Họa sĩ Thang Trần Phềnh:

Người cựu sinh viên bí ẩn của Trường Mỹ thuật Đông Dương

08:15 01/09/2018
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi ví von, họa sĩ Thang Trần Phềnh là ánh ban mai rực rỡ trong buổi bình minh của nền hội họa Việt Nam.


Ngày 19/8/2018, tại Triển lãm 16 Ngô Quyền, đã ra mắt cuốn sách “Thang Trần Phềnh” (NXB Mỹ thuật, 2018) giới thiệu những tư liệu quý về người cựu sinh viên bí ẩn của Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa II (1926-1931).

Trong dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, tác giả cuốn sách.

-  Công việc tìm kiếm về cuộc đời và tác phẩm của một họa sĩ rất ít người nói đến, như ông tự so sánh là “tìm một cái kim trong bó rơm”. Vậy ông đã tìm ra “cây kim vàng” Thang Trần Phềnh như thế nào?

+ Tôi nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam cách nay gần 30 năm, chuyên môn của tôi là Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tôi có ba nguồn tư liệu chính: Đầu tiên, Jean Tardieu, con trai Victor Tardieu, đã ưu đãi cho tôi xem một số thư tín trao đổi giữa Victor Tardieu và các sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương cũng như hồ sơ, sự kiện, hình ảnh... liên quan đến trường.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi và cuốn sách “Thang Trần Phềnh” do ông biên soạn.

Nguồn tư liệu thứ hai đến từ họa sĩ Nam Sơn, đồng sáng lậpTrường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với Victor Tardieu. Những văn kiện liên quan đến trường đã giúp tôi rất nhiều trên con đường nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương.

Cuối cùng, tôi sống tại Pháp, nơi có những trung tâm lưu trữ tuyệt vời nhất thế giới như Học viện Quốc gia Lịch sử Mỹ thuật Paris, Centre des Archives d'Outre-Mer (Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp -CAOM) tại Aix en Provence và Thư viện Quốc gia Pháp.

Trong quá trình tìm kiếm và nghiên cứu, cơ duyên đưa đẩy tôi đặt tay lên “cây kim vàng” mang tên Thang Trần Phềnh. Tôi quyết định dành riêng cho ông một bài nghiên cứu và niềm đam mê đã đưa đẩy tôi từ một bài viết ngắn đến một cuốn sách dày…

- Thang Trần Phềnh là "một trong những họa sĩ có thông tin ít ỏi nhất", vậy các tác phẩm hội họa của ông có hiếm hoi hay không? Theo như chúng tôi được biết thì tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có bảo quản bức tranh "Phạm Ngũ Lão" của Thang Trần Phềnh?

+ Tôi rất tiếc vì không có điều kiện tiếp cận tất cả tranh của Thang Trần Phềnh. Tôi đã làm việc như một nhà khảo cổ trong việc "khai quật" những tác phẩm hội họa của ông vì nó hiếm hoi như những viên kim cương quý giá.

Giới mỹ thuật ai cũng biết có ông Thang Trần Phềnh nhưng không ai biết nhiều về ông. May mắn thay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội có 3 bức tranh của Thang Trần Phềnh, đó là bức “Phạm Ngũ Lão”, “Chân dung phụ nữ Lào” và “Lớp học sơ tán”.

Những bức tranh còn lại nói đến trong sách, một số tôi có thể trưng bày hình ảnh, nhưng một số khác tôi chỉ có thể tìm ra những cái tên. Tôi hy vọng sau quyển sách này, các nhà sưu tập khám phá rằng trong bộ sưu tập của mình từ lâu đã ẩn chứa viên ngọc quý mang tên “Thang Trần Phềnh”… Cuốn sách này nói về một con người, nhưng đồng thời cũng hé lộ về một thời kì đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam và một số sinh hoạt của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

- Có điều gì lôi cuốn ông qua các tác phẩm của Thang Trần Phềnh hay qua cuộc đời, để một Việt kiều sống tại Pháp đã lâu lại mất khá nhiều công sức đi tìm tác giả như vậy? Chắc hẳn sinh viên khoá II Trường Mỹ thuật Đông Dương chưa đủ sức hấp dẫn đối với ông?

+ Trong thời kỳ đầu của nền hội họa Việt Nam, có ba cái tên thường được nhắc đến, đó là Lê Văn Miến, Thang Trần Phềnh và Nam Sơn. Tôi đã viết một chuyên khảo về Lê Văn Miến và trong bài viết về Trường Mỹ thuật Đông Dương, tôi đã nhắc đến Nam Sơn và nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ông trong việc thành lập trường Mỹ thuật, cái nôi của nền mỹ thuật nước nhà. Nhân vật còn lại Thang Trần Phềnh luôn là một điều bí ẩn đối với tôi.

