Người thơ Sông Cầu

12:32 22/01/2021
Gọi nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn là "Người thơ sông Cầu" chẳng chệch tẹo nào. Đón tôi ngay trên mặt đê sông Cầu đoạn chảy qua làng Kim Đôi, ông chỉ xuống mái nhà lấp ló sau tán nhãn xanh um nói: "Nhà tôi đó. Họ Nguyễn nhà tôi ở đất này cũng dễ đến gần sáu thế kỷ rồi".


Nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn sinh năm 1948, cái tuổi mà cả thời thơ ấu phải sống trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để chứng minh cho câu chuyện thơ ấu ấy, nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn nhìn vào nhà nói: "Năm 1945, cha tôi, một công chức của Hãng Avia bên Hà Nội đã giác ngộ cách mạng rồi theo Việt Minh. Ngày quân Pháp chiếm Bắc Ninh, lính Pháp đã về làng đốt rụi ngôi nhà ngói 5 gian gỗ lim do ông nội tôi để lại. Đã thế chúng còn đốt luôn cả Đình làng Kim Đôi, ngôi đình làng ở ngoài đê. Tiếc lắm, dân làng cứ nghĩ Đình là nơi thiêng liêng nên có bao nhiêu tài sản quý giá đem hết vào đình cất giữ. Nào ngờ Đình bị đốt, cháy hết chẳng còn gì". Im lặng một hồi rồi nhà thơ nói tiếp: "Hòa bình lập lại, cha tôi trở về làng dựng ngôi nhà tạm để ở, rồi kéo vợ con ra bãi sông Cầu đóng gạch"...

Chân dung nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn.

Chuyện trò thơ phú với nhau mới hay nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn "mọi sự" đều diễn ra ở đây. Dưới gốc sấu già được trồng giữa sân ông "Người thơ: sông Cầu" kê sẵn hai chiếc bàn. Ông bảo "Tiếp bạn thơ ở đây. Làm thơ ở đây và ăn uống hàng ngày cũng ở đây". 

Nhà ông nằm sát chân đê, nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn cho hay "Vào những đêm thanh vắng, nằm trong nhà nghe dưới sông Cầu vọng lên tiếng xà lan trầm đục. Thả lòng vào trăng khuya chợt như nghe thấy vẳng đâu đây câu Quan họ". Lại ôi thú vị làm sao, cảnh ấy, tình ấy cho hồn thơ dâng lên "Sông Cầu/ như người con gái/ sẽ không bao giờ lấy chồng/ phù sa vỗ lên đôi bờ/ nước mắt… (Hát mới về dòng sông).

Trữ tình là thế nhưng Nguyễn Anh Thuấn khởi đầu sự nghiệp thơ của mình bằng những bài thơ "công nhân". Chả là năm 1966, học xong phổ thông, Chàng trai 19 tuổi tên là Thuấn "khăn gói" lên Vĩnh Phúc, theo học ở Trường trung cao cơ điện. Năm 1968, Nguyễn Anh Thuấn ra trường, về làm cán bộ kỹ thuật tại Nhà máy phụ tùng ôtô số 1 ở Hà Đông. Quãng thời gian hơn 10 năm ngỡ đủ để chàng trai trẻ "gắn" với máy móc và kim loại. Ấy vậy mà không, vừa làm thợ vừa làm kỹ thuật, Nguyễn Anh Thuấn vẫn âm thầm làm thơ và hăng hái viết tin bài gửi đăng các báo.

Tôi hỏi "Tưởng nghề ấy đâu có ăn nhằm gì đến chữ nghĩa mà bác lại theo nhỉ?". Ông nhà thơ đưa tay vén mái tóc dài trùm gáy của mình nói luôn: "Thì làng tôi có truyền thống văn chương chữ nghĩa mà". Thì ra quê ông, làng Kim Đôi (xã Kim Chân, huyện Võ Giàng sau này là huyện Quế Võ và bây giờ thuộc thành phố Bắc Ninh), xưa có tên gọi là làng Dủi Quan (người dân sống bằng nghề dủi tôm cá ngoài đồng và sông ngòi). Làng nằm bên bờ Nam sông Cầu, nơi đây từng được mệnh danh là một trong những "lò tiến sĩ" của nước Việt. Một làng lừng danh xứ Kinh Bắc xưa. 

Nếu so với làng Mộ Trạch ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương có 36 vị đỗ Tiến sĩ thời Khoa cử, thì làng Kim Đôi chỉ đứng thứ hai với 25 vị đỗ Tiến sĩ thời Khoa cử. Riêng dòng họ Nguyễn của làng danh giá với 18 vị đỗ Tiến sĩ. Trong đó có hai vị tham gia Tao đàn nhị thập bát tú của Lê Thánh Tôn. Nguyễn Anh Thuấn là hậu duệ đời thứ 19 của dòng họ này. Tôi nghe đến đây mà giật mình "Người quê ấy đúng là người quê ấy"...

