Nhớ Trần Nguyên Đào – Nhà thơ tài hoa

08:03 18/08/2015
Nhà thơ Trường Giang khi còn sống có lần điện thoại báo tin cho tôi: ''Mình và Duy Khoát đều có tên trong danh sách: CÁC NHÀ THƠ VIÊåT NAM THẾ KỶ 20 đấy. Và cả Trần Nguyên Đào, người bạn thân ngày xưa của ông nữa. Danh sách được xếp theo vần họ. Tên ông ở số 108. Còn Trần Nguyên Đào ở số 630. Mở google ra mà xem...''.

Trần Nguyên Đào vội về với tổ tiên đã nhiều năm mà các bạn thơ cùng trang lứa vẫn không quên anh.

Tôi nháy chuột vào dòng tên Trần Nguyên Đào trong danh mục "Các nhà thơ Việt Nam thế kỉ 20", thấy hiện lên mấy dòng tóm tắt về tác giả và tác phẩm (ghi chưa đầy đủ) trong đó in bài thơ có tựa đề "Bữa Cơm Chiều", là bài tiêu biểu cho phong cách thơ của anh. Xin đăng lại để các bạn cùng đọc.

BỮA CƠM CHIỀU

Người đi trực chiến về
Cày cũng vừa tan buổi
Trăng ló sau lùm tre
Tiếng cười ran khắp lối.

Giữa sân mâm đặt vội
Chày khua rối cối vừng
Nồi cơm vừa chín tới
Thơm toát ra ngoài vung.

Mẹ luôn tay xới dỡ
Từng bát đầy như hoa
Đôi đũa thừa trong rổ
Nhắc nhớ người đi xa.

Các con ngồi xúm lại
Khói tỏa má tròn căng
Quả cà giằn mặn muối
Nhai giòn trong ánh trăng.

Chuyện cày bừa gieo hạt
Chuyện sửa vá cầu đường
Việc hàng ngày chống giặc
Lại đi vào bữa cơm.

 

Ôi, bữa cơm giản dị
Rất thanh khiết Việt Nam.
Như đất này đánh Mỹ
Vẫn đậm màu dân gian.

Trần Nguyên Đào quê ở Châu Kỳ, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đào có người anh ruột là nhà thơ, họa sĩ  Hồng Chinh Hiền, tên thật là Trần Hữu Chất, thời chiến tranh chống Mỹ có nhiều năm vào chiến trường Tây Nguyên. Hiện ông đang cùng gia đình sinh sống ở làng Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Năm 2012, họa sĩ Trần Hữu Chất được nhận giải thưởng Nhà nước đợt 3 về các tác phẩm mỹ thuật.

Cô giáo đang giảng bài thơ: “Chiếc xe lu” của tác giả Trần Nguyên Đào cho các bé ở lớp mẫu giáo.

Sinh thời, Trần Nguyên Đào là phóng viên báo Thể dục thể thao (Nay là Báo Thể thao Việt Nam)

Nhà thơ tự ký họa chân dung mình:

Có anh tên gọi Nguyên Đào
Ở trong tòa báo Thể thao lại gầy
Mắt to, mũi tẹt, môi dày
"Trường Sơn" mỗi gói một ngày hết veo.

Trường sơn là tên một loại thuốc lá hút rất nặng thời đó. Nhiều khi hết thuốc lá, anh phải "Vượt Trường Sơn sang Lào", xé giấy báo cuốn mồi thuốc lào như chiếc sâu kèn mà bậm môi hút, nhả khói khét lẹt.

Anh mất đột ngột năm 1977, khi đang gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp sáng tác. Dịp đó, nhiều tờ báo lớn trong nước: Nhân Dân, Văn nghệ, Cứu quốc, Độc Lập, Tiền phong, Phụ nữ… đều đưa tin buồn và đăng thơ di cảo của anh.

Trong thơ, Trần Nguyên Đào nói mình gầy chỉ là cách chơi chữ, vì thực tế Đào khá mập và điển trai. Có lần Đào vỗ vỗ vào đùi khoe với tôi: "Mày trông đùi tao này". Tôi đùa: "Bó giò phải ăn được cả tháng".

