Nhà văn Võ Hồng: Cánh chim khuất nẻo cuối trời...

08:06 30/04/2013

Thầy hay nói thầy ghét thứ văn chương véo von, sáo rỗng, thầy ghét những nhận định to tát. Thầy nói, năm tháng sẽ qua đi, mình không thể lúc nào cũng đúng nhưng đừng bao giờ có thái độ cực đoan hay sự đánh giá vội vàng, hấp tấp về người khác...

Hồi còn tỉnh Phú Khánh, tôi từ Phú Yên vào Khánh Hòa học văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Tp Nha Trang). Trường nằm trên đường Lê Đại Hành, mỗi ngày đi chơi biển, chúng tôi thường ngang qua căn nhà im ắng 51 Hồng Bàng. Không nhớ là cô giáo Lê Khánh Mai (nhà thơ) hay cô Hồng Minh nói, tôi biết được đây là nơi ở của nhà văn đồng hương "cấp huyện" (Tuy An - Phú Yên) Võ Hồng, người mà mấy đứa mê văn chúng tôi đã "nghiên cứu" rất nhiều tác phẩm. Lúc đó, ông đã về hưu, không còn là Hiệu trưởng Trường cấp 2 Tân Lập 2 (Tân Lập là một phường của Nha Trang - ĐĐT).

Vợ ông mất lâu rồi, ông sống một mình trong căn nhà hai gác này (sau đó mấy năm mới có một vài nữ học trò đến đỡ đần, phụ giúp việc nhà). Lui tới nhiều lần, ông cũng chẳng nhớ tên tôi (kể cả sau này đi làm báo, tới nhà phỏng vấn, chụp hình ông). Mỗi lần từ nhà ông về, chúng tôi thầm thì với nhau: "Nhà bác Võ Hồng trông lạnh lạnh thế nào ấy…". Sau này, tôi nghe mấy đàn anh kể lại: Vợ ông (bà Phan Thị Báu) đã mất từ năm 1957, lúc ông mới 36 tuổi, để lại 3 đứa con thơ (con gái út vừa 3 tuổi). Và thế là suốt 56 năm ròng, ông đằng đẵng một mình một bóng nuôi con, rồi các con xa biền biệt, có người định cư nước ngoài…

Về điều này, xin trích lời nhà văn Trần Huiền Ân, người học trò lớn tuổi của nhà văn Võ Hồng: "Một điều hơi "lạ" là những chàng trai của Võ Hồng luôn luôn nhút nhát trước tình cảm, luôn luôn tỏ ra mình là người "quân tử", không dám "dấn thân" nên đa số đều "thất tình", nhưng rất chung tình, ôm ấp những mối sầu cảm đơn phương. Phải chăng đó là do cuộc sống của ông? Chịu cảnh gà trống nuôi con khá sớm, không dám tục huyền, vì lo sợ điều gì? Lo sợ không tìm lại được hạnh phúc đã mất, lo sợ cho tương lai các con, lo sợ một điều tiếng hay lo sợ những chuyện có thể xảy ra mà cũng có thể không xảy ra, cái kiểu lo sợ của những người ưa suy nghĩ?...".

Hình như ông rất rảnh rỗi. Cũng hình như ông rất bận, chủ yếu là ông bận suy nghĩ… cái gì đó. Ông chỉ ra cái bảng trước sân râm mát: "Qua đang dạy tiếng Pháp cho tụi nhỏ hàng xóm". Chúng tôi lắc đầu lè lưỡi, bởi đang vật vã với "món" tiếng Nga "giống đực, giống cái". Lúc đó, mặc dầu hình bóng ông quá lớn nhưng mấy đứa "văn chương hỉ mũi" chúng tôi cũng đã "dám" có cảm giác rằng ông hơi "chảnh chảnh, kỳ kỳ". Ấy là ông mải miết đắm chìm với bao ký ức xa xưa, với những thế hệ học trò, với một điều gì đó không hiện hữu trên cõi đời này... Chả quan tâm chúng tôi là ai, ông rút từng sấp thư, từng chồng lưu bút của học trò cũ (có cả thư ngỏ lời… yêu thầy) ra đọc cho chúng tôi nghe và bình luận vô tư, mặc chúng tôi có chú ý hay không. Ấy là lúc chúng tôi mới từ quê "một cục" vào Nha Trang học, đứa nào cũng bày đặt đổi giọng cho "ra phố", ví như "Nha Trang" thì nói thành "Nha Chang". Nghe thế, ông bất ngờ giận dữ… ngút trời: "Mấy đứa xứ Nẫu kia! Là dân biển hả? "Nha Tang" thâu, làm gì có "Chang, Chang"…!". Tụi tôi giật mình kinh hãi, chẳng biết vì sao nên nỗi? Giờ, ngẫm lại mới thấy, đời ông đi và sống nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng chất giọng xứ Nẫu Phú Yên không hề suy suyển!

Lại nữa, kỷ niệm trong tôi với nhà văn Võ Hồng là thường bị ông… kình. Cách đây hơn mười năm, tôi cùng một người bạn đến phỏng vấn ông theo sự đặt hàng của Tạp chí Kiến thức Ngày nay. Chẳng hiểu chúng tôi có nói gì trái tai (chắc là có ý chê bai hay bốc thơm về phụ nữ hoặc văn hóa Nam Trung bộ gì đó), nên khi tôi đưa máy ảnh lên chụp, ông bỗng nổi trận: "Mấy ông đem máy hình… dụt ra ngoài sân đi!". Thế là bất thành, đành về xin ảnh đồng nghiệp…

Năm tháng, tôi "dễ tánh" hơn và nhận ra: ấy là cốt cách đặc biệt của Võ Hồng, một người trọn đời gắn bó với hai nghiệp lớn: giáo dục và bảo vệ ngôn ngữ, bản sắc văn hóa vùng! Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Phú Yên nói: "Tôi học thầy Hồng nhiều thứ, nhưng cái quí giá nhất là thái độ dung hòa, không cực đoan, không giả tạo. Thầy hay nói thầy ghét thứ văn chương véo von, sáo rỗng, thầy ghét những nhận định to tát. Thầy nói, năm tháng sẽ qua đi, mình không thể lúc nào cũng đúng nhưng đừng bao giờ có thái độ cực đoan hay sự đánh giá vội vàng, hấp tấp về người khác".

