Người viết bài hát hay nhất về Bác Hồ

08:30 16/02/2020
Trong kho tàng ca khúc hiện đại Việt Nam phải có tới hàng trăm bài hay viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh được công chúng nhiều thế hệ truyền tụng. Nhưng nếu được quyền lựa chọn bài hay nhất, tôi sẽ nói đó là bài "Hồ Chí Minh đẹp nhất Người" của cố nhạc sỹ Trần Kiết Tường (1924 - 1999). Tôi có thể khẳng định không người Việt Nam nào không biết bài này và bất cứ ai nghe cũng ưa thích.


Khai thác chất liệu từ điệu hò Cần Thơ, tác giả tạo nên một bài hát có giai điệu đẹp, hết sức truyền cảm, gần gũi với tất cả mọi người với những lời ca vừa sâu sắc, hàm súc lại vừa dung dị, có sức thuyết phục cao: "Tôi hát ngàn lời ca bao la hơn những cánh đồng, mênh mông hơn mặt biển Đông, êm đềm hơn những dòng sông…".

Hầu như ca sỹ nào trong đời ca hát của mình cũng tìm đến ca khúc này. Trên làn sóng các Đài phát thanh và truyền hình cả nước có rất nhiều giọng hát thể hiện bài này trong hơn nửa thế kỷ qua nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai vượt qua được cố NSND Quốc Hương. Trần Kiết Tường sáng tác bài này từ năm 1960 nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch.

Cố nhạc sỹ Trần Kiết Tường thời trẻ.

Nhưng tới năm 1962, sau khi tu nghiệp âm nhạc ở Liên Xô (cũ) về nước, ông mới tìm để trao cho Quốc Hương. Ca sỹ lúc này cũng vừa đi học thanh nhạc 7 năm ở Hung ga ri về nước, rất đồng cảm với sáng tác của nhạc sỹ, đã đến Đài TNVN thu thanh. Ngay sau lần phát sóng đầu tiên, bài hát đã chiếm được sự yêu thích của thính giả. Sau đó, rất nhiều thư yêu cầu từ khắp mọi miền đất nước gửi về Đài muốn được nghe lại.

Hầu như buổi phát thanh "Tiếng hát gửi về Nam" nào trong thời gian này bài hát cũng được vang lên. Về bài này, có một chuyện khá đặc biệt. Sau ngày miền Nam được giải phóng, lần đầu tiên tôi đặt chân tới Sài Gòn, tình cờ quen biết một người thợ cắt tóc trước đây là lính trong quân đội của Việt Nam cộng hòa. Anh ta mở nhạc cho khách ngồi chờ nghe. Tôi thấy bên cạnh nhiều bài gọi là "nhạc vàng" phổ biến từ trước có cả một số bài "nhạc đỏ" ngoài Bắc trong đó có bài "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người".

Đến lượt tôi ngồi vào ghế để cắt tóc. Xung quanh không có khách, tôi gợi chuyện với anh:

- Anh cũng nghe bài này à? Có thích không? - Ý tôi muốn nói đến bài hát của Trần Kiết Tường,

Anh ta trả lời rất tự nhiên:

- Bài này hay anh ạ, Nhạc đỏ mà nghe mềm mại, du dương, không ồn ào như nhiều bài khác,

- Vậy là anh chỉ chú ý đến phần nhạc. Còn nội dung?

- Bài này nói đến Cụ Hồ. Tôi nghe nói nhiều về Cụ Hồ được cả dân tộc kính yêu, thấy bài này ca ngợi Cụ quá hay. Tôi thấy có điều thật đặc biệt là chỉ có Cụ mới có nhiều bài hát ca ngợi chứ mấy ông đứng đầu quốc gia trong này chẳng thấy có bài hát nào.