Vợ Đào là một người đàn bà nhan sắc, cùng quê Hà Tĩnh. Anh chị có hai con, một trai, một gái. Chị làm y tá tại bệnh xá ga Yên Viên, Gia Lâm và ở với các con bên đó. Còn Đào ở trong một gian phòng rộng chừng 16 mét vuông ở đầu phố Cửa Nam, gần tòa soạn báo Thể dục thể thao (nay là phố Lê Duẩn)

Thường chỉ chiều thứ bảy anh mới về Gia Lâm, mà cũng có khi vui bạn, rủ nhau đi bia rượu, nhưng sáng hôm sau vẫn không quên đạp xe về với vợ.

Trần Nguyên Đào là một người tài hoa và cả đào hoa, được nhiều nàng yêu thích. Anh không những viết thơ, viết báo, mà còn vẽ tranh biếm họa cho nhiều tờ báo ở Hà Nội. Vào khoảng năm 1964 - 1966, tôi thấy Đào làm cả tranh sơn khắc. Nhiều khi anh thức đến gần sáng cặm cụi với bộ ve khắc trong tay. Đã mấy lần Đào rủ tôi mang tranh đến cửa hàng Di Đà ở phố Hàng Trống  chuyên bán tranh tượng và văn hóa phẩm để ký gửi.

Bán được tranh, Đào cười phớ lớ vỗ vai tôi: Bây giờ tạt vào chợ Hàng Da thăm chị... mộc tồn, mang vào nhà tao RTC (rượu thịt chó) bồi dưỡng sức dân''. Đào thường hay mua một cái đầu chó luộc nhai giòn sừn sựt, nếu dư tiền thì mua thêm miếng nầm béo mềm. Bảo chị bán hàng lọc thịt, thái miếng và bổ sọ lấy bộ óc (chà, ngon như óc chó), bọc vào giấy báo với đủ rau gia vị: giềng, sả, húng quế, lá mơ, mắm tôm chanh ớt, mang về ngất ngưởng cho đến tối.

Cũng nhiều hôm Đào đến nhà tôi tại Khu tập thể Nhà xuất bản Nông nghiệp. Tôi  ở độc thân trong gian nhà cấp bốn trên phố Phương Mai ngày ấy còn lầy lội. Cơ quan NXB ở cạnh Công ty gia cầm Trung ương. Nhớ có một lần công ty này chuyển từ trại chăn nuôi về một xe gà công nghiệp thải loại. Gà bị say nắng nằm thoi thóp. Hàng xóm đổ xô sang mua. Tôi chạy ra "cướp" được hai con, mỗi con chỉ tám, chín lạng, rồi đạp xe đi tìm Đào. Thế là hai thằng cắt tiết, vặt lông. Con luộc thì ăn vã, con rang mặn để ăn cơm. Đào bảo: ''Tìm cho tao cái vỏ chai, tao chạy sang nhà anh Chất bên Kim Liên xin chai rượu nút lá ''chuối''.

Gà công nghiệp non, thịt nhão nhoẹt mà sao ngày ấy  ăn thấy ngon đến thế! Nhớ đêm đó là một đêm thứ năm, hai thằng nhâm nhi cho đến 21h. Cơm rượu xong, tôi rủ Đào ngủ lại, vì sợ rượu say, đêm khuya đi đường gió máy. Đào nháy mắt cười: "Hôm nay tao phải về vì có hẹn với một em sinh viên y khoa đang thực tập ở Bệnh viện Xanh Pôn, rất mê thơ tao…". Tôi thật không ngờ đó là  lần gặp cuối cùng của chúng tôi, vì chỉ hai hôm sau bạn đã bỏ tôi mà đi trong một cơn đột quỵ!

Đào coi thơ là sự nghiệp chính, đặc biệt rất thích làm thơ cho thiếu nhi và có nhiều bài thành công. Anh đã xuất bản tập thơ ''TRÊN ĐẤT NẮNG'', in chung với cố nhà thơ Nguyễn Đình Hồng (NXB Thanh niên, 1961), và in riêng tập thơ ''HOA XOAN'' (NXB Kim Đồng). Thơ Đào được in ở nhiều báo, và nhiều lần được in trong các tuyển tập thơ "SỨC MỚI" của Hội Nhà văn giới thiệu những bài thơ hay của các cây bút trẻ trong nước.

Trần Nguyên Đào là người bạn thân yêu của lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, thơ anh viết cho các em thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh, một số bài đã được chọn in vào sách giáo khoa cho các cháu học sinh nhỏ trong nhiều năm, chẳng hạn như bài "CỦ KHOAI NGHỆ: ''Củ khoai Nghệ/ Mập mập ghê/ Cắm bốn que/ Thành con nghé/ Em yêu thế/ Chẳng ăn đâu/ Nuôi thành trâu/ Cày giúp mẹ''.

