Nghệ sĩ trứ danh Tuệ Minh và duyên cuối… với nhà văn Nguyễn Đình Thi
- Nghệ sĩ Đăng Dương: Sự khám phá trong nghệ thuật là không giới hạn
- Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang tái ngộ khán giả Hà Nội
- Nghệ sĩ piano không khuỷu tay
- Nghệ sĩ Minh Cảnh - “Hoàng đế cơ hàn”
Tôi lấy làm ngạc nhiên bèn hỏi lại mọi người: “Có đúng vậy không? Liệu các vị có nhầm lẫn không?” thì họ cho biết, do thường xuyên vào thăm người nhà ở đây và đã từng nói chuyện với nữ nghệ sỹ trứ danh một thời nên cũng trở nên gần gũi với cụ. Tôi không kìm nén được cảm xúc với ý nghĩ: “Nữ diễn viên điện ảnh Tuệ Minh lừng danh một thời với vẻ đẹp đầy sức quyến rũ, có giọng nói mê hồn, từng vào nhiều vai đầy cá tính trong các phim truyện nhựa Việt Nam bây giờ như thế này sao?”.
Ở tuổi chưa đến 80 của Tuệ Minh (lúc tôi gặp ở trại dưỡng lão lần ấy), thường thì tôi chỉ gọi bằng chị. Nhưng với người nghệ sỹ này, nếu không quen biết, khó có thể xưng hô như vậy bởi bà đã quá lọm khọm so với nhiều người cùng tuổi. Trước khi ra về, tôi đến hỏi thăm Tuệ Minh với tư cách trước hết là một khán giả điện ảnh hâm mộ chị, sau nữa là có những năm tháng cùng với chị đọc truyện cho các chương trình “Văn nghệ thiếu nhi” và “Đọc truyện đêm khuya” trên Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) mấy chục năm về trước.
Ngày ấy, tôi cũng hay được hai chương trình trên mời đọc truyện. Có khi từng người đọc riêng, có khi cả hai cùng đọc một truyện với hình thức thay đổi giọng nam và nữ. Tôi rất ngưỡng mộ và học được nhiều từ cách đọc tự nhiên, vô cùng truyền cảm của chị. Tuy nhiên, chị có vẻ không nhận ra, chỉ gật đầu ừ hữ. Rất nhiều khi phải nhờ người khác “phiên dịch”, tôi mới hiểu chị định nói gì.
Sau lần trên, ra về, tôi cứ triền miên chìm đắm vào dĩ vãng đã khá xa. Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, bộ phim truyện “Một ngày đầu thu” của điện ảnh Việt Nam tuy không xuất sắc nhưng cũng để lại được một ấn tượng nhất định bởi khi ấy, phim của ta mới chỉ ra đời được dăm, ba tác phẩm.
Nhưng người ta nhớ đến phim nhiều hơn lại do tài năng diễn xuất của người nữ diễn viên xinh đẹp có tên Tuệ Minh trong vai Thơm – một nữ du kích. Và đó là vai diễn đầu tiên của chị trong điện ảnh, để rồi nối tiếp sau đó là hàng loạt vai tuy không phải là chính tất cả nhưng đều rất thành công, khắc sâu vào trí nhớ người xem khiến họ không thể quên trong các phim: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Ngày lễ Thánh”, “Vợ chồng anh Lực”, “Dòng sông âm vang”, “Thời xa vắng”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Em bé Hà Nội”…
Trong sự nghiệp làm diễn viên điện ảnh của mình, Tuệ Minh phần nhiều chỉ vào các vai phụ, nhưng có thể nói chị là một nghệ sỹ lớn bởi cũng giống như Đào Mộng Long bên lĩnh vực sân khấu, cứ xuất hiện, dù chỉ ít phút là ngay lập tức gây được ấn tượng mạnh cho khán giả bởi lối diễn rất có chiều sâu nội tâm với việc tiết chế ngoại hình, chỉ dồn thể hiện tâm lý nhân vật qua đôi mắt rất có hồn và sức biểu cảm vô tận.
Đôi mắt của chị vừa sắc sảo lại vừa dịu dàng, vừa như ân cần, xoáy vào cõi lòng người khác lại vừa như lãnh đạm, phớt đời. Chi tiết nào thuộc về ngoại hình của chị cũng đẹp, nhưng có lẽ đôi mắt là vượt trội nhất, khiến người đối diện bị hút hồn mà lãng quên những nét đẹp khác. Nếu đôi mắt của chị đã rất hiếm có thì giọng nói mà chị sở hữu lại càng quý hiếm hơn. Người ta đã từng ít nhiều quá lời khi đề cao một giọng nữ xướng ngôn viên nào đó là “huyền thoại”, nhưng riêng tôi cho rằng giọng nữ hay nhất ở nước ta từ trước tới nay chính là Tuệ Minh.
Giọng của chị ở ngoài đời đã hay, thu vào băng, phát trên sóng lại càng hay (từ chuyên môn gọi là “đài từ”). Vậy nên có một thời gian dài, một biên tập viên nào đó đã rất tinh tường khi mời chị thường xuyên đến đọc truyện đêm khuya và truyện cho thiếu nhi trên Đài TNVN. Giọng của chị đẹp, âm vang, trong sáng, lại mềm mại, uyển chuyển và rất truyền cảm. Chị đọc mà như giãi bày, tâm sự với người nghe.
Thoạt nhìn, chưa tiếp xúc với Tuệ Minh, ai cũng sẽ thấy chị toát ra vẻ đài các tưởng như khó gần bởi vẻ đẹp kiêu sa. Nhưng tiếp xúc nhiều sẽ thấy chị bình dị, hòa đồng, thật dễ chịu. Tôi nhớ mãi một lần, biên tập viên ở Đài TNVN đang làm một chương trình không phải là văn nghệ cần đọc một đoạn ngắn trước khi vào nội dung chính.
