Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng: Không giẫm vào chân mình
- Nhạc sĩ, NSƯT Kim Hoàn: Giữ mãi ngọn lửa tình yêu với âm nhạc
- Nhạc sĩ, NSƯT Phan Huấn: Ngân mãi khúc quân hành
- Nhạc sĩ, NSƯT Quang Vinh: "Đêm kể chuyện về người bằng âm nhạc"
- Nhạc sĩ, NSƯT Phạm Ngọc Khôi: Tìm cách thể hiện để hình ảnh của Bác mãi sống động với non sông đất nước
37 tuổi được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), là người sáng tác nhạc cho 3 bộ phim đình đám của điện ảnh Việt: “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Thương nhớ ở ai”... đó là vài “thành tích” mà người ta biết đến Nguyễn Quang Hưng - một gương mặt nghệ sĩ 8X với khát khao cháy bỏng là được “thổi làn gió mới” vào âm nhạc dân tộc, để công chúng và đặc biệt là giới trẻ không quay lưng với giá trị truyền thống của cha ông để lại.
Dám đương đầu với thử thách
Tôi biết đến Nguyễn Quang Hưng qua lời giới thiệu của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long: “Hưng là nhạc sĩ có tài”. Hẳn nhiên là vậy, anh vốn dĩ là người theo học đàn bầu nhưng lại sớm bộc lộ khả năng sáng tác và đạo diễn âm nhạc cho phim “Ma làng” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khi còn đang là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Rồi người ta lại thấy anh chững chạc trong vai trò Giám đốc âm nhạc cho nhiều đêm nhạc thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông và người yêu nhạc Hà thành, như show “Khúc ru tình yêu”, “Nụ cười mắt lá”, đêm nhạc nhạc sĩ Lam Phương và đặc biệt là “Bài ca tình yêu”.
Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng trong buổi họp báo cho đêm nhạc “Bài ca tình yêu”. |
“Bài ca tình yêu” là đêm nhạc mà anh cùng hai người bạn, người đồng nghiệp thân thiết là ca sĩ, nhạc sĩ Đinh Mạnh Ninh và nhạc sĩ Thành Vương cùng bắt tay nhau thực hiện với mong muốn mang tới cho khán giả một đêm thưởng thức trọn vẹn cảm xúc thăng hoa với những bản nhạc từ trữ tình tới sôi động theo nhiều phong cách và nhiều thể loại âm nhạc khác nhau như: Pop, Balatte, Swing hay Funky, Hiphop, dân gian.
Thật vậy, nếu được xem trực tiếp tại đêm nhạc mới thấy các tác phẩm được dàn dựng, phối khí rất kỹ lưỡng và công phu. Sau sự thành công của đêm nhạc, anh đang ấp ủ nhiều dự án âm nhạc khác trong năm 2020, trong đó có việc tổ chức và giới thiệu thêm nhiều tác phẩm mới cùng các nhạc sỹ trẻ khác có cùng “gu” âm nhạc trong một không gian vừa phải và ấm cúng.
Từ khi được quen biết và theo dõi quá trình hoạt động nghệ thuật của anh, tôi mới thấy được sự đam mê, tâm huyết, dấn thân, đôi khi là sự liều lĩnh và táo bạo trong người nhạc sĩ thành Nam. Điều đó thể hiện rõ nhất khi anh nhận lời làm đạo diễn âm nhạc cho bộ phim “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh. Bởi theo yêu cầu của đạo diễn phim thì chất liệu âm nhạc dân gian sử dụng quá nhiều và nếu không phải là người say mê âm nhạc dân tộc thì khó có thể làm tốt được phần việc quan trọng này.
Trong phim có những đoạn nhạc kéo dài đến 8 - 9 phút, có thể nói đây là kỷ lục về thời gian âm nhạc trong một bộ phim Việt. Anh từng vui mừng chia sẻ: “Mỗi người có một cách khác nhau nhưng theo tôi, trong cuộc chơi phải có sự dám chơi, dám hy sinh và đương nhiên tiền bạc phải được gạt sang một bên. Khi bộ phim hoàn thành, ê kíp đã dành cho nhau cái ôm, cái bắt tay, những lời cảm ơn và tôi nghĩ mình đã để lại giá trị khác ngoài việc kiếm tiền”.
Làm nghệ thuật sợ nhất là dẫm vào chân mình, Hưng từng nói thế với tôi. Bởi sau “cái bóng” quá lớn của bộ phim “Thương nhớ ở ai”, 2 năm trở lại đây anh chưa nhận lời tham gia làm âm nhạc cho bất kỳ bộ phim nào. Là người làm nhạc cho phim, anh cho rằng đây luôn là thử thách với bất kỳ nhạc sĩ nào.
Theo anh thì mỗi bộ phim đều mang đến nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật vì thế khi hòa âm cho phim cũng chính là mình được tiếp nhận đa cảm xúc, thế nên mỗi hình tượng nhân vật đều phải có tuyến âm nhạc mang cá tính riêng. Mặt khác, khi viết ca khúc cho phim thì người nhạc sĩ cũng phải hiểu thấu được nội dung phim để cô đọng trong một ca khúc mang tính khái quát tính chất của phim.
