NSƯT Mỹ Châu: Ngôi sao cải lương cách mạng

09:13 12/05/2018
Không chỉ nổi danh qua các vở tuồng mang màu sắc hương xa, kiếm hiệp, NSƯT Mỹ Châu còn để lại ấn tượng đẹp trong lòng người ái mộ khi thể hiện thành công một số vai diễn ở đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng.


Trước năm 1975, NSƯT Mỹ Châu có hàng loạt vai diễn “để đời” trong một số tuồng Cải lương mang màu sắc hương xa, kiếm hiệp như các nhân vật: Mai Thảo trong “Trinh nữ lầu xanh”, A Khắc Thiên Kiều trong “Người tình trên chiến trận”, Lý Thiên Kim trong “Kiếp nào có yêu nhau”, Nữ chúa Tọa Mã Sơn trong “Khi rừng mới sang thu” và nhiều vở tuồng khác nữa… Sau năm 1975, bà tiếp tục có những đóng góp đáng được trân trọng cho hoạt động sân khấu cải lương ở TP Hồ Chí Minh.

Sau khi được Ty Sân khấu thuộc Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định (thành lập sau 30/4/1975) lúc bấy giờ cấp quyết định cho phép hành nghề, NSƯT Mỹ Châu lần lượt cộng tác với các đơn vị cải lương: Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Trúc Giang, Thanh Nga, Văn công thành phố (nay là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và tiếp tục khẳng định tài ca - diễn qua một số vở cải lương thuộc đề tài truyền thống cách mạng.

Bà đã tiếp tục để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả ái mộ khi thể hiện thành công nhiều vở tuồng có nội dung phản ánh hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân ta. Những vai diễn mà NSƯT Mỹ Châu được công chúng ấn tượng và nhắc đến nhiều ở thể tài này là: Hiếu trong vở “Khách sạn Hào Hoa” của tác giả Vũ Kim, do bộ đôi soạn giả Trần Hà và Điêu Huyền chuyển thể cải lương; nàng Hai trong vở “Nàng Hai Bến Nghé” của cố tác giả Ngọc Linh và Lan trong vở “Tìm lại cuộc đời" do Huy Lam, Hoàng Khâm và Điêu Huyền đồng tác giả. 

Trong vở diễn “Khách sạn Hào Hoa”, nữ cán bộ Hiếu được cấp trên giao nhiệm vụ giả đóng vai một cave (“Cavalière” trong tiếng pháp có nghĩa là “gái nhảy”, là các cô gái bán dâm trong các tụ điểm ăn chơi, được người Việt gọi tắt đi thành “cave” cho dễ đọc) trong khách sạn để trà trộn lấy tin tức từ các sĩ quan Mỹ.

Hiếu phải đối đầu với rất nhiều hiểm nguy và sự cô đơn, vì không chỉ chung quanh toàn là mật thám, nhân viên CIA, sĩ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Chỉ cần sơ sảy để lộ tông tích là Hiếu gặp nguy hiểm, có thể bị sát hại. Ngay cả người thân, bạn bè cũng không ai hiểu cho việc làm của Hiếu. Hiếu từng bị mẹ ruột chửi mắng, bị người yêu là Trung, một chiến sĩ cách mạng tạt ly rượu vào mặt tỏ vẻ khinh thường, nhiều người khác chửi thẳng.

Tâm lý của nhân vật Hiếu diễn biến khá phức tạp. Bên ngoài giả dạng là gái quán bar, nhưng bên trong là một chiến sĩ cách mạng, nên lúc nào Hiếu cũng phải giữ phẩm chất của người phụ nữ Á Đông. Nếu nghệ sĩ không có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng khó mà hóa thân nhân vật Hiếu một cách trọn vẹn. Có lúc Hiếu khảng khái, kiên cường thể hiện tư chất một chiến sĩ cách mạng, nhưng đôi khi cũng rất “mềm yếu” như những cô gái khác, cũng chất chứa nhiều nỗi niềm, với một trái tim đa sầu, đa cảm.

Tuy nhiên, với nét mặt trầm tĩnh, phong cách diễn chững chạc, chừng mực, NSƯT Mỹ Châu hóa thân vào vai Hiếu khá thuyết phục, tạo được thiện cảm với người xem, được giới nghề và công chúng tán thưởng nồng nhiệt.

