Nhà thơ Chim Trắng: Tình ta rồi cũng thả sông theo tình

08:00 12/10/2011
Từ ngày về hưu, nhà thơ Chim Trắng vốn khỏe mạnh và năng động bỗng phát hiện ra bản thân bị nhiều chứng bệnh. Tuy nhiên, mỗi lần gặp gỡ ai, ông cũng cười nói rất lạc quan. Thật sự ông không muốn làm bận tâm người thân và bạn bè. Vậy mà, sau ba tháng được bác sĩ xác định ung thư gan, nhà thơ Chim Trắng đã giã biệt cõi đời vào chập tối ngày 28/9/2011, hưởng thọ 74 tuổi.

Nhìn vẻ bề ngoài, nhà thơ Chim Trắng khá nghiêm khắc, nhưng nếu gần gũi ông mới hiểu được một tính cách Nam Bộ phóng khoáng và chân tình.

1.Tham gia cách mạng lúc tuổi còn nhỏ, cậu thiếu niên Hồ Văn Ba làm giao liên rồi trở thành cán bộ kháng chiến với bút danh Chim Trắng. Năm tháng ấy ghi dấu vào thơ ông: "Tôi chọn nơi sinh ra những căn hầm/ Thời mặt đất là đêm chưa có lửa/ Tôi chọn tiếng mõ tre làm điểm tựa/ Mang âm thanh đi suốt cuộc đời mình". Minh chứng một thời hào hùng của nhà thơ Chim Trắng thường được ông nhắc đến là một… cây súng. Chim Trắng đùa: "Những nhà thơ có súng trực tiếp chiến đấu gọi là nhà thơ cầm súng, còn tui ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam cũng có súng nhưng gọi là nhà thơ đeo súng!". Xung quanh cây súng của nhà thơ Chim Trắng có một giai thoại hài hước do chính ông kể.

Chuyện rằng, sau mười mấy năm xa nhà, ông được cho phép về quê thăm mẹ. Trời nhá nhem, Chim Trắng dáo dác ngó dọc ngó ngang rồi ghé đến cửa gọi khe khẽ "mẹ ơi, mẹ ơi"… Chưa thấy ai trả lời, Chim Trắng phát hiện có một gã khác cũng đang nấp trong nhà. Chim Trắng trợn tròn mắt nhìn gã kia, gã kia cũng trợn tròn mắt nhìn lại. Chim Trắng rút súng ra, gã kia cũng rút súng ra. Hoảng hồn sợ lộ bí mật, Chim Trắng ù té chạy. Uổng công lặn lội cả đoạn đường xa ngái, về tận nhà mà không được gặp mẹ, Chim Trắng kể cho đồng đội nghe. Nhiều người cười ngất, giải thích có thể đó là cái tủ đứng có tấm kiếng lớn… Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm cũ, Chim Trắng luôn kèm câu phân bua: "Hóa ra mình chạm trán mình mà cũng kinh hãi!".

Mảnh đất chôn nhau cắt rốn nhiều ân nghĩa ấy, ngày hòa bình trở lại, Chim Trắng bần thần viết: "Lâu lắm chưa về Phước Hậu/ Nằm nghe lá thở phía vườn sau/ Khuya bật dậy thắp nhang bàn thờ mẹ/ Nhìn mẹ nhìn ta khẽ gật đầu".

2. Nhà thơ Chim Trắng thích ruổi rong. Phẩm  chất một thi sĩ cứ giục ông phía những hành trình bất tận. Lúc nào điện thoại cũng nghe ông đang ở nơi nọ nơi kia. Mỗi chuyến đi ông như được tìm kiếm chính mình: "May có mặt đường không biết cười, không biết khóc/ Không biết dỗ dành, không biết đau thương/ Ta còn được trở về ta như cũ/ Lại cúi xuống mặt đường ký ức yêu thương". Ông ngại chốn ồn ã, nên lặn lội về Thuận An - Bình Dương mua được miếng đất gần ngàn mét vuông giữa đồng không mông quạnh để được thong dong "phố trưa nghiêng võng nhớ rừng/ rừng giương mắt lá như chừng ngó ta". Cái nhà khá rộng, một mình ông già tóc bạc lúi húi cuốc đất bón cây. Có mấy công nhân ngỏ lời: "Bác ơi, tụi cháu không có tiền thuê nhà trọ!", lập tức ông cho dọn vào ở chung. Ông nhường họ ở căn lớn phía trước, còn ông ở chái nhỏ phía sau. Ông tỏ ra yên tâm lắm, vì mình thỏa chí giang hồ, đã có người trông nom vườn tược.

