NSƯT Đàm Thanh: Có một tình yêu như thế

08:10 20/07/2011
Căn nhà của NSƯT Đàm Thanh nằm trong một con ngõ nhỏ của phố Cầu Giấy. Đây là căn nhà bà được phân với tiêu chuẩn diễn viên Đoàn tuồng Liên khu V. Căn nhà nhỏ, chỉ 24 mét vuông nhưng có hẳn một tủ sách to với cơ man là sách văn học cùng nhiều bức ảnh ghi dấu kỷ niệm vợ chồng bà...

NSƯT Đàm Thanh gọi điện cho tôi, chia sẻ rằng bà vừa hoàn thành cuốn sách về người chồng yêu quý của mình là cố đạo diễn - NSND Nguyễn Văn Thông - tác giả những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam như "Con chim vành khuyên", "Rừng xà nu", "Bài ca không quên", "Chúng con nhớ Bác", "Chiến thắng đường Chín - Nam Lào"... Cầm cuốn sách dày dặn, ấm tình nghĩa vợ chồng, ấm tình cảm bạn bè trên tay, tôi còn may mắn được nghe bà kể chuyện về tình yêu, cuộc sống với người chồng tài hoa của mình, càng thêm hiểu và tự hào rằng chúng ta đã có một thế hệ nghệ sĩ đáng kính đến thế.

1. Căn nhà của NSƯT Đàm Thanh nằm trong một con ngõ nhỏ của phố Cầu Giấy. Đây là căn nhà bà được phân với tiêu chuẩn diễn viên Đoàn tuồng Liên khu V. Căn nhà nhỏ, chỉ 24 mét vuông nhưng có hẳn một tủ sách to với cơ man là sách văn học cùng nhiều bức ảnh ghi dấu kỷ niệm vợ chồng bà. Từ ngày ông mất đi (đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Thông mất ngày 25/9/2010), người em gái út của bà dọn sang ở cùng cho đỡ cô quạnh và tiện chăm sóc sức khỏe cho chị. Vốn đã yếu, sau ngày ông ra đi, sự mất mát, hụt hẫng khiến sức khỏe của bà giảm sút nghiêm trọng. Bị suy tim độ 2 nên chỉ trong vòng 1 năm, bà phải mổ tim 2 lần.

NSƯT Đàm Thanh chia sẻ, bà có mong ước được làm một cuốn sách về chồng mình dù khi đó bà đang nằm trên giường bệnh với tâm nguyện: "Chỉ cốt sao những gì anh đã làm, những gì anh đã viết được in thành sách để lưu lại là sung sướng lắm rồi, mãn nguyện lắm rồi…". Cuốn sách với tên gọi "Đạo diễn điện ảnh, NSND Nguyễn Văn Thông: Từ điện ảnh thơ đến tiểu thuyết" đã được đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh viết lời tựa với những lời yêu kính nhất dành cho bậc đàn anh: "Là một cây đại thụ trong làng điện ảnh Việt Nam, một cây bút xuất sắc trong lĩnh vực văn học (truyện ngắn lẫn tiểu thuyết), một chiến sĩ với những cống hiến lớn lao trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ nhưng Nguyễn Văn Thông lúc nào cũng lặng lẽ. Chính cái lặng lẽ khiêm nhường đó đã làm cho hình ảnh về ông lại càng cao đẹp hơn… Ông luôn đặt mình ở ngoài vòng danh vọng, vật chất lẫn bon chen đời thường".

Còn NSƯT Đàm Thanh thì chia sẻ: "Sau khi anh mất, lần đầu tiên tôi mới mở tủ cất giữ những tài liệu của anh. Hầu như tất cả những kịch bản phim truyện, tiểu thuyết, những bài viết của anh đăng trên các báo đều được anh lưu giữ. Có nhiều bản được phôtô đóng bìa cẩn thận. Không chỉ các tác phẩm của anh, những bài viết của các tác giả khác viết về anh, về điện ảnh cũng được anh cắt ra, ép plastic với vài dòng ghi chú cảm động về những người bạn của mình… Nhìn những tập tài liệu ngay ngắn, tôi càng thương nhớ anh vô cùng và càng cảm phục anh hơn. Bây giờ, đó lại là tâm nguyện của tôi muốn được lưu giữ những gì còn lại trong tủ tài liệu của anh… Đó là tài sản duy nhất của anh còn lại bao năm nay anh trân trọng, giữ gìn".

Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, NSƯT Đàm Thanh luôn nghẹn ngào khi nhắc đến chồng mình. Bà thường xuyên phải lấy tay vuốt ngực để kiềm chế cảm xúc. Dường như con tim vốn đã yếu ớt của bà càng xúc động mạnh mỗi khi kỷ niệm cũ ùa về. Bà cũng không nói được nhiều bởi những ân tình, sự hy sinh họ dành cho nhau suốt mấy chục năm qua không dễ diễn tả được bằng lời. Sự ra đi của ông vẫn khiến bà chưa thể nào quen. Nó vẫn trở thành một nỗi đau, nỗi trống vắng trong lòng không thể nguôi ngoai.

Những người yêu điện ảnh Việt Nam hẳn đều biết tới bộ phim "Con chim vành khuyên" và đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Thông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nền điện ảnh thơ Việt Nam. Ông là một trong số ít người thành công ở cả hai phương diện làm phim và viết văn. Bạn bè thường nói, thật khó có thể phân định rạch ròi giữa Nguyễn Văn Thông đạo diễn, người viết kịch bản hay Nguyễn Văn Thông người viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Từ "Con chim vành khuyên" đến tiểu thuyết "Hồn trúc", ông đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong cả hai lĩnh vực. Nguyễn Văn Thông cũng là một trong số hiếm hoi đạo diễn thường kiêm luôn khâu viết kịch bản. Hầu hết những bộ phim ông làm đều do ông tự viết kịch bản. Ông cũng là đạo diễn đầu tiên của Việt Nam đạt giải thưởng lớn Bồ câu vàng LHP Lepxich (Đức) cho phim tài liệu: “Chiến thắng đường 9 - Nam Lào”

Bộ phim "Con chim vành khuyên" - bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Văn Thông không chỉ thành công rực rỡ, mang về cho ông giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo LHP Quốc tế Caclovi Vary (Tiệp Khắc), giải Bông sen vàng trong nước mà còn mang đến cho ông một tình yêu đẹp với người con gái xinh đẹp và tài năng Đàm Thanh.

Theo hồi ức của NSƯT Đàm Thanh, thời gian đạo diễn Nguyễn Văn Thông làm bộ phim truyện đầu tay "Con chim vành khuyên", khi ấy Đàm Thanh cùng chị gái là Đàm Liên đã nổi tiếng trên sân khấu đoàn Tuồng Liên khu V. Với nhan sắc và tài năng nổi bật, chị em Đàm Liên - Đàm Thanh khi ấy được khán giả và bạn bè yêu mến ví như Thúy Kiều - Thúy Vân của sân khấu Tuồng. Khi phim vào phần hậu kỳ, đạo diễn đang tìm người lồng tiếng cho vai bé Nga nhưng thử khá nhiều giọng mà chưa ưng ý. Nghệ sĩ Tư Bửu - diễn viên của đoàn Tuồng Liên khu V - người đóng vai cha bé Nga trong phim đã giới thiệu Đàm Thanh tới gặp đạo diễn Nguyễn Văn Thông để thử giọng. Ấn tượng của Đàm Thanh khi ấy về đạo diễn Nguyễn Văn Thông là "Anh có đôi mắt sáng, hóm hỉnh, nụ cười hiền hậu và dễ gần dưới bóng chiếc mũi thoạt trông khá to với làn da sạm nắng gió". Sau khi đọc xong kịch bản, đạo diễn yêu cầu Đàm Thanh lồng thử tiếng gọi sau cùng của bé Nga: "Đò giặc đừng qua. Đò giặc đừng qua". Đàm Thanh vừa cất giọng, cả đoàn ồ lên, đúng là tiếng bé Nga rồi. Còn đạo diễn Nguyễn Văn Thông khi ấy, sau khi nghe đi nghe lại đoạn lồng tiếng vẫn giữ vẻ mặt bình thản nhưng bắt tay Đàm Thanh rất chặt: "Cảm ơn em! Tiếng em vào rất hợp với bé Nga. Chúng ta có thể làm việc với nhau cho đến hết phim được rồi".

Những ngày sau đó, Đàm Thanh bị cuốn vào sức hấp dẫn của nhân vật bé Nga và sự cuốn hút của người đạo diễn uyên bác, thông minh, dí dỏm. Bà kể: "Đêm về tuy mệt nhoài nhưng chỉ mong sao chóng đến sáng để lại được gần bên anh, lại được anh phân tích những tình huống trong phim, tâm lý nhân vật". Sau nhiều năm yêu nhau, đám cưới của họ được tổ chức giản dị với sự có mặt của người thân, bạn bè. Căn phòng đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ là của anh Huân họa sĩ cho mượn.

