Nhạc sĩ Lam Phương: Ám ảnh én trắng trong tình khúc buồn
- Nhạc sĩ trăm tuổi nơi giáo đường im bóng
- Nhạc sĩ Văn Ký: Đã bay đi giữa tiếng ca rộn ràng...
- Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính: "Ẩn sĩ" dưới chân núi Phật Tích
Một ngày đông giá, nhạc sĩ Lam Phương bỏ lại trần thế để về cõi thiên thai. Có lẽ chỉ ở đó, ông mới thanh thản mà quên đi những đớn đau nhân gian. Nhiều năm bị tai biến, nói năng, đi lại khó khăn nhưng ông vẫn hay nhắc đến người bạn gái năm nào mỗi khi xuất hiện trong các chương trình văn nghệ tại hải ngoại.
Trong một chương trình của Trung tâm Thúy Nga, nhạc sĩ Lam Phương không ngần ngại mà tâm sự trước hàng vạn khán giả rằng: “Tôi sáng tác nhiều bài vì nhớ tới một người bạn gái. Người đó là ca sĩ Bạch Yến”.
Ca sĩ Túy Hồng, vợ cũ của nhạc sĩ Lam Phương, mỗi lần sang Pháp gặp Bạch Yến cũng hay nói với bà rằng: “Chị biết không, ổng viết nhiều bài nhạc tình về chị lắm”.
Nghe vậy, Bạch Yến lắc đầu cười, coi đó như một lời đùa. Nhưng trong thâm tâm, bà mơ hồ nhận ra những câu hát của tác giả “Duyên kiếp” ám ảnh hình bóng bà - mối tình đầu đầy trong sáng nhưng xước xát cả đời người…
Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ. |
Khi ấy Bạch Yến mới 11, Lam Phương 15. Biết nhau từ cái ngày Bạch Yến đoạt Huy chương Vàng cuộc thi tiếng hát thiếu nhi do Đài Phát thanh Pháp Á tổ chức. Cô bé có giọng hát trong trẻo như chim họa mi được mời về thu âm cho Đài hằng tuần.
Dạo đó, Lam Phương cùng chúng bạn hay quanh quẩn ở nhà đài để tập tành sáng tác, hát với nhau những lời ca chưa khô vết mực. Gặp gỡ nhau hoài, anh và “cô bé” kết tình anh em. Những cuộc trò chuyện giòn tan như bắp rang bơ. Chẳng lần vuốt tóc, cầm tay. Bạch Yến khi đó hồn nhiên như sẻ non, không biết yêu đương là gì, chỉ thích và mến mộ người anh trai nhiệt tình, tốt bụng.
Vậy mà một ngày, Lam Phương mang chút quà mọn đến nhà Bạch Yến, khoanh tay kính cẩn thưa với mẹ cô rằng: “Thưa bác, cháu xin được hỏi cưới Bạch Yến làm vợ”. Bà mẹ trợn trừng sửng sốt, tưởng cậu chàng nói giỡn chơi. Nhưng thấy vẻ mặt nghiêm trang của chàng nhạc sĩ mới lớn, mẹ Bạch Yến hắng giọng: “Con gái tui còn nhỏ lắm, chưa gả được. Khi nào cậu đậu tú tài, tui mới tính chuyện con nhỏ. Cậu về đi”. T
ừ đó, Lam Phương coi Bạch Yến như vị hôn thê, chỉ đợi ngày rước nàng lên thuyền hoa. Hai năm sau, Bạch Yến bịn rịn chia tay Lam Phương, từ giã căn nhà tranh xiêu vẹo ở Sóc Trăng để rong ruổi dọc miền Nam Bắc đỡ đần mẹ khi cha đi biền biệt không về. Đoàn môtô bay của người chú giúp mấy mẹ con có cơm ăn qua ngày. Thỉnh thoảng Lam Phương lại bắt xe đò đi thăm cô.
Trong một đêm biểu diễn môtô, do trốn ngủ trưa đi coi phim nên Bạch Yến thiếu ngủ, bị ngã đến nỗi chấn thương sọ não, gãy xương sườn. Tai nạn kinh hoàng đó buộc đoàn môtô bay phải đóng cửa. Bạch Yến trở về quê xưa, mong chóng gặp lại người thương để lời thề non hẹn biển năm nào thành hiện thực.
Nhưng năm tháng thoi đưa khiến lòng người chẳng còn như cũ. Nhiều lời đồn rằng người nhạc sĩ tài hoa đã có bóng hồng khác. Tơ xưa, duyên cũ coi như đứt đoạn. Bị dối lừa, trái tim Bạch Yến dường như đóng cửa trước bao lời tán tỉnh, theo đuổi của bao “cây si”.
Gặp Lam Phương, cô vẫn nói cười bình thường để chôn chặt trái tim tan nát khi ông dịu dàng quan tâm. Lam Phương không hay biết lý do nàng từ chối lời cầu hôn. Mãi cho đến sau này, ông mới hay nỗi thống khổ của người yêu. Biết mình có lỗi, ông lùi về phía sau, lặng lẽ nhìn theo người thương bé bỏng nay đây mai đó đem tiếng hát cho người.
Ngày Bạch Yến sang Pháp để cô phát triển sự nghiệp vào năm 1961, ông viết “Kiếp tha hương”: "Thương cho thân gái đường xa/ mang vào kiếp không nhà/ trời đông thiếu chăn êm...".
Để quên đi mối tình đau thương, Bạch Yến lao vào công việc quay cuồng. Báo chí phương Tây thường gọi Bạch Yến là Lọ Lem Việt Nam. Tuổi thơ cơ cực bên mái lá nghèo hoàn toàn thay đổi khi cô gặp đôi giày thủy tinh định mệnh: “Đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
Thập niên 60 của thế kỉ trước, Bạch Yến đã là cái tên sáng giá trong làng ca nhạc miền Nam. Bà có thể hát được tiếng Pháp, Anh, Do Thái, Tây Ban Nha…, là ngôi sao Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Califonia, trình diễn tại 46 tiểu bang của Mỹ.
