Người về lòng rũ sạch sầu thương

14:26 23/02/2019
Hàng chục năm qua, không ít du khách và nghệ sĩ nước ngoài đã vào ngôi chùa này chiêm bái, thăm viếng mộ chí. Họ đều công nhận, trên thế giới hiếm nơi nào thờ tụng, tưởng nhớ nghệ sĩ như ở Việt Nam. Ai đến đây cũng đều bùi ngùi, tiếc thương cho những phận đời không may mắn...


Không gian Chùa Nghệ Sĩ (tại Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) luôn yên tĩnh, trầm mặc. Hàng cây xanh và hoa phủ đầy lối đi. Phật tử, hay những người làm công quả tại chùa đều là nghệ sĩ, cùng những khán giả mến mộ cải lương. Bên cạnh chùa còn có một nghĩa trang nghệ sĩ, rộng chừng gần hai mẫu đất. Đây là "cõi về" của những “ông Hoàng bà Chúa” cải lương nổi tiếng nhưng nghèo khó, cô đơn và không nơi nương tựa...

Sân khấu là cuộc đời - Tu là cội phúc

Hàng chục năm qua, không ít du khách và nghệ sĩ nước ngoài đã vào ngôi chùa này chiêm bái, thăm viếng mộ chí. Họ đều công nhận, trên thế giới hiếm nơi nào thờ tụng, tưởng nhớ nghệ sĩ như ở Việt Nam. Ai đến đây cũng đều bùi ngùi, tiếc thương cho những phận đời không may mắn.

Tuy vậy mọi người đâu có biết, để tìm được khu đất thừa tự này, các nghệ sĩ đã vất vả gian truân như thế nào. Một khu đất hoang vu, cách đây hơn 60 năm không ai thèm ngó tới. Vậy mà cuối đời, các nghệ sĩ cải lương lừng danh một thuở đã phải tìm về, kết thúc chặng đường lang bạt cơ cực, tha hương.

Hài cốt đầu tiên được chôn cất nơi đây là của nghệ sĩ Tư Út, từ năm 1972. Tính đến nay, Nghĩa trang Nghệ sĩ đã có tới hơn 300 ngôi mộ, chưa kể những người đã được hóa, sau 30 năm chôn cất để đưa tro lên chùa.

Nghệ sĩ Minh Vũ (bên phải), người làm công quả trong chùa và tác giả bài viết tại Chùa Nghệ Sĩ.

Tôi có dịp gặp nghệ sĩ cải lương Minh Vũ (Đoàn cải lương Kim Chung), người cũng đã về chùa khi già cả, cô đơn. Ông kể, xưa nhiều nghệ sĩ cải lương bậc thầy, tiếng thế nhưng lại nghèo. Gia cảnh nhiều người neo đơn, ly tán tha phương, cô quạnh cuối đời. Họ đành tìm về ngôi chùa vì không có nơi chôn cất. Trong số họ, không ít nghệ sĩ lừng danh, tài năng xuất chúng như Phùng Há, Năm Châu, Út Trà Ôn, Ba Vân, Tấn Tài, Thanh Nga…

Công đầu dựng chùa phải kể đến NSND Phùng Há, người đã có sáng kiến và tìm mua khu đất này từ năm 1958. Phùng Há là một trong những nghệ sĩ lứa đầu tiên khai sáng ngành cải lương nước ta. Bà thể hiện vai Thúy Kiều xuất sắc từ năm 16 tuổi, trở thành ngôi sao sáng trên sân khấu cải lương.

Nhưng cuộc đời nghệ sĩ Phùng Há lại truân chuyên, hồng nhan bạc phận. Sân khấu cải lương đã đưa bà lên tột đỉnh vinh quang, với những vai để đời như “Mộc Quế Anh”, “Cô Lựu”, “Dương Quý Phi”, “Lữ Bố”… chưa kể các vai bà đã diễn hàng trăm lần như “Kiều” (vở "Kim Vân Kiều"); “An Lộc Sơn” (vở "Đường Minh Hoàng"); “Kiều Nguyệt Nga” (vở "Kiều Nguyệt Nga"). Thật khó tưởng tượng, bà tổ sân khấu cải lương này có số mệnh đắng cay, mấy lần chuyển đò, vỡ bến, con cái ly tán. Cuộc đời buồn tủi, phải về tu tại Chùa Nghệ Sĩ (năm 1997), cho đến lúc tạ thế (năm 2009).