Đợi mãi không thấy phát thanh viên của Đài đến đọc, nhân có Tuệ Minh (chị đến để thu cho buổi đọc truyện), họ định nhờ đọc giúp. Tôi thẳng thắn nói với người biên tập: “Chị ấy chuyên đọc tác phẩm văn học, chớ nên để đọc những thông tin khác không phải là văn nghệ, sẽ phí. Chị ấy sẽ không nhận lời đâu”.
Nhưng khi thấy người biên tập đang rất lúng túng (người này có giọng không thể lên sóng), Tuệ Minh sẵn sàng nhận lời. Tôi thực sự cảm kích cử chỉ đó mà bản thân mình đã không có được do từng nhiều lần từ chối đọc những nội dung không phải là văn nghệ.
Không chỉ làm diễn viên, Tuệ Minh còn viết kịch bản và đạo diễn một vài phim. Nhưng chị tự nhận hai công việc này không là sở trường của mình. Tuy nhiên, từ khi gắn bó với nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, chị làm nhiều thơ và viết truyện ngắn. Có lẽ người bạn đời lần thứ hai đã khiến chị bùng lên ngọn lửa đam mê văn học mà từ thuở còn trẻ đã manh nha. Truyện ngắn của chị từng được đăng báo và bài thơ “Xa vắng” được phổ thành ca khúc, có những câu thật dễ thương: “…Bỗng một ngày tiếng súng bặt câm Âm vang chim hót / Nụ cười rạng rỡ/ Em sững sờ ngỡ anh về/ Ngỡ anh về trong mơ…”.
Vợ chồng cố nghệ sĩ Tuệ Minh - Nguyễn Đình Thi. |
Đọc cả bài thơ dài, ta sẽ hiểu tác giả viết về một người đàn ông là thần tượng đến cuối đời trở thành chồng của mình. Đó là Nguyễn Đình Thi - một nhà văn hóa lớn. Tuệ Minh quen biết ông từ trong kháng chiến chống Pháp. Lúc ấy, chị đã rất ngưỡng mộ tác giả hai bài hát nổi tiếng là “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội”. Về phía Nguyễn Đình Thi cũng đã thầm yêu người con gái kiều diễm từ rất lâu, ngay khi nàng ở tuổi 17 - 18. Nhưng tự thấy mình hơn nàng nhiều tuổi, lại có mấy đứa con riêng với người vợ đầu tiên đã qua đời nên ông không dám nghĩ đến chuyện thổ lộ tình cảm.
Vì vậy mà tuy trong lòng rất yêu Tuệ Minh, nhưng rồi chính ông đã tác thành cho người đẹp nên duyên cùng Huy Vân là đạo diễn phim “Một ngày đầu thu” – bộ phim đã tạo dựng nên tên tuổi của chị. Cuộc hôn nhân này tốt đẹp, cho nữ nghệ sỹ hai đứa con gái thành đạt. Mãi sau khi người chồng qua đời, duyên phận đưa đẩy thế nào để đến năm 1983, Tuệ Minh gặp lại Nguyễn Đình Thi.
Lúc này, người vợ thứ hai của nhà văn cũng đã vĩnh viễn ra đi. Cuộc tái ngộ giữa cặp anh hùng, thuyền quyên sau rất nhiều năm mỗi người đều có cuộc sống riêng, tuy cả hai không còn trẻ nhưng thật đẹp, phù hợp về tất cả mọi phương diện. Chỉ sống với nhau được 20 năm (Nguyễn Đình Thi qua đời năm 2003) nhưng đó là những năm tháng Tuệ Minh vô cùng mãn nguyện vì tràn đầy hạnh phúc. Hai nghệ sỹ đồng điệu, như cùng thổi bùng lên ngọn lửa của thời trẻ trung, hoa niên. Thời gian này, Tuệ Minh ít hoạt động điện ảnh.
Thay vì, chị như được lây lan tài năng văn thơ của chồng, đã sáng tác nhiều. Tuy nhiên, việc tập hợp, sang sửa để có thể xuất bản chưa kịp hoàn thành thì nữ tác giả của những áng văn thơ này đã ra đi, để lại nối luyến tiếc lớn cho công chúng và đồng nghiệp (thật ngẫu nhiên, ngày sinh nhật cũng đồng thời là ngày giỗ của Tuệ Minh: 24/2/1938 – 24/2/2018 – bà mất tròn 80 tuổi). Sự thiếu vắng của một tài năng như Tuệ Minh thật khó bù đắp.
Cũng chính nhờ hạnh phúc viên mãn của Tuệ Minh bên người chồng ở chặng đường đời cuối cùng mà tuy rất nổi tiếng như đã nói nhưng qua cả 7 lần phong tặng các danh hiệu nghệ sỹ, chị vẫn không được phong NSND – danh hiệu cao nhất mặc dù là NSƯT ngay từ đợt đầu tiên, chị vẫn rất vui vẻ, không một chút bận tâm.
Chỉ đến lần thứ 8, gần đây nhất – năm 2016 - người ta mới trả lại cho chị sự công bằng khi mà chủ sở hữu danh hiệu cao nhất đã quên khuấy, không chờ đợi. Tuy nhiên, cho đến phút này, số đông công chúng không thể biết rõ những nghệ sỹ mình yêu quý được phong danh hiệu gì. Chỉ biết, nhắc đến những nghệ sỹ hàng đầu của nền điện ảnh dân tộc, không thể không nhắc đến Tuệ Minh là một trong những cái tên chói sáng.