Về sau, trong một lần gặp Trần Kiết Tường, tôi kể lại câu chuyện trên. Ông rất vui, nói với tôi: "- Ở trong đó, họ không mấy để ý đến nội dung tư tưởng bài hát mà nghe cứ thấy giai điệu hay là thích thôi". Luôn thể ông cũng phàn nàn tình trạng không ít ca sỹ phía Nam trước đây quen hát tình ca sướt mướt khi hát "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" đã hát quá ủy mị làm sai lệch tình cảm ông muốn thể hiện trong bài.

Trần Kiết Tường sinh năm 1924, quê ở huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Năm 12 tuổi đã biết chơi đàn măng-đô-lin. Lớn lên, tiếng đàn của cậu càng lan xa trở nên nổi tiếng khăp vùng đến nỗi ai cũng gọi cậu là "Tường măng-đô-lin". Cậu được bố mẹ rất khuyến khích phát triển năng khiếu âm nhạc. Họ đã nhờ người mua cây đàn này tại xưởng đàn Henri Richard tận ngoài Hà Nội. Có cây đàn "xịn", cậu càng lao vào chơi đàn ngày đêm để về sau trở thành người chơi đàn này giỏi nhất trong những người chơi ở các đoàn văn công. Một lần, khi Trần Kiết Tường chưa trở về miền Nam, tôi bày tỏ nguyện vọng muốn được nghe ông chơi. Ông nói:

- Lâu lắm mình không chơi, chắc chắn không thể bằng ngày trước, sẽ vấp váp nhiều.

Ông chơi bài "Bánh xe lăn" do chính ông sáng tác dịp về Hà Tĩnh đón vợ và hai con ra Bắc. Số là sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc, để lại quê nhà vợ và hai con thơ. Năm 1957, vợ và hai con ông được ra Bắc. Nhưng khi ấy, nước ta chưa thống nhất nên muốn ra Bắc phải sang Campuchia rồi qua Lào để về Việt Nam.

Lúc từ Hà Tĩnh trở ra Hà Nội, ông đi nhờ một chiếc xe ô-tô. Cảm hứng dâng trào khi gặp được vợ con, ông đã viết nên ca khúc này tặng người lái xe yêu âm nhạc đã cho cả nhà ông đi nhờ: "Bốn bánh xe tôi lăn nhanh. Ôm tay lái tôi cho xe bon nhanh…".

Ngón đàn của Trần Kiết Tường quả là rất lôi cuốn người nghe. Ông gảy ròn tan. Âm thanh theo miếng gẩy của ông tuôn ra như mưa như gió. Ông còn có một bài hát tặng riêng vợ khá đặc sắc. Bà có tên là Trần Tố Linh, kém ông một tuổi, là Việt Kiều ở Campuchia, có nghề thợ may, đặc biệt là may áo bà ba rất đẹp.

Trần Kiết Tường có thời gian sang nước này dạy học đã mê đôi bàn tay khéo léo tạo nên những chiếc áo bà ba rất đẹp mà nên duyên với bà. Khi ra Bắc, bà mở tiệm may áo bà ba ở phố Hàng Khay bên hồ Gươm. Và ông đã viết nên bài "Áo bà ba" để tặng vợ: "Trời thanh thanh nắng tươi êm đềm. Hồ Gươm vui sắc hoa tươi thắm. Ngời ánh nắng áo tím áo xanh. Thoáng qua, thoáng qua, thoáng qua, kìa áo bà ba…".

Những năm sau hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), công chúng rất ưa thích nhiều bài của Trần Kiết Tường. Ngoài bài viết về Bác Hồ đã nhắc ở trên, ông còn rất nhiều bài nổi tiếng khác: "Cánh tay miền Nam trên đất Bắc", "Quê hương ơi! Ta sẽ về", "Tiếng hát người chăn bò", "Bài ca chiến thắng", "Mùa xuân ước vọng"… Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), ông trở về Nam sống và công tác.