Tôi bắt đầu viết về Thang Trần Phềnh cách đây hơn 10 năm, mỗi khi có tài liệu nào liên quan đến ông, tôi đều để riêng qua một bên. Người nghiên cứu phải có con mắt và nhận định rất tỉ mỉ để khai quật lại quá khứ, mỗi điểm dù là rất nhỏ đều có tầm quan trọng. Từ những thông tin nhỏ nhất, tôi đã tỉ mỉ xây dựng nên một bài nghiên cứu, càng ngày càng dài ra rồi trở thành một quyển sách. Tôi cũng không quên nhắc tới sự giúp đỡ của nhiều bạn hữu...

-  Theo như tôi suy nghĩ thì điều này là không hề đơn giản đối với một Việt kiều. Bởi vì, ngay đối với những người trong nước, giữa thời đại kết nối Internet toàn cầu như thế này, nhưng để tìm địa chỉ một vài nhân vật giữa Thủ đô cũng đã là mò kim đáy bể. Thêm vào đó, không phải dễ dàng gì mà các gia đình chia sẻ tư liệu, lý lịch về người thân của họ đâu. Có phải không thưa nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi?

+ Tôi không nghĩ cơ duyên đưa đẩy mình tìm được đến gia đình Thang Trần Phềnh và gặp bà Thang Thị Loan, con gái ông. Ở đây tôi phải cám ơn Internet và mạng xã hội đã xô đẩy những con người từ xa vạn dặm đến gần nhau hơn.

Đó là những giây phút cuối cùng trước khi in sách. Gia đình Thang Trần Phềnh đã dành cho tôi rất nhiều cảm mến, luôn ngỏ lời tri ân vì tôi đã dành rất nhiều tâm trí để viết về cha ông của họ. Rất tiếc gia đình bà Thang Thị Loan không còn lưu giữ tác phẩm nào của Thang Trần Phềnh, nhưng cho tôi vài chi tiết riêng tư cũng như hình ảnh gia đình.

Một điều đáng nói ở đây, là sau khi sách in xong, chuẩn bị ra mắt thì tôi được sự liên lạc của người cháu đích tôn của Thang Trần Phềnh là ông Thang Đức Thắng. Những tài liệu mới sẽ được bổ sung vào dịp tới, hoặc là tôi sẽ hoàn chỉnh bằng một bài viết mới.

Tranh Phạm Ngũ Lão, 71,5 x 94,7cm, sơn dầu, 1923, sưu tập của Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam (Ảnh chụp lại: Harry Nguyễn).

- Đối với môi trường “vàng thau lẫn lộn” của tranh Việt Nam hiện nay, thậm chí ngay cả 2 bức tranh "Múa vòng" và "Thống nhất" của danh hoạ Nguyễn Sáng lưu tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) còn bị giới chuyên môn Mỹ thuật cáo buộc là tranh giả (tranh thật đã bị đánh tráo); điều gì là xác tín để ông mạnh dạn công bố trong sách của mình đó là tranh Thang Trần Phềnh?

+ Những tranh Thang Trần Phềnh nêu ra trong sách đã được kiểm chứng rất kỹ lưỡng, qua tài liệu hiếm hoi cũng như sách báo thời xa xưa, và được chính gia đình ông xác nhận. Trong thời kỳ hội họa Việt Nam “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, tôi hy vọng sự cân nhắc của tôi sẽ giúp cho tranh Thang Trần Phềnh mãi được sáng trong như ánh trăng rằm.

Tôi vẫn ví von, trong buổi bình minh của nền hội họa Việt Nam, Thang Trần Phềnh đã là ánh ban mai rực rỡ. Tôi mong rằng niềm rực rỡ này sẽ luôn nguyên vẹn trong tên tuổi của ông.

- Xin cám ơn những chia sẻ của nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi. Mong rằng bạn đọc sẽ còn được đón nhận thêm các công trình tiếp theo của ông.

Cùng khóa với Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Hồ Văn Lái, sau này là những danh họa nổi tiếng; Thang Trần Phềnh (1895-1973) là một trong những họa sĩ có tài liệu ít ỏi nhất.

 Tốt nghiệp, Thang Trần Phềnh nghiêng nhiều về trang trí sân khấu tuồng cổ, ít hoạt động về mỹ thuật. Đã có thời những sáng tác mỹ thuật của ông viễn du xứ người và làm rạng danh nền văn hóa nước nhà. Từ năm 1954, sinh sống tại Hà Nội, ông chuyên vẽ phông rạp hát, đồng thời cộng tác với rạp hát Chuông Vàng (Kim Phụng) cho đến năm 1963.

Thang Trần Phềnh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu, từ giấy, lụa, vải bố cho đến bút sắt, mực tàu, thuốc nước, bột màu, phấn tiên, sơn dầu… Tác phẩm hội họa có thể nhiều hơn 100 bức, nhưng ngoài những bức trong bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân, gia đình không còn giữ lại bao nhiêu.

Ngô Kim Khôi định cư tại Pháp từ năm 1985 và là chuyên gia hội họa Việt Nam cộng tác với Tòa thị chính Paris (Pháp) năm 1998, Bảo tàng Cernuschi Paris (2012 - 2013), Viện Hàn lâm hải ngoại Pháp (2015), các nhà đấu giá tại Paris (Aguttes, Art Valorem).
Kiều Mai Sơn (thực hiện)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文