Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Người tụng ca phụ nữ bằng âm nhạc

08:01 05/01/2020
Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn thường được đồng nghiệp phong cho danh hiệu “nhạc sĩ chuyên trị phụ nữ”. Bởi trong những bài hát của ông, dù là tình khúc hay nhạc cách mạng, quê hương, luôn có dáng dấp người phụ nữ...


Chiều cuối năm, khi mùa xuân còn ngấp nghé ngoài thềm thì người nhạc sĩ già ấy đã cưỡi mây về trời. Ngoài kia, phố xá vẫn ồn ã – cái thanh âm mà bao lần ông muốn ngụp lặn, ôm lấy hít hà cho thỏa nỗi nhớ mong, cho cơn cô độc đừng bủa vây mình. Những ngày cuối đời, đã có lúc khi bệnh tật và thinh lặng giày vò, ông chỉ mong chóng về thế giới bên kia. Ở đó có những người phụ nữ thân yêu của ông, là mẹ, là vợ, là những nàng thơ mà một đời ông mãi mãi tôn thờ.

“Phụ nữ đẹp vô cùng”

Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn thường được đồng nghiệp phong cho danh hiệu “nhạc sĩ chuyên trị phụ nữ”. Bởi trong những bài hát của ông, dù là tình khúc hay nhạc cách mạng, quê hương, luôn có dáng dấp người phụ nữ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Có thể kể đến như: “Mẹ yêu con”, “Em đi làm tín dụng”, “Cô nuôi dạy trẻ”, “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Dư âm”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Gương mặt Kiên Giang”, “Tiễn anh lên đường”, “Bài ca năm tấn”, “Tiếng hát bản Mèo”…  Dẫu là trong lửa đạn, dẫu là trên cánh đồng chang chang nắng, hay ở lớp học…,  họ - từ già đến trẻ - đều hiện lên đầy cao đẹp.

Sinh thời, dù bệnh tật, đi lại vất vả, nhưng hễ nhắc đến những “bóng hồng” để lại dấu tích trong nhạc phẩm của mình, đôi mắt nhạc sĩ già lại hấp háy. Ông kể về họ với một giọng trìu mến, ấm áp của chàng nhạc sĩ si tình năm nào: “Tôi luôn tôn thờ phụ nữ. Với tôi, họ luôn đẹp, vẻ đẹp tinh khiết từ dung mạo bề ngoài đến cái nết bên trong. Có lẽ những bóng hồng đi qua đời tôi đều quá tuyệt vời, mà người đầu tiên tôi mãi biết ơn và tôn kính là bà mẹ tảo tần của mình”.

Bà Lê Thị Thang – mẹ của nhạc sĩ, mang vẻ đẹp hồn hậu của một cô gái quê. Chồng mất sớm, một mình bà Thang phải gánh gồng nuôi bầy con nheo nhóc. Dáng mẹ gầy và gánh muối oằn trĩu trên bờ cát trắng đi vào bài hát “Đường về Hộ Độ” với xúc cảm thiêng liêng của một người con: “Ngày xưa Mẹ đi về Hộ Độ/ Mua được muối mang về không đi bằng đường bộ mà phải theo đò vượt biển khơi sóng vỗ/ Bao đêm mất ngủ, mới đưa được muối về/ Ôi con đường xưa sao mà trắc trở, cũng vì con nhỏ bao gian khổ cũng không nề…”.

Từ hình ảnh người mẹ quá cố, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thương thân phận má hồng, yêu vẻ đẹp đôn hậu, giản dị, thanh khiết của họ. Thuở đôi mươi, ông được mai mối với cô gái dệt vải ở Thanh Chương. Hỏi thăm mãi, ông mới tìm được mái nhà lá đơn sơ khép mình ven sông, nơi ngày ngày cô gái đưa thoi dệt vải. Một hồi trò chuyện vòng vo, ông lấy hết can đảm tỏ tình.

