Người tiên phong sáng lập cải lương tuồng cổ

08:08 04/10/2016
Sáng 22-9-2016, tin NSND Thanh Tòng qua đời ở tuổi 68, khiến giới cổ nhạc và công chúng ái mộ cải lương ngậm ngùi, xúc động. Ông là một nghệ sĩ đức độ và tài năng, là người có công lớn đưa bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ lên một tầm cao mới và có một vị thế xứng đáng trong làng nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.


Vào nghề rất sớm

NSND Thanh Tòng sinh năm 1948 trong một gia tộc gắn bó nhiều đời với nghệ thuật hát bội và cải lương hồ quảng ở miền Nam. Ông nội là bầu Thắng; thân sinh là nghệ sĩ Minh Tơ, chú ruột là nghệ sĩ Khánh Hồng và nhạc sĩ Đức Phú; cô ruột là nghệ sĩ Huỳnh Mai (mẹ ruột của NSƯT Thành Lộc và NS Bạch Long); chị ruột là nghệ sĩ Xuân Yến và các em là các nghệ sĩ: Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Thanh Sơn.

Năm 3 tuổi, Nguyễn Thanh Tòng bắt đầu làm quen với ánh đèn sân khấu. Đầu tiên ông học hát bội, khi diễn cùng ông nội trong vở "Hoàng Phi Hổ quy Châu" và "San Hậu". Lên sân khấu được vài lần thì ông "ghiền" luôn và tiếp tục học ca diễn cải lương, học tân nhạc, học múa… với các cô chú nghệ sĩ cũng là bà con họ hàng trong thân tộc.

Năm 10 tuổi, ông chính thức theo nghề khi đóng thành công vai Lữ Bố ở đoàn Đồng ấu Minh Tơ do ba ông phụ trách với các nghệ sĩ Xuân Yến, Thành Phượng, Kim Hoàng (tức là nghệ sĩ Bo Bo Hoàng). Năm 11 tuổi, NSND Thanh Tòng được các ký giả ở Sài Gòn thời bấy giờ phong cho danh hiệu là "Thần đồng sân khấu".

Là con trai của nghệ sĩ Minh Tơ, Thanh Tòng được thân phụ tận tình dìu dắt, chỉ dạy ông hóa thân tất cả các loại vai tuồng trên sâu khấu, từ kép văn, kép võ, cho đến kép trung, kép nịnh, lão, độc, mùi; thậm chí, hướng dẫn cả đào văn, đào võ… Cha ông muốn con trai mình trở thành nghệ sĩ đa năng, toàn diện. Ông đã hóa thân thành công các nhân vật như Trịnh Ân, Bao Công, Quan Công lẫn các vai giả gái như Điêu Thuyền, Hồ Nguyệt Cô… trên sân khấu cải lương.

NSND Thanh Tòng.

Ngoài học nghề từ người cha tài năng, NSND Thanh Tòng còn may mắn được các nghệ sĩ Khánh Hồng, Đức Phú, Thành Tôn, bà Năm Đồ Hoàng Bá, Hoàng Nuôi, Sáu Trọng, Xuân Liễu, cùng các nhạc sĩ Sáu Tửng, Năm Bửu, Năm Cơ, Văn Vĩ... hết lòng truyền dạy. Ông còn học cả cách dàn dựng, cách viết tuồng. Bất cứ công việc nào có liên quan đến sân khấu, ông đều học hỏi và am tường. Vừa tròn đôi mươi, ông đã dàn dựng thành công vở cải lương "Bao Công tra án Quách Hòe" trên sân khấu Khánh Hồng - Minh Tơ như một khởi nghiệp cho nghề đạo diễn sau này.

