội hóa lúc này cực kỳ khó khăn. Bán vé khán giả không mua, có những vở hay nhưng ít người có thói quen mua vé đến rạp xem. Nhà nước không thể đầu tư hơn nữa vì ngân sách có hạn. Đó là thực tế, đừng trách nhà nước, đừng trách thị trường mà phải xem chúng ta phải làm như thế nào, tồn tại trong thực tế đó như thế nào. Xiếc và cải lương "gá" vào nhau cũng chỉ với mong muốn vậy, làm phong phú hơn mặt hàng của mình để bán hàng.

- Vở diễn này nằm trong dự án bốn vở "Huyền tích Việt" - một dự án dài hơi với hình thức đổi mới để thu hút khán giả quay trở lại với sân khấu. Vậy vì sao anh lại chọn đề tài về những huyền tích có vẻ sẽ kén khán giả?

+ Lúc bắt đầu dự án "Huyền sử Việt", hai bên xiếc và cải lương trăn trở sẽ làm gì đây, cải lương cần xiếc và xiếc cần cải lương. Sự kết hợp đó phát huy thế mạnh trong những đề tài kỳ ảo, thần thoại. Hơn nữa, chúng tôi vẫn muốn tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc, dù là nghệ thuật đương đại nhưng lấy chất liệu từ văn hóa cổ truyền chứ không phải đương đại thuần túy. Khởi đầu vẫn phải là sự cống hiến cho nền văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Chúng tôi chọn câu chuyện về 4 vị thần, Tứ Bất Tử của Việt Nam, trở về với những giá trị cội nguồn của dân tộc để nhắc nhở những thế hệ trẻ về truyền thống, về lịch sử.

- Anh là một người tiên phong trên con đường thử nghiệm, làm mới cải lương. Hành trình 10 năm miệt mài của anh có nhận được những tín hiệu tích cực hay không?

+ Tôi có chút tự hào đã làm cho nghề rục rịch tiến bước, nhưng mình tiến một thì xã hội tiến mười bước. Vậy nếu không tiến thì có lẽ cải lương sẽ biến mất tăm luôn. Tôi cứ bền bỉ chạy thôi. Thực tế đến nay, sau 10 năm không ngại thay đổi, va đập, cải lương cũng chỉ có một nhóm khán giả nhất định. Giới trẻ rất ít quan tâm. Vừa rồi, có một xu thế áo dài nam đang trở lại, trẻ con bắt đầu mặc áo dài trong các sự kiện, lễ, Tết. Đó là một tín hiệu vui cho thấy sự trở lại của các giá trị truyền thống. 

Thời mở cửa, chúng ta hướng ngoại, cái gì của ngoại cũng cho là tốt và ta mù quáng làm theo. Nhưng đến một lúc, dân trí phát triển hơn, ta giật mình nhận ra các giá trị truyền thống mới là cái ta có. Giới trẻ chúng ta sinh ra khi cánh cửa thế giới đã mở toang, chúng và thế giới là một, biết đâu chúng nó sẽ quay lại, trân trọng những giá trị của cha ông.

-Nhưng có lẽ những đổi mới mà anh theo đuổi vẫn chưa đủ. Tôi nhớ, trong dịp kỷ niệm 100 năm cải lương, đã có rất nhiều tiếng khóc, nỗi lo lắng, cải lương đang biến mất?

+ Cho đến bây giờ, cải lương chồng chất khó khăn, chưa có lối thoát, cả xã hội hóa lẫn công lập. Xã hội hóa phải chạy từng đêm, lúc này không ai dám nói mạnh cải lương sẽ thế nào. Chúng tôi là lứa cuối cùng còn có kết nối với thế hệ cũ, để giữ lại những giá trị của cải lương, là cầu nối hiện tại với quá khứ. Còn thế hệ sau này sẽ mai một đi nhiều. 

Lúc này hy vọng vào chính thế hệ trẻ, đến một lúc họ tự ngộ thấy rằng cần làm gì cho văn hóa truyền thống, họ sẽ bắt tay vào làm theo cách của họ chứ không phải cách của tôi và thứ cải lương họ làm sẽ là thứ cải lương khác, không phải của ông bà hay bố nữa. Có thể ta thấy rất xa lạ nhưng không thể khác được. 

Điều này cũng đang gây tranh cãi trong nghề. Những người yêu cải lương muốn giữ nguyên, không thay đổi, nhưng giữ nguyên sợ nó chết vì thế hệ trẻ không nghe. Đó là quy luật xã hội và ta phải chấp nhận, ta muốn nhưng lịch sử không muốn, tự nhiên không muốn. Nhưng ta cũng không chủ quan, cũng rất có khả năng, con cháu chúng ta sẽ làm nghệ thuật truyền thống ở mức thăng hoa thì sao. Thôi cứ nuôi dưỡng và hy vọng.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Linh (thực hiện)

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文