Trò chuyện với nhiều người, tôi mới vỡ ra: ai đã tiếp xúc với Võ Hồng đều có ấn tượng khó quên! Tiến sĩ Thu Trang cho biết: Từ năm 1994, chị may mắn trở thành chỗ thân quen với thầy Võ Hồng khi làm luận văn cao học với đề tài "Võ Hồng - nhà văn và tác phẩm". Sau đó, chính thầy Hồng đã góp nhiều ý kiến thấu đáo, gợi ý cho chị làm luận văn tiến sĩ với đề tài "Con người và những giá trị văn hóa truyền thống trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975". Chị kể: "Tôi may mắn được thầy quý mến có lẽ vì tôi là người Phú Yên quê của thầy và cũng theo nghề dạy học như thầy. Nhiều khi tôi ở luôn nhà thầy cả mấy tuần, vì ngoài việc được trao đổi tìm hiểu qua chính tác giả, tôi còn được sử dụng nguồn tư liệu văn học rất phong phú mà thầy đã dày công lưu giữ. Hoàn thành luận văn cao học xong, nhiều năm sau, khi học tiếp nghiên cứu sinh, tôi lại quay vô nhà thầy để đọc lại một số tư liệu. Mới đó mà giờ tất cả đã hóa thành kỷ niệm, thành quá khứ xa xôi! Còn nhớ, mỗi lần ghé thăm thầy, từ dưới gác, chị Hiền hay các con chị đều gọi vọng lên gác: "Ông thầy có khách!", "Thầy ơi, có cô thạc sĩ đến!". Khẩu lệnh này không biết được qui định từ lúc nào, nhưng tôi cứ thấy vừa nghiêm túc, vừa hài hước. Thầy thỉnh thoảng đón tôi tận dưới sân, hoặc tận đầu cầu thang với câu nói thay cho lời chào: "Qua đi lên xuống để tập thể dục". Tôi thỉnh thoảng đùa thầy: "Thầy ơi, con thấy dáng thầy chuẩn rồi, khỏi cần tập thể dục". Thấy thầy hay mặc áo đơn, áo kép, đội mũ cho dù trời nóng, tôi "chọc quê" thầy: "Thầy cho con chụp mấy tấm ảnh để lăng xê cho mốt mới của mùa hè năm nay!". Thầy đùa lại: "Thì tui đã nói tui là đồ nhà quê mà!". Có khi thấy thầy xay nhuyễn cơm canh ra để ăn rồi bảo: "Cho khỏi mất công nhai!". Có lần, đang ngồi ăn thầy nói đùa với tôi: "Nhiều người ăn chay sao lại còn lấy đậu giả làm món mặn như thịt gà rút xương, thịt bò hầm. Thôi vậy, mình xay thịt giả làm đậu để ăn chay vậy!". Hai thầy trò cười ha hả. Thầy Hồng là người nghiêm túc mà dí dỏm, rất giản dị nhưng cũng rất nghệ sĩ. Nhìn thầy đùa vui với mấy đứa con nít hàng xóm hay ngồi với những người bạn văn chương đàm đạo, đều thấy rất thú vị!".

Nhớ hồi tôi học cấp 2 trường Ngân Sơn, có cô giáo nói rằng: Ngôi nhà thuở nhỏ của nhà văn Võ Hồng nằm ngay sau lưng trường mình, nhiều người bà con của ông vẫn còn ở đây, tôi đã có ý tìm hiểu và biết được vài người, rồi âm thầm khoan khoái tự hào: Quê mình có Võ Hồng!

Viết đến đây, trong tôi bỗng vang lên đoạn tùy bút Võ Hồng: "Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức lễ hội Bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Ðể tỏ lòng thương nghĩ đến cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn: nơ xanh. Cha mất: nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: hoa hồng nơ xanh. Mẹ còn, cha mất: hoa hồng, nơ trắng. Mẹ mất, cha còn: hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha đều mất: hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần, một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cùng khóc òa theo. Cha cũng như mẹ, rồi một ngày: "Ðỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc" (Cha mẹ mãn phần) nên mỗi người con đều phải vội vàng. Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi tình cha thương con là "cho" chớ không phải "cho vay" để có thể gọi là trả đủ" (Một bông hồng cho cha).

Còn mãi một cốt cách, một sự nghiệp lớn Võ Hồng…

Nhà văn Võ Hồng (còn có bút danh Võ An Thạch, Ngân Sơn, Võ Tri Thủy…) sinh ngày 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; tạ thế ngày 31/3/2013 tại Tp Nha Trang (Khánh Hòa), hưởng thọ 92 tuổi. Hơn 60 năm cầm bút, Võ Hồng đã để lại một gia tài văn học gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, hàng trăm tùy bút, bút ký, thơ, khảo cứu, phê bình,... Trong đó, những tác phẩm ấn tượng nhiều lớp bạn đọc như "Trầm mặc cây rừng", "Bên kia đường", "Hoài cố nhân", "Một bông hồng cho cha", "Nửa chữ cũng thầy"...

Đào Đức Tuấn

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文