Vua cải lương hồ quảng

Những năm đầu của thập niên 1960 của thế kỷ trước, phim ảnh Đài Loan du nhập vào miền Nam - Việt Nam khá nhiều. Âm nhạc Đài Loan lúc bấy giờ như "bông hoa lạ" khiến cho nhiều người say mê, thích thú. NSND Thanh Tòng cùng người chú ruột của mình là cố nhạc sĩ Đức Phú (tác giả hai vở cải lương hồ quảng nổi tiếng: "Sa phu đi xứ", "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài") đã biến thể nhạc Đài Loan thành những bản nhạc hồ quảng được sử dụng thay thế trong các vở cải lương tuồng Tàu.

Từ đó, tên gọi cải lương tuồng Tàu được đổi thành cải lương hồ quảng. Sự sáng tạo của NSND Thanh Tòng đã tạo một sức hút mạnh mẽ cho gánh hát Vĩnh Xuân - Khánh Hồng - Minh Tơ và ông được giới báo chí ở Sài Gòn lúc bấy giờ phong cho biệt danh là "Vua cải lương hồ quảng".  Đây là một dấu ấn, một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của người nghệ sĩ thuộc gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ.

Tiên phong sáng lập cải lương tuồng cổ

Dù khá nổi bật và thành công trên sân khấu cải lương hồ quảng thời hoàng kim, nhưng cột mốc nghệ thuật quan trọng của NSND Thanh Tòng có lẽ là giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất. Thời điểm này, có sự tranh cãi và định kiến cho rằng cải lương hồ quảng của Việt Nam với rất nhiều tuồng Tàu là bắt chước kịch hát hồ quảng của Trung Quốc, là lai căng, không phải là nghệ thuật truyền thống mang tính dân tộc.

Nhằm khẳng định tính Việt, bằng vốn nghề vũ đạo hát bội và cải lương tuồng hồ quảng dồi dào của một người con nhà nòi có ba đời làm đoàn hát, Thanh Tòng đã tiên phong và tạo lập thành công cải lương tuồng cổ thay thế cho cải lương hồ quảng.

NSND Thanh Tòng từng tâm sự với báo giới: "Nếu như trước giải phóng, nhận thức của tôi hạn hẹp không xa hơn đời anh kép hát với những tích tuồng xưa cũ; thì sau giải phóng, được tham gia những lớp tập huấn về sáng tác và biểu diễn, được tiếp xúc với những bậc thầy của sân khấu cải lương có trình độ lý luận và tay nghề vững chắc, tôi đã tiếp thu và tạo nên một loại hình nghệ thuật khác hẳn so với phong cách của ba tôi trước đó".

Từ năm 20 tuổi, Thanh Tòng bắt đầu chuyển sang viết kịch bản, đưa tích truyện dân gian như Lưu Bình - Dương Lễ, Phạm Công - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên vào nội dung các vở tuồng,  "nội hóa" thêm một phần nữa cho loại hình ca kịch mà ông đang gắn bó. Ông cũng chú tâm vào viết tuồng lịch sử Việt Nam, với các nhân vật như Triệu Thị Trinh, An Dương Vương, Nguyễn Huệ, Trần Quốc Toản, Tô Hiến Thành, Hồ Huấn Nghiệp, công chúa An Tư...

Quá trình sáng tác, ông hạn chế sử dụng nhạc Đài Loan, thay vào đó là những làn điệu mới. Đây là những làn điệu do cố nhạc sĩ Đức Phú (chú ruột của ông) sáng tác cho một số vở diễn trước kia, được nghệ sĩ lẫn khán giả ưa thích. Thanh Tòng viết thêm lời mới có nội dung phù hợp với hoàn cảnh, tính cách các nhân vật trong vở tuồng.

NSND Thanh Tòng trong một vai diễn.

Khi trình diễn, được mọi người công nhận nó tương tự như các bài bản, làn điệu của nghệ thuật cải lương chính thống. Số ít nhạc Đài Loan khi sử dụng, ông cho ngân nga, luyến láy khác đi, mang âm hưởng nhạc Việt Nam nhiều hơn. Thanh Tòng còn bỏ luôn các động tác vũ đạo của Đài Loan, thay vào là những động tác múa rất riêng, không nặng nề như trước kia. Phục trang và hóa trang cũng thế.