Đột nhiên, có một ngày có mấy cháu gái khoanh tay thưa: "Bác ơi, đất của bác còn dư mấy chục mét phía sau, sao bác không xây cũng không rào lại?". Ông ngớ ra, vội gọi điện kiểm tra lại người đã bán đất. Thôi đúng rồi, mình mua bề dài đến 60 mét, mà cứ tưởng 57 mét. Mấy cháu gái được dịp thăm dò: "Hay bác cho tụi cháu mướn làm tiệm hớt tóc!". Ông trừng mắt: "Tui không phải địa chủ, không cho mướn đất. Cho mượn thì được!". Thế là ngoài mấy công nhân nghèo ở trong nhà, Chim Trắng có thêm mấy cô gái nghèo ở sau nhà. Thỉnh thoảng, giữa những chuyến đi, ông hỏi có làm ăn được không? Mấy cô gái nghèo bảo ế lắm, ông đề nghị: "Thôi, mấy cháu hớt tóc cho tui để có tiền ăn cơm!". Nhà thơ Chim Trắng - một ông chủ cho mượn đất miễn phí, dần dần thay đổi vai trò từ "khách hàng tiềm năng" sang "khách hàng hiện hữu" và trở thành "khách hàng chủ lực" của tiệm hớt tóc, đúng như thơ ông độ lượng: "Thôi còn một chút xanh trong/ Thả đi cho hết thề không lấy về".

Căn nhà của nhà thơ Chim Trắng ở Bình Dương thuộc khu quy hoạch biệt thự. Ban đầu ông làm cái cổng rộng ba mét, tự ông tập lái xe ôtô húc đổ mấy lần. Mỗi lần sửa xe cũng sửa luôn cái cổng. Lần húc đổ thứ nhất, cái cổng được mở rộng ra thành bốn mét. Lần húc đổ thứ hai, cái cổng được mở rộng ra thành năm mét. Lần húc đổ thứ ba, cái cổng được mở rộng ra thành sáu mét. Rộng thế thì chạy ra chạy vô đều an toàn. Tuy nhiên, tài nghệ lái xe của nhà thơ Chim Trắng vẫn không làm nhà văn Lê Văn Thảo bớt nắc nỏm chút nào. Lâu lâu ai hỏi, dạo này Chim Trắng ra sao, nhà văn Lê Văn Thảo trả lời không cần đắn đo: "Ổng đang xây nhà lại, nhà cũ bị ổng lái xe đụng sập rồi!".

Mảnh sân trong căn nhà của Chim Trắng, bên cạnh chỗ để xe ôtô có cả một cái hồ cá khá to, trở thành nơi đối với ông "không hoàng hôn chẳng bình minh/ ta lang thang giữa hai miền buồn - vui". Một hôm ông lái xe lên Sài Gòn mời một số bạn bè về nhà để chiêu đãi món cá trầu do ông nuôi. Nghe ông tuyên bố "Cá sạch, bảo đảm cá sạch!", ai cũng hớn hở. Ông phát cho mỗi người một cái rổ và cả chủ lẫn khách lội xuống hồ vớt cá. Nhà thơ nữ duy nhất trong nhóm là Phan Ngọc Thường Đoan có nhiệm vụ vừa đun nước sôi vừa vỗ tay cổ động. Cái hồ cá dưới trời nắng chang chang, có mấy ông nhà thơ bì bõm như một ngư trường hào hứng.

Quần quật nửa tiếng, không có con cá nào, Chim Trắng chau mày: "Sao kỳ dzậy ta, tui thả xuống hơn 100 con cá trầu, nửa sống nửa chết thì cũng còn 50 con chớ! Hay là mình không có kinh nghiệm vớt cá, cứ tát hết nước ra mà bắt!". Ngư trường lại tiếp tục sôi động, cá trầu do nhà thơ nuôi thì trụng nước sôi mà cắn ngập răng sẽ bổ dưỡng biết chừng nào. Các nhà thơ nam hì hụi tát nước, nhà thơ nữ hát "Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người" để khích lệ tinh thần. Ngư trường đang sôi sùng sục, anh công nhân được cho ở ké trong nhà tan ca trở về ngơ ngác: "Bác ơi, mớ cá hôm trước bác cho con, con bắt hết rồi!". Chim Trắng ngẩng lên chưng hửng: "Ờ, tui quên! Để tui chở mấy đứa bây đi ăn quán cháo vịt nổi tiếng nhất miền Đông coi như bù lại!".

3. Khi nhà thơ Chim Trắng ngỡ rằng có thể an nhàn trong căn nhà ở Bình Dương, thì ông đổ bệnh: "Cuối cùng tôi đã phóng con đường đi tới tình yêu và nỗi buồn/ Cuối cùng mỗi ngày vài ba sợi tóc rụng/ Mỗi ngày chuông điện thoại không reo/ Tình yêu không lên tiếng". Thế nhưng, ông âm thầm chịu đựng. Ông không muốn làm phiền ai, dù ông có sáu người con, ba trai ba gái, đều thành đạt. Khi chứng ung thư gan bộc phát, ông kiên quyết không vào bệnh viện. Cô con dâu út phải khóc năn nỉ ông: "Con về làm dâu bao nhiêu năm nay, chưa từng xin ba điều gì. Bây giờ con chỉ xin ba một lần thôi, ba để cho tụi con đưa ba đi cấp cứu!". Nhìn nước mắt đứa con dâu hiếu thảo, nhà thơ Chim Trắng xiêu lòng. Tuy nhiên, những bác sĩ tận tâm nhất cũng không thể giúp nhà thơ chống lại căn bệnh nan y. Ông lặng lẽ nhắm mắt buông tay hồi 19h15' ngày 28/9/2011.