Bà còn là ca sĩ Việt Nam duy nhất được Mike Qayne mời hát trong phim “Mũ nồi xanh” (The Green Berets) của Hollywood. Bà cũng là ca sĩ quốc tế duy nhất hát trong chương trình truyền hình The Ed Sullivan show (chương trình ăn khách nhất của Mỹ trong khoảng thời gian 1950-1970), hòa giọng cùng các ca sĩ nổi tiếng của Mỹ thời đó như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Mike Douglas....
Ca sĩ Bạch Yến. |
Sau này, khi hôn nhân đổ vỡ, thui thủi một mình, dõi bóng hình người con gái ngày nào trên đường xa vạn dặm, Lam Phương luôn đau đáu trăn trở trong từng câu hát.
Như khi Bạch Yến lên đến đỉnh cao sự nghiệp ở xứ người, thỉnh thoảng mới về Việt Nam, ông viết “Tình bơ vơ” xót xa: “Ngày mình yêu/ Anh đâu hay tình ta gian dối/ Để bước phong trần tha hương/ Em khóc cho đời viễn xứ/ Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi…”.
Những giày vò đó mãi theo ông mỗi khi gặp lại người xưa: “Người ôm thương nhớ ra đi từ đấy/ Trời đày hai đứa vì thiếu tơ duyên/ Rừng còn thay lá tình vẫn chưa yên/ Thương chi cho lắm giờ cũng xa nhau/ Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu/ Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau…” (Thu sầu). Và còn nhiều khúc hát mà Lam Phương dành cho mối tình đầu, như: “Tình chết theo mùa đông”, “Cho em quên tuổi ngọc”, “Trăm nhớ ngàn thương”…
Đến tận bây giờ, nhắc chuyện xưa, Bạch Yến vẫn trân trọng, nâng niu, yêu mến người nhạc sĩ tài hoa nhưng lận đận đường tình chứ bà không hề có một lời oán trách.
Mối tình đầu, với bà là một giấc mơ đẹp, một hoài niệm đầy thơ mà bà trân trọng, giữ gìn đến tận bây giờ. Dẫu gì, phút cuối, khi tuổi đời chạm ngưỡng 36, trái tim bà đã chịu mở cửa, đã reo vui trong tổ ấm nhỏ với người chồng tài danh.
Ca sĩ Bạch Yến bảo rằng bà không ngại khi nhắc đến chuyện Lam Phương. Bởi nhạc sĩ, GS Trần Quang Hải - chồng bà hiểu rằng tất cả chỉ là quá khứ, ông tôn trọng góc riêng của mỗi người.
Thế nên thỉnh thoảng Lam Phương lại lặn lội từ Mỹ ghé thăm vợ chồng Bạch Yến ở Paris. Một lần ghé nhà Bạch Yến dùng bữa, Lam Phương viết vào cuốn sổ vàng của gia đình bà những dòng cảm tưởng ngân ngấn lệ: “Thấy hai người hạnh phúc, tôi rất ao ước nhưng mãi mãi không bao giờ được vậy”.
Ông coi bi kịch hôn nhân của mình là quả báo cho một mối tình bé dại đã tự mình đánh mất. Nhìn ông đau khổ, ăn năn chuyện cũ, Bạch Yến động viên, thuyết phục ông đừng vì buồn khổ mà ngừng sáng tác.
Sau lần gặp gỡ đó, Lam Phương gửi cho bà bài “Cho em quên tuổi ngọc” bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt”: “Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào/ Em quên được phút trong tay mưa bay dạt dào/ Ðến muôn đời sau em không còn nhớ yêu thương bên nhau lần đầu/ Cho em trao một lời cuối ăn năn quê hương tội tình/ Em xin được khóc cô đơn ôi thân phận mình/ Thế gian còn ai? Em xin từ giã thơ ngây xuôi theo dòng đời…”.
Năm 2014, bà từng về Việt Nam phát hành CD gồm 10 bài hát của nhạc sĩ Lam Phương khi tuổi đã trên ngưỡng thất thập. Hồi ấy, từ nước Pháp, bà gọi điện thoại nhờ ông chọn cho mình một số bài.
Đầu dây ở nước Mỹ xa xôi run run nghẹn ngào: “Tôi không ngờ có ngày em hát bài hát của tôi”. Ông sốt sắng gửi cho bà danh sách dài như lời tâm sự bao lâu muốn ngỏ. Đó là “Chờ người”, “Duyên kiếp”, “Em đi rồi”, “Cho em quên tuổi ngọc”…
Để CD hoàn thiện, dù sức khỏe yếu, phải ngồi xe lăn nhưng người nhạc sĩ tài hoa sẵn sàng ngồi cả tiếng nghe bà hát để dò từng từ, từng câu xem có lời nào hay giai điệu nào sai để ông chỉnh lại. Nghe cố nhân hát qua điện thoại, Lam Phương thốt lên: “Khâm phục Bạch Yến. Tuổi này mà còn hát khỏe quá!”.
Giờ đây, giữa Paris lạnh giá, bà tiễn đưa ông bằng giọng hát năm nào. Những bài ca bất hủ cất lên, không hờn, không oán mà chỉ còn xúc động, kính cẩn nghiêng mình mà tiễn cố nhân về trời. Bởi tất cả, mối tình ấy đã dệt nên những tình khúc tuyệt đẹp cho trần gian say đắm, để trong âm nhạc, họ vẫn gọi nhau là tri kỷ một thuở hàn vi…