NSƯT Mỹ Châu từng chia sẻ trên báo giới: “Tôi còn nhớ buổi phúc khảo vở “Khách sạn Hào Hoa”, sau khi màn đóng lại, đạo diễn Huỳnh Nga đã vào hậu trường hôn lên trán tôi. Vai cô Hiếu trong vở này thật sự để lại trong tôi nhiều cảm xúc”.

Giống như nhiều nhân vật nữ trong một số kịch bản của cố tác giả Ngọc Linh, nhân vật  nàng Hai trong vở cải lương “Nàng Hai Bến Nghé” là một phụ nữ đa tình và đa truân. Nàng bị quan lãnh binh cưỡng hôn, lại bị bọn tay sai gài bẫy vu cho tội ngoại tình, bị xử phạt thả bè chuối trôi sông, nhưng được cứu sống và sa vào tay quan ba người Pháp.

Lợi dụng vai trò mới của mình, nàng Hai đã tương kế tựu kế giúp nghĩa binh chiếm được đồn giặc Pháp. Nếu không phải là một nghệ sĩ có bản lĩnh ca - diễn tự tin, có sự đầu tư cho vai diễn thật nghiêm túc như NSƯT Mỹ Châu thì không thể nào hoàn thành vai diễn nàng Hai. Mỹ Châu đã khắc họa một nàng Hai luôn biết tiết chế trong hành động và cảm xúc.

NSƯT Mỹ Châu trong vở “Nàng hai Bến Nghé”. 

Nàng Hai của NSƯT Mỹ Châu có một chút gì đó “lạnh lùng” ở dáng vẻ bên ngoài bởi bao yêu thương, oán giận, căm thù đã được nàng nuốt vào trong. Đi bên cạnh tên quan ba (NSƯT Hùng Minh thủ diễn), nàng Hai - NSƯT Mỹ Châu trông rất trầm tĩnh, dù vẻ mặt chưa thoát khỏi nỗi kinh hoàng bởi cái lằn ranh giữa sự sống và cái chết mà nàng vừa trải qua.

Do vậy, chỉ cần một tiếng nói lớn của hắn ta cũng đủ cho nàng rùng mình khiếp sợ. Chỉ đến khi còn lại một mình, một bóng đối mặt với người yêu - Phạm Tri (do nghệ sĩ Tuấn Thanh đóng) trong nỗi nhớ thâm sâu, khi ấy, nàng Hai - Mỹ Châu mới rút cạn lòng mình: “Thảm thương thay cho số phận sao cứ mãi dập vùi. Sinh làm người sao lại quá khổ đau…”.

Lớp diễn này, NSƯT Mỹ Châu và nghệ sĩ Tuấn Thanh diễn xuất thật xúc động. Người về từ trong cõi nhớ và người còn sống hiện tại mà cứ ngỡ mình đã chết rồi vì những nỗi niềm khổ đau, oan trái không nguôi trong lòng. Chính giây phút như thực, như mơ ấy, hình ảnh người yêu đã tiếp thêm một phần nào sức mạnh cho nàng. Để rồi sau đó, trước mặt tên quan ba, nàng Hai không còn khiếp sợ như lúc ban đầu, mà ngược lại, tỏ ra phấn khởi, yêu đời với mục đích tạo dựng “lòng tin” cho tên quan ba nhằm tìm cách thoát khỏi tay giặc.

Trong vở “Nàng Hai Bến Nghé”, NSƯT Mỹ Châu chủ yếu tập trung khai thác và thể hiện chiều sâu tâm lý nhân vật nàng Hai thông qua từng cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nét mặt, lời thoại, câu ca… Nhờ vậy mà nhân vật nàng Hai của NSƯT Mỹ Châu để lại trong lòng người xem nhiều xúc cảm trước số phận của một cô gái lắm nỗi truân chuyên.

Đối với vai Lan trong vở “Tìm lại cuộc đời” (kịch bản của Huy Lam, Hoàng Khâm và Điêu Huyền), NSƯT Mỹ Châu đã tạo nhiều xúc động cho công chúng trong lớp diễn Lan thuyết phục người yêu là Đại úy Huy Bình (NSƯT Thanh Tuấn đóng) quay về với cách mạng. Điều đáng trân trọng hơn, từ vai diễn này, NSƯT Mỹ Châu đã góp phần làm phong phú thêm cho âm nhạc cổ truyền Nam Bộ một thang âm cổ nhạc mang tên “dây Mỹ Châu”.

