Nhà thơ Hoàng Cầm và cuộc trò chuyện cuối cùng về thơ trẻ đương đại

15:35 01/09/2017
Đã hơn 7 năm kể từ ngày nhà thơ Hoàng Cầm ra đi ở tuổi 89. Được biết, trước khi qua đời, Hoàng Cầm đã giao cho một nhà xuất bản nhiều cuốn băng ghi âm lời ông kể lại những diễn biến của cuộc đời mình với kháng chiến chống Pháp và thi ca dân tộc.


Ngoài tập thơ nổi tiếng "Bên kia sông Đuống" đưa Hoàng Cầm lên vị trí sáng chói của thơ ca Kháng chiến, thì nhiều tập thơ viết trong nửa thế kỷ qua của ông như: "Về Kinh Bắc", "Tiếng hát quan họ", "Mưa Thuận Thành", "Men đá vàng", "99 tình khúc"… đã khẳng định ông là một trong số những tên tuổi lớn của thơ Việt đương đại. Hoàng Cầm có một ảnh hưởng khá lớn và thơ ông có một lượng bạn đọc đông đảo. Tôi coi ông là một trong những ngọn cờ đầu của trường phái duy mỹ trong thơ Việt nhiều năm qua. Phải chăng chính vì sự khơi nguồn mạch chảy của thơ từ những cảm xúc duy mỹ nên ông đã rung động được lòng trắc ẩn của người đời.

Thơ trữ tình của Hoàng Cầm có một phong thái rất đặc biệt và đặc thù, tên tuổi của ông đã làm rạng danh cả một vùng Kinh Bắc - cái nôi của nền văn hoá sông Hồng. Theo tôi, những câu thơ trữ tình của ông được ủ bằng một chất men đặc biệt, trong đó có thể thấy cái ngậm ngùi thương nhớ của những câu ca vùng Quan họ còn bịn rịn đâu đây, cái bình yên siêu thoát của những tiếng chuông chùa vẫn bảng lảng ngân nga trong xa vắng và cái gần gũi với hồn người Việt trong tục ngữ, ca dao. Chính cái men - văn - hoá vùng Kinh Bắc đã để cho thơ Hoàng Cầm làm say người đọc bằng một thứ rượu - thơ của một miền tinh hoa cổ kính. Tài năng ông là ở chỗ tìm tòi đổi mới thơ mà bản ngã truyền thống vẫn không suy chuyển, nâng cao tư duy thơ mà giọng điệu vẫn không xa lạ với mọi người.

Mấy năm trước khi mất, nhà thơ Hoàng Cầm sau tai nạn bị gãy chân, hầu như không ra khỏi nhà. Khoảng hơn một năm trước khi mất, ông không còn sáng tác và không còn minh mẫn để đối thoại với bạn bè, để kể lại những thăng trầm của một đời thơ lừng lẫy từng "vang bóng một thời".

Ảnh: Nguyễn Đình Toàn.

Trước thời điểm đó, tôi may mắn được hầu chuyện Hoàng Cầm trong một buổi chiều tĩnh lặng, trên căn gác vắng vẻ của gia đình ông ở phố Lý Quốc Sư. Tôi cũng không ngờ đấy là lần sau cùng nhà thơ Hoàng Cầm còn ngồi dậy được để trả lời những câu hỏi phỏng vấn của tôi (với tư cách là một nhà báo) về thi ca cách tân và thơ trẻ đương đại.