Tôi được nghệ sĩ Minh Vũ dẫn đi thăm từng ngôi mộ nghệ sĩ. Khi tới mộ của nghệ sĩ cải lương Út Trà Ôn, tôi sững người vì sự đơn sơ của nó. Đó chỉ là một khối đá chữ nhật, được ốp gạch hoa màu đen, thấp dài. Út Trà Ôn nổi danh khi mới 18 tuổi (năm 1955), gắn với ca khúc “Tình anh bán chiếu”. Nghệ sĩ Út Trà Ôn có năng khiếu thẩm âm xuất sắc. Ông chỉ nghe một lượt, thuộc ngay và hát lại y chang thầy đờn. Giọng ca lại mùi mẫn làm mê hoặc lòng người. 

Chỉ hai năm sau, Út Trà Ôn đoạt luôn giải nhất cuộc thi ca cổ, qua các bài “Thức trót canh thâu”, “Tôn Tẫn giả điên”. Sau đó, Út Trà Ôn được nhiều đoàn mời đi hát. Nơi nào cũng trả tiền ông hậu hĩnh. Thậm chí vào năm 1959, giọng ca Út Trà Ôn đã đoạt kỷ lục “cát xê”, với giá 750.000 đồng (tương đương với 300 cây vàng), trả một năm đi diễn cho đoàn Thanh Minh. 

Cuộc đời ông trôi nổi đó đây. Khi sân khấu cải lương suy kiệt, cuộc đời ông cũng gieo neo, long đong khôn lường. Cuối cùng khi tạ thế, Hội Ái hữu nghệ sĩ cải lương đưa hài cốt ông về an táng tại nơi đây (năm 2001).

Nhưng có lẽ, ngôi mộ của NSƯT Thanh Nga làm tôi bồi hồi hơn cả, bởi nhớ lại vụ kẻ sát nhân đã định giết con trai; nhưng bà đã lấy thân mình đỡ đạn, nhận một cái chết tức tưởi (1978). NSƯT Thanh Nga là học trò cưng của cả hai người, NSND Phùng Há và Út Trà Ôn. Khi mới 16 tuổi (1958), giọng ca của Thanh Nga đã đoạt giải Thanh Tâm - triển vọng sân khấu cải lương Sài Gòn.

Mấy năm sau, nghệ sĩ lại chiếm lĩnh giải Thanh Tâm xuất sắc khi biểu diễn vai Giáng Hương trong vở “Sân khấu về khuya” (năm 1964). Khán giả mến mộ, coi nghệ sĩ Thanh Nga là thần tượng và là người thay thế cho giọng hát Phùng Há, kế tiếp thế hệ nghệ sĩ cải lương lừng danh trước đó. Đặc biệt đến vai Thái hậu Dương Vân Nga, một đỉnh cao sáng chói của Thanh Nga trên sân khấu cải lương, trong thời gian mới giải phóng đất nước. Thật không may Thanh Nga đã gặp nạn.

Viên đạn cay đắng đã kết thúc cuộc đời nghệ sĩ ở giai đoạn thăng hoa nhất. Nghệ sĩ Thanh Nga đã được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (1984). Ba mươi năm sau, tên bà được vinh danh đặt cho con phố tại quận 9, TP Hồ Chí Minh. Ngôi mộ NSƯT Thanh Nga được chuyển về Chùa Nghệ Sĩ theo đúng nguyện vọng của gia đình, để gắn bó phần hồn với bạn đồng nghiệp khốn khó một thời.

Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường

Với cấu trúc như một công viên thu nhỏ trong sân chùa, Đài Tưởng niệm ghi lại những cái tên, cùng những lời chia sẻ của nghệ sĩ đã quá cố. Nơi đây có thể là chốn tuyền đài mà hồn người gửi gắm. Các nghệ sĩ muốn nói với người đời, rằng cõi đời đáng sống, hãy tận tâm với nó. Yêu thương nó và chăm chút cho cháu con trưởng thành. Khi ta về cõi đã là niềm an ủi. Bởi cuộc đời giống như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cất tiếng ca: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Các nghệ sĩ đã chọn những niềm vui như thế và sống hết mình vì cuộc đời.