Nhà thơ Chim Trắng đã chuẩn bị cho sự ra đi vĩnh viễn của mình. Ông để sẵn một cái lọ sứ và dặn các con, hỏa táng ông rồi bỏ một phần tro cốt vào đó, phần còn lại thả xuống biển như ông hằng ước nguyện: "Biết ra sao phút cuối cùng/ Tình ta rồi cũng thả sông theo tình/ Đứng từ sâu thẳm ta nhìn/ Em theo nước lạ đổ biền biệt xa/ Thả lòng theo biển mênh mông/ Thả đời ta đến vô cùng cõi em".

4.Nỗi ám ảnh cả đời thơ Chim Trắng là khói lửa chiến tranh. Đó là những cánh rừng căn cứ cách mạng gắn liền với tuổi trẻ của ông "một vùng lá cháy như những bàn tay nám đen đưa thẳng lên trời" khiến ông thao thức "lúc đốt lửa chôn đồng đội, lá bỗng thành con mắt đỏ tiễn đưa nhau". Một nhà thơ có "tiếng trực thăng đè nặng trong đầu" và "tiếng chim kêu bên kia hố bom" luôn dành những suy tư thầm kín và đau đáu cho ký ức chưa bao giờ thanh thản: "em bây giờ làm sao em hiểu nổi, chuyện chiếc lá của riêng ta, chiếc lá ở rừng".

Mảng màu đậm nét luôn khắc khoải trong thơ Chim Trắng phải kể đến những câu ngổn ngang hoài niệm: "nơi dày những hố bom sâu/ máu xương đã bắc nhịp cầu tôi qua" để thăm thẳm tin yêu "Tôi đi qua suốt bao miền/ Có đâu tôi dám quên nhìn lại sau". Từng mảng, từng mảng quá khứ cứ loang ra, cứ trồi lên, cứ bện lại: "Mẹ còn lượm từng miểng bom đâu đó/ Sóng bạc đầu bầm đỏ ở đâu đây/ Nhớ ở rừng đêm đêm nhớ vậy/ Sông không trước mặt mình nhớ bờ bãi ở sau lưng".

Nhà thơ Chim Trắng vẫy chào cõi nhân gian, nhưng hình ảnh của ông còn lưu lại trong lòng đồng nghiệp cùng với những câu thơ ông gửi gắm "vì tất cả tôi ra đi/ vì tất cả tim tôi hằng ngoảnh lại".

 Sài Gòn, 30/9/2011

Lê Thiếu Nhơn

LTS: Ngày 27/4/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên triển khai 6 mô hình điểm về Đề án 06. Đến ngày 30/6/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai 21 mô hình điểm về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (bao hàm 6 mô hình nêu trên). Đến nay, sau gần một năm triển khai, 17 mô hình cơ bản hoàn thành, 4 mô hình đang thực hiện, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo Đại tá Trần Thị Kim Lý, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, việc triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia hoạt động rửa tiền hàng chục ngàn tỷ đồng là kết quả của việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia trong tình hình mới. Trên cơ sở nhận diện được loại tội phạm này, Công an thành phố đã xác định được phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, triển khai hiệu quả biện pháp đấu tranh, triệt phá. Tuy nhiên, qua vụ án này cũng cho thấy nhiều vấn đề đáng lưu tâm…

Rạng sáng 1/5, trận bán kết lượt đi Champions league 2023/2024 đã diễn ra giữa hai đội Bayern và Real Madrid. "Kền kền trắng" vươn lên dẫn trước rồi để đại diện nước Đức dẫn ngược trước khi kết thúc trận đấu với tỷ số hoà.

Từ ngày 6 đến 8/5, các tay vợt bóng bàn Việt Nam bước vào vòng tranh vé dự Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á. Hy vọng giành vé dự Olympic Paris 2024, cũng là lần thứ ba góp mặt ở sân chơi này của các nhà quản lý, HLV và các tay vợt bóng bàn Việt Nam là có thật dù biết rằng không dễ thực hiện.

Đã 70 năm đã trôi qua, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi năm nào nay tuổi đã cao, chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong tâm khảm, không thể nào quên.

Nắng nóng gay gắt chấm dứt ở miền Bắc với sự xuất hiện của mưa lớn diện rộng với lượng mưa có nơi trên 50mm, nền nhiệt giảm nhanh gần 10 độ C. Khu vực Trung và Nam Bộ duy trì nắng nóng như "thiêu đốt".

Bắt đầu từ ngày 2/5, thí sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bằng hình thức trực tuyến. Thời gian đăng ký kéo dài đến 17h ngày 10/5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý, trước khi khai phiếu đăng ký dự thi, thí sinh cần đọc kỹ các mục và bản hướng dẫn ghi phiếu mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, những điểm nào chưa rõ phải hỏi cán bộ tiếp nhận để được hướng dẫn đầy đủ bởi thí sinh chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin khai trong phiếu.

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文