Đào còn có bài thơ "CHIẾC XE LU" đã được giải trong cuộc thi thơ do Hội Nhà văn tổ chức. Bài này được thi sĩ Chế Lan Viên rất khen ngợi. Và đây cũng là bài viết cho thiếu nhi: ''Tớ là chiếc xe lu/ Người tớ to lù lù/ Con đường nào mới đắp/ Tớ là phẳng tăm tắp/ Con đường nào rải nhựa/ Tớ là phẳng như lụa/ Trời nắng như lửa thiêu/ Tớ vẫn lăn đều đều/ Trời lạnh như ướp đá/ Tớ càng lăn vội vã/ Mau chóng xong đường này/ Cho các bạn trồng cây/ Xe cộ bon bon chạy/ Rộn rịp người qua lại/ Rồi tớ lại ra đi/ Cái bụng sôi ầm ì/ Ngửi thấy mùi đất mới/ Quãng đường đang đợi…/ Tớ là chiếc xe lu/ Đừng chê tớ lù lù.

Đào rất hóm, ưa hài hước, mê chuyện tiếu lâm và thơ Bút tre. Có lần Đào kể: "Hà Tĩnh quê choa còn lưu truyền một bài thơ "siêu Bút tre" như thế này. À mà trước khi nghe thơ, cậu phải biết Hà Tĩnh có một vùng gọi động từ "trồng" là "lông". Chẳng hạn "trồng khoai", "trồng cà" thì gọi là "lông khoai", "lông cà", v.v...

Mỗi buổi sáng nghe lệnh kẻng, bà con xã viên ra tập trung chờ phân công lao động. Anh đội trưởng tuyên bố: "Hôm nay đội ta cần mười chị em đi lông khoai, ai xung phong? Vì ngại cánh đồng xa, chị em còn ấp úng, đội trưởng sốt sắng chỉ vào từng người: "Tôi hỏi, O này có lông không? O kia nữa, có lông không? Ai lông hay không lông thì lên tiếng…".

Vì thế mới có chuyện rằng: Vào khoảng năm 1956 - 1957, thuốc lào bỗng trở nên khan hiếm, nhiều gia đình đua nhau trồng thuốc lào trong khi nhà nước kêu gọi đẩy mạnh trồng cây lương thực để chống đói. Ty Tài chính tỉnh phải ra thông báo: Gia đình nào trồng thuốc lào nhiều ít đều phải khai báo. Diện tích trồng thuốc không được vượt quá 30 mét vuông. Và chỉ được trồng trong khu đất đã được quy định. Thế là tờ báo của tỉnh choa ngày ấy đã minh họa thành thơ rằng:

Lắng nghe ý kiến của ông Tài
Lông ít, lông nhiều cũng phải khai
Lông quá ba mươi thì phải phạt
Lông trong khu vực. Cấm lông ngoài
Ôi chao, thế mới là tứ tuyệt”.

Lại còn một chuyện, hồi chưa lập gia đình, Đào yêu một cô gái nết na, xinh đẹp và có tài thơ. Tên cô là Lan. Đào thường đọc cho tôi nghe thơ viết tặng nàng, thiết tha đến nỗi: "Mỗi tế bào anh rung một bóng hình em". Nhưng rồi họ không thể vượt qua bức tường thành của tôn giáo vì Đào là người bên lương, Lan lại sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Con trai bên lương muốn lấy vợ Công giáo phải tình nguyện theo đạo. Nghe lời khuyên của gia đình, bạn bè, Đào đành phải nén lòng chia tay người yêu. Lan đau khổ và đã gửi gắm lòng mình trong một bài thơ:

Đào đi đây đó đàng đông
Lòng Lan lắm lúc lạnh lùng lẻ loi
Trăng trong trằn trọc trên trời
Nhắc nhau nhắn nhủ những nhời nhớ nhung.

Thật là một thi phẩm về nghệ thuật chơi chữ, mà lại như dòng nước mắt tuôn rơi. Thi sĩ Trần Nguyên Đào trăn trở khôn nguôi, và cho đến khi từ giã cõi đời, anh vẫn còn nợ Lan một bài thơ "họa" lại.

Duy Khoát

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文