Vừa làm thợ vừa làm thơ, nếu như theo cách nói vui của ông thì là "Lúc rảnh hay khi tâm hồn rung động là tôi chỉ việc bỏ "dấu chấm" đi là "Thợ" thành "Thơ" thôi". Bài thơ đầu tiên được in báo là "Những người thợ đúc" (báo Hà Bắc in năm 1969). Bài thơ có những câu tả thực về nghề thợ vất vả mà giọng thơ khá trữ tình "Hỏa sơn thu lại trong lò/ Hơi nóng phụt ra bỏng rát/ Lưỡi lửa liếm dài trên cát/ Bàn chân bao lần đi qua". 

Nhưng phải cho đến khi anh thợ cơ khí trẻ được "bà đỡ" Xuân Quỳnh, BTV báo Văn nghệ đưa bài thơ "Cái mũi khoan" lên đăng trên tờ báo danh giá văn chương thì Nguyễn Anh Thuấn mới thực sự đủ "bản lĩnh đi vào thơ ca" một cách dài dài.

Tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn.

Nghe nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn kể "chuyện đầu đời thơ" như vậy tôi cũng ngạc nhiên. Không hiểu nữ sĩ Xuân Quỳnh của "Thơ tình cuối mùa thu" của "Thuyền và biển" đã có cảm nhận sâu xa thế nào với những vần thơ "Mười ly như một ngón tay/ Năm ly như cái đinh quay đó mà/ Xoắn quanh hình chiếc ruột gà/ Toàn thân bằng thép tên là mũi khoan". Có lẽ là vậy, nữ sĩ Xuân Quỳnh thấy ở đó một hồn thơ chạm đến những gì tưởng quên lãng nên bà đã biên tập và chọn in vào năm 1971.

Được đà nên Nguyễn Anh Thuấn hăng hái làm thơ. Thơ được viết ra và được in thường xuyên trên các báo như: Báo Lao động, báo Tiền phong, báo Thống nhất… Năm 1982, Nguyễn Anh Thuấn trình làng thơ tập thơ đầu tay "Bàn tay năm tháng", lần này "bà đỡ" là Nhà xuất bản Văn học. Ở tập thơ này, giọng thơ của Nguyễn Anh Thuấn đã mênh mang hơn, đã chững chạc hơn.

Nguyễn Anh Thuấn chuyển sang nghề báo cũng rất thú vị. Số là "dính" vào chuyện vợ con nên chẳng muốn xa nhà, Nguyễn Anh Thuấn xin chuyển về công tác tại Đài Phát thanh tỉnh Hà Bắc. Đó đâu là giữa năm 1979 thì phải. Ông làm ở đây một thời gian, rồi lại xin chuyển về đài Phát thanh thị xã Bắc Ninh vừa làm phóng viên - biên tập. 

Bài thơ "Làng Tiến Sỹ" khá nổi tiếng của ông, in trên báo Văn Nghệ 1989 viết trong thời gian này, bài thơ có câu nghe đọng nhân tình thế thái: "Thì biết tìm ai ngoài bãi vắng?/ Con sông đổ nước trắng hai bờ/ Bên bồi xa khuất, toàn bên lở/ Sóng vỗ đau đời tóc bạc phơ".

"Kể cũng tiếc" tôi vui miệng nhắc lại chuyện ngôi nhà cổ quý giá bị lính Pháp đốt cháy. Nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn sau giây phút trầm lặng thì nói "May là còn giữ được cái cổng cổ". Nghe tới đây tôi chợt nhớ tới ba chữ được đắp nổi ở chính giữa ngay dưới mái cổng. Ba chữ đó là "Thủ chư hậu". Hẳn người ông nội của nhà thơ, vốn dân Nho học nên đã dựa vào ý của câu nói người xưa "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/ Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc - Lo trước điều lo thiên hạ/ Vui sau điều vui thiên hạ" với thiển ý răn dạy con cháu phải biết sống khiêm nhường, biết lo cho người.

Thơ của Nguyễn Anh Thuấn khá đa dạng về đề tài nhưng chủ yếu vẫn là đề tài quê hương, đất nước. Với 7 tập thơ mà ông đã in tuy chưa phải là nhiều so với hơn 50 năm làm thơ nhưng sự vững chãi trong câu thơ và những ý thơ đậm đà đã cho người đọc những rung cảm. Ví như ông đã viết "Thơ như là giấc mơ/ Một đời không tới được/ Thơ như là giọt nước/ Mà bao la vòm trời/ Thơ như là tiếng gọi/ Yêu người - Người yêu ơi".

Bao trùm trong thơ Nguyễn Anh Thuấn là tình người, tình quê "Sông Cầu/ như em/ và như mẹ/ sữa ngọt ngào/ da thịt dịu êm/ sông Cầu/ có như anh/ hiền lành/ chả thích gì gươm súng… (Hát mới về sông).

