Nhà thơ Lưu Quang Vũ viết gì trong vở kịch cuối cùng chưa công bố?
“Lời cuối “chim Sâm cầm không chết”
Trao đổi với tôi về nhà thơ Lưu Quang Vũ, anh trai mình, PGS-TS Lưu Khánh Thơ giãi bày: “Thời gian đã làm được nhiều việc, nó xoa dịu những nỗi đau tưởng chừng không thể chịu đựng nổi, nó sàng lọc những điều còn mất và lưu giữ trong ký ức nhiều dấu ấn không thể phai mờ.
Số phận khắc nghiệt đã không cho Lưu Quang Vũ kịp sống hết những năm tháng ngắn ngủi của đời mình. Anh kết thúc cuộc đời ở tuổi 40. Những năm tháng ngắn ngủi của đời mình, anh đã sống, đã yêu, đã làm việc hối hả như một bó đuốc rừng rực cháy. Điều duy nhất an ủi những người thân của anh, khi anh nằm xuống, đó là tình cảm yêu mến của bạn bè, độc giả đối với anh…”.
Lưu Khánh Thơ cho biết: Mấy thập niên qua, các vở kịch của Lưu Quang Vũ đã được công bố hết, chỉ còn một vở kịch đang viết dở dang. Lưu Quang Vũ đã viết khoảng 50 vở kịch từ năm 1979 đến năm 1988. Vở đầu tiên là “Sống mãi tuổi 17” diễn ở Nhà hát Tuổi trẻ cho đến vở cuối cùng là “Chim sâm cầm không chết” đang viết dở.
“Về vở kịch cuối cùng này, đầu tiên anh Vũ đặt tên là “Chim sâm cầm đã chết”, khi biết chuyện này, đạo diễn Phạm Thị Thành bảo ghê quá, toàn chết chóc, nên anh Vũ đổi thành “Chim sâm cầm không chết”. Vở kịch ấy đang viết dở dang, mới viết phân vai, mới viết được mấy trang đầu thôi thì anh ấy mất”, Lưu Khánh Thơ nghẹn lời.
Nội dung của vở kịch “Chim sâm cầm không chết”, Lưu Quang Vũ viết về khung cảnh ở Hà Nội. Lưu Khánh Thơ nói trong xúc động: “Em đọc kịch bản, thấy mở ra bối cảnh Hồ Tây, ngày xưa ở đấy chim sâm cầm nhiều lắm. Có một con chim sâm cầm bị thương, con chim bị vướng bẫy, sau đấy nó thoát ra, một cô bé khoảng 14-15 tuổi, nhà ven Hồ Tây nhặt được chim, mang nó về nuôi nấng, chăm sóc lành vết thương rồi thả nó về tự do. Sáng nào con chim ấy cũng bay trở về bờ hồ nơi cô bé ngóng đợi. Nhưng có một buổi sáng không thấy con chim trở về nữa.
Gia đình cố thi sĩ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. |
Hình như cô bé thấy có một cái gì đấy không bình thường lắm. Có một ông già họ Bạch gặp cô bé bên bờ hồ và hỏi: “Sao cháu có gì băn khoăn mà lại đứng ở bên hồ”. Sau đó ông nói với cô bé rằng: “Trước đây ở Hồ Tây này rất nhiều chim sâm cầm, bây giờ bị đánh bắt nhiều quá nên chim không còn nữa. Đây là giống chim quý ngày xưa dùng để tiến vua.
Theo lẽ đời, cỏ gấu, cỏ gà thường mọc tràn lan, còn những loài hiếm quý thì sẽ bị mai một, bị tiêu diệt đi, lẽ đời là thế…”. Đây là câu cuối cùng đang viết dở trong kịch bản. Đang viết dở thì anh Vũ đi Hải Phòng và bị tai nạn…”.