Những kịch bản cải lương tiêu biểu của NSND Thanh Tòng cho đến nay vẫn còn được nhắc đến như là "Dưới cờ Tây Sơn", "Câu thơ yên ngựa", "Bão táp Nguyên phong", "Má hồng soi kiếm bạc", "Ngọn lửa Thăng Long", "Tô Hiến Thành xử án", "Bức ngôn đồ Đại Việt", "Tờ mật chỉ", "Hoàng hậu không ngôi"...  Từ các vở diễn của ông, cải lương tuồng cổ được khán giả đón nhận nhiệt tình không thua gì cải lương truyền thống.

Đào tạo nhiều thế hệ tài năng

Sau ánh đèn sân khấu, ông là một nhà quản lý giỏi, một tác giả -  đạo diễn có tài, là người thầy hết lòng tận tụy, một nhà sư phạm có phương pháp truyền nghề độc đáo. Tính từ năm 1968 đến nay, bốn thế hệ nghệ sĩ trưởng thành của nghệ thuật cải lương tuồng cổ đều có dấu ấn của NSND Thanh Tòng như: Hữu Lợi, Hữu Cảnh, Trường Sơn, Thanh Thế, Bửu Truyện,Thùy Dương, Cẩm Hương, Kim Duyên, Bạch Long, Quế Phương, Thanh Vân, Minh Hiếu, Kim Thủy, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân...

Trong đó, có nhiều nghệ sĩ thuộc hàng "ngôi sao" của sân khấu cải lương như: Ngọc Đáng, Tài Linh, Vũ Linh, Ngọc Huyền,Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Kim Tử Long, Thoại Mỹ... Mặc dù vậy, ông không bao giờ nghĩ mình là thầy, mà chỉ coi mình là người đi trước dìu dắt, hỗ trợ, giúp đỡ thế hệ đàn em, góp phẩn bảo lưu và gìn giữ di sản nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Dù biết NSND Thanh Tòng mắc trọng bệnh cách đây nhiều năm, thế nhưng, khi hay tin ông lìa xa cõi đời vẫn khiến cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp, khán giả... ngậm ngùi xúc động.

NS Bạch Long (em cô cậu với NSND Thanh Tòng) chia sẻ: "Với anh Năm Thanh Tòng, tôi xem anh như là tấm gương, là người thầy đáng kính của mình. Tôi học được ở anh Năm nhiều thứ, từ nghề nghiệp đến cuộc sống. Anh là người có lòng tự trọng cao, rất chuẩn mực trong lối sống, không bao giờ vướng vào những thói hư tật xấu. Anh xứng đáng là một nghệ sĩ nhân dân".

NSƯT Phượng Loan chia sẻ tình cảm của mình cũng là tình cảm chung của đa phần giới nghệ sĩ đối với cố NSND Thanh Tòng: "Với chúng tôi, cậu Năm Thanh Tòng sống rất tình cảm, ông gắn bó với anh em nghệ sĩ như người nhà. Cho dù giờ đây, ông mãi mãi ra đi, nhưng tên tuổi và những cống hiến của ông vẫn gắn liền với những vai diễn nổi bật trong những kịch bản của cải lương tuồng cổ".

NSND Thanh Tòng là một nghệ sĩ lớn được mọi người kính trọng vì nhân cách, đạo đức lẫn tài năng. Cho dù trái tim ông đã ngưng đập, nhưng ắt hẳn người thân, đồng nghiệp và công chúng vẫn còn nhắc đến ông - "Vua cải lương hồ quảng", một tên tuổi lớn của ngành ca kịch sân khấu truyền thống của dân tộc, đã để lại dấu ấn khó phai trong đời sống văn hóa văn nghệ nước nhà trong hơn nửa thế kỷ.

Phạm Thái Bình

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文