Dù giờ đã ngoài bảy mươi, nghỉ hưu cũng đã lâu nhưng nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn vẫn tích cực tham gia BCH Hội và là BTV "cứng" của Tạp chí "Người Kinh Bắc" của Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh. Tâm sự với tôi, ông "Người thơ sông Cầu" cho biết: "Mình từng "chịu ơn" những BTV đã mát tay nâng đỡ thơ mình nên mình thấy cần phải làm tiếp công việc "bà đỡ" cho những tác giả trẻ, tác giả mới". Được biết, nhiều cây bút Bắc Ninh đã trưởng thành như: Mẫn Đức Kiểm, Nguyễn Đức Quế, Thái Khoát, Nguyễn Tự Lập, Nguyễn Văn Lịch, Nguyễn Văn Doanh, Phan Khắc Trụ, Trần Thiết, Xuân Hùng… có một phần từ "sự vun vén" của ông.

Và ngôi nhà nằm sát chân đê sông Cầu của ông vẫn là nơi anh em thơ phú trong tỉnh cũng như cả các tỉnh, thành bạn tới nơi đàm đạo. Và lại nghe vẳng lên những câu thơ như: "Hạt gì chim đánh rơi/ Nơi góc vườn nghèo khó/ Một cây non mồ côi/ Chả ai thèm nhòm ngó/ Góc vườn xưa hiu hắt/ Một sớm trời sương mơ/ Cây như đầy phép lạ/ Hoa đỏ lên bất ngờ"... ( Bất ngờ hoa đỏ ).

Và đúng như nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn đã tự nói về mình "Anh là cỏ bám đất lành để sống"... ông "Người thơ sông Cầu" này còn dẳng dai với đời và với thơ. 

Nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003 và đã được nhận:

- Giải B (Không có giải A) , giải thưởng của UBTQ liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 1999 cho tập thơ “Cây hai bờ gió”. 

- Giải thưởng VHNT 5 năm (2012-2017)  của UBND tỉnh Bắc Ninh cho tập thơ “Buông gió vào chiều”. 

Nguyễn Trọng Văn

Giữa lòng Hà Nội, trung tâm kinh tế, văn hóa và công nghệ sôi động của cả nước, lực lượng Công an Thủ đô đang ngày đêm mở những trận đánh quyết liệt, không khoan nhượng vào các ổ nhóm tội phạm kinh tế. Trên trận tuyến này, lực lượng Cảnh sát Kinh tế đã thể hiện sự tinh nhuệ, trí tuệ sắc bén để bảo vệ thị trường, sức khỏe của người dân trước những hiểm họa từ các đường dây buôn bán hàng cấm.

Cả chục năm qua, “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội dường như vẫn chưa có bài giải khi Thủ đô đã tổ chức nhiều đợt ra quân để lập lại trật tự đô thị, có những cao điểm làm mạnh tay, nhưng một thời gian sau lại đâu vào đấy.

Từ thông tin được người dân phản ánh, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT đã chỉ đạo các tổ công tác của Cục CSGT truy tìm, xử lý nghiêm tài xế Audi có hành vi chạy xe lạng lách, chèn ép các phương tiện khác trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc THCS ở mức độ 3, song những năm gần đây, chỉ riêng việc tuyển sinh vào khối lớp 10 hàng năm đã có hơn chục nghìn học sinh lớp 9 không có cơ hội vào trường THPT công lập. Do chưa đến tuổi lao động nên hầu hết số học sinh này đều phải tiếp tục theo học các trường tư thục, trường cao đẳng, trung cấp nghề hoặc theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, việc cấp phép, quản lý đối với hoạt động của khối trường tư thục bậc THPT đang có nhiều vấn đề đáng quan ngại…

Hôm nay, dự báo tình hình thời tiết mưa to vẫn tiếp tục diễn ra khắp miền Bắc, Thanh Hóa và Nghệ An. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hứa sẽ ban hành luật mới trong bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp diễn cũng như làn sóng phản đối một đạo luật được thông qua đầu tuần này mà các nhà phê bình cho rằng làm suy yếu cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraine. 

Trước tình hình mưa lũ phức tạp do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Wipha), chiều 23/7, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc khẩn cấp với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ nhằm rà soát công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện và ứng phó thiên tai trên lưu vực sông Cả.

Chiều 23/7, đối tượng sát hại người đàn ông lái xe ôm tại địa bàn xã Tuấn Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã bị lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ khi đang lẩn trốn ở tỉnh Bắc Ninh.

Sau hơn 4 giờ hình thành, áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông và tối nay (23/7) đã mạnh lên thành bão số 4 (có tên quốc tế COMAY). Tính đến tối nay, đã có 2 người chết và 5 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà ở tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An bị ngập do mưa lũ.

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng đề nghị Đảng bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát huy tốt nhất vai trò bảo vệ tuyến đầu cửa ngõ quốc gia, không chỉ làm tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, phòng, chống vi phạm mà cần chủ động tham gia đóng góp tích cực vào quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khai thác tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Ngày 23/7, tại Hội trường UBND xã Đoàn Đào, tỉnh Hưng Yên, Công an tỉnh Bắc Ninh đã trang trọng tổ chức Lễ truy điệu và trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Trần Ngọc Sơn, nguyên cán bộ Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Ninh hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự.

Ngày 23/7, TAND tỉnh Hưng Yên mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Đồng Xuân Thụ (cựu Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) và bị cáo Nguyễn Thị Ánh Hồng (cựu Phó Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) cùng 40 bị cáo khác là cựu lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.