Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc: Người mộng mơ gieo chữ
- Nhà Thơ Anh Ngọc: "Bạn văn của tôi là một trời thương nhớ"
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và thú chơi "Cây ánh sáng"
Tôi biết nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từ thời anh còn là Tổng biên tập Tạp chí Vì trẻ thơ. Bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ name card của anh khi ở cương vị này.
Quen biết và có nhiều dịp giao thiệp với nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, tôi thực sự trân trọng và cảm phục ông bởi nhân cách, lao động báo chí và nghệ thuật không mệt mỏi. Khen thơ văn của nhau với giới văn chương có thể là điều rất khó. Nhưng, với Lê Cảnh Nhạc tôi thấy rất nhiều nhà thơ, nhà văn lớn trân trọng sáng tác của anh. Đặc biệt, họ quý anh ở tấm lòng, ở sự tử tế.
Đọc thơ Lê Cảnh Nhạc từ khá sớm, nhưng khi đến với tập thơ “Non nước đàn trời” tôi thực sự choáng ngợp trước những cảm xúc của anh về quê hương đất nước.
Phần 1 có tên “Đất nước” có 59 bài, chiếm hơn 59%. Chắc hẳn trong “Non nước đàn trời” mới chỉ là bài chọn về chủ đề đất nước? Với miền Trung và quê hương Hà Tĩnh của mình, Lê Cảnh Nhạc chọn 16 bài, chiếm hơn 25%. Như vậy, nếu “chia” trái tim Lê Cảnh Nhạc dành cho miền Trung ¼ phần tươi đỏ. Đề từ của phần “Đất nước” gần như là sự thổ lộ: “Sông núi nơi đâu cũng lấp lánh tâm hồn”.
Tiến sỹ, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. |
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã đi khắp đất nước, nơi nào anh cũng có thơ. Nhiều bài thơ ngay tên thi phẩm đã có chất tráng ca, hùng ca như “Nhớ thuở hồng hoang”; “Tiếng gọi Rồng Tiên”; “Non nước đàn trời”; “Linh chuông Đồng Lộc”; “Khúc hát miền Đông”... Trái tim Lê Cảnh Nhạc rung lên tự hào, kiêu hãnh trước đất nước, dù đó là trước vẻ đẹp của huyền sử hay những gì trực giác tạo nên rung chấn trong trái tim thi sỹ. Khi viết về quê hương, cảm xúc Lê Cảnh Nhạc lại lắng đọng, da diết đến dỗi hờn. “Huyền thoại Hồng Lam”; “Đôi bờ ví giặm”; “Sao em không về quê cùng anh”... là những thi phẩm tiêu biểu trong số đó.
Với nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, tình yêu quê hương, Tổ quốc luôn thường trực trong anh và là chất xúc tác kích thích sức sáng tạo giúp anh có những phát hiện mới. Từ đó anh cho ra đời những bài thơ về đất nước, quê hương, về thân phận con người và cả những mảng đề tài xã hội. “.../Vẫn chưa thôi ngàn năm ngàn năm/ Vó ngựa biên cương, dập dồn bão biển/ Tiếng gọi Rồng Tiên cồn cào vọng đến/ Lòng chúng con thiêu đốt lửa hai miền” (Tiếng gọi Rồng Tiên)
Gần như đây không còn thổn thức riêng của trái tim Lê Cảnh Nhạc mà là tiếng đập của mỗi con tim cho cháu Lạc Hồng. Thế giới càng ngày càng bất trắc, biến đổi khó lường; không gian sinh tồn của người Việt đã và đang bị đe dọa, gặm nhấm từ nhiều phía. Do vậy, Lê Cảnh Nhạc đã nói thay tiếng nói của gần trăm triệu người dân đất nước.
Nhà văn Nga I.Ê-ren-bua trước đây khi nói về quá trình hình thành lòng yêu nước ví von sinh động và giàu hình ảnh: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Yêu đất nước, phải bắt đầu từ tình yêu với mái rạ nhà mình. Đọc thơ Lê Cảnh Nhạc, thấy anh luôn dành cho Hà Tĩnh nói chung, Hương Sơn huyện nhà nói riêng tình cảm da diết, nặng tình, trọn nghĩa. “Dù đi xa bốn phương trời vẫn nhớ/ Cánh diều loáng nắng Hương Sơn/ Tiếng sáo vút xanh Ngàn Phố/ Tình quê, tình người muôn thuở/ Theo ta đi suốt cuộc đời” (Về Hương Sơn).
Bìa hai tập thơ mới của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. |
Trong giới văn nghệ sĩ, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc nổi tiếng là người có nhiều tác phẩm thơ nhận được sự cộng cảm của các nhạc sĩ (nhà thơ đã cùng 22 nhạc sỹ cho ra đời hơn 100 ca khúc, hợp xướng)... Thơ Lê Cảnh Nhạc đầy giai điệu âm nhạc, và anh rất có “duyên” với nhạc sỹ.
Đã từ lâu, nhà thơ TS. Lê Cảnh Nhạc và nhạc sỹ, thiếu tướng Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) là một “cặp bài trùng” của âm hưởng sử thi và sáng tạo. Trong số 45 ca khúc, hợp xướng mà hai anh là đồng tác giả, được các đoàn nghệ thuật dàn dựng, trình diễn có 8 nhạc phẩm đã giành Huy chương tại các Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và toàn quân.