Chiều đó, sau một hơi thuốc lào khá say sưa, Hoàng Cầm phả khói lên không và chậm rãi nói với tôi:

- Dạo này mình ngày một yếu, bữa ăn được bát cháo ninh xương, mệt cả ngày. Đêm chỉ ngủ vài ba tiếng, ngày không ngủ được, cứ  toàn nằm thao thức. Muốn đi thăm bè bạn cũng không được. Cái tuổi già nghĩ khổ lắm. Tôi đã gửi cuốn băng ghi âm ghi những lời tôi kể về cuộc đời tôi đưa cho Nhà Xuất bản Phương Nam để họ làm cuốn hồi ký. Hiện tại thì tôi không viết được nữa, tuy có những xúc cảm về thơ nhưng cầm bút lên thì không viết được nữa. Mình cũng đang định viết một cái ký về tình bạn của mình với Nguyễn Đình Toán (nhiếp ảnh gia) trong mấy năm cuối đời mà cũng chưa viết được. Toán là một người bạn rất tận tụy, không viết được mình cũng ân hận lắm

- Cháu có biếu bác cuốn sách "Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2005" viết về 45 nhà thơ Việt Nam đương đại. Bác đọc chưa?

- Mình đọc rồi, thấy cậu có một số phát hiện rất hay về Dương Tường, Đặng Đình Hưng... vì thứ thơ ấy những độc giả bình thường ít người cảm nhận được. Phải là người hiểu thơ và có tình cảm nào đó với tác giả thì mới hiểu được. Mình thấy cậu rất chăm chú và phát hiện.

- Theo cháu, thế hệ các bác là những người đầu tiên đặt nền móng cho sự cách tân thơ Việt Nam sau giai đoạn thơ Tiền chiến, nhưng không được mấy người nhắc tới?

- Họ quên thì cũng phải chịu thôi, nhưng mình tin vẫn có những người như cậu, rồi hàng trăm năm nữa người ta sẽ nhắc lại.

- Bác đánh giá thế nào về nhóm nhà thơ cách tân đầu tiên ở thế hệ bác như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương Tường?

- 5 người chúng tôi không chỉ là một nhóm thơ cùng chí hướng mà còn là tình bạn gắn bó lắm. Tất cả những bài thơ mới viết, chúng tôi đều đọc cho nhau nghe, không ai giấu ai cái gì, tất cả đều vì thơ ca. Vì là bạn thân nên chúng tôi hiểu được những điều muốn nói của nhau trong thơ, cái mà người khác có khi không hiểu được. Chẳng hạn như khi Đặng Đình Hưng viết câu thơ "Cơn mưa ngay ở gầm bàn" thì bạn bè chúng tôi hiểu được ngay, còn người không yêu thơ thì khó mà cảm nhận được. Nên phải có những người như cậu, phát hiện ra thì người khác mới hiểu được.

- Bác đánh giá thế nào về những cách tân thơ của nhà thơ Trần Dần?

- Trần Dần là số 1, ông ấy lù lù như một núi Thái Sơn về cách tân thơ và có nhiều đóng góp cho thơ hiện đại. Trần Dần chủ định đổi mới thơ và tìm tòi, cân nhắc trong từng câu chữ. Trần Dần lặng lẽ kiên trì đổi mới thơ sao cho bài sau phải khác bài trước theo một cách làm khác người. Trần Dần đổi mới ngay từ trong kháng chiến khi viết bài thơ dài "Việt Bắc". Ông Trần Dần quyết định chôn "Thơ mới Tiền chiến". Thật ra "Thơ mới Tiền chiến" cũng có đóng góp lớn cho nền thơ Việt Nam, nhưng nếu chúng ta cứ nhai đi nhai lại mãi thì cũng nhàm chán. Do vậy Trần Dần phải cách tân.

- Còn về Đặng Đình Hưng với 2 tập thơ "Bến lạ" và "Ô mai", thưa bác?

- Đến Đặng Đình Hưng thì thơ thật mới lạ. Sau khi đọc tập "Bến lạ" của Đặng Đình Hưng thì Trần Dần khen hết lời. Ông bảo tôi: "Mày phải đọc Đặng Đình Hưng đi, thằng này mới là ghê, là lớn đấy". Tôi đọc mới đầu cũng thấy thơ ông Hưng hơi lủng củng, khó hiểu, nhưng sau rồi đọc kỹ mới thấy lạ, thấy hay thật vì cách dùng chữ mới lắm, nó cứ bắt buộc người ta phải đọc lại, không thể bỏ qua được, mà phải đọc đi đọc lại tới bốn, năm lần mới vỡ ra được. Và đọc Đặng Đình Hưng không phải dễ đâu. Đến tập "Ô mai" thì là một truyện thơ trữ tình với những suy nghĩ của Đặng Đình Hưng khi gặp một cô gái ở trong một quán rượu.