Một ngày vào năm 1980, ông lên Đà Lạt chơi, được nghe kể về một loài hoa có cái tên rất gợi cảm là Mi-mô-za. Loài hoa này gắn với một truyền thuyết tình yêu lãng mạn. Ông đã viết nên bài "Mi-mô-za" thật đặc sắc: "Mi-mô-za vì sao em tới đất này? Đà Lạt đồi núi trập trùng. Đà Lạt trời mây nước mênh mông…". Có thể nói đây là một trong những bài hát hay nhất viết về thành phố du lịch mộng mơ từ trước tới nay. Giờ đây, mỗi khi nghe bài hát này, tôi lại nhớ một chuyện liên quan đến một cô gái người Mỹ. Đó là khoảng năm 2000. Lần ấy tôi có dịp vào Đà Lạt.

Cố nhạc sỹ Trần Kiết Tường lúc 2 tuổi (năm1926).

Một buổi tối, khi tôi vừa ăn cơm xong, định xuống đường đi dạo thì nghe phòng bên cạnh vang lên tiếng hát của một cô gái đang hát bài "Mi-mô-za" kèm tiếng đàn ghi-ta gỗ. Tôi lắng nghe thì thấy người hát cứ lơ lớ, phát âm không rõ, cứ như người nước ngoài hát bài Việt Nam. Tôi tò mò nhìn qua cửa sổ thì thấy đó là một cô gái Tây có mái tóc vàng, da trắng. Thì ra cô đang tập hát bài hát của Trần Kiết Tường. Cô hát sai nhiều chỗ, vừa không đúng các nốt nhạc, vừa sai cả về tiết tấu. Sau vài phút đắn đo, tôi quyết định gõ cửa, vào làm quen với cô. Thấy tôi, cô cất lời, giọng cũng lơ lớ:

- Xin chào anh!

- Cô hát rất hay. Tôi muốn được nghe cô hát bài này.

- Được! Được!

Cô cho biết là người Pháp, đi du lịch một tháng ở Việt Nam. Rất may là tôi cũng võ vẽ được một chút tiếng Pháp nên khi cô bí tiếng Việt, tôi sẽ nói bằng tiếng Pháp để cô hiểu. Cô đặc biệt thích bài "Mi-mô-za" nên cố tập bằng được. Tôi hỏi vì sao cô thích bài này thì cô nói nghe rất lãng mạn (romantique), gieo vào lòng cảm giác bâng khuâng, tiếc nuối rất khó tả. Rồi cô nhờ tôi sửa lại những chỗ cô hát chưa đúng. Cô tên là Ơ-zen Juy-li, sống ở thủ đô Pa-ris. Cô nói chuyến du lịch của cô vô cùng thú vị bởi ngoài việc khám phá đất nước Việt Nam, cô còn biết được bài hát này.

Câu chuyện trên diễn ra khi nhạc sỹ Trần Kiết Tường đã qua đời. Nếu còn sống để biết, hẳn là ông sẽ hạnh phúc biết nhường nào. Với nhiều tác phẩm có giá trị, Trần Kiết Tường là nhạc sỹ có vị thế vững chắc trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Ông được truy tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT ngay từ đợt phong tặng đầu tiên vào năm 2001.

Người ta còn biết đến ông là nhạc sỹ đầu tiên có công truyền bá dân ca các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Nam Bộ ra miền Bắc. Ngay từ bài hát đầu tay có tên "Anh Ba  Hưng" sáng tác từ trong kháng chiến chống Pháp, ông đã bộc lộ rõ thiên hướng tìm về âm nhạc dân tộc. Chính vì vậy mà các sáng tác của ông rất dễ đi vào lòng người.

Bài "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" là đỉnh cao của nghệ thuật khai thác chất liệu dân ca trong việc sáng tác ca khúc và là mẫu mực cho khuynh hướng dân tộc hiện đại, luôn đem lại hiệu quả cao, đầy sức thuyết phục đối với công chúng thưởng thức.

Nguyễn Đình San

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文