Cô gái nghe xong, quay mặt nhìn ông rồi tủm tỉm cười, không đáp lời nào. Ông ra về, buồn bã như kẻ bại trận. Rồi từ đó ông về Hà Nội, không một lần ghé lại bến sông xưa. "Ai hôm nay ra khơi buông lưới. Mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ. Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa. Thương con đò cắm con sào đứng đợi" - câu hát trong “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, một trong chùm tác phẩm vinh danh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong đợt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000, khắc họa hình ảnh người con gái ấy.

“Tôi đâu ngờ nụ cười tủm tỉm ngày đó là cái gật đầu đồng ý. Sau này, một người quen của cô ấy ở Hà Nội bảo với tôi rằng: “Anh có một cái tội rất lớn. O tôi đã chờ anh gần 20 năm, ai hỏi cũng bảo đã có chồng. Vì một chữ thương, cả tuổi xuân đánh đổi chỉ để chờ đợi một người con trai không ước hẹn” – nhắc lại, ông chỉ thấy nỗi ân hận giày vò.

Người vợ đầu Mai Thị Cúc và vợ hai là bà Bạch Lê đều là người ông hết mực yêu thương bởi cốt cách hiền thục, đảm đang. Nhưng duyên tình của ông sao lắm lận đận. Duyên cầm sắt chưa lâu, cô thôn nữ Mai Thị Cúc vội vã từ giã cõi trần khi đứa con gái đầu lòng mới được ba tháng tuổi. Năm 2004, bà Bạch Lê cũng về cõi vĩnh hằng. Trên bàn thờ, lư hương dán một mảnh giấy nắn nót những dòng chữ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Nguyễn Thị Bạch Lê, người vợ thân yêu. Đã qua đời lúc 5g20 chiều, ngày 31 tháng 12 năm 2004…”. Cạnh đó, lư hương của người vợ cả cũng nắn nót dòng chữ đầy thương nhớ như thế: “Maria Mai Thị Cúc, người vợ đầu của tôi. Đã qua đời tối ngày 28 tháng 2 năm 1947 ở Vinh sau một năm sống với chồng con”.

Chuyện ít biết về “Dư âm 2” và ca khúc cuối cùng

Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ngoài những bài hát về quê hương, đất nước, nhiều người nhớ tới ngay những giai điệu ảo huyền của “Dư âm” - bản tình ca đầu tiên làm nên tên tuổi ông sau này. Nhưng có lẽ, ít người biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng sáng tác “Dư âm 2” (tên khác là “Một ánh sao trời”).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và bà Bạch Lê thời trẻ (1952).

Bản nhạc nên thơ lặp lại chuyện tình mộng mị và tan vỡ như khói sóng, để lại cho ông chuỗi dư âm ngân dài, đầy tiếc nhớ… “Một ánh sao trời ở giữa cuộc đời/ Ánh sao trần thế chiếu vào tim tôi/ Đây là ánh sao hay giọt sương rơi/ Vì đâu lấp lánh, vì đâu chơi vơi/ Tôi chưa kịp hỏi ánh mắt đâu rồi/ Mà sao trần thế tiếng đàn buông lơi/ Để dư âm vang mãi trong tiếng em cười/ Để tôi thương nhớ một đời riêng tôi…”.

Một ngày năm 1988, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị cảm sốt. Ông ghé quán tân dược trên đường Hai Bà Trưng (TP Hồ Chí Minh) để mua vài liều thuốc. Bỗng người ông run rẩy khi bắt gặp đôi mắt nai tròn xoe, đen lay láy. Ánh mắt ngây thơ, trong veo như hai giọt sương chăm chú nhìn ông. Đôi mắt người xưa của “Dư âm” 39 năm trước trở về ám ảnh. Ông thẫn thờ như đi trong miền mộng ảo tràn ngập ánh trăng năm nào. Khi cô gái trẻ thẹn thùng bước đến gần, ông mới sực tỉnh. Nàng thẽ thọt: “Xin lỗi, anh có phải là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý?”. Ông lúng túng gật đầu.

Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thì cô gái Huế ấy là con của một gia đình trí thức, danh gia vọng tộc. Sự thông minh, quý phái, mặn mòi của cô khiến ông trân trọng, cảm phục. Mối tình chớm nở chôn giấu riêng mình. Nhưng như lò xo bị nén, tình yêu sâu kín của ông đến lúc không kìm lại được nữa. Bài hát “Một ánh sao trời” ra đời trong đêm ông thức trắng nhớ về nàng.

Cay đắng thay, nàng từ chối bài hát ấy và đi về viễn xứ không lời từ biệt. Sau này ghé lại chốn cũ, ông mới hay nàng đã từ bỏ chốn hồng trần mà lụy nơi cửa Phật. Mối tình ấy có khác gì rung động của “Dư âm” xưa nên về sau nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đổi tên “Một ánh sao trời” thành “Dư âm 2”.

Sinh ra ở Vinh - Nghệ An, vậy mà một thời gian dài nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn được bầu làm Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh khi ông chuyển vào đây từ năm 1975. Bởi với hai bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, người Hà Tĩnh đã coi ông là “công dân danh dự”. Ít ai ngờ khi đã 83 tuổi, ông nằng nặc đòi trở lại sông Lam, núi Hồng mặc cơn tai biến hành hạ.

Số là trong đợt vận động sáng tác về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc nhân ngày giỗ các chị, nhà thơ – luật sư Bùi Mạnh Hảo đã đem bài thơ “Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã ba Đồng Lộc” đến nhờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phổ nhạc. Trong lời tâm sự khi ra mắt trường ca, nhạc sĩ viết: “Tại sao ở tuổi 83 này tôi còn viết trường ca? Trường ca là một thể loại dài hơn những ca khúc mà tôi đã từng viết. Nhưng khi viết bài thơ “Mười bông hoa trinh liệt giữa ngã ba Đồng Lộc” thì Bùi Mạnh Hảo cũng như tôi đã bắt gặp một nguồn cảm xúc vô cùng lớn. Sự rung cảm của thơ, như ngọn lửa thiêng, buộc tôi phải nghĩ ra một khuôn khổ nhạc đủ sức chứa đựng những rung cảm vô cùng mạnh mẽ đó. Nhưng ban đầu thì hình như vẫn còn những chỗ chưa thật ưng ý. Tôi và con gái Thái Linh đã phải nhân một chuyến đi theo lời mời của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, bố con tôi đã đến thăm mộ các O”.

Giữa ngã ba Đồng Lộc lộng gió, người nhạc sĩ già chống gậy nhấc từng bước, run run thắp nén nhang trên nấm mộ mười cô gái chưa tròn đôi mươi. “Tôi thấy ánh mắt các O long lanh trên những tấm hình của từng ngôi mộ. Ánh mắt nhìn thẳng vào trái tim thương cảm của tôi và thắp lên ngọn lửa thiêng khiến tâm hồn tôi sáng suốt. Ánh mắt ấy cứ theo tôi mãi cho đến khi tác phẩm được hoàn thành” – ông tâm sự.

 “Các O nằm lại đây phong sương cùng cây cỏ/ Dưới từng nấm mộ nhỏ e ấp một tâm linh/ Mỗi con tim chan chứa biết bao tình (…)/ Các O nằm lại đây vẫn thẳng hàng như một thời xông trận/ Đạn đã lên nòng, cuốc xẻng chắc trong tay...”.

Viết xong trường ca, ông ngã bệnh nằm liệt giường. Từ đó, đôi tay run run không còn cầm nổi cây bút, gảy từng phím đàn. “Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã ba Đồng Lộc” trở thành ca khúc cuối cùng, khép lại sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của người nhạc sĩ tài hoa.

Mai Quỳnh Nga

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文