- Hôm cháu gặp bác Lê Đạt, bác ấy nói với cháu về thế hệ thơ cách tân đầu tiên như thế này: Trần Dần là trưởng môn phái, còn Hoàng Cầm thì giời cho ông ấy thơ, ông ấy không cố tình cách tân mà thơ vẫn cách tân. Bác đánh giá thế nào về thơ cách tân của Lê Đạt?

- Có thể nói Lê Đạt là một nhà thơ "bạo phổi", nếu có một cái mới nào đó đưa được vào thơ mình là ông ấy bất chấp dư luận xung quanh và đấy chính là một ưu điểm của Lê Đạt. Tôi làm thơ là theo bản năng và tôi không định làm một cái gì cả. Tôi không bao giờ thích lý luận về thơ ca, làm thơ thì cứ làm thế thôi. Tập thơ "Về Kinh Bắc" nhiều người khen ngợi quá tôi cũng thấy ngượng. Thỉnh thoảng có Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo lại chơi. Vừa rồi có một đoàn làm phim từ Mỹ về có đến quay phỏng vấn tôi mấy lần.

- Theo bác, thơ cách tân của thế hệ trẻ hôm nay thế nào?

- Có hai vấn đề: Một là có người thơ trẻ cố làm ra vẻ cách tân nhưng thơ không đọng được, không đọc được. Hai là có người đã tìm thấy một cách biểu hiện mới, chữ nghĩa dùng cùng mới. Cách tân thơ không phải là cứ viết tuỳ hứng, bừa bãi được. Theo mình, chỉ có thơ hay và không hay mà thôi. Thơ ca bao giờ cũng xuất phát từ tình cảm hơn là lý trí và không thể nào khác được. Những người làm thơ trẻ bây giờ phải tránh bớt đi sự "giả vờ làm dáng" trong việc cách tân thơ. Bởi tự bản thân thơ ca đã mang trong mình tinh thần cách tân rồi và đấy là quy luật tự nhiên, tự thân phải đổi mới. Gần đây có một số người thơ trẻ làm ra bộ đổi mới, nhưng tôi nghĩ họ không đọng được với thời gian vì không có gì có thể thành thật hơn là thơ nên không thể giả dối được. Có thể non kém một chút cũng được nhưng không nên giả tạo. Ngay bản thân tôi cũng có lúc lẫn vào đâu đấy một chút thơ giả những rồi tôi kịp nhận ra và loại bỏ ngay

- Thơ trẻ gần đây có thể làm nên một diện mạo mới cho thơ Việt Nam hay không?

- Nó cũng thấy loáng thoáng những gương mặt thơ mới được phác thảo và cần phải ghi nhận sự cố gắng của lớp trẻ này, nhưng sự trải nghiệm của họ còn ít nên khi đổi mới cũng có những chuệch choạc. Họ phải bớt đi sự lải nhải giả tạo trong thơ. Tìm được một câu thơ hay ở lớp người trẻ bây giờ khó lắm, nhất là khi mở cửa ra với thế giới, lớp trẻ dễ bị choáng ngợp, bị ảnh hưởng bởi các trào lưu mới.

Trong buổi trò chuyện trên, nhà thơ Hoàng Cầm còn tâm sự với tôi một số chuyện khác nữa nhưng vì sợ ông mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe, nên tôi xin phép ông ra về. Không ngờ, đấy là lần cuối cùng tôi được hầu chuyện ông .

Nguyễn Việt Chiến

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文