2. NSƯT Đàm Thanh tâm sự, là vợ chồng hơn 40 năm nhưng thời gian ông bà ở bên nhau thật ít ỏi. Cưới được vài hôm, đạo diễn Nguyễn Văn Thông nhận lệnh lên đường đi công tác và sau đó là triền miên những tháng ngày vào chiến trường làm phim tài liệu. Hạnh phúc lớn nhất của bà ngày ấy là thấy ông nguyên vẹn, bình an trở về sau mỗi chuyến đi. Chiến tranh kết thúc, ông lại vào công tác tại xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu, Tp HCM cho đến tận năm 2005, ông bà mới chính thức chấm dứt cảnh chồng Nam vợ Bắc. Một điều đặc biệt là từ khi cưới nhau năm 1965 đến tận năm 1976, khi nghệ sĩ Đàm Thanh được chia nhà riêng thì vợ chồng ông bà luôn trong tình trạng đi ở nhờ. Ban đầu là nhà của một anh bạn họa sĩ cho mượn trên phố Thụy Khuê, sau lại ở nhờ nhà người bạn ở phố Cao Bá Quát, nhà của nhà thơ Tế Hanh số 10 Nguyễn Thượng Hiền, rồi nhà người quen trên phố Hàng Bài, nhà chị gái ở Trần Hưng Đạo... Dẫu vậy, ông luôn an ủi vợ: "Anh là người lính, việc nay đây mai đó anh quen rồi, có gì đâu phải bận tâm. Anh chỉ thương em vì anh mà cũng vất vả lây".

NSƯT Đàm Thanh chia sẻ rằng, điều bà buồn nhất là đã không sinh được cho ông người con nào. Lần đầu tiên bà có thai đến tháng thứ 7 thì bị sảy, băng huyết suýt mất cả tính mạng. Sau này, căn bệnh tim quái ác đã khiến bà không thể làm mẹ được nữa. Nhưng chính trong mất mát ấy, bà càng hiểu hơn được tình yêu, sự hy sinh của chồng. Mặc dù là con trai duy nhất trong gia đình, dẫu cả ông và bà đều mong mỏi và khát khao được đón đứa con chào đời nhưng ông luôn ở bên động viên, an ủi bà, rằng chỉ cần  có bà là đủ. Cho đến giờ, bà vẫn tự hào rằng dù cả cuộc đời luôn phải sống xa nhau, công việc của ông thường xuyên tiếp xúc với nhiều người đẹp, bà cũng phải đi đây đi đó nhưng tình yêu hai người dành cho nhau vẫn vẹn nguyên.

Trong suốt buổi trò chuyện, NSƯT Đàm Thanh hầu như chỉ nói về chồng mình với một tình yêu nồng nàn sâu lắng và rất ít khi nói về mình, dù rằng NSƯT Đàm Thanh là một nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật. Sau những cống hiến cho nghệ thuật Tuồng, bà là một trong những đạo diễn ca nhạc đầu tiên của Việt Nam, cũng là người đầu tiên ở Đài Truyền hình Việt Nam nhận được danh hiệu NSƯT trong lĩnh vực này. Nhiều chương trình ca nhạc bà làm về chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Lê Dung, NSND Thu Hiền, NSƯT Trung Đức, NSƯT Thúy Hường… đều được Huy chương vàng tại các Liên hoan. Người có công đầu trong sự thành công của bà cũng chính là người chồng yêu kính. Đang là nghệ sĩ tuồng tài sắc, bệnh tật khiến bà phải từ bỏ niềm đam mê sân khấu của mình. Chính giai đoạn hụt hẫng nhất, ông đã khuyên bà đi học đạo diễn. Ông mang về nhiều tài liệu, sách vở, thường xuyên góp ý với bà trong nghề nghiệp. Chính công việc ở lĩnh vực mới này đã mang lại cho bà niềm vui, quên đi những vất vả, thiệt thòi trong cuộc sống.

Ngồi trò chuyện cùng NSƯT Đàm Thanh trong một ngày Hà Nội nắng như đổ lửa nhưng câu chuyện tình yêu, câu chuyện cuộc đời của hai người nghệ sĩ lại khiến tôi cảm thấy một điều gì đó thật mát lành...

Thảo Duyên

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文