Vì thế mà khi bộ phim được phát sóng và giành được những giải thưởng điện ảnh danh giá, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh đã tiết lộ: “Thương nhớ ở ai” là bộ phim cực khó làm âm nhạc vì sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc của Đồng bằng Bắc Bộ như: ca trù, chầu văn, chèo, xẩm, quan họ, hát ru... nhưng nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng dám đương đầu với thử thách và đã thành công”.
Trọng trách lớn hơn
Sau khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào cuối năm 2019, nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng càng thấy trọng trách trên vai mình lớn hơn. Anh luôn tự dặn mình phải thật cố gắng trong những mảng âm nhạc đã và đang làm, như: biểu diễn, sáng tác và hòa âm. Cùng với đó, anh luôn update (cập nhật) xu hướng âm nhạc hiện đại để không cảm thấy hụt hơi trước nhu cầu của công chúng.
Theo dõi trên trang cá nhân Facebook của anh thì thấy anh vẫn thường xuyên tham gia phối khí cho các bản nhạc (cả cũ và mới) với mong muốn “thổi” vào đó “luồng gió mới”, hấp dẫn hơn, mới mẻ hơn để thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Đây là công việc mà anh vô cùng yêu thích, bởi trong quá trình tìm tòi, học hỏi đã giúp anh tìm thêm được cảm xúc mới mẻ, sáng tạo theo cách của riêng mình để cho ra những bản nhạc ưng ý.
Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng say sưa biểu diễn trong đêm nhạc “Khúc ru thời gian”. |
Là một nghệ sĩ trẻ năng động bắt kịp với xu thế công nghệ, anh cũng đã mạnh dạn xây dựng trang web hocdanbau.vn với mong muốn giúp nhiều người có thể tiếp cận và thỏa mãn đam mê với cây đàn bầu.
Các bài giảng của anh đều được soạn chi tiết và hướng dẫn tỉ mỉ cho các bạn mới chơi có thể tiếp cận ngay với cây đàn và những bài học một cách dễ dàng nhất. Khi mọi người còn đang nghi ngại về hiệu quả của việc dạy đàn bầu online thì anh quả quyết: “Có thể nói học trực tuyến thì học viên sẽ cảm thấy đôi chút khó khăn ban đầu nhưng không có nghĩa là họ không thể học tốt. Nếu tập trung thì các bài giảng bạn đều có thể tiếp cận thuận lợi”.
Tuy nhiên bên cạnh việc thầy dạy thì bản thân người học phải không ngừng cố gắng, nỗ lực. Anh bộc bạch: “Muốn là nghệ sĩ thành công thì phải có đam mê chơi nhạc, đặc biệt trong bộ môn đàn bầu thì phải rất chăm chỉ tập luyện và lắng nghe nhiều những tác phẩm của các nghệ sĩ thành danh để rút ra cái hay cho bản thân.
Ngoài ra bạn phải học tốt các môn về ký, xướng âm, nó sẽ giúp bạn có được cảm nhận về cao độ tốt, thêm vào đó đương nhiên bạn phải có được khả năng cảm thụ âm nhạc tốt. Đương nhiên, điều này thì do trời phú cho mỗi người một lượng khác nhau”.
Là người nhiều năm tham gia đào tạo đàn bầu, anh còn nhiều trăn trở, suy tư về chất lượng bài giảng của bộ môn này trong nhà trường hiện nay. Với “con mắt sư phạm” của mình, anh cho rằng, những tác phẩm viết cho cây đàn bầu nói riêng và cho âm nhạc truyền thống nói chung trong nhà trường hiện nay là quá ít. Hầu hết sinh viên học các bài đã cũ trong thời gian dài, có ít các nhạc sĩ để tâm viết cho các cây đàn truyền thống, trong đó có cây đàn bầu.
Có thể nói suốt hơn 20 năm đam mê, đắm đuối và sáng tạo theo cách của riêng mình, Nguyễn Quang Hưng giờ đây đang tràn đầy năng lượng và niềm tin trên con đường âm nhạc phía trước. Vậy nhưng, để có thành công như ngày hôm nay, anh cũng không quên nhắc đến hậu phương là tổ ấm nhỏ bé của mình.
Anh từng tự hào chia sẻ, người vợ và hai con luôn rất hâm mộ chồng/bố. Mỗi lần vợ con thấy chồng/bố trên sóng truyền hình thì các thành viên đều hứng thú và chăm chú theo dõi, điều đó làm anh cảm thấy thực sự hạnh phúc. Còn riêng cậu con trai của anh thì rất lo cho bố vì mỗi lần bố làm việc không được nghỉ ngơi, đặc biệt là buổi tối bạn ấy hay quanh quẩn bên bố và động viên: “Hôm nay ba có được ngủ không?”.
Thực sự câu nói của con nhỏ biết quan tâm bố làm anh thấy ấm lòng, tăng thêm động lực cho anh, dù công việc của anh nhiều khi mệt mỏi và vắt kiệt sức lực.