Đặc biệt, qua trò chuyện với PGS-TS Lưu Khánh Thơ, tôi được biết trong di cảo thơ của Lưu Quang Vũ còn khá nhiều bài chưa công bố. Trong đó có nhiều bài thơ viết về chiến tranh với cái nhìn rất nhân bản. Các bài thơ ấy cũng tương tự như bài “Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn” trước đây gia đình muốn đưa vào các tập thơ của Lưu Quang Vũ mà phải sau 3 lần, cho đến khi in tập “Thơ và đời Lưu Quang Vũ” mới đưa vào được.
Có điều rất kỳ lạ, Lưu Quang Vũ vào thời sung sức nhất của đời mình (cách đây 30 năm), anh viết hối hả suốt ngày đêm như cảm thấy chuỗi ngày sống trên thế gian này không còn là bao. Thời điểm ấy, nhiều đoàn kịch đã phải “cơm nắm muối vừng” chầu chực nhiều ngày ở nhà riêng của anh để chờ đợi kịch bản của anh.
Lưu Khánh Thơ kể lại: “Anh Vũ tính rất hay vì nể. Thời ấy, đúng là có chuyện các đoàn kịch cứ đứng chầu chực, rình mò, từ 4-5h sáng ở khu nhà gia đình bố mẹ em. Sớm ra, cứ mở cửa là đã thấy 2-3 ông ngồi chờ ở cầu thang, trông khổ lắm. Anh Vũ bảo mình cứ cố gắng viết xong kịch bản này cho họ vì có kịch dựng thì họ sẽ nuôi sống được thêm bao nhiêu con người”.
Viết hối hả như một định mệnh
Về tình cảm đặc biệt của các đoàn kịch dành cho nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ, PGS-TS Lưu Khánh Thơ cho biết thêm: “Hôm mới rồi, em cùng em trai Lưu Quang Định xuống xem Đoàn Chèo Hải Phòng dựng lại vở kịch “Ông vua hóa hổ” của anh Vũ viết cách đây gần 30 năm.
Đoàn kịch cho biết, họ trân trọng và biết ơn anh Vũ lắm, vì cái thời bao cấp đói khổ ấy, đoàn chèo đã sống được là nhờ mấy vở của anh Vũ, đầu tiên là vở “Muối mặn đời em”, sau đó là vở “Linh hồn của đá” đến vở “Ông vua hóa hổ” coi như là xông xênh diễn một ngày hai ba buổi, đi về các địa phương lên cả vùng sâu, vùng xa diễn mà bán vé rất là rẻ”.
Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng ngày ấy là diễn viên kể lại: “Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ ngày giỗ anh Vũ, giỗ tôi chẳng có gì cả, tôi chỉ thắp hương và có một bàn thờ nhỏ nhỏ ở sau đoàn trong một cái phòng nhỏ nhỏ, mua một gói thuốc lào và một cái điếu cày đặt lên bàn thờ. Khi anh Vũ làm việc, anh ấy chỉ có thuốc lào và điếu cày cho nên tôi rất nhớ!
Khi mà tôi đang diễn vở “Ông vua hóa hổ” ở Thủy Nguyên thì nghe tin anh Vũ mất trên đường đi từ Hải Phòng về, thế là chúng tôi vừa ra diễn, kể cả những vai hề, ra sau sân khấu thì tất cả đều khóc. Khi diễn chúng tôi vẫn nhớ đến anh Vũ và tri ân lắm”.
Kể chuyện về anh trai mình, xen lẫn niềm tự hào là nỗi niềm xa xót, PGS - TS Lưu Khánh Thơ cho biết: “Có một chuyện kể ra cũng thật là khôi hài. Có hôm, một số người hàng xóm bên cạnh nhà bố mẹ em kháo nhau “Anh Vũ viết kịch được nhiều tiền thật, có đoàn họ mang cả bao tải tiền lên nhà!”.
Đầu đuôi câu chuyện thế này, Đoàn Kịch Thanh Hóa lên gặp anh Vũ để đặt kịch bản, ông phó đoàn vác lên nhà một bao tải lạc, nói “Đoàn ở Thanh Hóa bị lũ bão, không có tiền, không có gì cả nhưng mà rất cần vở để diễn, nên chúng tôi mang bao tải lạc vỏ để biếu gia đình”.