Thời điểm năm 1976 -1977, khi làm Trưởng ban nhạc cho Đoàn Cải lương Sài Gòn 2, lúc tập vở “Tìm lại cuộc đời”, vì muốn giữ giọng cho ngày phúc khảo, NSƯT Mỹ Châu nhờ nhạc sĩ Hoàng Thành hạ thấp dây đờn xuống một cung (tức một quãng 8).

Để thuận tiện cho việc khỏi phải chỉnh dây lên xuống mỗi khi NSƯT Mỹ Châu ca chung với NSƯT Thanh Tuấn (kép chánh của vở), nhạc sĩ Hoàng Thành đã nghiên cứu, lấy thanh gỗ nhỏ xíu chặn dây đàn để nhấn nhá chữ đờn từ “hò - đô” lên “hò - la” hợp với chất giọng của cặp đào kép danh tiếng này mà không cần phải chỉnh dây lên xuống. Không ngờ, sáng tạo của nhạc sĩ Hoàng Thành lại thành công.

Phúc khảo vở diễn, với giọng ca trầm buồn của NSƯT Mỹ Châu cùng tiếng đờn mùi mẫn với kiểu dây đờn vừa được nhạc sĩ Hoàng Thành sáng tạo, khiến các nghệ sĩ của Đoàn Sài Gòn 2 và nhiều người trong giới yêu thích. Khi đó, NSND Huỳnh Nga (đạo diễn của vở) yêu cầu NSƯT Mỹ Châu ca đúng kiểu dây đờn ấy vì nó đúng tâm trạng buồn thương của nhân vật. Kể từ đó, giới cổ nhạc miền Nam có thêm một kiểu dây đờn mới có tên gọi là “dây Mỹ Châu”.

Các nhân vật: nàng Hai, Lan và Hiếu không chỉ là điểm nhấn cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSƯT Mỹ Châu trên sân khấu cải lương; mà còn góp phần khơi gợi tinh thần yêu nước, yêu quê hương, yêu cách mạng trong quần chúng nhân dân một cách mạnh mẽ khi đất nước vừa thống nhất, còn đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, đời sống văn hóa... Ngoài ra, nó còn thể hiện sự chín muồi trong nghệ thuật ca ngâm và diễn xuất của người nghệ sĩ xuất thân từ vùng đất Thủ Thừa (Long An).

Hơn 40 năm qua, các thế hệ nghệ sĩ đã thay nhau xây dựng hình tượng các nhân vật: nàng Hai, Hiếu và Lan, nhưng cho tới bây giờ, chưa có ai thoát khỏi nét diễn xuất ban đầu của NSƯT Mỹ Châu. Phải chăng các tác phẩm: “Nàng Hai Bến Nghé”, “Tìm lại cuộc đời”, “Khách sạn Hào Hoa” đã thể hiện giá trị tư tưởng và ý nghĩa sâu sắc, được xếp vào hàng “kinh điển” của sân khấu cải lương cách mạng; nên hình tượng các nhân vật: nàng Hai, Hiếu và Lan của NSƯT Mỹ Châu cũng hiện hữu trong tiềm thức của ái mộ cải lương hôm nay và cả mai sau.

Phạm Thái Bình

Kyiv Independent ngày 21/11 (giờ Việt Nam) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng John Healey từ chối xác nhận các báo cáo về việc Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nhưng ông John Healey đồng thời nêu rõ các hành động của Ukraine trên chiến trường nói lên tất cả.

Sau khi đạt được thỏa thuận, Vũ cung cấp địa chỉ nhận vợt từ nạn nhân nhưng không gửi lại vợt như đã cam kết. Để tạo lòng tin, Vũ còn tạo các hóa đơn vận chuyển giả nhằm đánh lừa nạn nhân rằng mình đã gửi hàng. Sau khi chiếm đoạt được tài sản, Vũ nhanh chóng bán lại trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) khác để thu lợi bất chính.

Ông Lê Đình Thuần (SN 1972), Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Minh Rồng và Nguyễn Hữu Giảng (SN 1962), Phó Giám đốc công ty này đã bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam để làm rõ hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文