Tác phẩm “Những bông hoa hỏa tuyến” được tặng Giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật và báo chí 5 năm của Bộ Quốc phòng (2015 - 2020). Hai anh đã thực hiện nhiều chương trình lớn.
Có thể kể ra, các chương trình như: “Hát về Anh” tại Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; “Âm vang Điện Biên” tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ; “Những đoàn quân như sóng” tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, “Tỏa sáng đại dương” – Bài ca chính thức của Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ VI; hình tượng Bác Hồ trong nhạc kịch “Đêm trắng” và Bác Hồ với người dân Sơn La; “Lời thề lính biển” trong bối cảnh giàn khoan 981 của Trung Quốc đang xâm phạm lãnh hải Tổ quốc...
Cho đến bây giờ, người yêu âm nhạc Việt Nam không chỉ biết đến Lê Cảnh Nhạc với tư cách nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc mà còn tham gia viết kịch bản âm nhạc nhiều chương trình lớn của đất nước và địa phương. Có thể kể ra gần đây là Chương trình ca nhạc kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1010 năm Thăng Long – Hà Nội và 90 năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nhà thơ, TS. Lê Cảnh Nhạc vốn là giáo viên trường phổ thông cơ sở, được đi du học 5 năm ở Nga về tâm lý giáo dục học, nhưng khi về nước, anh rẽ ngang sang làm báo. Năm 1988, khi mới từ Liên Xô về nước, Lê Cảnh Nhạc định đầu quân làm giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thì gặp nhà thơ Định Hải.
Ông bảo: “Chú có đọc một vài truyện ngắn và các bài thơ cháu viết ở Liên Xô. Cháu có thiên hướng viết văn đấy, thôi đừng đi dạy học nữa, ra Hà Nội làm biên tập cho tờ Văn nghệ Thiếu nhi của Trung ương Đoàn”. Khi đó nhà thơ Định Hải là Tổng Biên tập của tờ này. Vậy là Lê Cảnh Nhạc đáp tàu ra Hà Nội.
Đó là những năm tháng khó khăn, nhưng đầy cảm hứng. Anh kể rằng, về Trung ương Đoàn, ngày làm việc và đêm đến nằm bàn cùng họa sĩ Thọ Tường và anh Tô Phán (nay là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Hà Nội). Ngày làm báo, tối đến ngồi một mình nghe đài, viết truyện, làm thơ. Viết xong đưa Đài phát thanh Hà Nội đọc, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam đọc, sau đó mới đăng báo. Vậy là một truyện ngắn được “ăn” nhuận bút “hợp lệ” ba lần.
Năm 1994, Lê Cảnh Nhạc thực hiện phóng sự “Mầm ác và hướng thiện” 5 kỳ, đăng báo Tiền Phong được trao Giải báo chí toàn quốc (hồi đó chưa gọi là “Giải báo chí quốc gia”). Tiếp đến, anh được nhận Giải thưởng “Phóng viên xuất sắc trong hệ thống báo chí của Trung ương Đoàn”.
Lê Cảnh Nhạc làm báo và ngày càng trưởng thành, chức vụ quản lý nhà nước cũng như quản lý báo chí trước khi anh nghỉ hưu là Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
Năm 1996, Lê Cảnh Nhạc được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam sau khi xuất bản ba tập truyện và được trao vài ba giải thưởng văn học... Cho đến nay, nhà thơ, TS. Lê Cảnh Nhạc đã xuất bản các tập sách: “Khúc giao mùa” năm 2005; “Không bao giờ trăng khuyết” năm 2010; “Non nước đàn trời” và “Khúc Thiên thai” cùng năm 2015... cùng 5 tập truyện và ký.
Về giải thưởng văn học, anh đã có Giải Nhì cuộc thi sáng tác thơ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô năm 1988, Giải thưởng Cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã và đang thực sự giàu năng lượng sáng tạo. Thơ như “người tình” thủy chung của tâm hồn anh. Âm nhạc thực sự nâng cánh cho thơ Lê Cảnh Nhạc bay lên, ngân rung, lay động lòng người...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nói: “Làm thơ mang đến vẻ đẹp cho cuộc sống đã quan trọng nhưng phẩm chất thi sỹ mang đến cho cuộc sống sự tử tế còn quan trọng hơn”. Lê Cảnh Nhạc là nhà thơ có phẩm chất thi sỹ, vốn không nhiều hiện nay.
Hiện nay, anh là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Hà Nội, tiếp tục cống hiến cho văn học nghệ thuật Thủ đô. Dù đã nghỉ hưu với danh phận công chức nhưng nhà thơ Lê Cảnh Nhạc vẫn bận rộn với các công việc cộng đồng.
Anh là người có uy tín, sức lan tỏa nên Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội vừa giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực. Chức vụ chỉ để chăm lo, động viên, kết nối quê hương và những người xa quê. Hoàn toàn vác trên vai “tù và hàng tổng” nhưng với Lê Cảnh Nhạc, anh vui khi được “vác”. Cống hiến dù ở góc độ nào, cuộc đời, thơ hay nhạc, với nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, đều mê say, đắm đuối.
“...Thương yêu ơi có hiểu/ Tiếng lòng trong tiếng thơ/ Tháng ngày ơi có nhớ/ Người gieo vần mộng mơ”, (Người gieo vần thơ Lê Cảnh Nhạc). Theo nhà thơ, nhà soạn nhạc người Đức thế kỷ 16 thì: “Tất cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những giấc mơ”. Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc vẫn thế, mộng mơ và miệt mài giải mã giấc mơ về cái đẹp.