Khi vào trong chùa, tôi càng thấy nỗi sầu lo tan biến trên gương mặt những nghệ sĩ đã gửi thân nơi đây. Cho dù: “Khép bức màn nhung danh vọng hết. Người về lòng rũ sạch sầu thương. Kẻ vào cởi áo lau son phấn. Trả hết vinh hoa lẫn đoạn trường”. Đây là lời đề từ được tạc bên đài tưởng niệm. Ngỡ là hết. Nhưng hồn phách ở lại. Tinh thần họ đã trao cho cuộc đời. Giọng hát và lời ca còn vang vọng mãi với thời gian.

Khu mộ NSND Phùng Há.

“Thôi về đi đường trần đâu có gì” - Trịnh Công Sơn đã ca vậy, an ủi cõi về, nhưng giá trị mà họ để lại thì bất tử. Tôi không còn buồn trĩu lòng khi đứng bên chân dung NSND Phùng Há. Cuộc đời đầy đọa bà. Nhưng cốt cách nghệ sĩ của bà lại lớn biết chừng nào, khi thể hiện những vai diễn mẫu, lôi cuốn bao thế hệ. Học trò của bà rất đông. Họ đang sống và sáng tạo, ngày đêm lo phục hồi lại một thời huy hoàng cho sân khấu cải lương Nam Bộ. Chính vì thế bà vẫn còn mãi.

Còn kia nữa, NSND Ba Vân, một "quái kiệt" luôn cống hiến tiếng cười cho khán giả. Họ tìm đến ông để cười. Để sảng khoái với sự giễu cợt, bay bổng vượt qua mọi khó khăn. Sinh thời, nghệ sĩ Ba Vân trước khi lên sân khấu bao giờ cũng nhắm mắt thiền, hội tụ tinh thần lạc quan của trời đất, làm bật những nụ cười cho khán giả. Mỗi nơi một khác. Những nụ cười luôn luôn tươi mới.

Vườn hoa ngát hương

Chùa Nghệ Sĩ không còn hình ảnh ngày xưa nhiều cỏ lác, mà đã được nằm cận kề những khuôn viên vườn hoa cây cảnh. Cho đến nay, phường 11, quận Gò Vấp vẫn là một làng hoa nổi tiếng. Cách không bao xa, còn có Công viên hoa Gò Vấp. Làng hoa có lịch sử phát triển khá lâu, cả trăm năm, cung cấp hoa cho cả thành phố Hồ Chí Minh một thời.

Nghề trồng hoa giờ không còn rôm rả vì đất đai khan hiếm, nhưng nơi đây lại được vinh danh “Làng Bonsai Gò Vấp”. Nhiều nghệ nhân đã chuyển từ nghề trồng hoa sang tạo dáng cây cảnh. Họ đều là những nghệ nhân tài năng và sáng tạo.

Mỗi tết đến xuân về, hàng trăm người đều về mua hoa và tìm cây cảnh trưng bày. Mọi người lại rẽ vào chùa. Xuân năm nay cũng vậy. Tôi thấy một không khí nhộn nhịp khác thường. Hai mặt ngõ bên Chùa Nghệ Sĩ được bày hoa và cây cảnh. Đối diện với cổng Chùa Nghệ Sĩ có một quán “Cà phê Ghi Ta”. Các tay đàn thường đến đây hòa tấu.

Ngắm đôi mắt cười trong bức chân dung của cố NSND Ba Vân, tôi thấy niềm vui dâng lên trong cõi về của những “ông Hoàng, bà Chúa” cải lương một thuở. Linh hồn nghệ sĩ Ba Vân luôn cất tiếng: “Thở đi nhẹ một kiếp người. Vui đi để có nụ cười mênh mang”. Một khung cảnh thi vị vây quanh Chùa Nghệ Sĩ, ấm áp hương xuân.

Vương tâm

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文