Sau đó, khi vở kịch dựng xong, Đoàn Kịch Thanh Hóa lại mang 2 bao tải lạc vỏ lên cám ơn, cả nhà em ngồi bóc lạc suốt đêm đến đau cả tay, mỗi bao tải bóc ra chỉ được khoảng 5kg lạc thôi, mẹ gọi em đến cho nửa bao, nhưng hồi đấy lạc cũng quí. Sau đó, hàng xóm mới biết chuyện kịch của anh Vũ được trả nhuận bút bằng lạc.
Nhưng đấy cũng là chuyện hy hữu thôi, vì nhiều đoàn kịch “ăn nên làm ra” trả nhuận bút kịch bản cho anh Vũ thời điểm ấy cũng được 1-2 chỉ vàng một vở. Nếu vào thời điểm bây giờ mà viết kịch với tốc độ như anh Vũ ngày ấy thì chắc sẽ giầu to!”.
PGS - TS Lưu Khánh Thơ cho biết thêm: “Từ hồi lớp 4 anh Vũ đã viết nhật kí rồi, có những trang viết rất lạ và hay. Lên cấp 2 rồi cấp 3, anh ấy viết nhật kí nhiều như là đang chuẩn bị trở thành một người làm văn học chuyên nghiệp. Anh Vũ rất có ý thức về điều ấy, đó là phải rèn luyện, phải học, phải ghi chép và anh lên kế hoạch hẳn hoi. Anh Vũ được bố em dạy bảo, có ý thức chuẩn bị để trở thành người làm văn học chuyên nghiệp, có ý thức hẳn hoi chứ không đơn thuần chỉ là một tài năng.
Điều ám ảnh kỳ lạ, trong trang nhật kí năm 17 tuổi, anh Vũ viết rằng: “Ta cũng không cần sống lâu đâu, chỉ cần 40 tuổi, khi ta đã trả nợ một phần cuộc sống! Thần chết ơi, ta không sợ mi đâu nhưng đừng bắt đi sớm quá, khi ta chưa làm được gì”.
Sau này, anh Vũ mất năm 40 tuổi và dường như anh cũng tiên đoán được số phận của mình. Anh Vũ làm việc hối hả như quĩ thời gian của mình rất là hữu hạn. Em rất thương là hồi ấy, em cũng rất nông nổi, thấy anh mình nổi tiếng rồi thì bảo anh cứ viết nhiều đi. Anh Vũ nói, bây giờ sẽ phải dừng lại để làm một số việc đã ấp ủ cho thi ca, việc mà đòi hỏi mình phải sống vì mọi người, sống cho mọi người, mình phải có khoảng lặng để sống cho mình nữa vì cuộc đời rất là hữu hạn”.
“Anh Vũ là người có ý thức về cái hữu hạn của cuộc sống, nói nhiều quá thành nhàm. Lần đầu em nghe rất là sợ nhưng sau đấy anh nói vài lần thì mình thấy nó lại nhàm đi. Về sau nghĩ lại mới thấy kinh hãi, thấy xót xa.
Vũ có thói quen uống café buổi sáng, kiểu như là tiếp nhận các luồng sinh khí của cuộc sống. Ngày nào anh cũng ngồi café nửa tiếng, nghe xung quanh người ta nói chuyện. Anh cũng hay thích đi dạo. Ngày xưa Hà Nội vắng vẻ, các phố Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương có dãy bàng tán xanh, anh ấy rất thích. Đi dạo xong vào uống café, là cái thú vui của anh Vũ từ hồi trẻ, nó vừa là thư giãn, vừa nạp lại năng lượng cho mình.
Về sau, anh Vũ bảo không còn nhiều thời gian nữa nên sáng ra chỉ có thể dành 5-10 phút uống cafe thôi vì phí thời gian. Cứ như là có ma đuổi thúc giục ở đằng sau ấy. Ăn cũng tiếc, ngủ cũng tiếc, ngày anh Vũ chỉ ngủ 2- 3 tiếng thôi, rồi cứ làm việc triền miên như thế”, PGS - TS Lưu Khánh Thơ ngậm ngùi.